Trung Quốc đẩy mạnh phát triển đội hàng không mẫu hạm trong thời gian qua nhưng thiếu phi công được huấn luyện để điều khiển các máy bay hoạt động trên tàu sân bay.
Tàu sân bay Type 001A của Trung Quốc tại cảng ở Đại Liên
Trong những năm qua, Trung Quốc tích cực thúc đẩy kế hoạch đóng tàu sân bay. Họ đã có 2 tàu trong biên chế và đang hoàn thiện chiếc thứ 3. Ngoài ra, Trung Quốc cũng lên lộ trình đóng thêm các tàu nữa trong những năm tới.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng một điểm yếu của Trung Quốc là hệ thống máy bay hoạt động trên tàu sân bay. Dòng tiêm kích tàu sân bay của Trung Quốc như J-15 còn thua kém các máy bay của Mỹ về cả hiệu suất hoạt động, vấn đề kỹ thuật và động cơ. Ngoài ra, một vấn đề khác được xem đang kiến Bắc Kinh “đau đầu” là họ dường như thiếu các phi công được huấn luyện bài bản để lái máy bay hoạt động trên tàu sân bay.
Lực lượng không quân phục vụ trên tàu sân bay Trung Quốc hầu hết là lực lượng hoạt động trên mặt đất. Chính vì vậy, khác với Mỹ khi đội phi công tiêm kích tàu sân bay đã được đào tạo trong hàng chục năm qua một cách bài bản, lực lượng của Trung Quốc không đủ về chất lượng nhất là khi họ đang đẩy mạnh phát triển thêm hàng không mẫu hạm và đội máy bay đi kèm.
Trung Quốc đang cải tiến máy bay JL-9 “Đại bàng núi” thành máy bay huấn luyện trên tàu sân bay, theo Thời báo Hoàn cầu. JL-9 là máy bay siêu âm, 2 chỗ và từng được không quân và hải quân Trung Quốc sử dụng để huấn luyện phi công điều khiển Su-27, Su-30MKK và J-10.
“Trung Quốc vẫn chưa có một máy bay huấn luyện tàu sân bay có thể cất cánh và hạ cánh trên một tàu sân bay thực sự”, Thời báo Hoàn cầu cho biết.
Tờ báo này cho rằng JL-9 sẽ cần phải được sửa đổi đáng kể thiết kế về khung và động cơ để phù hợp với tàu sân bay.
Để điều khiển được đội máy bay trên tàu sân bay trong tương lai, phi công thuộc hải quân Trung Quốc cần được huấn luyện bài bản. Việc Trung Quốc vẫn đang trong quá trình tìm kiếm và cải tiến một máy bay phù hợp để huấn luyện các phi công cho thấy họ dường như vẫn đang có lỗ hổng trong việc đào tạo, dẫn tới viễn cảnh có tàu sân bay, có máy bay nhưng có thể thiếu phi công được đào tạo bài bản.
Mặt khác, trước đó, SCMP dẫn nguồn thạo tin cho hay, việc huấn luyện đào tạo nhân sự của Trung Quốc vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề và bị chậm phía sau so với tốc độ đóng tàu. Quá trình được mô tả là “tụt hậu” này có thể khiến Trung Quốc không có đủ thủy thủ được đào tạo bài bản, đủ năng lực để vận hành các tàu chiến khi chúng được đưa vào biên chế.