Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTham vọng vươn ra toàn cầu, TQ bộc lộ điểm yếu

Tham vọng vươn ra toàn cầu, TQ bộc lộ điểm yếu

Các chuyên gia phát hiện điểm yếu của Hải quân Trung Quốc trong việc lập căn cứ ở nước ngoài là không có đồng minh đáng tin cậy và thiếu nhân lực để duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu của hạm đội xa bờ.

Phát biểu trong diễn đàn trực tuyến của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Ngân sách (CSBA) tại thủ đô Washington D.C (Mỹ) ngày 22.1, chuyên gia Toshi Yoshihara cho biết: “Bắc Kinh còn một chặng đường dài phía trước trong việc tìm kiếm các quốc gia ở vùng biển xa sẵn sàng cho phép Hải quân Trung Quốc đặt căn cứ ở nước ngoài và tự chịu rủi ro nếu xung đột bùng nổ”, theo trang USNI News.

Chuyên gia Yoshihara đưa ra nhận xét này khi CSBA công bố báo cáo: “Nắm bắt điểm yếu: Chiến lược của Đồng minh để cạnh tranh với quân đội Trung Quốc đang vươn ra toàn cầu”. 

Báo cáo của CSBA chỉ ra “chiêu trò” của Trung Quốc là ban đầu tiếp cận các quốc gia khác với mục đích thương mại, chẳng hạn như đề xuất xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết như đập, đường cao tốc, sân bay và cảng. Cùng lúc, Trung Quốc cho vay để thực hiện dự án hạ tầng và cuối cùng là các quốc gia vỡ nợ, buộc phải đánh đổi bằng các cảng hoặc cơ sơ hạ tầng ở vị trí chiến lược. “Tuy nhiên, chiêu trò bẫy nợ đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới phải dè chừng”, ông Yoshihara, tác giả của báo cáo CSBA, lưu ý.

Điểm yếu lớn nhất của Trung Quốc là thiếu mạng lưới đồng minh hùng mạnh và đáng tin cậy, theo báo cáo CSBA. “Mối quan hệ đối tác không thể “trở thành hiện thực trong một sớm một chiều vì phải dựa trên xây dựng lòng tin, giá trị chung, lịch sử hợp tác, sự ổn định chính trị, độ đáng tin cậy, lực lượng lao động tay nghề (công nhân đóng tàu) và cơ sơ hạ tầng. Hầu hết các mối quan hệ của Trung Quốc với những quốc gia mà Bắc Kinh nhắm đến để đặt căn cứ đều thiếu những điều kiện cần thiết này”, cũng theo báo cáo.

“Bên cạnh đó, các quốc gia đối tác không đáng tin cậy có thể bất ngờ ngừng hỗ trợ hoặc ngăn chặn khả năng tiếp cận các căn cứ hoặc cơ sở quân sự của Trung Quốc trên lãnh thổ của họ nếu có khủng hoảng chính trị hoặc chiến tranh”, ông Yoshihara nói.

Ông Yoshihara lưu ý Bắc Kinh sẽ phải tốn rất nhiều chi phí và công sức nếu muốn vượt qua “vị trí dẫn đầu” của Mỹ trong việc xây dựng căn cứ, cơ sở bảo trì ở nước ngoài và xây dựng liên minh quân sự kể từ khi Chiến tranh thế giới lần 2 kết thúc.

Điểm yếu của Hải quân Trung Quốc trong tham vọng vươn ra toàn cầu - ảnh 1

Căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc ở Djibouti

Reuters

Đồng tác giả báo cáo CSBA, chuyên gia John Lee của Đại học Sydney (Úc) đánh giá Bắc Kinh “đang theo đuổi một chiến lược có tính rủi ro cao” khi cố gắng mở rộng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại các vùng biển xa lẫn gần bờ.

Tuy nhiên, báo cáo CSBA cảnh báo Trung Quốc vẫn có đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về vật liệu để đóng tàu, máy bay và xây dựng căn cứ nhằm vươn ra toàn cầu. Chẳng hạn, Trung Quốc đã ngang ngược chiếm đóng phi pháp các thực thể ở quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam rồi xây dựng thành đảo nhân tạo và quân sự hóa thành tiền đồn trên Biển Đông.

Hiện Trung Quốc có căn cứ ở nước ngoài đầu tiên tại Djibouti (phía đông Châu Phi hay sừng châu Phi) và đang tìm cách thiết lập các cơ sở khác ở châu Phi và Nam Thái Bình Dương. “Dù vậy, các chiến lược gia Trung Quốc đã sẵn sàng thừa nhận căn cứ Djibouti và các căn cứ tiềm năng khác thua xa so với căn cứ Mỹ tại Yokosuka (Nhật Bản) và Diego Garcia (Anh) trên Ấn Độ Dương và cả căn cứ hải quân Changi (Singapore)”, theo CSBA.

RELATED ARTICLES

Tin mới