Friday, January 10, 2025
Trang chủNước Việt đẹpTết Việt Nam qua góc nhìn lạ của Reuters

Tết Việt Nam qua góc nhìn lạ của Reuters

Tết Việt với bánh chưng, bánh tét, hoa đào, hoa mai đã quá quen thuộc với mỗi người, nhưng phóng viên Reuters lại có những phát hiện thú vị về quá trình chuẩn bị Tết ở Việt Nam.

Anh Bùi Văn Cường đeo mặt nạ phòng độc để kho cá trắm

Đeo mặt nạ chống độc để kho cá

Với chiếc mặt nạ phòng độc, anh Bùi Văn Cường ngồi chăm chú canh lửa cho hàng trăm chiếc niêu đựng cá kho – một món ngon truyền thống phổ biến ở miền Bắc Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán.

Chiếc mặt nạ phòng độc này giúp anh Cường chống chọi được đám khói mù mịt từ đống củi cháy bên dưới các niêu đất kho cá. Loại cá được đem kho là cá trắm đen, thịt chắc, thơm.

Anh Cường thích công việc của mình mặc dù anh thừa nhận nó khá vất vả. “Nếu không có nó, tôi chỉ có thể làm việc 15 phút”. Anh Cường làm thuê việc kho cá cho nhà anh Trần Đức Phong ở Đại Hoàng – một làng đồng bằng sông Hồng được bao quanh bởi những cánh đồng lúa xanh tươi, cách Hà Nội khoảng 100 km.

Hộ anh Trần Đức Phong là một trong hàng chục gia đình ở làng Đại Hoàng làm cá kho để bán vào dịp Tết. Nhờ hương vị độc đáo, sự nổi tiếng của món ăn đã vượt ra ngoài làng, thậm chí đến cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thu nhập từ đó cũng tăng lên.

“Tôi cung cấp cá kho cho mọi miền ở Việt Nam cũng như thị trường nước ngoài, nhưng chủ yếu là thị trường trong nước”, anh Phong nói khi đứng trước hàng chục chiếc vại sành lớn, khói bay nghi ngút quanh mình.

Anh nói loại cá kho ngon nhất được làm từ cá trắm đen, được nấu trong khoảng 12 giờ cho đến khi chín mềm. Những con cá trắm đen, mỗi con nặng từ 4-6 kg được lựa chọn kỹ lưỡng và làm sạch, cắt khúc và ướp gia vị, sau đó nấu với nước dùng từ cua biển trộn với gia vị, nước tương, nước cốt dừa và đường. Người ta đặt dưới đáy niêu một miếng riềng để cá không bị cháy khi kho.

Anh Phong và những người bán hàng khác trong làng đã ngập tràn đơn đặt hàng trước Tết Nguyên đán, đa phần được đặt online.

“Covid-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, nhưng may mắn cho tôi, mọi người vẫn cần phải ăn và cần cá kho cho ngày Tết”, anh Phong nói.

Tay chân nhuộm đỏ vì hương

Tại làng Quảng Phú Cầu phía nam Hà Nội, trên nền đất xám xịt bật lên một màu đỏ rực của những bó nhang (hương) đang được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời, trước khi chúng được phân phối khắp Việt Nam và các vùng khác trên thế giới.

Chị Đỗ Thị Oanh, 37 tuổi, người dân Quảng Phú Cầu, nói rằng chị đã được ông bà truyền lại nghề làm nhang từ thuở nhỏ. Nhang được sử dụng khi mọi người cầu nguyện tổ tiên, trong các lễ hội, cũng như các nghi lễ văn hóa, tôn giáo tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Từng là một ngành tiểu thủ công nghiệp (làm nhang thủ công), đến nay hầu hết các hộ sản xuất trong làng đều sử dụng máy chặt tre để làm nhang. Nghề này đã mang lại thu nhập cho gần 3.000 hộ gia đình.

Những ngón tay của người thợ thường bị nhuộm đỏ bởi thuốc nhuộm dùng trên cây nhang. Năm 2013, vợ chồng chị Oanh mở xưởng làm nhang và sau đó vay ngân hàng khoảng 70.000 USD để phát triển kinh doanh.

“Người dân trong làng này đã sản xuất nhang từ nhiều đời, nhưng tôi e rằng một số hộ sẽ phải tạm dừng sản xuất do nhận được ít đơn hàng hơn”, chị Oanh nói. Nguyên nhân là do đại dịch Covid-19 khiến đơn hàng từ Ấn Độ đã giảm hẳn.

Doanh nghiệp của gia đình chị Oanh từng xuất khẩu khoảng 15 container nhang sang Ấn Độ mỗi tháng, nhưng con số này đã giảm xuống còn 5-6 container sau khi nước này hạn chế nhập khẩu vì Covid-19, chị Oanh cho biết.

“Covid-19 cũng ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ hương trong nước một chút, nhưng nhu cầu đã tăng lên trước Tết Nguyên đán”.

“Trong kinh doanh, sẽ có lúc thăng lúc trầm… Tôi không thể làm gì khác hơn là cố gắng tìm cách giải quyết”, chị Oanh nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới