Nếu các lãnh đạo của Mỹ không cần sẵn sàng chấp nhận rủi ro ẩn chứa trong những chiến lược mang đậm tính gây hấn, thì họ sẽ lựa chọn thứ ba tập trung hơn vào việc đáp trả, và đưa ra hình phạt, với những gì mà Trung Quốc giành được, thay vì trực tiếp ngăn chặn hành động của Trung Quốc.
Ngoại giao “chiến lang” Trung Quốc bị phản đòn từ Mỹ tại Alaska
Đáp trả
Washington sẽ đáp trả những bước đi của Trung Quốc tại Biển Đông bằng việc áp đặt cái giá phải trả – ngoại giao, kinh tế và các lĩnh vực khác lên Bắc Kinh; chiến lược này cũng sẽ đòi hỏi Mỹ cần phải sáng tạo, tìm cách tăng cường vị thế tương đối của mình và đồng minh, đối tác. Như tên gọi của chiến lược này ngụ ý đây là chiến lược về cơ bản sẽ chấp nhận một số tổn thất ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trong ngắn hạn tại Biển Đông, với hy vọng sẽ đáp trả những tổn thất này bằng việc giành được những lợi thế giúp tăng năng lực cạnh tranh trong dài hạn.
Nhìn một cách logic, chiến lược đáp trả có nguồn gốc từ sự kết hợp đặc biệt giữa bi quan chiến thuật và lạc quan chiến lược. Những người ủng hộ chiến lược đáp trả tin rằng, việc cố gắng ngăn bước tiến của Trung Quốc sẽ đi kèm với nguy hiểm và sự thất vọng, bởi lợi thế địa lý của bản thân Trung Quốc cho phép nước này được chọn thời điểm và địa điểm gây sức ép. Bên cạnh đó, nói một cách đơn giản Biển Đông quan trọng với Bắc Kinh hơn là so với Washington: mặc dù vùng biển này có thể là lợi tích quan trọng cho Mỹ, nhưng nó lại là lợi ích vô cùng quan trọng của Trung Quốc. May mắn là, những người ủng hộ chiến lược này còn có lập luận khác, đó là việc ngăn chặn hoàn toàn bước tiến của Trung Quốc, về mặt chiến lược, không hẳn là nhiệm vụ mà Mỹ cần phải làm để duy trì điều lớn hơn là vị thế của Mỹ tại khu vực.
Ví dụ, Washington có thể không ngăn được Trung Quốc nạo vét tại những rạn san hô nằm cô lập ngoài biển, nhưng có thể sử dụng một loạt công cụ ngoại giao và kinh tế để buộc Trung Quốc phải chịu cái giá đáng kể cho việc thực hiện những hoạt động đó. Ngoài ra, Mỹ có thể đảm bảo rằng, các bước tiến của Trung Quốc thậm chí sẽ bị Mỹ vượt xa hơn, với việc nâng cấp thế đứng quân sự trong khu vực và tăng cường quan hệ an ninh với các láng giềng của Trung Quốc. Làm như vậy, Mỹ có thể khiến Trung Quốc phải trả giá cho mỗi hoạt động xây đảo nhân tạo, với việc đảm bảo rằng, bất kỳ bước tiến chiến thuật nào của Bắc Kinh sẽ dẫn đến tổn thất chiến lược nặng nề hơn. Theo thời gian, cách tiếp cận này có thể thuyết phục lãnh đạo Trung Quốc rằng, việc dồn sức cho cuộc chơi Biển Đông là không đáng, và ít nhất, nó sẽ giảm thiểu, nếu không muốn nói là phủi sạch, những lợi ích chiến lược mà Trung Quốc gặt hái được từ đón tấn công của mình.
Những người ủng hộ chiến lược này cho rằng, cuộc đấu tại Biển Đông – và xa hơn là ở Châu Á – Thái Bình Dương – sẽ được quyết định, không phải bởi việc ai là người kiểm soát nhúm đảo nhỏ tại đây, mà bởi ai có sức mạnh tổng hợp lớn hơn và ai sẽ là người kiểm soát được tốt hơn sự trung thành của các nước chủ chốt tại khu vực. Chiến lược đáp trả tập trung vào bức tranh lớn, dài hạn này trong khi đó cũng góp phần giảm thiểu nguy cơ xung đột trong ngắn hạn.
Trên thực tế, chiến lược đáp trả sẽ chấp nhận việc Trung Quốc thay đổi nguyên trạng, trong chừng mực những thay đổi này không dẫn tới xung đột với Mỹ hay các đồng minh hiệp ước. Nhưng với những hành vi lấn tới của Trung Quốc, như việc tiếp tục tiến hành cải tạo đảo, Washington sẽ đáp trả bằng các biện pháp như trừng phạt kinh tế đối với các công ty tham gia vào hoạt động này, như xa hơn là dừng các sáng kiến hợp tác song phương như việc đàm phán về thỏa thuận đầu tư song phương, hay như việc mở rộng dần quan hệ quốc phòng của Mỹ với Đài Loan hay với các nước khác tại khu vực. Khi những hành vi lấn tới của Trung Quốc tạo ra bất ổn tại khu vực, Mỹ sẽ tích cực khai thác chiến lược này bằng việc mở rộng quan hệ quốc phòng và tìm kiếm cơ hội đặt căn cứ quân sự tại các nước ở Đông Nam Á và khu vực; Mỹ cũng sẽ tiếp tục khuyến khích các nước Đông Nam Á lên tiếng phản đối chính sách của Trung Quốc tại các diễn đàn ngoại giao và pháp luật. Tương tự, Mỹ sẽ đối phó với sự quyết đoán của Trung Quốc bằng việc cử nhiều khí tài quân sự tối tân hơn tới Biển Đông và các cứ điểm chiến lược xung quanh khu vực, bằng việc thực thi và hoạt động một cách thường xuyên hơn, rõ ràng hơn tại khu vực, và bằng việc tiến hành các bước đi cụ thể nhằm tăng cường thế đứng quân sự tại Châu Á – Thái Bình Dương. Về cơ bản, chiến lược đáp trả sẽ đòi hỏi việc phải thể hiện cho Bắc Kinh, bằng nhiều biện pháp khác nhau, thấy rằng, sự quyết đoán cuối cùng sẽ khiến họ ngày càng bị bao vây và cô lập.
Điểm mạnh của chiến lược này đương nhiên là nằm ở việc mở ra cơ hội giành phần thắng tại khu vực mà không cần đến xung đột Mỹ – Trung trong quá trình thực thi. Điều chính là lý do mà Chính quyền Obama theo đuổi một “biến thể” của chiến lược này kể từ năm 2010. Dưới thời Obama, nhìn chung, Mỹ thường tránh đối đầu trực tiếp với các hành vi lấn tới của Trung Quốc (với một vài ngoại lệ như đã đề cập ở trên). Nhưng Mỹ cũng tìm cách nâng cấp quan hệ đồng minh với Philippines, tăng cường quan hệ với các đối tác Đông Nam Á như Việt Nam, triển khai thêm các khí tài quân sự tới Biển Đông và các khu vực xung quanh, và tìm cách thúc đẩy sự đoàn kết ngoại giao vững chắc hơn tại khu vực để chống lại các hành vi cưỡng ép của Trung Quốc. Logic chiến lược của Mỹ dưới thời Obama là tránh xung đột trong những lĩnh vực mà Trung Quốc chiếm ưu thế, nhưng đồng thời với đó là tái tập trung vào cạnh tranh trong những lĩnh vực mà Mỹ có thể có lợi thế chiến lược nhờ vào việc Washington có nhiều bạn bè tại khu vực cũng như vẫn đang có sức mạnh tổng thể lớn hơn Trung Quốc.
Đấy là ưu điểm trên lý thuyết, tuy nhiên, nhìn vào hành động của Chính quyền Obama trong những năm qua, chiến lược này cũng có một số điểm yếu và thách thức rõ ràng:
Thứ nhất, và rõ ràng nhất, trong ngắn hạn, chiến lược đáp trả hầu như không có tác dụng gì trong việc ngăn Trung Quốc củng cố những gì mà họ đã đạt được hoặc tìm kiếm những mục tiêu mới, đi cùng với đó là những hậu quả tiêu cực – cả hữu hình và vô hình. Cụ thể, nếu không kìm hãm hành vi lấn tới của Trung Quốc, sẽ lại có nguy cơ như những gì đã xảy ra dưới thời Obama – rằng các nước nghĩ Mỹ đang thỏa hiệp với ranh giới đỏ mà nước này đã tuyên bố, bởi Mỹ không có khả năng cũng như không muốn ngăn hành vi bành trướng tại khu vực của Trung Quốc. Suy nghĩ này cũng sẽ khiến các nước khu vực thuận theo, thay vì phản kháng lại, sự bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, điều này thậm chí có khả năng khuyến khích Bắc Kinh đẩy nhanh công cuộc giành vị thế bá chủ của mình.
Thứ hai, nếu mục đích của việc áp đặt cái giá phải trả là nhằm dần dần tác động lên các quyết sách của Trung Quốc, thì cái giá phải trả áp lên Bắc Kinh phải đủ lớn – và việc này thì sẽ lại tăng nguy cơ làm ảnh hưởng đáng kể tới quan hệ hoặc có thể khiến khủng hoảng không mong muốn nổ ra. Đó chính là vấn đề mà Chính quyền Obama chưa bao giờ giải quyết một cách thấu đáo. Các quan chức cũ trong Chính quyền, như Ely Ratner, đã nhận định, Nhà Trắng muốn gìn giữ ổn định trong tổng thể quan hệ, và do đó, chưa bao giờ sẵn sàng áp đặt cái giá phải trả một cách đủ lớn cần thiết để giúp chiến lược này hiệu quả.
Thứ ba, để đáp trả những gì mà Trung Quốc đã giành được bằng việc nâng cao vị thế của Mỹ và tạo ra một liên ình đối trọng mạnh hơn là việc nói thì dễ, làm thì khó. Washington đã dành nhiều công sức và thời gian để nâng cấp quan hệ ngoại giao và quân sự với Manila trong những năm dưới nhiệm kỳ Tổng thống Obama, nhưng trên thực tế, tiến trình này lại bí phá hoại bởi sự xuất hiện của Rodrigo Duterte. Các nhà ngoại giao Mỹ luôn hối thúc ASEAN phải có lập trường cứng rắn hơn về Biển Đông, nhưng Bắc Kinh đã làm vô hiệu hóa những nỗ lực này bằng việc sử dụng sức mạnh kinh tế và ngoại giao để tiếp tục chia rẽ khu vực. Hậu quả từ hành động của Trung Quốc – và việc Mỹ không phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn có thể giúp sợi dây gắn kết giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á chặt chẽ hơn – là Trung Quốc đã giành được những thành quả trong ngắn hạn mà vẫn thành công trong việc tránh khỏi cái giá phải trả trong dài hạn khi đội ngũ của Tổng thống Obama rời nhiệm sở.
Cuối cùng, và liên quan đến điểm này, chiến lược đáp trả đòi hỏi các quan chức Mỹ tiếp tục phải hành xử cẩn trọng: hành động đủ mạnh để thuyết phục các nước khu vực rằng Washington rất nghiêm túc về việc ngăn không để Bắc Kinh bá chủ khu vực, nhưng mặt khác lại không được mạnh đến mức làm mất lòng các đồng minh và đối tác, những người luôn muốn tránh việc phải chọn nghiêng hẳn về bên nào. Như nhà ngoại giao Singapore Bilahari Kausikan đã nhấn mạnh, “[với] các quốc gia Đông Nam Á, bát cháo mang tên Mỹ sẽ luôn luôn là quá nóng hoặc quá lạnh; các quốc gia sẽ luôn lo ngại rằng, hoặc Mỹ sẽ lôi kéo họ vào cuộc đấu với các cường quốc khác, hoặc họ sẽ bị Mỹ bỏ rơi và một mình đương đầu với các cường quốc khác mà không có sự hỗ trợ cần thiết. Chiến lược đáp trả có thể có điểm mạnh, nhưng nó cũng vẫn còn nhiều điểm trừ.