Thái Bình Dương là đại dương không hề yên bình như tên gọi của nó. Dưới đáy biển có rất nhiều miệng núi lửa bao quanh vòng lòng chảo với tổng chiều dài lên tới trên 4 vạn km, tạo nên một vành đai địa chấn (hay còn gọi là vành đai lửa), là nguyên nhân thường xuyên gây ra những trận động đất, sóng thần khủng khiếp.
Sự kiện chiếc tàu Grootebroek của Hà Lan trên đường đi từ Battavia (Indonesia) tới Turon (Đà Nẵng) bị đắm ở khu vực Paracels (Hoàng Sa) vào năm 1634 và được chúa Nguyễn Phúc Nguyên trợ giúp được J. M. Buch khai thác trong tài liệu về công ty Đông Ấn Hà Lan đăng trên Tạp chí của Trường Viễn Đông Bác Cổ (BEFEO) vào năm 1936
Riêng trận động đất và sóng thần Tohoku năm 2011đã lấy đi mạng sống của gần 16 ngàn người, gần 1 vạn người mất tích, hàng triệu gia đình mất nhà cửa và cùng với thiệt hại vật chất lên tới nhiều tỷ đô la cùng những hậu quả năng nề mà nhiều thập niên nữa chưa chắc đã khắc phục được. Đây cũng là vùng nhiều bão nhất thế giới, trong đó những cơn bão có cường độ mạnh chiếm tới trên 70%.
Cũng do đặc điểm này mà sự thành tạo các đảo ở Thái Bình Dương cũng khác các nơi khác. Với ước chừng khoảng 25.000 đảo lớn nhỏ, Thái Bình Dương số đảo nhiều hơn số đảo của tất cả các đại dương khác cộng lại.
Trong những thập niên gần đây, cùng với biến động của lòng đất và sóng biển, cuộc chạy đua tranh chấp chủ quyền biển đảo cũng đang làm cho biển Đông và cả Thái Bình Dương, vốn đã không bình lặng lại càng thêm sục sôi. Song song với việc tăng cường sức mạnh quân sự, các nước cũng đẩy mạnh việc nghiên cứu, xây dựng chứng cứ cho các lập luận về chủ quyền của mình. Trung Quốc là nước đi đầu và hết sức chú ý đầu tư cho việc làm này.
1. Những viện dẫn của học giả Trung Quốc
Ngay từ khi cho quân đội đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, Trung Quốc đã huy động một lực lượng đông đảo các học giả dưới sự lãnh đạo của Hàn Chấn Hoa tiến hành kê cứu và biên soạn một cuốn sách đồ sộ, ra sức chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) thuộc chủ quyền Trung Quốc. Năm 1985 bộ sách hoàn thành và được phát hành tại nhà xuất bản Trường đại học Hạ Môn, dưới danh nghĩa Viện Nghiên cứu Nam dương. Và như một sự phối hợp có chủ đích, cùng với hành động quân sự tấn công chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, năm 1988 bộ sách tư liệu nói trên dưới đầu đề Ngã quốc nam hải chư đảo sử liệu hối biên (Tập hợp các sử liệu về các đảo của nước ta ở vùng biển phía nam) được in lại và phát hành với số lượng lớn bởi nhà xuất bản Đông Phương.1 Tập sách dày gần 1000 trang này đã nhanh chóng trở thành cơ sở lập luận chủ yếu cho các tuyên bố ngoại giao, những quyết định chính trị của Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông nói chung.
Trước khi xem căn cứ khoa học khẳng định chủ quyền của Việt Nam cần hiểu những luận lý của các học giả Trung Quốc về vấn đề này. Vậy căn cứ và lập luận chủ yếu của các tác giả cuốn sách là gì?
Không khó khăn lắm để thấy rằng tư tưởng xuyên suốt của cuốn sách là cố chứng minh người Trung Quốc đã phát hiện, đặt tên các đảo và chiếm hữu hai quần đảo này từ thời Đông Hán, cách ngày nay gần 2000 năm. Sau đó đến các thời Đường, Tống, Nguyên, Minh, và nhất là từ triều Thanh đến nay, Trung Quốc liên tục thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này.
Phương pháp nhất quán của các tác giả sách là không nói rõ bối cảnh lịch sử, trích dẫn cắt xén tư liệu để người đọc khó hình dung được bối cảnh lịch sử, ngữ cảnh nguyên tác, rồi giải thích ý nghĩa những đoạn trích ấy theo ý mình. Có thể dẫn ra đây một số thí dụ rất điển hình.
Cuốn sách sớm nhất được các học giả Trung Quốc ra dẫn ra làm căn cứ về “chủ quyền” của Trung Quốc trên hai quần đảo là Dị vật chí (ghi chép về những vật lạ) của Dương Phù thời Đông Hán (23-220). Câu được chép ra là: “Trướng hải kỳ đầu thủy thiển nhi đa từ thạch…” (漲海崎頭水淺而多磁石… có nghĩa là Biển sóng triều dâng gập ghềnh đá ngầm, nước cạn mà nhiều đá nam châm…). Các tác giả giải thích rằng Trướng hải là tên gọi biển Đông của người Trung Quốc thời đó và vùng đá ngầm dưới có từ tính nam châm là chỉ hai quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa). Tài liệu này được dẫn lại ở rất nhiều nơi, đăng trên cả trang thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc với lập luận hai quần đảo này do người dân Trung Quốc phát hiện và đặt tên sớm nhất (từ thời Đông Hán).
Tương tự như vậy, để củng cố cho lý lẽ trên, Hàn Chấn Hoa và các tác giả sách Ngã quốc nam hải chư đảo sử liệu hối biên còn trích ra nhiều câu khác trong sách cổ thời Tam quốc, thời Tùy, thời Đường như Phù Nam truyện của Khang Thái, Ngô lục của Trương Bột, Nhĩ nhã của Quách Phác… nói việc người thời ấy đã viết trong Trướng hải (tên biển Đông theo cách gọi của người Trung Quốc) có san hô, có đồi mồi, có ốc lớn bằng cái đấu, vỏ có thể dùng để uống rượu…2 để suy diễn xa hơn rằng trong sách của mình, Quách Phác đã chú thích vùng biển nói tới ở đây là vùng biển thuộc quận Nhật Nam (vùng đất từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi), rằng người Trung Quốc thời ấy đã biết đến hai quần đảo.
Những câu trích dẫn này thực ra chỉ là những ghi chép về các hiện tượng mà các tác giả đương thời cho là hay, là lạ (dị vật), chứ hoàn toàn không có ý nghĩa gì về việc phát hiện, đặt tên đảo nên không thể coi là chứng lý về chủ quyền và càng không phải là bằng chứng của việc chính quyền thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này.
Từ năm 960, triều Tống thiết lập quyền thống trị trên toàn cõi Trung Hoa. Những tư liệu lịch sử từ thời kỳ này về chủ quyền là rất đáng lưu ý. Tuy nhiên, các tư liệu được các học giả Trung Quốc đưa ra cũng thiếu tính thuyết phục. Đa số những câu trích có nhắc đến hai quần đảo Vạn Lý Trường Sa và Thiên Lý Thạch Ðường (mà Trung Quốc nói là tên khác của Tây Sa / Hoàng Sa và Nam Sa / Trường Sa) đều xuất hiện trong các hải trình, được mô tả trong các sách của tác giả Trung Quốc, nhưng nói về nước ngoài, hoặc liên quan đến nước ngoài (không phải Trung Quốc) như Lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi, Chư phiên chí của Triệu Nhữ Quát. Đúng như tên gọi của những sách này, “Lĩnh ngoại” là ngoài biên giới Trung Quốc, nói về những chuyện bên ngoài. “Chư phiên” là các nước Trung Quốc cho là chư hầu của mình, chuyện chép về các nước xung quanh mình. Do vậy, những mô tả về biển đảo hoặc hải trình đi tới các nước như Giao Chỉ, Chiêm Thành, Chân Lạp thì tên các quần đảo Thiên Lý Trường Sa Vạn Lý Thạch Ðường (mà Trung Quốc cho là Tây Sa và Nam Sa) được nhắc đến để chỉ vị trí hoàn toàn không có ý nghĩa nào trong việc xác định chủ quyền của Trung Quốc. Đấy là chưa kể từ ngữ dùng trong các sách này cho thấy tác giả cũng chỉ nghe truyền lại, chứ không biết đích xác ra sao. Có thể dẫn ra đây một vài đoạn trích mô tả vị thế xung quanh đảo Hải Nam mà Hàn Chấn Hoa sử dụng để khẳng định sách Chư phiên chí nói 2 quần đảo này là của Trung Quốc:
“Nam đối diện với Chiêm Thành, phía Tây nhìn sang Chân Lạp, Đông thì Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Ðường, xa xôi không bờ, trời nước một màu.”
Một đoạn trích khác: “Nghe truyền rằng [nguyên ngữ 傳聞: truyền văn] biển lớn phía đông có Trường Sa Thạch Ðường rộng vạn dặm, nước thủy triều thi triển đẩy vào chốn cửu u.”
Các sử liệu đời sau được biên soạn vào thời Nguyên, Minh được tập hợp trích dẫn, về cơ bản cũng theo cung cách như vậy. Tất cả các đoạn trích dẫn ra đều được giải thích theo cách hiểu, chủ ý của người dẫn. Người đọc khó có thể bị thuyết phục bởi cách giải thích ấy. Nhiều học giả trong và ngoài nước đã có những phân tích xác đáng và đều nhận định khá thống nhất rằng kiểu cách tập hợp, trích dẫn và giải thích sử liệu của nhóm Hàn Chấn Hoa không theo các nguyên tắc khoa học mà có dụng ý chủ quan, cắt xén, lắp ghép tùy tiện và giải thích gượng ép. Có thể nói luận lý của các học giả Trung Quốc về chủ quyền của học đối với hai quần đảo đang nói ở đây có từ thời Đông Hán và được thực thi suốt từ đó đến nay ngày càng ít người quan tâm vì tính chất phi lý, phản khoa học của nó và vì vậy, phía Trung Quốc cũng không nói tới nó nhiều.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc ra sức đề cao sự kiện Đô đốc nhà Thanh là Lý Chuẩn đưa quân ra Tây Sa (Hoàng Sa) kéo cờ, bắn pháo vào năm 1909 và coi đó là mốc thời gian xác lập chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này. Sự kiện này chẳng còn mấy ý nghĩa vì thời điểm diễn ra vào đầu thế kỷ XX, khi mà Việt Nam đã có rất nhiều tư liệu khẳng định chủ quyền và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trước đó nhiều thế kỷ (sẽ trình bày ở phần dưới). Vả lại, chính việc đề cao này lại tự nó bác lại những lập luận mà các học giả Trung Quốc phải dày công xây dựng tư liệu để chứng minh Tây Sa và Nam Sa đã được người Trung Quốc phát hiện và sở hữu từ thời Hán, cách ngày nay tới vài ngàn năm.
Tháng 2 năm 1948, Vụ Biên giới và Lãnh thổ, Bộ Nội vụ của Trung Hoa dân quốc cho xuất bản bản đồ có tên Bản đồ vị trí các đảo Nam hải (南海诸岛位置图) với 9 đường đứt khúc chiếm khoảng 75% mặt nước biển Đông, ôm trọn hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Bản đồ này được vẽ dự trên cơ sở một bản đồ cá nhân vẽ trước đó vài chục năm với 11 đoạn đứt khúc đã bỏ đi 2 đoạn nằm trong vịnh Bắc Bộ. Mặc dù đường 9 đoạn đang được dùng như một “căn cứ không thể chối cãi” về chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo, nhưng tính chất phi lý, phản khoa học của nó đang bị phê phán rất mạnh mẽ. Trong thời gian gần đây, lý lẽ khoa học của Trung Quốc không thấy có gì mới, chủ yếu chỉ là những tuyên bố theo kiểu “Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi” mà thôi.
2. Những tư liệu phương Tây về chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa
Ngay từ thế kỷ XVI, Thái Bình Dương đã trở nên rất quen thuộc với người phương Tây, họ đã có thể vẽ khá chính xác bản đồ châu Á với những ghi chú thể hiện sự hiểu biết sâu sắc các tuyến đường tàu thuyền của họ thường xuyên qua lại. Vừa qua tại một số địa phương, 56 bản đồ cổ được các nhà hàng hải chấu Âu vẽ từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX được trưng bày mới chỉ là một phần trong số đó. Tất cả những bản đồ này đều thể hiện hoặc chua chú thích xác nhận hai quần đảo Pracel hay Paracels (Hoàng Sa) và Pratley (Trường Sa) là thuộc Ciampa (phiên âm tên Champa, một vương quốc cổ tương đương với miền Trung Việt Nam) hay Cochinchine (tương đương với vùng đất Nam Bộ, còn được dịch là vương quốc Đàng Trong).
Có rất nhiều tài liệu của các nước châu Âu phản ánh chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Xin đơn cử ra đây một số. Các tư liệu được dẫn theo trình tự thời gian.
Trước hết là sự kiện chiếc tầu Grootebroek của Hà Lan trên đường đi từ Battavia (Indonexia) tới Turon (Đà Nẵng) bị đắm ở khu vực Paracels (Hoàng Sa) vào năm 1634. Những thuỷ thủ sống sót đã đưa được 4 thùng bạc lên một đảo lớn ở Paracel, sau đó cử 1 nhóm 12 người đi thuyền nhỏ vào Phú Xuân gặp chúa Nguyễn Phúc Nguyên xin trợ giúp. Chúa đã cho phép họ thuê tầu trở lại đảo đón 50 thuỷ thủ và lấy 4 thùng bạc. Câu chuyện phản ánh rõ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa này được này J.M.Buch khai thác trong các tài liệu công ty Đông Ấn Hà Lan và công bố trên tạp chí của Trường Viễn Đông bác cổ của Pháp vào năm 1936 (J.M.Buch : La Compagnie des Indes Neerlandaises et l’Indochine. Bulletin de l’ Ecole Francaise d’ Extrême Orient, tome XXXVI, 1936, p.134)
Năm 1701 một người Pháp là Jean Yves Clayes trong nhật ký của mình đã mô tả rất cụ thể các bãi đá ngầm ghi rõ: “Paracel là một quần đảo thuộc Vương quốc An Nam” (Jean Yves Clayes: Mystère des atolls – Journal de voyage aux Paracels. Indochine No 46-1941).
Vào giữa thế kỷ XVIII có một nhân vật rất nổi tiếng là giáo sĩ kiêm thương nhân Pierre Poivre. Nhờ những cuốn sách và bài viết của ông mà người Pháp đã có sự quan tâm đặc biệt đến Việt Nam. Ngay cả đến Thomas jefferson, vị Đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp, sau trở thành Tổng thống của Hợp chủng quốc, sau khi đọc P. Poivre cũng bị cuốn hút vào xứ sở này. Năm 1803, ngay sau khi đắc cử, vị tân Tổng thống đã cử một phái bộ đem theo dự thảo Hiệp định thương mại đến Việt Nam với hy vọng thiết lập quan hệ hợp tác, nhưng việc không thành.
P. Poivre có điều kiện thường xuyên qua lại Việt Nam và từng được chúa Nguyễn Phúc Khoát tiếp tại kinh thành Phú Xuân. Một trong những cuốn sách của ông là Mémoire sur La Cochinchine (Ký ức về Đàng Trong) xuất bản tại Paris năm 1744, đã nói đến việc nhiều khẩu thần công bố trí trên tường kinh thành mà ông tận mắt trông thấy, là của các con tầu phương Tây bị đắm được lấy về từ Paracel. Trong một tập tài liệu được viết ra sau đó, Đô đốc M. d’Estaing cũng có nhận xét tương tự: “Xung quanh thành [Phú Xuân – VMG] có một nơi để rất nhiều đại bác, nhiều khẩu là được để trang trí hơn là để sử dụng. Người ta cho rằng số súng đó có thể tới 400 khẩu, một phần được đúc bằng gang, một số lớn là của Bồ Đào Nha được lấy về từ các vụ đắm tàu trước kia ở quần đảo Paracels” (G.Taboulet: La geste Francaise en Indochine, tome I, Paris 1955, p.145 -151)
Đây là những nhận xét khách quan nhưng lại là nhưng chứng cớ hết sức thuyết phục về thành quả những chuyến công tác của Đội Hoàng Sa mà các chúa Nguyễn đã tổ chức ra để thực thi chủ quyền trên hai quần đảo.
Jean Baptiste Chaigneau một người rất am hiểu tình hình Việt Nam cuối thế kỷ XIX – đầu XX đã có một bản tường trình cho Bộ Ngoại giao Pháp về triều Nguyễn vào tháng 5 năm 1820, trong đó có đoạn viết: “Vua ngày nay [tức vua Gia Long-VMG] đã lên ngôi hoàng đế [của một nước-VMG] gồm Đàng Trong cũ (Cochinchina), xứ Đàng Ngoài cũ (Tonkin), một phần vương quốc Campuchia, một số hòn đảo có người ở không xa bờ và quần đảo Paracels hợp thành bởi những đảo nhỏ, ghềnh và đá hoang vắng” (Bulletin des Amis du vieux Huế, 1923, p.275).
Năm 1837 Giám mục Jean Louis Taberd có một bài viết về Việt Nam, trong đó có đoạn viết về quần đảo Hoàng Sa như sau:“Paracel hay Paracels là một mê cung đầy những đảo nhỏ, đá và bãi cát trải trên một khu vực đến 11 độ vĩ Bắc, 107 độ kinh Đông … Người Cochinchina gọi quần đảo này là Cồn Vàng. Tuy quần đảo này không có gì ngoài tảng đá và những cồn lớn, nó hứa hẹn nhiều bất tiện hơn thuận lợi, Vua Gia Long vẫn nghĩ rằng ông sẽ tăng thêm lãnh thổ bằng cách chiếm thêm cái đất buồn bã này. Năm 1816, ông đã tới long trọng cắm cờ và chính thức chiếm hữu mà hình như không một ai tranh giành với ông” . Ở đây J. L. Taberd nói tới sự kiện vua Gia Long giao cho quân đội ra làm cột mốc, cắm cờ chứ ngay từ khi mới lên ngôi (1802), ông đã liên có chỉ dụ củng cố hoạt động của đội Hoàng Sa được thành lập bởi các chúa Nguyễn từ thế kỷ XVII.
Vào năm sau (1838) chính vị giám mục này cho công bố tấm bản đồ, trên đó chú thích rõ quần đảo ở vị trí Hoàng Sa là “Paracel seu Cát Vàng ” (Paracel hay Cát Vàng). Cát Vàng là tên thuần Việt mà trên các văn bản chính thức gọi là Hoàng Sa. Đây là chứng lý xác đáng cho việc người Việt đã đặt tên cho quần đảo mà người phương Tây gọi là Paracel.
Vào năm 1849 TS. Gutzlaff, hội viên của Hội địa lý Hoàng gia Luân Đôn, biên soạn một cuốn sách về Địa lý vùng đất phía nam của Việt Nam, có đoạn nói về Hoàng Sa như sau: “…Quần đảo Paracel (Kat Vang), ở ngoài khơi bờ bể An Nam, lan giữa 15 đến 17 độ vĩ Bắc và 111 đến 113 độ kinh Đông… Không biết vì san hô hay vì lẽ khác mà các ghềnh đá ấy lớn dần, nhưng rõ ràng nhận thấy rằng các đảo nhỏ ấy càng năm càng cao, và một vài đảo bây giờ đã có người ở thường xuyên, thế mà chỉ mấy năm trước sóng đã vỗ mạnh trào qua… Chính phủ An Nam thấy những mối lợi có thể mang lại nếu đặt ra một ngạch thuế bèn lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ ở chỗ này để thu thuế mà mọi người ngoài tới đây đều phải nộp, và để bảo trợ người đánh cá bản quốc…” (K.Gutzlaff: Geopraphy of the Cochinchinese Empire. The Journal of the Royal Geographical Society of London, tome 19,1849, p. 93).
Giữa thế kỷ XIX, cuốn Địa lý đại cương, một bộ sách đồ sộ của nhà địa lý học Italia nổi tiếng Adriano Balbi đã được xuất bản ở Livorno. Trong phần mô tả về địa lý Vương quốc An Nam có ghi: “Thuộc Vương quốc này có quần đảo Paracels [Hoàng Sa –VMG], nhóm đảo Pirati [đảo Hải tặc –VMG] và nhóm đảo Poulo Condor [Côn Đảo-VMG]” . Trong khi đó, đoạn mô tả về địa lý Trung Hoa, mặc dù rất dài, tác giả không đề cập gì đến Hoàng Sa và Trường Sa (Adriano Balbi: Compendio di Geografia, Livorno 1854, p.641).
3. Tư liệu lịch sử về việc Trung Quốc tự phủ nhận chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Trong khi các tư liệu của Việt Nam luôn nhất quán với tên gọi của hai quần đảo là Hoàng Sa (hay tên Nôm là Cát Vàng hay Cồn Vàng) và Trường Sa hay Vạn lý Trường Sa, được đồng nhất với các tên gọi của phương Tây là Paracels và Pratley thì tên gọi do Trung Quốc đặt lại rất hỗn loạn. Tên Tây Sa và Nam Sa mới chỉ xuất hiện rất muộn. Đã vậy, trong nhiều tài liệu của mình Trung Quốc tự phủ nhận chủ quyền trên hai quần đảo này (thực ra là không từng có trong lịch sử).
Chứng cớ rõ nhất là trên các bản đồ của Trung Quốc. Không kể những tập bản đồ được vẽ sớm, đến tận thời kỳ triều Thanh trị vì vào những năm 1894,1904, 1908 và dưới thời Trung Hoa dân quốc vào năm 1919 có hàng loạt bản đồ do Trung Quốc vẽ vừa được triển lãm rộng rãi, không hề có hai quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa) và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Nam Sa) đã gây ấn tượng mạnh cho người xem cả trong và ngoài nước. Càng bất ngờ hơn khi trênn bộ Atlas được in trong trong sách Trung hoa Dân quốc Bưu chính dư đồ, xuất bản năm 1933 cũng hoàn toàn thiếu vắng hai quần đảo này. Như vậy là căn cứ trên những bản đồ chính thức này thì chí ít đến tận những năm 30 của thế kỷ XX, địa giới cực nam của Trung Quốc khi ấy chỉ là đảo Hải Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với tư liệu lịch sử do chính người Trung Quốc biên soạn, hoặc người phương Tây thuật lại sự từ chối bỏ chủ quyền trên hai quần đảo của người Trung Quốc.
Atlas được in trong trong sách Trung hoa Dân quốc Bưu chính dư đồ, xuất bản năm 1933. Phần tỉnh Quảng Đông vẽ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam.
Bản đồ Hoàng Sa trong sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn
Vào cuối thế kỷ XVII, một nhà sư Trung Quốc là Thích Đại Sán được chúa Nguyễn Phúc Chu mời đến Đàng Trong. Sau khi về nước ông đã cho xuất bản cuốn sách Hải ngoại ký sự vào năm 1695 kể về chuyến đi này. Trong tác phẩm của mình, nhà sư Trung Quốc đã nói rõ việc chúa Nguyễn tổ chức các đội binh thuyền ra Hoàng Sa và Trường Sa (mà ông gọi chung là Vạn lý Trường Sa) để “thu lượm vàng bạc, khí cụ của các thuyền hư hỏng dạt vào”.
Trong tác phẩm Phủ Biên tạp lục, ngoài những căn cứ khẳng định chủ quyền của chính quyền chúa Nguyễn trên hai quần đảo (sẽ trình bày sau), Lê Quý Đôn còn cho biết một chi tiết nói quan chức nhà Thanh thừa nhận chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Ông viết: “Tôi đã từng thấy một đạo công văn của quan chính đường huyện Văn Xương Quỳnh Châu [Hải Nam, Trung Quốc-VMG] gửi cho Thuận Hóa nói rằng: năm Kiền Long thứ 18 (1753) có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh đội Cát Liềm (có thể là Cát Vàng, tức đội Hoàng Sa – VMG) huyện Chương Nghĩa, phủ Quảng Ngãi, nước An Nam, ngày tháng 7 đến Vạn Lý Trường Sa tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, dạt vào cảng Thanh Lan, quan ở đấy xét thực, đưa trả về nguyên quán. Nguyễn Phúc Chu sai cai bạ Thuận Hóa là Thức Lượng Hầu làm thư trả lời”.3 Như vậy là chính quyền Quỳnh Châu sau khi biết rõ 2 người Việt là lính đang nhiệm vụ ở Hoàng Sa chẳng những không gây khó dễ hoặc trừng trị như đối với những kẻ “xâm phạm chủ quyền quốc gia”, mà còn tạo điều kiện để trở về nước. Thời điểm đó là vào giữa thế kỷ XVIII.
Trong khoảng thời gian hai năm 1895 – 1896 tại khu vực quần đảo Hoàng Sa liên tục xảy ra hai vụ đắm tàu. Một của Đức, con tàu mang tên Bellona và một của Nhật, tàu Imegi Maru. Cả hai tàu này đều mua bảo hiểm của Anh nên khi nghe tin dân Trung Quốc thừa cơ tàu bị nạn đã ra cướp bóc, công ty bảo hiểm và đại diện chính phủ Anh ở Trung Quốc đã yêu cầu phía Trung Quốc phải có trách nhiệm, nhưng họ đã từ chối với lý do: “…các đảo Paracels… không thuộc Trung Quốc… chúng không được sáp nhập về hành chính vào bất kỳ quận nào của Hải Nam …” (Báo cáo của Toàn quyền Đông Dương gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, dẫn theo Monique Chemillier – Gendreau: Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phụ lục số 5 (La souveraineté sur les archipels Paracels et Spratleys. L’Harmattan Paris, 3/1996). Như vậy là nhà đương cục Hải Nam vô can với hậu quả của vụ cướp bóc, nhưng đồng thời sự kiện này cũng cho thấy, cho đến tận cuối thế kỷ XIX, nhà chức trách ở vùng đất cực nam của Trung Quốc hoàn toàn chưa có ý tưởng gì về chủ quyền của họ đối với Hoàng Sa (gần Trung Quốc hơn) chứ chưa nói đến Trường Sa (ở rất xa Trung Quốc).
Liên quan đến sự kiện này, một học giả Trung Quốc, ông Lý Lệnh Hoa thuộc Trung tâm Thông tin Hải dương Trung Quốc, có một nhận xét rất xác đáng trong tham luận đọc tại một hội thảo khoa học, xin được lược trích ra đây:
“Nói đến quyền lợi ở Nam Hải, chúng ta [Trung Quốc – VMG] thường thích nói một câu là: từ xưa đến nay thế này thế nọ, có lúc hứng lên còn thêm vào hai chữ “thiêng liêng”… nhưng chứng cứ thật sự có sức thuyết phục chính là sự kiểm soát thực tế. Anh nói chỗ đó là của anh, vậy anh đã từng quản lý nó chưa? Người ở đó có phục tùng sự quản lý của anh không? Có phải người khác không có ý kiến gì không? Nếu đáp án của những câu hỏi này đều là “có” thì anh thắng là điều chắc. Ở Nam Sa [tức Trường Sa – VMG], chúng ta đã không có được điều đó…
Vào thời nhà Thanh (đời Hàm Phong hoặc Đồng Trị), có một chiếc tàu hàng Pháp chở đồng đi qua vùng biển Tây Sa (tức Hoàng Sa – VMG) thì gặp cướp biển, bị cướp sạch. Theo quy tắc vận tải hàng hóa trên biển, họ phải đến gặp chính quyền sở tại để trình báo, đề nghị giúp bắt bọn cướp, đồng thời xin chính quyền nơi đó xác nhận làm bằng cứ để khi về báo cáo với chủ hàng và đòi hãng bảo hiểm bồi thường. Viên thuyền trưởng đưa tàu chạy đến cảng gần nhất là Du Lâm ở đảo Hải Nam, trình báo với tri phủ (có lẽ là tri huyện) địa phương.
Viên quan địa phương đó nói với thuyền trưởng rằng: “Nơi chúng ta đứng đây có tên là Thiên Nhai Hải Giác (chân trời góc biển). Đất của Thiên triều đến đây là hết rồi. Chuyện ông bị cướp ngoài biển biết là ở chỗ nào? Ông bị cướp, chúng tôi không chịu trách nhiệm, không quản được và cũng không muốn quản”.
Thế rồi tống cổ vị thuyền trưởng bị cướp ra khỏi nha môn. Nhưng sự kiện đó cần phải có cái kết, nếu không về nước biết ăn nói ra sao? Viên thuyền trưởng đành phải cho tàu chạy vào cảng Hải Phòng. Quan chức địa phương ở đó rất tốt, xác nhận cho ông ta, lại còn cho tàu ra chạy lòng vòng, coi như đã truy bắt cướp.
Đó là chứng cứ gì? Đó chính là chứng cứ về kiểm soát và quản lý thực tế. Chứng cứ này nói lên: Chính phủ Trung Quốc ngay từ thời triều Thanh đã không thừa nhận “Tây Sa” là lãnh thổ của mình, cũng không đảm trách công tác trị an ở đó.Còn chính quyền Việt Nam khi đó không những đã cho rằng “Tây Sa” là lãnh thổ của họ, mà còn thực thi công tác giữ gìn trật tự ở đó.
Điều đó chả phải đã chứng minh “Tây Sa” từ xưa đến nay đều thuộc về Việt Nam hay sao? Nếu bạn là đại biểu đàm phán của Trung Quốc, được huấn luyện đầy đủ về luật biển và luật quốc tế, trước những chứng cứ như thế thì phải làm thế nào? Chắc chắn sẽ muốn có cỗ máy thời gian để quay trở lại thời đó bóp chết viên tri phủ kia!…”4
Năm 1974 Trung Quốc dùng vũ lực tấn công đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Ngay sau đó, chính quyền Trung Quốc đã cử một đoàn nghiên cứu lịch sử, khảo cổ trong đó có GS. Hàn Chấn Hoa ra khảo sát một số đảo. Trong công trình do mình chủ biên, ông đã đề cập tới ngôi chùa có tên Hoàng Sa tự trên đảo Vĩnh Hưng (tức đảo Phú Lâm theo tên của Việt Nam). Mặc dù tên chùa và các câu đối viết bằng chữ Hán (黄 砂 寺), nhưng lại là một trong những chứng cớ hết sức thuyết phục về chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Ngôi chùa này đã được báo chí Trung Quốc nói tới từ năm 1957, sau lần quân Trung Quốc đổ bộ lên Phú Lâm năm 1956, khi quân Pháp vừa thất bại trên chiến trường Việt Nam. Theo mô tả trong tạp chí “Lữ hành gia” quyển 6, xuất bản năm 1957 tại Bắc Kinh thì vào thời điểm ấy trong chùa còn ghi niên đại trùng tu vào năm Bảo Đại 14 (1939). Dựa vào những ghi chép trong bộ Đại Nam thực lục chính biên, có thể biết ngôi chùa này đã được vua Minh Mệnh ra lệnh xây theo đề nghị của Bộ Công và tỉnh Quảng Ngãi. Người được giao phụ trách công việc này là cai đội Phạm Văn Nguyên. Lính và dân phu hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi đã chuyên chở vật liệu từ đất liền ra xây (Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục chính biên. NXB Giáo dục, T.4, tr.673).
4. Tư liệu Việt Nam có cơ sở vững chắc và ngày càng thêm phong phú
Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo xuất hiện trên các bản đồ hàng hải phương Tây trước thế kỷ XVII hầu hết đều đi liền với tên gọi Ciampa hay Campa. Điều có nghĩa những đảo này từng gắn rất chặt với vương quốc Champa, sau này trở thành một bộ phận của nước Việt Nam.
Bản đồ sớm nhất của Việt Nam có thể hiện hai quần đảo là Bộ Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá Công Đạo vẽ vào năm Chính Hòa 7 (1686). Trên bản đồ quần đảo Hoàng Sa được ghi bằng chữ Nôm là Bãi Cát Vàng (