Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biểnNguyên tắc cơ bản trong phân định biển và lập trường của...

Nguyên tắc cơ bản trong phân định biển và lập trường của Việt Nam

Phân định biển là một hoạt động mang tính quốc tế, nhằm hoạch định đường biên giới biển (nội thủy, lãnh hải), ranh giới biển (vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) giữa hai hay nhiều quốc gia có bờ biển đối diện hay tiếp giáp nhau thông qua đàm phán trung gian hoặc các cơ chế tài phán quốc tế.

Thỏa thuận Việt Nam – Malaysia

Trên cơ sở đó, các quốc gia tổ chức, quản lý, bảo vệ và khai thác các nguồn lợi trong vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia mình theo đường biên giới biển, ranh giới biển đã phân định, góp phần xây dựng môi trường an ninh, an toàn, hòa bình, ổn định trên biển.

Đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, Điều 15 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 quy định: Khi hai quốc gia có bờ biển liền kề hoặc đối diện nhau, không quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến, trừ khi có thỏa thuận ngược lại. Đối với hoạch định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, Điều 74 và 83 của Công ước 1982 quy định: Việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau được thực hiện bằng con đường thỏa thuận theo đúng pháp luật quốc tế như đã được nêu ở điều 38 của Quy chế Tòa án quốc tế, để đi tới một giải pháp công bằng. Như vậy, nguyên tắc cơ bản trong phân định biển là nguyên tắc thỏa thuận và nguyên tắc công bằng. Tuy nhiên trên thực tế, do nhiều lý do, giữa các quốc gia chưa thỏa thuận và thống nhất để phân định hết toàn bộ hệ thống đường biên giới, ranh giới biển, dẫn đến tranh chấp phức tạp, kéo dài, nhất là trên các vùng biển thuộc khu vực Biển Đông. Trong đó, một số nước lớn không những không tuân thủ nguyên tắc thỏa thuận và công bằng, mà còn áp đặt chủ quan, tự vẽ đường biên giới, ranh giới biển, vi phạm, thậm chí bỏ qua quy định trong các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, gây mất ổn định an ninh trên biển, kéo theo nhiều hệ lụy trong quan hệ tổng thể giữa các nước trong khu vực. Vì vậy, Liên hợp quốc – tổ chức pháp lý quốc tế cao nhất, cần phát huy vai trò trong duy trì luật pháp quốc tế để bảo đảm công bằng quyền lợi cho các quốc gia có biển. Mặt khác, các quốc gia cũng cần tăng cường đấu tranh với những tư tưởng, hành động bá chủ, cường quyền trên biển, ảnh hưởng đến môi trường hòa bình, ổn định của khu vực.

Lập trường của Việt Nam về vấn đề phân định biển. Khoản 3, Điều 4 Luật Biển Việt Nam 2012 khẳng định: Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế. Trong thực tiễn phân định biển với các nước liên quan, lập trường nhất quán của Việt Nam là căn cứ luật pháp và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tính tới các hoàn cảnh và điều kiện tự nhiên trong khu vực phân định để đạt được một giải pháp công bằng mà các bên đều chấp nhận được.

Phân định biển là cơ sở quan trọng hàng đầu nhằm giữ vững ổn định, hòa bình trên biển để các quốc gia khai thác nguồn lợi từ biển phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Vì vậy, Liên hợp quốc và các quốc gia có biển cần nỗ lực để phân định biên giới biển, ranh giới biển dựa trên nguyên tắc thỏa thuận và công bằng, góp phần xây dựng một môi trường biển an ninh, an toàn, hòa bình, ổn định bền vững.

RELATED ARTICLES

Tin mới