Từ ngày 11-17/1/2021, ông Vương Nghị lại có chuyến công du tới Myanmar, Indonesia, Brunei và Philippines. Dư luận quốc tế đủ nhạy để thấy rằng: Ngay trước thời điểm ông Joe Biden chính thức thành tổng thống Mỹ, chuyến đi này đã được Bắc Kinh tính toán.
Ông Vương Nghị và ông Duterte ngày 16/1 tại Manila
Chưa lâu, vào tháng 10 năm ngoái, ngoại trưởng Trung Quốc, ông Vương nghị đã có chuyến thăm chính thức 5 nước Đông Nam Á gồm Campuchia, Malaysia, Singapore, Lào và Thái Lan. Chuyến đi có nhiều nội dung, nhưng giới chuyên gia cho rằng, điểm nhấn của nó nằm ở vấn đề vacxin Covid-19 mà khi đó, Trung Quốc đang là một trong nhóm ít nước đi đầu nghiên cứu, phát triển. Nói cách khác, Trung Quốc muốn sử dụng vacxin như một công cụ ngoại giao để gia tăng ảnh hưởng.
Sang năm 2021, từ ngày 11-17/1, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lại có chuyến công du 4 quốc gia gồm Myanmar, Indonesia, Brunei và Philippines.
Trong chuyến công du này, vấn đề Covid lại được nêu ra như một trọng tâm với các thông tin đầy tính phô trương: Tại Myanmar, ông Vương Nghị hứa sẽ bán rẻ 300.000 liều vaccines do các công ty dược phẩm Trung Quốc sản xuất. Với Indonesia, số lượng là 3 triệu liều kèm việc chuyển giao công nghệ sản xuất. Còn với “kẻ đu dây” từng khiến Trung Quốc muối mặt trong vụ kiện nước này ra Tòa trọng tài (PCA) là Philippines, một lượng lớn vacxin cũng được hứa hẹn chuyển gấp. Chưa hết, đại sứ Trung Quốc tại Philippines Hoàng Khê Liên, nhân chuyến thăm của ông Vương Nghị đến Manila, còn viết rằng “Sự hợp tác ứng phó với đại dịch trong năm vừa qua đã củng cố và đẩy mạnh mối quan hệ đối tác trong kỷ nguyên mới, đồng thời, là một minh chứng sống động cho mối quan hệ giữa nhân dân hai nước chúng ta”.
Câu chuyện vacxin quả thật là quan trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang hành hạ nhiều quốc gia; Gần đây, lại thêm mối lo ngại về biến thể của virus Sars Cov-2. Nhưng dư luận quốc tế đủ tinh tường để bình luận rằng, còn những vấn đề quan trọng hơn nữa đối với ông Vương ngoại trưởng trong chuyến đi này.
Thứ nhất, thời điểm của chuyến công du không thể là ngẫu nhiên, mà đã được tính toán trước. Trung Quốc thừa biết quan điểm đối ngoại của tổng thống Mỹ đắc cử – ông Joe Biden. Trong chiến dịch tranh cử, “ông già” 78 tuổi này từng hứa hẹn sẽ khôi phục các cam kết của Mỹ với các đối tác và đồng minh quốc tế. Trong các đối tác, đồng minh đó, không thể không có các nước khu vực Đông Nam Á. Thế nên, nếu không nhanh tay, khi ông Joe Biden ngồi vào ghế tổng thống thay ông Trump, các nước kia sẽ ngả về với Mỹ.
Thâm hơn nữa, dù không được tiết lộ, nhưng dư luận cho rằng, thể nào ông Vương cũng giả vờ phân tích và quan ngại đối với những bất ổn hiện tại của Mỹ. Trước hết là bị đại dịch Covid-19 hoành hành. Sau nữa, là sự xung đột dữ dội giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa, điển hình là vụ bạo loạn, choảng nhau ngày 6/1 khiến cả thế giới choáng váng…, từ đó nhấn mạnh, đề cao vai trò của Trung Quốc, đồng thời ve vãn các nước Đông Nam Á.
Thứ hai, lịch trình, lộ trình chuyến công du cũng cho thấy sự “ưu tiên” của Trung Quốc. Tại sao Myanmar là nước đầu tiên? Câu trả lời là: Myanmar là quốc gia sắp đảm nhiệm vai trò nước điều phối các mối quan hệ của ASEAN và đồng chủ tịch các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông. Thế nên, vào thời điểm này, Bắc Kinh thấy rất cần đề cao một nước như vậy.
Khóa lại chuyến đi, là Philippines. Ông bạn “sớm nắng chiều mưa”, luôn chơi trò “đu dây” này thì Bắc Kinh quá biết. Họ càng biết hơn, Mỹ quan tâm thế nào đến Philippines. Vậy nên, Bắc Kinh nhận thấy, với đối tác này, cần phải tạo ra các cú hích mạnh để thắng được sự co kéo của Washington. Chẳng thế mà ông Vương cứ đay đi, đay lại với lãnh đạo Philippines rằng: “Chúng ta không thể để 1% khác biệt làm chệch hướng 99% mối quan hệ”.
Còn hai quốc gia nằm trong “khúc giữa” của chuyến công du?
Brunei không lớn, cũng không bị đại dịch hoành hành. Nhưng quốc gia dầu mỏ này lại đang là đương kim chủ tịch ASEAN 2021 nên tiếng nói với vấn đề Biển Đông khá là quan trọng.
Indonesia, trong con mắt Trung Quốc, sau thời gian dài lặng lẽ, gần đây, đã tỏ ra “cứng đầu”, làm toáng lên khi tàu hải cảnh của Trung Quốc mới “thử” đi qua quần đảo Natuna giàu có. Nhưng thời điểm này, Indonesia bị đại dịch hoành hành dữ dội, kinh tế khó khăn, Trung Quốc xòe hai bàn tay: Một tay cầm vắc xin, một tay cầm tiền, hẳn là đúng lúc. Indonesia sẽ ơn huệ lắm, và sẽ trở nên “dễ bảo” hơn.
Như vậy, chuyến đi cập rập đầu năm của ông Vương Nghị là để “lo việc lớn”. Cụ thể là nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Rất có thể vì thế, Vương ngoại trưởng đã không đặt vấn đề “ghé” Việt Nam, vì thừa biết, trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam có quan điểm cứng rắn như thế nào.