Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biểnTQ đang phá nát luật biển quốc tế

TQ đang phá nát luật biển quốc tế

Với việc yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, Bắc Kinh đã đặt cái gọi là quyền “lịch sử” lên trên các luật lệ quốc tế mà chính nước này đang mỗi ngày vi phạm nhiều hơn.

Tàu chiến của Hải quân Mỹ đi qua eo biển Đài Loan vào tháng 2 với sứ mệnh “tự do hàng hải”. Sau đó vài ngày thì hai tàu sân bay của Mỹ đã hoạt động của Biển Đông. 10 máy bay ném bom của Trung Quốc bám sát theo, trong một nhiệm vụ giả định chống tàu chiến. Trước khi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc điều động 3 chiến khu trong đó có chiến khu Biển Bắc, chiến khu miền Đông và chiến khu Biển Nam vào cuộc tập trận toàn diện kéo dài 1 tháng.

Với hai cường quốc thì đây là thời gian phô trương sức mạnh, về phía Mỹ là đánh dấu nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, cuộc chiến dường như vẫn chưa thực sự bắt đầu. Theo cách tiếp cận của Trung Quốc, thì cuộc cạnh tranh chủ yếu giữa hai cường quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa là luật biển quốc tế.

Mỹ không ký Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển thông qua năm 1982 tại Montego Bay (Jamaica), trong khi đó ngày nay lại là nước bảo vệ các giá trị của luật biển một cách tích cực nhất. Còn Trung Quốc, mặc dù đã phê chuẩn Công ước nhưng mỗi ngày lại đang hủy hoại nó, với việc khẳng định chủ quyền trong vùng biển được vẽ tại “đường chín đoạn”, đường chữ U mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra vào năm 1947 và bao trùm cả vùng biển của Đài Loan, Philippines, Brunei, Indonesia, Malaysia và Việt Nam.

Các nước ven biển này đều bị tấm bản đồ thiếu cơ sở pháp lý này xâm phạm vùng biển. Nó xâm lấn vào vùng lãnh hải, trong đó Bắc Kinh đang chiếm đóng một số đảo ở Trường Sa và các đảo ở Hoàng Sa mà các bên đang tranh chấp. Với việc tiến hành cuộc tập trận hải quân quy mô lớn từ ngày 1/3, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không để mất một tấc đất mà tổ tiên để lại”.

Để củng cố quyền lực đang lên của mình, đế chế Tập Cận Bình đã đi theo chủ nghĩa xét lại về luật biển quốc tế. Collin Koh, chuyên gia tại trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore giải thích rằng hành động hiện nay của Trung Quốc “là sự vi phạm nghiêm trọng nhất gần đây”. “Trung Quốc đang tìm cách phô trương sức mạnh quân sự của mình để buộc các nước ven Biển Đông từ bỏ quyền hợp pháp được Công ước 1982 bảo vệ, đó là khai thác các tài nguyên nằm trong vùng Đặc quyền kinh tế của mình”.

Như nhiều hiệp định đa phương khác, Công ước Luật biển 1982 liệu có đang chết yểu? Nó đang bị đe dọa, Pascal Ausseur, Giám đốc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Địa Trung Hải cho biết. “Biển từ lâu là “tài sản chung”, theo như nguyên tắc mà Grotius đưa ra vào thế kỷ 17, trước khi trở thành con đường giao thương hàng hóa của các cường quốc Châu Âu”, ông nhắc lại. Công ước 1982 là một sự thỏa hiệp cho việc sử dụng hợp lý các vùng biển các nước. Tuy nhiên, hiện tại, các cường quốc lục địa như Trung Quốc lại đòi hỏi nhiều hơn.”

Công ước đã tạo ra khái niệm “lãnh hải”, vùng biển rộng 12 hải lý tính từ bờ biển, mà trong đó các nước thực hiện chủ quyền của mình. Công ước Luật biển năm 1982 của Trung Quốc cũng đã đưa ra khái niệm vùng Đặc quyền kinh tế, với chiều rộng 200 hải lý mà trong đó các nước ven biển thực hiện quyền chủ quyền đối với các tài nguyên thiên nhiên của mình. Vùng Đặc quyền kinh tế được tạo ra với nguyên tắc “công bằng” đối với những nước tranh chấp vùng biển mà có bờ biển đối diện.

Tại những biển kín như Biển Địa Trung Hải, hay nửa kín như Biển Đông, cần có sự đàm phán về mặt chính trị. Nhiều thỏa thuận song phương và khu vực, hay các thỏa thuận về đánh bắt cá, đã được ký kết, góp phần hạn chế tối đa các hệ quả tiêu cực của việc các nước ven biển khai thác quá mức các nguồn tài nguyên như cá và khí đốt.

Các đảo tranh chấp

Luật quốc tế định nghĩa thế nào là đảo, mở ra khái niệm về chủ quyền trên biển. Điều này củng cố quan điểm của các quốc gia quần đảo như Indonesia hay Kiribati, trước khi Trung Quốc diễn giải lại. Công ước năm 1982 định nghĩa chủ quyền trên biển “Chủ quyền này được mở rộng đến vùng trời trên lãnh hải, cũng như đến đáy và lòng đất của biển này”. Các quy định được đưa ra về việc qua lại trong vùng lãnh hải của nước ven biển, như quy định về “qua lại vô hại”: là sự di chuyển tự do, không gây ô nhiễm, không đánh bắt cá và thu thập thông tin. Các tàu quân sự cũng hưởng quyền được qua lại vô hại tương tự, nếu như các tàu chiến này dừng hoạt động của mình (ví dụ như không triển khai trực thăng). Tàu ngầm phải nổi khi đi qua lãnh hải.

Trung Quốc không phủ nhận giá trị của Công ước Luật biển. Nhưng nước này lại làm méo mó mọi quy tắc của nó, với danh nghĩa “quyền lịch sử” mà không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào, Bắc Kinh cho lưu hành công hàm tại Liên hợp quốc vào năm 2009, trong đó yêu sách vùng biển rộng 2 triệu km2, bao gồm cả các đảo. Các hoạt động cải tạo đầu tiên được bắt đầu vào năm 1988 tại đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh đẩy nhanh quá trình cải tạo các đảo tranh chấp ở Biển Đông vào những năm 2010 và xây dựng các tiền đồn quân sự trên đó.

Kể từ đó, Trung Quốc không ngừng củng cố hiện trạng mới, gia tăng va chạm với các tàu qua lại gần bờ. Trung Quốc cũng không đoái hoài đến Phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016, theo đó “đường chín đoạn” không có bất cứ “cơ sở pháp lý” nào và cũng không chứng minh được sự mở rộng của vùng Đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Phần thắng đã nghiêng về Manila, các quyền cho nước này đã được làm sáng tỏ sau khi lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã ngăn cản ngư dân Phi-líp-pin tiếp cận bãi cạn Scarborough, thuộc quần đảo Trường Sa vào tháng 1/2013.

“Lập luận của Trung Quốc rất mơ hồ”, Christophe Prazuck, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đại dương Trường Đại học Sorbonne, từng là Tư lệnh Hải quân Pháp giải thích. Trung Quốc không đưa ra giải thích về quy chế vùng nước nằm trong “đường chín đoạn”, cũng như vùng Đặc quyền kinh tế và lãnh hải của Trung Quốc. Bởi vì làm như thế có nghĩa là Trung Quốc nhượng bộ các nước trong khu vực. Họ chỉ đợi thời cơ đến và hành động.”

Năm 1982, tại Montego Bay, cộng đồng quốc tế đã đạt được thỏa hiệp lịch sử sau 9 năm đàm phán. Phải hơn 12 năm sau đó thì Công ước mới có hiệu lực nhưng người ta cũng đã thỏa hiệp nguyên tắc tự do hàng hải và nhu cầu kiểm soát biển cả. Từ những năm 1980, Trung Quốc đã tuyên bố lãnh hải có chiều rộng 200 hải lý, “trong khi đó Mỹ chỉ yêu sách lãnh hải rộng 3 hải lý”, ông Ausseur nhắc lại. Ronald Reagan cho biết lãnh hải không phải là đối tượng yêu sách của ông. Ông ta không cần luật biển, cũng như biên giới các đại dương, ông ta chỉ cần tự do hàng hải.”

“Trong vùng Đặc quyền kinh tế, mỗi nước đều làm chủ nguồn cá của mình. Chỉ có thế thôi”, Eric Frécon, nghiên cứu tại Trường Hải quân Pháp và Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại của Băng Cốc. Đó không phải là vấn đề về chủ quyền. Đó là vấn đề về quyền chủ quyền, nước bên cạnh không phải xin phép về việc đặt dây cáp hay cho tàu hải cảnh qua lại. Chúng ta đang đứng giữa cái gọi là “được nhưng….”.

Những quy định này ngày nay gây tranh cãi do sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy. Vào tháng 8/2020, lần đầu tiên, Anh, Pháp và Đức đã cùng gửi công hàm chỉ trích việc Bắc Kinh không tôn trọng Công ước tại Biển Đông. Một hành động gây áp lực hiếm thấy, mặc dù không gây ra hệ quả trực tiếp. Theo ba nước Châu Âu, Trung Quốc không thể dùng việc xây đảo nhân tạo ở Trường Sa và Hoàng Sa để thay đổi các quyền đối với vùng biển của mình. “Nếu như chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, quyền và các lợi ích ở Biển Đông được thiết lập trong suốt quá trình lịch sử”, Trung Quốc tìm cách lập luận.

Pháp là một trong những nước bảo vệ Công ước 1982 tích cực nhất. Với các quy định của Công ước và với các lãnh thổ hải ngoại, Pháp đã trở thành cường quốc biển thứ 2 trên thế giới, với vùng Đặc quyền kinh tế rộng 10,2 triệu km2, chỉ sau Mỹ (rộng 12,2 triệu km2). Paris cũng đã khai thác các quyền của mình tại thềm lục địa: để mở rộng thềm lục địa, 25 triệu Euro đã được chi cho các chiến dịch nghiên cứu khoa học từ năm 2003. Cho đến nay, 730.000 km2 mở rộng đã được luật quốc tế công nhận và 500.000 km2 khác đang được Liên Hợp Quốc xem xét.

Trung Quốc đã tỏ ra cứng rắn với Paris thời gian gần đây. Tờ China Daily ngày 22/2 đã đưa tin “Quân đội Pháp không có chỗ ở Biển Đông”. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Florence Parly, đã tuyên bố trong thông cáo về sự hiện diện của tàu ngầm tấn công của Hải quân Pháp trong khu vực. “Bảo vệ “tự do hàng hải” chỉ là một cái cớ dối trá, bắt nguồn từ việc Mỹ coi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược”, bài báo đã đưa ra chỉ trích, hàm ý rằng Pháp quá nghiêng về Washington. Tháng 4/2019, tàu chiến Pháp Vendemiaire đi qua eo biển Đài Loan, lần đầu tiên, đã tạo ra phản ứng mạnh mẽ từ Bắc Kinh với cáo buộc tàu Pháp xâm phạm “lãnh hải Trung Quốc”.

Các vụ chạm trán xảy ra

Ông Prazuck lo ngại: “Vấn đề không phải ở chỗ có khác biệt, vì việc mỗi bên đều muốn hưởng lợi từ luật biển. Vấn đề là do người ta không tìm được thỏa hiệp”. Trong cuộc cạnh tranh ở Biển Đông, Mỹ và Trung Quốc tham gia vào một cuộc đối thoại ngầm, chuyên gia Koh giải thích. Việc “quân sự hóa” Biển Đông mà Mỹ cáo buộc, đối với chế độ của Tập Cận Bình lại là sự “bảo vệ hợp pháp”. Vùng Đặc quyền kinh tế không còn chỉ là “đặc quyền kinh tế” với Bắc Kinh nữa mà là “vùng an toàn”. Điều này giới hạn việc thực hiện tự do hàng hải của các tàu dân sự mà Washington thúc đẩy.

Vì sao lại ra cơ sự này? “Người Trung Quốc đã có giấy thông hành” mà ngày nay thế giới đang phải trả giá đắt, theo chuyên gia Koh. Ông nói thêm rằng khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng đảo nhân tạo ởbd, thì “không ai làm gì để ngăn cản họ. Điều này đã khiến lợi thế nghiêng về họ và Trung Quốc có thể lên tiếng rằng chính Mỹ, với việc cử tàu chiến qua lại, đã khiến Trung Quốc phải tiến hành quân sự hóa trong khu vực”. Do đó, trước việc tàu chiến qua lại, như luật quốc tế cho phép, Bắc Kinh đã gây ra các vụ va chạm, vi phạm chính luật quốc tế.

Trung Quốc không phải là nước duy nhất làm méo mó các giá trị của Công ước Luật biển 1982 từ khi văn bản này có hiệu lực vào năm 1994. Trong “Báo cáo thường niên về sự tự do hàng hải”, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thống kê, chỉ riêng trong năm 2019, đã có khoảng 40 “yêu sách biển quá mức” từ 20 nước, trong đó có Brasil, Ecuador, Iran, Maldives, Oman, Thổ Nhĩ Kỳ, Rumani, Tunisi.

Thổ Nhĩ Kỳ, nước không tham gia ký Công ước, từ nhiều năm nay đã phá vỡ những cân bằng đạt được ở Địa Trung Hải khi đưa ra các yêu sách xung quanh đảo Chypre và ngoài khơi Lybia. Việc phát hiện ra khí đốt và hướng chú ý dư luận ra bên ngoài của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, nhằm phục vụ chiến dịch tranh cử, đã đẩy Ankara vào tranh chấp chủ quyền đối với các hòn đảo mà Hy Lạp được hưởng theo Công ước. “Ông Erdogan muốn đàm phán về vùng Đặc quyền kinh tế để vô hiệu hóa hiệu lực của quần đảo Dodecanese”, ông Ausseur cho biết.

Địa Trung Hải là vùng biển khó thiết lập vùng Đặc quyền kinh tế, vì sẽ gây ra sự chồng lấn. Hy Lạp đã không yêu sách lãnh hải 12 hải lý để tránh xung đột với nước khác. “Nếu Athene làm việc đó ngay ngày mai, vùng biển Aegea có thể sẽ thuộc về Hy Lạp 60% và việc các tàu Thổ Nhĩ Kỳ qua lại sẽ thuộc về trường hợp qua lại vô hại”. Ông Prazuck nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thỏa thuận song phương về biển mà Thổ Nhĩ Kỳ đã ký với Lybia vào cuối năm 2019 nhằm vạch ra một đường biên giới mới lại không hề tính đến các quyền kinh tế của Hy Lạp. Và vùng Đặc quyền kinh tế mà Thổ Nhĩ Kỳ đòi hỏi ở phía Bắc Síp (mà nước này đang chiếm đóng) tạo thành hình con ốc sên bò quanh đảo đến phía Nam, lãnh thổ của Hy Lạp và điều này đơn giản là sự lấn chiếm.

Nếu như các ý đồ của Trung Quốc khiến cho các nước khác đều tỏ ra quan ngại, đó là bởi vì một “sự bình thường hóa” mới, đầy dối trá, đang được thiết lập ở Biển Đông. Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) đã ghi nhận, trong đại dịch Covid-19, cuối năm 2020, tần suất hoạt động tuần tra của Trung Quốc đã tăng lên. Xung quanh bãi cạn Scarborough, bãi Cỏ May, Luconia và bãi Tư Chính, các tàu Trung Quốc đã nhiều lần tắt thiết bị định vị. Thống kê cho thấy các vụ đụng độ thường xuyên xảy ra giữa tàu Trung Quốc và tàu Việt Nam đang tiến hành các hoạt động khai thác dầu và khí đốt.

Ấy vậy mà, các nước ven Biển Đông “lại không thường xuyên điều tàu hải cảnh và tàu quân sự giám sát các hoạt động này của Trung Quốc”, AMTI nhận định. Điều này cho thấy rằng Trung Quốc đang bình thường hóa một cách thành công sự hiện diện của mình”.

Lực lượng hải cảnh được trang bị vũ khí

Các đội tàu cá dân binh do Bắc Kinh sử dụng, kết hợp với lực lượng hải cảnh, tạo nên hiệu ứng răn đe các nước. Các lực lượng này tạo ra “vùng xám” của Trung Quốc. Để thực hiện chiến lược của mình, Trung Quốc vừa mới tăng cường sức mạnh cho lực lượng hải cảnh: Luật Hải cảnh có hiệu lực từ ngày 1/2 cho phép trang bị vũ khí cho lực lượng hải cảnh, kể cả vũ khí hạng nặng và biến các tàu dân sự này thành tàu quân sự.

Điều 30 của Công ước Luật biển 1982 đã nêu về nguy cơ leo thang căng thẳng: “Nếu một tàu chiến không tôn trọng các luật và quy định của quốc gia ven biển có liên quan đến việc đi qua trong lãnh hải và bất chấp yêu cầu phải tuân thủ các luật và quy định đó đã được thông báo cho họ, thì quốc gia ven biển có thể yêu cầu chiếc tàu đó rời khỏi lãnh hải ngay lập tức”. Các tàu có thể ngụy trang thành tàu cá để thu thập thông tin trong vùng Đặc quyền kinh tế. Hơn nữa, Công ước cũng không đưa ra quy định về thiết bị lặn không người lái, như thiết bị lặn mà Trung Quốc thường gửi tới Ấn Độ Dương để đo đạc địa hình dưới biển, gây ảnh hưởng đến các nước láng giềng. “Mỹ đã gây tranh cãi về tính hợp pháp của các hoạt động trong vùng Đặc quyền kinh tế với các nước Brasil, Malaysia, Trung Quốc”, ông Frécon từ Băng Cốc ghi nhận. Vào năm 2009, tàu do thám Impeccable của Mỹ, không trang bị vũ khí, đã bị tàu cá Trung Quốc chặn lại trước một căn cứ tàu ngầm ở Hải Nam khi đang hoạt động ở Biển Đông.

Việc đánh bắt cá trái phép, đang ngày càng gia tăng, khiến căng thẳng leo thang, khi mà Bắc Kinh cử hàng trăm tàu cá đến khai thác đến mức cạn kiệt nguồn tài nguyên cá tại vùng biển ngoài khơi các nước, từ Chile, qua Senegal đến Oman.

“Vấn đề chính là do các nước không đủ khả năng giám sát vùng biển của mình”, ông Koh nhấn mạnh. “Cái nào không được kiểm soát thì sẽ bị ăn trộm và những cái không bị ăn trộm thì sẽ gây tranh chấp”, ông Prazuck cho biết. Việc làm của Trung Quốc cho thấy các hoạt động kinh tế là bước đầu tiên của việc xâm lấn về chủ quyền”. Mọi việc trở nên phức tạp hơn khi Trung Quốc đặt ra các tham vọng toàn cầu, nhấn mạnh về khái niệm “lợi ích phát triển”. “Trung Quốc sẽ sớm xuất hiện ở các vùng biển khác ngoài Biển Đông và sẽ chạm trán với hải quân các nước khác như Mỹ”, ông Koh cảnh báo.

“Đã đến lúc nhận ra rằng Công ước không hoàn hảo”, Achin Vanaik, nhà hoạt động của Viện Nghiên cứu xuyên Quốc gia (Transnational Institute), một think-tank ở Amsterdam khẳng định. Trên kênh truyền thông xã hội online của Ấn Độ The Wire, ông đã viết rằng “những nước hưởng lợi nhiều từ việc thiết lập vùng Đặc quyền kinh tế là các nước có bờ biển rộng lớn như Nga, Úc và những quốc gia quần đảo như Indonesia, Ấn Độ nhưng những nước được hưởng lợi nhiều nhất phải kể đến Anh, Pháp, Mỹ – là những cường quốc thuộc địa vào thế kỷ 18, 19 và đầu thế kỷ 20”. Theo ông, việc thiết lập vùng Đặc quyền kinh tế đã tạo ra “một quá trình tư nhân hóa – quốc gia hóa nhằm hạn chế cái gọi là “tài sản chung của trái đất”. Ông lấy làm tiếc khi dựa vào Công ước, thì 36% vùng biển của thế giới đã không còn là “tài sản chung của nhân loại”.

Công ước 1982 vẫn còn giá trị, một quốc gia riêng lẻ không thể phá vỡ nó, Bộ Ngoại giao Pháp đã khẳng định điều này và việc tình hình an ninh biển ở Đông Nam Á trở nên xấu đi chỉ là một ngoại lệ. “Nguyên trạng” hiện tại không có nghĩa là chiến lược sự đã rồi của Trung Quốc đã đạt được mục đích của mình, khi mà các tàu thương mại và tàu chiến Mỹ, Pháp, Úc vẫn tiếp tục qua lại trong khu vực.

Một văn bản luật đủ linh hoạt

Luật biển vẫn tiếp tục phát triển. Khái niệm đảo tiếp tục được Tòa án công lý quốc tế củng cố. Vào năm 2016, phán quyết của Tòa Trọng tài đã đưa ra định nghĩa chặt chẽ về đảo, loại trừ các cấu trúc không phù hợp với đời sống thường xuyên của con người và được xây dựng nhân tạo. Một phán quyết mà Pháp cho rằng rất khắt khe, vì theo quan điểm của Pháp, các cấu trúc nổi như Bassas da India, tại kênh Mozambique, không có quy chế pháp lý đủ mạnh để có thể yêu sách vùng Đặc quyền kinh tế. Từ mà các nhà lãnh đạo của Pháp hay dùng đến là “sự cảnh giác” đối với tính hiệu lực của một vài quyền mà Công ước mang lại. Một vài quyền trong số đó phát sinh từ các lãnh thổ mà còn tồn tại tranh chấp. Đó là trường hợp 280.000 km vuông vùng Đặc quyền kinh tế của đảo Tromelin, mà Mauritius yêu sách.

Giải pháp mà Ấn Độ và Bangladesh tìm ra cho tranh chấp biển của họ vào năm 2014 đã cho thấy luật quốc tế tiếp tục phát triển. “Đó là một trong những minh chứng điển hình nhất cho thấy một nước mạnh hơn có thể đối thoại với nước yếu và chấp nhận phán quyết của Tòa án dưới sự bảo trợ của Công ước”, ông Koh đưa ra ví dụ. Sức mạnh không có nghĩa là luật. Một số nước Đông Nam Á khác cũng đã mang tranh chấp ra Tòa quốc tế: như trường hợp của Malaysia và Singapo đối với đảo Pedra Branca/Pulau Batu vào năm 2008; hay Malaysia và Indonesia tranh chấp đảo Ligitan và Sipadan vào năm 2002.

Sự linh hoạt mà Công ước 1982 mang lại để giải quyết các xung đột chính trị cho thấy sức mạnh của nó. “Rõ ràng là không có ranh giới rạch ròi trên biển, mà cái gọi là làn ranh đỏ tồn tại”, ông Frécon nhấn mạnh. Đó là sự mờ dần của chủ quyền, mà trong đó các nước có thể dùng đến mọi biện pháp để giữ thể diện của mình, từ các chuyến thăm ngoại giao cho đến việc quân sự hóa.

Tuy nhiên, Công ước cũng cần được cập nhật lại, đặc biệt là tính đến các thiết bị ngầm dưới biển. Nó cũng cần được hoàn thiện để đáp ứng việc bảo vệ biển cả. Việc phát triển công nghệ thăm dò và tác động của kinh tế cũng làm thay đổi cuộc chơi. “Gìn giữ đa dạng sinh thái trở thành một trong những yếu tố quan trọng chính đáng cần phải tính đến trong đàm phán”, ông Prazuck cho biết. Bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tham vọng của Trung Quốc, việc gìn giữ các nguồn tài nguyên ngày càng có một giá trị địa chính trị quan trọng.

RELATED ARTICLES

Tin mới