Việt Nam đã phản đối cuộc tập trận chung xung quanh đảo Triton, thuộc quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc tiến hành với danh nghĩa “để tìm hiểu về các chiến thuật và phương pháp tác chiến chung”. Ngoài Việt Nam, động thái quân sự này của Trung Quốc cũng khiến Đài Loan cảnh giác.
Đài Loan thử nghiệm tên lửa Hùng Phong II
Thông tin về cuộc tập trận được công bố trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV đầu tháng 3 này. Trong băng video được phát sóng, các vũ khí, khí tài, tình huống…, bao gồm: Một số tàu đệm khí Type 726 chở theo xe tăng chủ lực Type 96A và các binh sĩ thủy quân lục chiến với đầy đủ vũ khí, rời tàu đổ bộ Type 071 và cập vào bờ biển. Khu trục hạm Type 052D, hộ vệ hạm Type 054A và một tàu hỗ trợ cảnh giới vòng ngoài, trong khi một tiêm kích Su-30 MKK và một oanh tạc cơ H-6K yểm trợ từ trên không… Lực lượng Trung Quốc đổ bộ từ tàu và trực thăng và vấp phải hỏa lực mạnh của đối phương. Lục quân sau đó điều xe tăng lên phá hủy các lô cốt của đối phương. Tàu chiến Trung Quốc thực hiện các thao tác huấn luyện khoa mục phòng không, chống tên lửa, cất hạ cánh trực thăng vào ban đêm…
Việc mô tả chi tiết có ý nghĩa như màn phô diễn, khoe khoang sức mạnh quân sự của Trung Quốc – một cường quốc mới nổi đang có quá nhiều đối thủ, trước hết là các quốc gia trong khu vực cùng có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, và các cường quốc phương Tây – những quốc gia, theo Trung Quốc, chẳng có lý do gì để hùng hổ kéo lực lượng quân sự vào làm phức tạp thêm tình hình.
Việt Nam phản đối. Điều đó tất nhiên, bởi Hà Nội luôn khẳng định quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép. Chỉ có điều, tuyên bố của Hà Nội, qua lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khó có thể mới hơn những gì họ đã thể hiện trong những tình huống tương tự: “Mọi hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ, hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải trên Biển Đông”.
Liên quan sự kiện này, một bộ phận dư luận lại cho rằng, thông điệp Bắc Kinh hướng đến Đài Loan và Mỹ là chính. Còn với Việt Nam, nếu có, là “kèm theo”.
Tại sao vậy? Là bởi, cho dù CCTV không nêu cụ thể thời điểm tập trận, nhưng nhiều người tin, bản tin được phát vài ngày sau các hoạt động do thám của Mỹ và cuộc tập trận của Đài Loan mô phỏng một cuộc tấn công của Trung Quốc vào các rạn san hô của họ. Thế nghĩa là, cuộc tập trận của Trung Quốc sát đó; những hình ảnh CCTV đưa là một phần của cuộc tập trận Trung Quốc thực hiện, kéo dài gần như cả tháng 3/2021.
Trước một Trung Quốc đại lục to như voi, luôn miệng đe “ăn tươi nuốt sống”, tập trận để tăng cường phòng thủ là chuyện lâu nay Đài Loan vẫn làm và phải làm. Nhưng Trung Quốc cay cú nhất là, trùng thời điểm Mỹ tăng cường do thám bằng máy bay, ngoài 5 đợt tập trận, bà Thái Anh Văn còn cho thử 6 lần tên lửa lửa ngoài khơi bờ biển phía Đông và phía Nam. Không quân Đài Loan cũng mở một số đợt diễn tập bắn đạn thật từ ngày 3-25/3 tại vùng biển gần Chialutang ở Tây Nam Đài Loan – khu vực được coi là quá nhạy cảm, bởi gần Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan, nơi Bắc Kinh thường xuyên điều máy bay tới, khiến không quân Đài Loan phải cảnh giác và gọi đó là hành động khiêu khích.
Chưa hết, “người đàn bà thép” Thái Anh Văn còn cho công bố cụ thể các cuộc tập trận của lực lượng hải quân và tuần duyên của mình với tần xuất dồn dập trong tháng 3 này.
“Ăn miếng, trả miếng” – đó là điều có thể nhận xét về những động thái gầm ghè nhau về quân sự, giữa Trung Hoa đại lục của ông Tập Cận Bình, và Trung Hoa dân quốc của bà Thái Anh Văn.