Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ đi nước cờ mới: Vì sao Bắc Kinh cử người "hiểu...

TQ đi nước cờ mới: Vì sao Bắc Kinh cử người “hiểu Mỹ” sang Anh?

Thay thế Lưu Hiểu Minh là một chuyên gia về các vấn đề nước Mỹ, người trước đây đã được coi là ứng cử viên Đại sứ Trung Quốc tại Washington.

Ông Lưu Hiểu Minh (phải).

TQ thay Đại sứ tại Anh

Ngày 26/12, Trung Quốc chính thức công bố thời gian diễn ra kỳ họp Lưỡng hội năm 2021, tức kỳ họp thứ 4 Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc khóa 13 (tức Quốc hội) sẽ được tổ chức vào ngày 5/3 và kỳ họp thứ tư Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc khóa 13 sẽ được tổ chức vào ngày 4/3.

Cùng ngày, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP – Hồng Kông) dẫn lời ông Chương Huy Tông, Ủy viên Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, tiết lộ rằng Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh sắp nghỉ hưu và người kế nhiệm sẽ được thay thế bởi Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang.

Ông Lưu Hiểu Minh, 64 tuổi, giữ chức Đại sứ Trung Quốc tại Anh từ năm 2010. Ông là Đại sứ lâu nhất của đất nước tỷ dân ở cương vị này cho đến nay, và được truyền thông Anh coi là nhà ngoại giao Trung Quốc sắc sảo. Trước đây, các Đại sứ Trung Quốc ở nước ngoài có nhiệm kỳ trung bình khoảng 4 năm. Ông Lưu sẽ chuẩn bị cho việc bàn giao chính thức vào thời gian diễn ra Lưỡng hội Trung Quốc.

Theo thông tin được công khai, ông Trịnh Trạch Quang, 57 tuổi, từng là giáo viên trung học ở Quảng Đông; sau đó, ông theo học Khoa tiếng Anh của Đại học Sư phạm Hoa Nam; sau khi tốt nghiệp, ông làm việc tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc, từ nhân viên trở thành Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ – Châu Đại Dương.

Trước khi trở thành Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc kiêm Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, ông Trịnh cũng từng có kinh nghiệm chính trị ở các địa phương Trung Quốc. Từ năm 2010 đến năm 2013, Trịnh từng là Ủy viên Thường vụ Thành ủy Nam Kinh kiêm Phó Thị trưởng Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, sau đó là trợ lý của Ngoại trưởng Vương Nghị. Hai năm sau, ông được thăng chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích phương Tây, ông Trịnh được coi là một nhân vật thuộc phái “hiểu rõ về nước Mỹ” và là một ứng cử viên lý tưởng cho chức Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ. Bởi vì kể từ những năm 1990, Trịnh đã tập trung vào các vấn đề của Mỹ trong hơn 20 năm, từng đảm nhận qua các vị trí như Bí thư thứ nhất hay Tham tán của Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ v.v…

Nhưng theo báo tiếng Hoa Đa chiều, nhân vật thuộc phái “hiểu rõ về nước Mỹ” chỉ là một cái mác đơn giản được giới phân tích bên ngoài gán cho Trịnh. Mác này không phải là yếu tố quyết định đối với các Đại sứ được Bắc Kinh bổ nhiệm. Ví dụ, trong những năm gần đây, khu vực phụ trách của Trịnh không chỉ giới hạn ở Mỹ, mà bao gồm cả Châu Mỹ Latinh, Bắc Mỹ và Châu Âu.

Hơn nữa, các sự vụ của Mỹ và Anh không tách rời hay loại trừ lẫn nhau. Từ góc độ Trung Quốc, Trịnh Trạch Quang hoàn toàn đủ năng lực cho vị trí mới này. Kinh nghiệm học tập và chính trị của Trịnh tương tự như Lưu Hiểu Minh, xuất thân từ khoa tiếng Anh và có kinh nghiệm làm việc tại địa phương. Sau khi vào Bộ Ngoại giao, Trịnh Trạch Quang được cử đi học tại Đại học Cardiff ở Anh.

Được cử đến Anh có nghĩa là Trịnh sẽ không đến Mỹ“, Pang Zhongying, chuyên gia quốc tế tại Đại học Hải dương Trung Quốc, cho biết. “Dường như Trịnh đã đạt đến đỉnh cao sự nghiệp với việc đến Anh”.

Vị trí cho nhân vật “hiểu Mỹ”

Đánh giá từ những thách thức hiện tại mà nền ngoại giao của Trung Quốc đang đối mặt, việc Trịnh Trạch Quang kế nhiệm Lưu Hiểu Minh làm Đại sứ tại Anh là đúng thời điểm, bởi vì cả Trung Quốc và Anh đều đang phải đối mặt với những thay đổi về môi trường bên trong và bên ngoài cũng như những điều chỉnh chiến lược.

Một mặt, sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), Anh vẫn là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và theo chiến lược Nước Anh toàn cầu, nước này sẽ thúc đẩy ngoại giao độc lập song phương mạnh mẽ hơn.

Năm 2021, ngoài việc đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7, Vương quốc Anh cũng sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 16. Khi đó, hợp tác Trung – Anh về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu sẽ là một điểm sáng.

Mặt khác, sau Brexit, ảnh hưởng chiến lược của nước này đối với châu Âu trong mắt Mỹ sẽ giảm xuống, chính sách ngoại giao của Anh sẽ không còn bị ràng buộc quá nhiều với EU. Điều này tạo cơ hội cho Trung Quốc giành được sự ủng hộ của Anh trong nhiều vấn đề quốc tế.

Đồng thời, sau khi Anh độc lập hơn về ngoại giao, nước này có thể áp dụng lập trường “thân Mỹ” hơn các nước châu Âu khác, và tăng cường hợp tác với Mỹ trong các lĩnh vực như tình báo, quân sự, kinh tế và thương mại. Mỹ cũng hy vọng hợp tác với Anh nhằm kiểm soát Trung Quốc. Do khi các nước EU khác ưu tiên quan hệ kinh tế với Trung Quốc và ít chú trọng đến hệ tư tưởng khiến Mỹ lúng túng thì sau Brexit, Anh sẽ trở thành tâm điểm hợp tác của Mỹ.

Từ góc độ của Anh, Wang Yiwei, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân (Trung Quốc), cho biết, Anh sẽ cần tập trung vào mối quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc để bù đắp cho việc mất khả năng tiếp cận thị trường châu Âu sau Brexit.

Ông chỉ ra, lĩnh vực dịch vụ tài chính từng đóng vai trò quan trọng trong quan hệ Trung Quốc-Anh, nhưng hiện đang bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh Trung-Mỹ và các yếu tố khác.

Từ góc độ của Trung Quốc, ông nói: “Trung Quốc đang hy vọng nhận được sự bắt tay của các quốc gia ủng hộ việc kinh doanh với Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính để đối trọng với những quốc gia chú trọng vào an ninh quốc gia và đứng về phía Mỹ“.

Ông Joe Biden sẽ không ngay lập tức thay đổi một số chính sách của [Donald] Trump đối với Trung Quốc sau khi ông ấy nhậm chức. Trung Quốc sẽ phải theo dõi Biden một thời gian và sau đó chọn Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ đúng thời điểm”.

Ông Pang cũng nhấn mạnh, Trung Quốc muốn duy trì quan hệ với Anh, vì nước này giữ chức chủ tịch G7 vào năm tới và sẽ tổ chức Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc.

Ông nói: “Trung Quốc sẽ cần mở ra một mối quan hệ mới với Vương quốc Anh sau Brexit”.

RELATED ARTICLES

Tin mới