Trung Quốc được cho là đang thực hiện chiến dịch “ngoại giao vắc-xin Covid-19” bất chấp việc nước này chưa đạt mục tiêu tiêm chủng cho toàn dân.
Reuters ngày 2-3 dẫn lời một cố vấn y tế cấp cao cho biết Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho 40% dân số vào cuối tháng 7 tới.
Chuyên gia về Covid-19 của Trung Quốc Chung Nam Sơn hôm 1-3 nói rằng tỉ lệ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 của nước này – tính trên mỗi 100 người – chỉ là 3,56%, thấp hơn nhiều so với ở Israel, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Mỹ.
Phát biểu tại diễn đàn trực tuyến do Trường ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) và Viện Brookings (trụ sở ở Washington – Mỹ) tổ chức hôm 1-3, ông Chung cho biết mục tiêu tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho 40% dân số dự kiến hoàn tất vào cuối tháng 6 tới.
Tuy nhiên, trong một cuộc điện thoại với Reuters ngày 2-3, ông Chung nói lại rằng mục tiêu sẽ đạt được vào tháng 7 sau khi tính đến tỉ lệ người không muốn tiêm chủng. “Mục tiêu 40% vào cuối tháng 7 sẽ bao gồm những người đã được tiêm 1 hoặc 2 liều” – ông Chung xác nhận.
Mặc dù chưa tiêm chủng xong trong nước nhưng Trung Quốc vẫn xuất khẩu và tặng vắc-xin Covid-19 cho các quốc gia khác. Chẳng hạn, vắc-xin của Công ty Sinovac Biotech được sử dụng trong các đợt tiêm chủng hàng loạt ở Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia. Công ty CanSino Biologics cũng đồng ý cung cấp hàng triệu liều vắc-xin cho Mexico.
AP đưa tin Bắc Kinh cam kết cung cấp khoảng 500 triệu liều vắc-xin Covid-19 cho hơn 45 quốc gia. Lượng vắc-xin mà Trung Quốc xuất khẩu nhiều hơn khoảng 10 lần so với số được phân phối trong nước.
Bắc Kinh xác nhận họ “viện trợ vắc-xin Covid-19” cho 53 quốc gia và xuất khẩu sang 27 quốc gia khác. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh Bắc Kinh xem vắc-xin Covid-19 là “hàng hóa công cộng toàn cầu”, đồng thời bác bỏ thông tin đang thực hiện chiến dịch ngoại giao vắc-xin.
Tại Chile, sau khi chương trình tiêm chủng bắt đầu vào cuối tháng 12 năm ngoái, nước này chỉ nhận được khoảng 150.000/10 triệu liều vắc-xin Covid-19 đặt của Công ty Pfizer (Mỹ).
Mãi cho đến khi Công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc ký hợp đồng cung cấp 4 triệu liều vào cuối tháng 1 năm nay, Chile mới bắt đầu tiêm chủng cho 19 triệu dân của mình với tốc độ ấn tượng. Theo Trường ĐH Oxford (Anh), Chile hiện có tỉ lệ tiêm chủng Covid-19 trên đầu người cao thứ 5 trên thế giới.
Tại Indonesia, các loại vắc-xin Covid-19 của Trung Quốc – vốn có thể bảo quản trong tủ lạnh tiêu chuẩn – rất được ưa chuộng vì nước này là xứ nóng, có thể gặp khó khăn trong việc dự trữ vắc-xin siêu lạnh của Pfizer.
Tại châu Âu, Trung Quốc đang cung cấp vắc-xin Covid-19 cho các nước như Serbia và Hungary. Đây được coi là một chiến thắng địa chính trị quan trọng ở Trung Âu và Balkan, nơi phương Tây, Trung Quốc và Nga đang cạnh tranh để giành ảnh hưởng chính trị và kinh tế.
Tại Philippines, nơi Bắc Kinh cam kết tài trợ 600.000 liều vắc-xin, một nhà ngoại giao cấp cao cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra “thông điệp tế nhị” nhằm giảm bớt sự chỉ trích của công chúng về sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh ở biển Đông đang tranh chấp.
Động thái xuất khẩu vắc-xin Covid-19 của Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những trở ngại. Tại Ai Cập, một y tá tên Ahmed Hamdan Zayed, nằm trong nhóm đầu tiên được tiêm vắc-xin của Công ty Sinopharm, nói: “Chúng tôi lo ngại về vắc-xin Covid-19 nói chung. Đặc biệt, vắc-xin của Trung Quốc không có đủ dữ liệu so với các loại vắc-xin khác”.
Ngoài ra, chưa rõ cách thức hoạt động của các loại vắc-xin Trung Quốc đối với các chủng virus SARS-CoV-2 mới xuất hiện, đặc biệt là biến thể lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi.
Bắc Kinh cho đến nay phê duyệt 4 loại vắc-xin Covid-19 được phát triển trong nước để tiêm chủng cho người dân. Nước này đã tiêm 50,52 triệu liều hôm 28-2.
Ba loại vắc-xin Covid-19 mà Trung Quốc sản xuất yêu cầu 2 mũi tiêm, loại còn lại chỉ cần liều duy nhất