Friday, October 18, 2024
Trang chủBiển nóngMối lo TQ đe dọa hạt nhân ở Biển Đông

Mối lo TQ đe dọa hạt nhân ở Biển Đông

Trong các cuộc tập trận gần đây ở Biển Đông và khu vực lân cận, thông qua việc bắn thử tên đạn đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân và điều động oanh tạc cơ chiến lược H-6, Trung Quốc dường như đang “bóng gió” đe dọa bằng sức mạnh hạt nhân.

Oanh tạc cơ H-6 trong một lần hạ cánh phi pháp xuống đảo Phú Lâm

Theo tờ South China Morning Post, Đài truyền hình T.Ư Trung Quốc (CCTV) ngày 3.3 đưa tin quân đội nước này vừa tiến hành tập trận phối hợp đổ bộ ở khu vực Biển Đông. Thông tin được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố đợt tập trận kéo dài 1 tháng, từ ngày 1 – 31.3 ở Biển Đông.

“Pháo đài bay” của Trung Quốc

Trong cuộc tập trận phối hợp đổ bộ trên, theo CCTV, quân đội Trung Quốc đã triển khai tàu đệm khí đổ bộ Type-726, xuất phát từ tàu vận tải đổ bộ loại Type-071, mang theo xe tăng chiến đấu chủ lực Type-96A cùng các binh sĩ thủy quân lục chiến được vũ trang.

Kèm theo đó, phía ngoài khơi có tàu khu trục loại Type-052D, tàu hộ tống loại Type-054A, tàu hỗ trợ. Trên không thì có thêm máy bay chiến đấu Su-30 và máy bay ném bom H-6.

Gần đây, Trung Quốc liên tục điều động oanh tạc cơ H-6, được xem như “pháo đài bay” với hỏa lực mạnh, tham gia các cuộc tập trận. Hồi cuối tháng 2, Trung Quốc đã điều động 10 oanh tạc cơ, bao gồm dòng oanh tạc cơ chiến lược H-6, tham gia cuộc tập trận tác chiến trên biển ở khu vực Biển Đông. Loại máy bay này cũng thường xuyên hoạt động xung quanh quần đảo Đông Sa (Pratas), nằm ở phía bắc Biển Đông và đang do Đài Loan kiểm soát.

Cuối tháng 7.2020, tờ South China Morning Post dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc cùng ngày cho hay nước này vừa triển khai chiến đấu cơ H-6 tập trận ở khu vực Biển Đông. Đến giữa tháng 8.2020, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin Bắc Kinh vừa điều động máy bay ném bom H-6 đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Là dòng oanh tạc cơ chiến lược tầm xa, H-6 có phiên bản có thể mang theo tên lửa đạn đạo Đông Phong 21 (DF-21) vốn là loại tên lửa có thể chứa đầu đạn hạt nhân. Vừa qua, Trung Quốc cũng đã “khai hỏa” tên lửa DF-21 đến Biển Đông nhằm đe dọa các bên liên quan. Cụ thể, ngày 26.8.2020, một tên lửa là loại DF-21 được bắn từ tỉnh Chiết Giang và tên lửa còn lại là loại Đông Phong 26 (DF-26) được bắn từ tỉnh Thanh Hải. Cả hai đều được bắn đến vùng biển giữa đảo Hải Nam với quần đảo Hoàng Sa.

Chính vì thế, kết hợp các yếu tố trên, việc Trung Quốc thường xuyên điều động oanh tạc cơ H-6 báo hiệu những rủi ro về việc nước này sử dụng sức mạnh vũ khí hạt nhân để tạo thế răn đe ở Biển Đông.

Rủi ro căng thẳng

Trong khi đó, liên quan tình hình Biển Đông, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng ủng hộ việc Đức vừa thông báo sẽ điều động một tàu hộ tống đến Biển Đông.

Cuối tháng 2, Pháp cũng điều động 2 chiến hạm là tàu đổ bộ tấn công Tonnerre và tàu hộ tống Surcouf vừa rời cảng nhà vào ngày 18.2 để đến Thái Bình Dương trong sứ mệnh kéo dài 3 tháng. Dự kiến, trong sứ mệnh lần này, 2 chiến hạm sẽ hiện diện ở Biển Đông đến 2 lần và sẽ có tập trận chung cùng Mỹ và Nhật Bản vào tháng 5.

Trước đó, một tàu ngầm hạt nhân của Pháp cũng đã đi qua Biển Đông nhằm nhấn mạnh về quyền tự do hàng hải ở vùng biển này.

Cũng tại Biển Đông, Mỹ gần đây cũng đã liên tục tăng cường hoạt động quân sự. Điển hình, ngày 9.2, Washington đã điều động 2 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz tập trận chung ở Biển Đông.

Nhận định tình hình Biển Đông gần đây khi trả lời Thanh Niên, ông Gregory B.Poling, Giám đốc chương trình AMTI – Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), đánh giá: “Có vẻ như cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều phát đi tín hiệu sẽ duy trì nhịp độ hoạt động ở Biển Đông. Thông điệp đó của Washington có ý nghĩa quan trọng khi nhiều bên trong khu vực lo ngại Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden sẽ “mềm mỏng” với Trung Quốc. Bên cạnh đó, các nước châu Âu cũng lo ngại tình hình ở Biển Đông, nên thúc đẩy quá trình quốc tế hóa vấn đề của vùng biển này”.

“Với hàng loạt diễn biến như vậy, tình hình Biển Đông có lẽ không ngừng căng thẳng trong thời gian ngắn sắp tới”, chuyên gia Poling dự báo.

RELATED ARTICLES

Tin mới