Tuesday, November 19, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiĐã đến lúc nhà đầu tư nên tìm tới Việt Nam

Đã đến lúc nhà đầu tư nên tìm tới Việt Nam

Đó là nhận định của bài viết đăng tải ngày 30/1 trên trang tin chuyên về chứng khoán boerse-online.de của Đức.

Khu sản xuất của Công ty R Technical (Nhật Bản) tại Việt Nam.

Bài viết nhấn mạnh nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, các công ty ngày càng chiếm thị phần, trong khi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang ngày một tham gia mạnh mẽ hơn ở thị trường quốc gia Đông Nam Á này.

Tác giả bài viết cho rằng bất chấp đại dịch COVID-19, lực đẩy đối với thị trường chứng khoán Việt Nam không hề bị gián đoạn.

Kể từ đầu tháng 1/2021, chỉ số VN Index đã đạt trên 9%, đưa Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đứng thứ hai trong bảng xếp hạng các trung tâm tài chính sinh lợi nhất thế giới. Từ tháng 4-12/2020, chỉ số thị trường chứng khoán của Việt Nam đã tăng 15%. Một trong những yếu tố thúc đẩy điều này là việc các nhà đầu tư rút tiền tiết kiệm để chuyển sang đầu tư cổ phiếu nhằm ứng phó với việc cắt giảm lãi suất của Ngân hàng nhà nước kể từ tháng 3/2020.

Theo bài báo, trong năm 2020, Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng và nhất quán trước đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, giúp các nhà đầu tư trong nước yên tâm và sẵn sàng với nguy cơ rủi ro khi đầu tư. Ngay từ tháng 1/2020, Việt Nam đã áp đặt hạn chế đi lại, thực hiện cách ly, khoanh vùng và nhờ những biện pháp được dân chúng tuân thủ một cách kỷ luật. Do vậy, thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra với nền kinh tế thấp hơn nhiều so với những nước khác.

Trong năm nay, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng 6,8%, trong khi Chính phủ đặt mục tiêu đạt tăng trưởng hằng năm trung bình 6% trong những năm tiếp theo.

Bài báo cho rằng một thông tin cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là việc Chính phủ Việt Nam tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán. Sự đa dạng hóa sẽ giúp thị trường tài chính Việt Nam hấp dẫn hơn, đồng thời cũng giảm được rủi ro. Ngoài ra, rất có thể Việt Nam – vốn được Công ty cung cấp chỉ số chứng khoán MSCI phân loại là thị trường cận biên, sẽ được thăng hạng thành thị trường mới nổi trong những năm tới. Đây là lý do các nhà đầu tư giờ đây nên tham gia khám phá Việt Nam.

Đơn cử, trong một bài viết vào cuối tháng 12/2020, báo FreeMalaysia Today của Malaysia nhấn mạnh Việt Nam đang trên đường trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới và là một trong những địa điểm thu hút được nhiều FDI. Không khó để thấy rằng các nhà sản xuất toàn cầu đã và đang đổ xô đến Việt Nam.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam và hiện thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tại một số địa phương đã tăng gần gấp 5 lần trong thập kỷ qua.

Theo bài viết, điều này có được là nhờ Việt Nam đã duy trì tốt sự ổn định về chính trị, nhanh nhạy trong thu hút vốn đầu tư. Chi phí thấp, chính sách thân thiện với nhà đầu tư, không khoan nhượng với tham nhũng và những nỗ lực được nhà nước hậu thuẫn để thúc đẩy các công ty khởi nghiệp công nghệ cũng giúp Việt Nam tạo ra sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng tích cực ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp với nhiều ưu đãi nhằm tạo ra môi trường kinh doanh năng động.

Đầu năm 2021, một loạt thông tin tích cực cho thấy dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển về Việt Nam.

Ngày 15/1, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang ký Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Foxconn Singapore Pte Ltd để đầu tư Nhà máy Fukang Technology ở Khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang). Và ngày 18/1, UBND tỉnh Bắc Giang chính thức trao giấy chứng nhận đầu tư cho “đại bàng” này.

Theo kế hoạch, Fukang sẽ sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay, với quy mô hơn 8 triệu sản phẩm/năm, trong đó máy tính bảng là hơn 6,2 triệu sản phẩm/năm, còn máy tính xách tay là hơn 1,8 triệu sản phẩm/năm. Dự án có tổng vốn đầu tư 270 triệu USD này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý III/2022.

Đây rõ ràng là một tin mừng đối với Việt Nam, và dự án 270 triệu USD này mới chỉ là sự bắt đầu.

Không chỉ tại Bắc Giang, Foxconn cũng đã tới Thanh Hóa để tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh này. Ngoài ra, Foxconn đã cùng đoàn “đại gia công nghệ”, gồm Heesung Electronics, Goertek Technology, Mitac Computer, Luxshare ICT Việt Nam có cuộc làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ. Tại cuộc làm việc đó, các ông lớn này đều cho rằng, những điều kiện thuận lợi của Hà Nội, như có vị trí gần sân bay, nguồn nhân lực chất lượng cao… rất phù hợp các ngành nghề phát triển công nghệ cao.

Trên thực tế, tất cả những cái tên trên đều đang dồn dập đổ vốn vào Việt Nam thời gian gần đây. Luxshare sau khi đầu tư xây dựng một nhà máy ở Khu công nghiệp Vân Trung, đang triển khai đầu tư một dự án khác ở khu công nghiệp này, với vốn đầu tư 190 triệu USD. Chưa kể, tập đoàn này đang mở rộng dự án ở Nghệ An.

Còn Goertek, sau nhà máy ở Bắc Ninh, chuyên sản xuất các loại tai nghe, micro và linh kiện điện thoại, đặc biệt là chuyên sản xuất AirPods cho Apple, đã tới Thái Nguyên để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới.

Ngoài ra, còn có thể kể tới hàng loạt tên tuổi công nghệ khác đang đầu tư vào Việt Nam. Chẳng hạn, Universal Global Technology (Đài Loan, Trung Quốc), thành viên Tập đoàn công nghệ ASE Holding, đã quyết định đầu tư nhà máy sản xuất và lắp ráp bảng mạch điện tử cho đồng hồ, điện thoại, tai nghe để cung cấp cho Lenovo, Sony… tại Hải Phòng.

Tại Bắc Giang, ngoài dự án 270 triệu USD của Foxconn, còn có 3 dự án khác vừa nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đó là Dự án Công nghệ tế bào quang điện Ja Solar PV Việt Nam của nhà đầu tư Ja Solar Investment (Hồng Kông) Limited; Dự án Nhà máy Risesun New Material Việt Nam và Dự án Nhà máy Kodi New Material Việt Nam của nhà đầu tư Risesun Investment Pte.Ltd (Singapore). Tổng vốn đầu tư của 3 dự án này là gần 300 triệu USD.

Khi đại gia đến, ngàn tỷ vốn đầu tư sẽ vào Việt Nam. Đây là điều đáng quý, song điều khiến nhiều chuyên gia kinh tế băn khoăn là làm sao Việt Nam có thể hấp thụ được nguồn vốn đó?

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên lưu ý, trong làn sóng dịch chuyển đó, vẫn sẽ có những luồng vốn xấu, lợi dụng dòng chảy để đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam. Do đó, Việt Nam phải có bộ lọc tốt để chặn các dự án kém chất lượng.

Hiện nay, các bộ lọc này vẫn đang được các cơ quan chức năng Việt Nam xây dựng. Nếu làm được như vậy, cơ hội nâng “chất” dòng vốn đầu tư nước ngoài, nâng “chất” nền kinh tế là rất lớn.

RELATED ARTICLES

Tin mới