Monday, November 18, 2024
Trang chủThâm cung bí sửNgười Do Thái ở Đức: 1.700 năm di cư và thế hệ...

Người Do Thái ở Đức: 1.700 năm di cư và thế hệ hậu Holocaust

Một cộng đồng lớn người Do Thái đang phát triển mạnh mẽ ở Đức sau 1.700 năm di cư tới đây và sau cả đau thương của nạn diệt chủng (Holocaust) hậu Thế chiến thứ II.

Hiện nay có hơn 200.000 người Do Thái đang sinh sống và làm việc tại Đức.

Sau nạn diệt chủng Do Thái (Holocaust) tàn bạo, không một ai có thể tưởng tượng việc dân tộc Do Thái có thể tiếp tục sinh sống tại Đức. Nhân dịp kỷ niệm 1700 năm cuộc sống của người Do Thái tại Đức, Đài truyền hình DW điểm lại những mốc phát triển quan trọng nhất của dân tộc Do Thái sau Chiến tranh Thế giới thứ II.

Hiện nay có hơn 200.000 người Do Thái đang sinh sống và làm việc tại Đức. Đây cũng là cộng đồng người Do Thái duy nhất tại châu Âu vẫn đang phát triển lớn mạnh từng ngày. Khi nhìn lại cuộc diệt chủng trong Thế chiến II, ta sẽ thấy đây là một câu chuyện vô cùng khó tin. Vào năm 1945, không một người Do Thái nào có thể tưởng tượng được việc tiếp tục sinh sống và phát triển trên chính mảnh đất đã diễn ra cuộc thảm sát 6 triệu người đồng bào của mình.

Sau Thế Chiến II, các nước Đồng minh đã trả tự do cho gần 15.000 người Do Thái tại Đức. Họ là những người đã lẩn trốn thành công khỏi “nanh vuốt” của Hitler hoặc sống sót sau khi bị bắt vào trại tập trung. Khi được trả tự do, nhiều người trong số họ đã quyết định ở lại Đức.

Nhà báo người Đức gốc Do Thái Karl Marx (không phải là Triết học gia Karl Marx) là một trong những người đầu tiên trở về Đức sinh sống sau thời gian lưu vong tại nước ngoài. Khoảnh khắc vượt biên để tới khu vực do nước Anh chiếm đóng (một phần phía Tây nước Đức), ông đã tự hỏi bản thân: “Làm sao một người Do Thái như mình có thể sống ở Đức sau tất cả những chuyện đã xảy ra?”

Mảnh đất nhuốm máu 6 triệu người Do Thái

Quyết định quay trở về nước Đức của Karl Marx và hàng ngàn người theo chủ nghĩa duy tâm khác đã làm dấy lên sự ngờ vực của những người trong và ngoài cộng đồng Do Thái trên toàn thế giới. Công đoàn Do Thái Thế giới (Der Jüdische Weltkongress) họp lần đầu tiên sau Thế chiến II vào tháng 7/1948 và đã đưa ra nghị quyết: “Dân tộc Do Thái quyết không bao giờ định cư trên mảnh đất nhuốm máu đồng bào dân tộc mình“.

Anthony Kauders, nhà sử học tại Đại học Keele của Anh cho biết: “Có rất nhiều lý do tại sao một số người Do Thái vẫn lựa chọn sinh sống tại Đức bất chấp sự phản đối của cộng đồng Do Thái quốc tế. Đó là vì một số người đã sống sót nhờ sự giúp đỡ của những người Đức tốt bụng. Đối với họ, không phải người Đức nào cũng có tội trong nạn diệt chủng Holocaust. Số còn lại thì quá già hoặc quá yếu để di cư sang một đất nước khác”.

Xây dựng lại cộng đồng người Do Thái tại Đức

Nỗ lực xây dựng lại cộng đồng Do Thái tại Đức bắt đầu sau khi chiến tranh kết thúc. Tới năm 1948 đã có hơn 100 cộng đồng người Do Thái trên khắp nước Đức, bao gồm hai nhóm khác nhau. Nhóm đầu tiên là những người Do Thái đã sống ở Đức từ trước chiến tranh và đã hòa nhập sâu sắc với cuộc sống nơi đây. Nhóm thứ hai bao gồm hàng ngàn người tị nạn Do Thái từ các nước Đông Âu sang Đức một cách “khiên cưỡng”. Họ gặp rất nhiều khó khăn để kiếm kế mưu sinh bởi họ hầu như không nói được tiếng Đức.

Hơn 90% người tị nạn Do Thái sau khi đến Đức được 3-4 năm lại di cư sang Mỹ hoặc Nhà nước Israel mới thành lập khi đó. Còn những người quyết định ở lại đã được nhập quốc tịch Đức. Hiện nay chỉ còn 15.000 người thuộc nhóm người tị nạn vẫn đang sinh sống tại Đức.

Đông Đức và Tây Đức

Từ đống đổ nát của Đệ Tam Đế chế, hai nhà nước Đức đã hình thành là Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) và Cộng Hòa Liên bang Đức (Tây Đức).

Một bài báo năm 1946 của Quân đội Hoa Kỳ cho thấy 18% dân số Đức là những người bài Do Thái cực đoan, 21% bài Do Thái và 22% phân biệt chủng tộc. Theo một cuộc khảo sát năm 1947, hơn 1/3 dân số nước Đức phản đối việc người Do Thái sinh sống ở Đức.

Tình hình trở nên khả quan hơn khi chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức) luôn giữ vững quan điểm chống lại chủ nghĩa bài Do Thái. “Để thuyết phục được dân chúng, chính phủ đã quyết tâm đấu tranh chống lại chủ nghĩa bài Do Thái và đã tác động được tới người dân nước Đức. Đây là điều mà những người Do Thái ở Đức hay ở các nước Đông Âu chưa từng chứng kiến bao giờ. Từ đó, người Do Thái ở Tây Đức cảm thấy an toàn hơn”, theo nhà sử học Kauders.

Nhiều người Do Thái có lý tưởng chính trị và mong muốn hoạt động chính trị sẽ đến Đông Đức, nơi có những người Do Thái nổi tiếng sinh sống sau chiến tranh, chẳng hạn như nhà văn nổi tiếng và nhà cộng sản Anna Seghers.

Nhà nước Israel

Việc Cộng hòa Liên bang Đức thiết lập mối quan hệ ngoại giao chính thức với Israel vào năm 1965 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với người Do Thái tại Đức. Do luôn mang trên mình nỗi ám ảnh HoIocaust nên Israel có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với họ. Họ luôn có tư tưởng “mang theo bên mình những chiếc vali đầy đủ đồ đạc” để khi mọi chuyện ở Đức không suôn sẻ, họ chỉ cần xách vali lên và bỏ sang Israel.

Thế hệ người Do Thái thứ hai và thứ ba hoặc là rời khỏi Đức để đến Israel hay các nước khác hoặc là lựa chọn ở lại Đức. Nhà sử học Kauders cho biết: “Vào những năm 1980 xuất hiện một thế hệ trẻ người Do Thái kế thừa tinh thần của thế hệ cũ và coi nước Đức chỉ là một nơi cư trú tạm thời. Thế hệ này tỏ rõ quyết tâm đấu tranh cho quyền lợi của người Do Thái và không còn “thu mình sau những cánh cửa đóng” như thế hệ cha ông”.

Người nhập cư

Có một thế hệ giúp dân tộc Do Thái phát triển, họ gồm những người nhập cư từ Ba Lan, Tiệp Khắc, Israel và Iran. Họ đã có những đóng góp to lớn vào đời sống người Do Thái nơi đây như xây dựng các giáo đường Do Thái và mở các trường học. Chủ nghĩa Đa nguyên tôn giáo phát triển, các cộng đồng người dân hình thành và mở rộng. Tuy nhiên, tổng số lượng thành viên của các cộng đồng chưa bao giờ vượt quá con số 30.000 người.

Điều này chỉ thay đổi đáng kể khi Liên Xô tan rã vào cuối năm 1991. Sau khi “Bức màn sắt” sụp đổ, gần 220.000 người Do Thái từ Liên Xô đã di cư vào nước Đức thống nhất. Các cộng đồng mới hình thành chỉ sau một đêm. Trường học và các giáo đường Do Thái nổi lên khắp nơi.

Ngày nay, số lượng người Do Thái đến từ Liên Xô và con cháu của họ chiếm phần lớn (90%) số người Do Thái ở Đức. Nhưng điều trớ trêu là họ không bao giờ quan tâm và tham gia vào các cuộc tranh luận trong cộng đồng địa phương. Họ thực dụng hơn và ít mặc cảm hơn những thế hệ đã cố gắng xây dựng lại cuộc sống của dân tộc Do Thái sau nạn diệt chủng Holocaust”, nhà sử học Kauders cho hay.

Thế hệ người Do Thái mới tại Đức

Ngày nay có rất nhiều người Israel và người Do Thái từ các nước phương Tây như Mỹ, Canada, Argentina và Anh đến định cư ở Đức, đặc biệt là ở Berlin. Theo ước tính có khoảng 15.000 – 20.000 người Israel trẻ, học vấn cao, theo chế độ chính trị cánh tả đến Đức trong vòng hai thập kỷ qua.

Nhưng bóng ma của chủ nghĩa bài Do Thái vẫn tiếp tục gây ám ảnh. Ngay trước khi diễn ra các sự kiện nhằm kỷ niệm 1700 năm cuộc sống của người Do Thái ở Đức, một báo cáo mới của cảnh sát cho thấy sự gia tăng các vụ phạm tội với động cơ thù ghét người Do Thái (riêng trong năm 2020 có hơn 2275 vụ).

Theo nhà sử học Anthony Kauders, việc nhiều người Do Thái có ông bà sống sót qua nạn diệt chủng Holocaust vẫn đến Đức sinh sống là một bước chuyển biến lịch sử. Cộng đồng người Israel tại Berlin ngày hôm nay là minh chứng cho nền văn hóa cởi mở, đa dạng, dung hòa giữa hai quốc gia Israel và Đức. Theo khía cạnh này, có thể nói rằng thời kỳ hậu chiến thực sự đã kết thúc.

RELATED ARTICLES

Tin mới