Cuối năm 2020 đã có thông tin dự thảo sửa đổi Luật cảnh sát biển mới, Trung Quốc cho phép cảnh sát biển dùng vũ lực đối với các “vụ bạo lực hàng hải nghiêm trọng”. Nay thì Luật này đã được ông Tập ký ban hành. Nhưng dư luận cho rằng: Nó sẽ gây khó cho chính Trung Quốc.
Trung Quốc có dám sử dụng vũ lực trước tàu chiến Mỹ?
Biển Đông nóng bấy lâu nay, chịu trách nhiệm chính là Trung Quốc. Nếu không có cái gọi là “đường 9 đoạn” tham lam khoanh 85% Biển Đông thành của riêng, đến mức, dư luận gọi nó là “lưỡi bò”, vùng biển giàu có, mênh mông, bao la này đủ cho tất cả. Biển Đông sẽ yên bình thay vì ùng oàng tên lửa đạn đạo, tiếng gầm của máy bay, tiếng quẫy đập dữ dội của các chiến hạm, cùng những vụ đâm, húc, va quẹt khiến những ngư dân hiền lành khiếp đảm.
Cảnh sát biển Trung Quốc vốn đã ngang ngược, hung hăng, nay thêm cho nó một quyền như dự thảo luật nêu trên, thì là quá nguy hiểm, khác nào đưa dao cho kẻ côn đồ.
Khi đó, dư luận vẫn còn hy vọng các đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc còn đủ tỉnh táo để không bấm nút thông qua một điều luật tiếp tay cho các hành động côn đồ. Những người lạc quan hơn còn cho rằng: Sự lên tiếng phản đối tức thời của Nhật Bản, Việt Nam và một số nước liên quan khác sẽ đến được với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và sẽ được họ quan tâm…
Tuy nhiên, thêm một lần nữa, Trung Quốc cho thiên hạ thấy, lòng tham đã biến họ thành kẻ không gì không dám, không gì không thể làm, sẵn sàng bỏ ngoài tai mọi phản ứng của dư luận và cộng đồng quốc tế.
Ngày 22-1, Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã ký lệnh ban hành Luật hải cảnh cho phép lực lượng cảnh sát biển nước này dùng vũ khí nhắm vào tàu nước ngoài, sau khi dự luật này được thông qua tại hội nghị lần thứ 25 của Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc.
Về nội dung, những điều khiến dư luận lo ngại khi nó còn là dự thảo, so với luật chính thức vừa được ông Tập ký ban hành, cơ bản vẫn thế. Nó quy định cụ thể các trường hợp lực lượng này có thể sử dụng các loại vũ khí khác nhau, gồm vũ khí cầm tay, vũ khí được phóng từ tàu hoặc từ trên không. Nó cho phép thành viên lực lượng được phá công trình mà “nước khác xây dựng trên các bãi đá ngầm” và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc có yêu sách chủ quyền. Nó còn cho phép hải cảnh Trung Quốc thiết lập tạm thời các vùng cấm di chuyển để “ngăn tàu thuyền và người xâm nhập”…
Dĩ nhiên, một bộ luật như vậy, trước tiên, ảnh hưởng trực tiếp đến các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia – những nước va chạm lợi ích trực tiếp nhất, cũng là những nước “cứng đầu” nhất với Trung Quốc bấy nay.
Tuy nhiên, liên quan bộ luật, điều dư luận quan tâm nhất lúc này lại là việc Trung Quốc liệu có dám “làm thật” với Mỹ?
Lý do thật dễ hiểu. Bướng bỉnh, phản đối quyết liệt là cái chắc, nhưng rõ một điều, các quốc gia trong Asean nêu trên, trong thế yếu hơn về quân sự, cần phải tính toán kỹ khi định đối đầu, thách thức Trung Quốc trong cái gọi là “vùng biển mà Trung Quốc có yêu sách chủ quyền”, cho dù, yêu sách của Trung Quốc đã bị Tòa trọng tài (PCA) bác bỏ trong phán quyết ban hành tháng 6 năm 2016 của vụ kiện thế kỷ do Philippines đưa ra.
Nhưng Mỹ thì khác. Cho tới hiện tại, họ vẫn “trên cơ” Trung Quốc nhiều về quân sự. Tháng 7 năm 2020, cường quốc số 1 này đã chính thức bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc.
Trước đó, Mỹ cũng từng nhiều lần khẳng định “quyền tự do hàng hải” tại khu vực này. Trên quan điểm đó, Hải quân Mỹ cũng đưa tàu chiến tới Biển Đông dưới danh nghĩa đảm bảo tự do hàng hải và thách thức các yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc từ thời Tổng thống Barack Obama. Tần suất các hoạt động này trở nên dày đặc dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Những lần như vậy, Trung Quốc đều sĩ diện “nói cứng” rằng, đã lập tức triển khai máy bay tuần thám để theo dõi và nhận diện tàu chiến Mỹ…. Chỉ có điều, Trung Quốc nói mà không biết rằng, cả thế giới đang cười và biết tỏng, cường quốc tự xưng là “trỗi dậy hòa bình” này, biết chưa làm gì được Mỹ, đành giở võ tự an ủi về mặt tinh thần như anh chàng AQ của văn hào Lỗ Tấn ngày nào.
Nay thì Luật Cảnh sát biển đã được ông Tập thò bút ký. Một khi tàu Mỹ thực hiện “quyền tự do hàng hải” như trên, Trung Quốc hẳn không thể chỉ “theo dõi” và “nhận diện”. Còn “sử dụng vũ lực” hay bắn, hẳn là thành “to chuyện”. Vậy nên, nhiều người đoán rằng: Luật thì luật, khi xuất hiện tình huống như trên với tàu Mỹ, Trung Quốc lại giở võ AQ ra mà thôi.