Thursday, December 19, 2024
Trang chủBiển nóngThông tin Biển ĐôngVai trò của quốc tế hóa Biển Đông trong quản lý và...

Vai trò của quốc tế hóa Biển Đông trong quản lý và ngăn ngừa xung đột (Kỳ 1)

Vấn đề Biển Đông ban đầu là một tranh chấp giữa các yêu sách khác nhau về chủ quyền vùng biển. Nguyên tắc đầu tiên, là “chiếm hữu” các đảo, một tiền lệ được đặt ra bởi Tòa Trọng tài thường trực trong vụ Đảo Palmas vào tháng 4/1928.

Các khu vực tranh chấp ở Biển Đông

Diễn biến của tranh chấp Biển Đông

Chiếm hữu đòi hỏi phải có khả năng và ý định thực thi quyền tài phán một cách liên tục, không bị gián đoạn và được phân biệt rõ ràng với hành vi xâm chiếm. Trung Quốc không thể chứng minh được việc thực thi quyền tài phán một cách liên tục và không bị gián đoạn của mình. Nguyên tắc thứ hai là Công ước UNCLOS đặt ra các quy tắc để quyết định yêu sách đối với các tài nguyên dựa trên các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Công ước UNCLOS không ủng hộ yêu sách của Trung Quốc vượt quá phạm vi vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa, do đó, Trung Quốc khăng khăng rằng, các quyền lịch sử của mình phải được chấp thuận. Vấn đề ở chỗ các yêu sách dựa trên lịch sử không có mấy giá trị trong luật pháp quốc tế và Trung Quốc cho rằng, luật pháp quốc tế đã hạ thấp di sản từ ngàn đời của nước này và khiến cho nước này oán giận. Quan điểm của Trung Quốc là yêu sách của mình đã có từ trước khi UNCLOS ra đời và vì thế trong trường hợp này Trung Quốc “không bị ràng buộc bởi nó”. Một số quan chức Trung Quốc lập luận rằng, trong bất kỳ tình huống nào thì những điểm không nhất quán trong Công ước UNCLOS cũng sẽ cho phép Trung Quốc khẳng định các yêu sách lịch sử của mình. Để có thể khẳng định yêu sách trong bối cảnh sự phức tạp của luật pháp quốc tế có thể sẽ không có lợi cho mình, Trung Quốc đã tìm cách liên tục gây áp lực qua con đường ngoại giao nhằm thay đổi luật quốc tế, hoặc tạo ra một ngoại lệ đặc biệt, mà theo đó các yêu sách lịch sử của Trung Quốc có thể được tất cả các nước thừa nhận.

Dầu khí và năng lượng

Nếu như Biển Đông là một tranh chấp về lãnh thổ thì có thể đã có rất nhiều cách giải quyết trên cơ sở điều chỉnh các yêu sách trong một thể chế trên biển. Nó cũng có thể tiếp diễn trong trạng thái bế tắc khi thiếu vắng động lực tìm ra giải pháp đối cho tranh chấp. Tuy nhiên, nhu cầu về năng lượng lại có nghĩa rằng, Trung Quốc không thể chấp nhận tình trạng nguyên trạng ở Biển Đông và điều này tạo thêm áp lực cho các quốc gia yêu sách trong ASEAN. Nhu cầu đối với năng lượng của thế giới ngày càng tăng và các quốc gia tiêu thụ lớn như Trung Quốc đang phải tìm kiếm các nguồn cung mới để thỏa mãn nền kinh tế đang ngày càng mở rộng của mình. Lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đã đạt đến 54% lượng tiêu thụ trong năm 2010 và lên đến 65% vào năm 2015. Trung Quốc đã nỗ lực nhằm đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng để giảm sự lệ thuộc vào khu vực Trung Đông, vốn cung cấp cho nước này 58% dầu nhập khẩu, bằng việc tìm cách khai thác tài nguyên năng lượng trong khu vực. Việt Nam là một quốc gia sản xuất dầu khí lớn trong khu vực, với Công ty quốc doanh Petro Vietnam sản xuất được 24,4 triệu tấn trong năm 2010, mỏ Thanh Long và mỏ Đại Hùng; tổng cộng ba mỏ này chiếm 26% lượng dầu Việt Nam sản xuất trong năm 2010. PetroVietnam cũng đã ký kết 60 hợp đồng thăm dò và sản xuất dầu khí với các công ty nước ngoài nhằm khai thác các mỏ mới. Tuy nhiên, việc sản xuất ở các mỏ hiện có đang ngày càng đi xuống, trong khi các mỏ mới không được kỳ vọng có thể bù lại các khoản mất mát. Việc Việt Nam đang cố tìm kiếm các mỏ khai thác mới dẫn đến nhiều khả năng sẽ lại có những vụ đụng độ với Trung Quốc, do nước này vốn vẫn phản đối các nỗ lực của Việt Nam trong việc ký kết các hiệp định khai thác với các công ty dầu khí nước ngoài. Trung Quốc phản đối các hoạt động khai thác của một loạt công ty bao gồm PetroVietnam, Petronas Carigali của Malaysia, Petroleum của Singapore và CTCP American Technology khi phát hiện ra một mỏ xa bờ nằm về phía Tây đảo Hải Nam vào tháng 10/2004. Trung Quốc đã cảnh cáo các công ty dầu khí quốc tế rằng, cần phải tránh xa khỏi khu vực mà họ gọi là “các vùng nước của Trung Quốc”; năm hợp đồng ủy quyền liên quan đến các công ty dầu khí BP, ComocoPhillips, Chevron-Petronas-Cargill, Idemitsu-Nippon và Teikoku đã bị đình chỉ do áp lực từ phía Trung Quốc.

Giá dầu mỏ ngày càng cao cùng với mối quan ngại về nguồn cung cấp năng lượng đã thúc đẩy các quốc gia yêu sách khác thác các nguồn năng lượng từ vùng yêu sách của mình. Philippines đã có ý định tăng cường khả năng tự cung tự cấp trong sản xuất. Nước này có ý định ký kết 15 hợp đồng khai thác cho việc thăm dò xa bờ ở khu vực Palawan, nơi mà Trung Quốc đã yêu sách. Các nỗ lực khai thác của Phillippines ở gần bãi Cỏ Rong đã từng khiêu khích sự phản đối từ Trung Quốc và rõ ràng điều này sẽ lại tiếp diễn. Trong năm 2011, Phillippines đã thông báo về bảy vụ việc có liên quan đến quấy nhiễu của Trung Quốc. Ngày 2/3/2011, hai tàu hải giám Trung Quốc đã gây rối tàu thăm dò ở vùng mà Philippines yêu sách, cách Palawan 250km, hai tàu này đã rời khỏi khu vực sau khi lực lượng không quân của Philippines được điều động đến. Ngày 5/4, Phillippines đã đệ trình thư phản đối chính thức lên Liên Hợp Quốc và tìm kiếm sự ủng hộ từ ASEAN nhằm hình thành lập trường chung đối với vấn đề này. Ngày 14/4, Trung Quốc đã cáo buộc Philippines “xâm lấn” vào vùng biển của mình. Philippines đã cử tàu Rajah Humabon, một con tàu cũ từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai, đến vùng yêu sách của mình sau khi Trung Quốc đưa tàu Haixun-31 – một con tàu hải giám năng 3.000 tấn cùng một chiếc trực thăng đến đó. Tàu của Philippines đã gỡ các cột mốc mà Trung Quốc đã cắm trên các đảo trong vùng yêu sách của Trung Quốc, trong đó có đá Boxall Reef, bãi Amy Douglas và bãi Cỏ Rong. Tháng 6, Văn phòng Tổng thống Philippines đã tuyến bố đổi tên Biển Đông thành “Biển Tây Philippines” và công bố chương trình mở rộng hải quân để tăng cường sự hiện diện ở khu vực.

Trường hợp của Việt Nam cũng không mấy khả quan khi ngày 26/5 hai con tàu hải giám của Trung Quốc đã cắt cáp của tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam khi còn tàu này đang kéo một sợi cáp dài 7km dưới mặt nước tìm kiếm trữ lượng dầu khí; sự việc diễn ra cách Nha Trang 120km và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công bố các đoạn phim cho thấy tàu của Trung Quốc đã phá các dãy cáp được gắn với tàu Bình Minh. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Khương Du, đã tuyên bố rằng, Trung Quốc đã thực hiện “các hoạt động hành pháp và tuần tra hết sức bình thường trong khu vực quyền tài phán của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò của một còn tàu khác của Việt Nam. Trung Quốc phàn nàn rằng, các quốc gia yêu sách khác đã xâm phạm vào vùng biển của mình và rằng, các vụ việc đang ngày càng nhiều hơn. Việt Nam và Philippines dự định sẽ tiếp tục các dự án thăm dò dầu khí của mình. PetroVietnam sẽ hợp tác với Công ty Talisman Energy và sẽ bắt đầu giàn khoan ở khu vực mà Trung Quốc đã ủy quyền cho Tập đoàn Crestone vào năm 1992, và nay đang được vận hành bởi Harvest Natural Resource. Exxon cũng có kế hoạch khoan thăm dò gần bờ biển Việt Nam, trong khi đó Philippines đang có ý định đưa giàn khoan vào khu mỏ mà tàu của Trung Quốc đã quấy rối tàu thăm dò của mình vào tháng 3/2011.

Ấn Độ đã bị lôi vào cuộc với tư cách người chơi từ bên ngoài và càng khiến cho tình hình trở nên phức tạp. Trung Quốc có thể có lợi thế so với các quốc gia yêu sách khác trong khối ASEAN về mặt tầm vóc và khoảng cách, nhưng Ấn Độ thì lại có đủ vị thế và sức mạnh để đối phó với Trung Quốc. Hơn nữa, Ấn Độ lại có nhiều mâu thuẫn với Trung Quốc do Trung Quốc ủng hộ Pakistan cũng như các yêu sách của nước này ở vùng biên giới chung giữa hai nước. Mối quan hệ của Ấn Độ và Việt Nam bắt nguồn từ thời Indria Gandhi và nhiều người Ấn Độ coi Việt Nam là một đồng minh để chống lại Trung Quốc. Con tàu INS Airavat thuộc hải quân Ấn Độ trên hành trình đến Nha Trang vào ngày 22/7 đã bị Trung Quốc cảnh báo qua sóng radio rằng, cần phải tránh xa “vùng biển của Trung Quốc”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ấn Độ đã tuyên bố rằng, “Ấn Độ ủng hộ quyền tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế, kể cả ở Biển Đông, và quyền qua lại theo các nguyên tắc đã được chấp nhận của luật pháp quốc tế”. Trung Quốc đã phản đối các hoạt động thăm do của Tập đoàn Dầu và Khí tự nhiên Ấn Độ (ONGC) xung quanh quần đảo Hoàng Sa, vùng tranh chấp vốn rất nhạy cảm với Trung Quốc. Quan điểm của ONGC là các yêu sách của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và tập đoàn này tiếp tục triển khai các dự án thăm dò ở hai lô gần quần đảo Hoàng Sa. Trong chuyến thăm New Delhi của Chủ tịch Nước Việt Nam Trương Tấn Sang vào ngày 12/10/2011, Hiệp định thăm dò dầu khí đã được ký kết giữa ONGC và PetroVietnam, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Đáng lưu ý là, Hiệp định này đã được ký kết trong khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang có chuyến công du ở Bắc Kinh để tăng cường tình bằng hữu với Trung Quốc. Việt Nam đang phải đối phó với Trung Quốc theo cách truyền thống, đó là nhấn mạnh vào tình bằng hữu với Trung Quốc, vốn là trách nhiệm của Tổng Bí thư Đảng, và đồng thời tìm kiếm một đối trọng có hiệu quả.

RELATED ARTICLES

Tin mới