Các quan chức Trung Quốc đến Alaska với hi vọng “khởi động lại” quan hệ với Mỹ sau 4 năm căng thẳng thời ông Trump, nhưng rốt cuộc đối thoại với người của ông Biden đã kết thúc mà không có bước đột phá nào.
Cuộc đối thoại hai ngày ở Alaska (Mỹ) giữa các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc – với ba vòng đàm phán – đã kết thúc ngày 19-3 mà không có tuyên bố chung. Trang Politico bình luận: “Đối thoại bắt đầu bằng những cuộc trao đổi cay đắng, và kết thúc bằng những từ ngữ ảm đạm”.
“Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và Trung Quốc đã kết thúc cuộc gặp cấp cao đầu tiên ngày 19-3 sau hai ngày đối thoại ở Alaska, với màn cãi vã công khai khác thường và không có dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa hai nước được cải thiện” – báo Financial Times đánh giá.
Phát biểu sau khi kết thúc cuộc gặp này, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết hai bên đã có các cuộc thảo luận “khó khăn” sau cuộc trao đổi mở màn hôm 18-3, khi hai bên đưa ra hàng loạt cáo buộc nhắm vào nhau.
“Chúng tôi cho rằng sẽ có cuộc đối thoại khó khăn về một loạt vấn đề và đó chính xác là những gì chúng tôi đã trải qua” – ông Jake Sullivan cho biết, sau khi ông và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp các quan chức cấp cao Trung Quốc là Ngoại trưởng Vương Nghị và Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Phát biểu trước báo giới ngày 19-3, Ngoại trưởng Blinken nói rằng phía Mỹ đã nêu lên nhiều vấn đề với phía Trung Quốc, gồm vấn đề quyền con người ở Hong Kong và Tân Cương, tình trạng của Đài Loan, cũng như an ninh mạng.
Trong khi đó, ông Dương Khiết Trì nói rằng cuộc đối thoại trực diện này “ngay thẳng, mang tính xây dựng, và có ích”, nhưng cho biết thêm “vẫn còn một số bất đồng quan trọng giữa hai bên”.
Dù phía Mỹ đã hạ thấp kỳ vọng cho cuộc gặp này, lúc đầu vẫn có một chút hi vọng rằng hai bên sẽ đạt được tiến bộ gì đó dù là rất nhỏ. Trước cuộc gặp, các quan chức đã nêu ra khả năng diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tuy nhiên, khi cuộc gặp kết thúc, không bên nào cho biết họ nghĩ chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo.
“Kết quả cuộc gặp đã nhấn mạnh một điều: Không bên nào cảm thấy hết sức cấp bách để hợp tác với bên còn lại. Các nghị sĩ lưỡng đảng ở Mỹ đã thúc ép Tổng thống Joe Biden duy trì lập trường cứng rắn của cựu tổng thống Donald Trump với Trung Quốc và đội ngũ của ông nhìn chung đã làm như vậy” – Hãng tin Bloomberg đánh giá.
Báo New York Times bình luận vào lúc này không rõ hai bên có thể hợp tác bao xa để đạt được nhiều mục tiêu chung, gồm kiểm soát đại dịch COVID-19, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, hạn chế chương trình hạt nhân Iran và các chương trình vũ khí của Triều Tiên.