Tuesday, November 26, 2024
Trang chủBiển nóngNhật lo ngại mối nguy hiểm từ Hải cảnh TQ

Nhật lo ngại mối nguy hiểm từ Hải cảnh TQ

Một tổ chức nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cảnh báo lực lượng hải cảnh Trung Quốc sẽ tăng cường trang bị vũ khí và gia tăng hành động khiêu khích xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông.

 

Tàu tuần duyên Nhật Bản kèm sát tàu hải cảnh Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, tháng 2.2021

Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản (NIDS) công bố báo cáo thường niên vào ngày 26.3 sau khi luật Hải cảnh mới của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực kể từ hôm 1.2, cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ khí chống lại tàu nước ngoài trong vùng biển mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng đó là một phần trong nỗ lực nhằm chiếm giữ quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, theo hãng tin Kyodo.

“Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực nhằm dùng vũ lực để tăng cường thách thức chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư”, theo báo cáo Đánh giá Chiến lược Đông Á năm 2021 của NIDS.

Do đó, Nhật Bản cần phải đề phòng khả năng các tàu hải cảnh Trung Quốc sẽ tăng cường vũ khí và gia tăng các hành động khiêu khích quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, theo báo cáo của NIDS.

Trả lời phỏng vấn Kyodo, tác giả báo cáo, chuyên gia Masafumi Iida tại NIDS cho biết ý đồ của Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ. “Trong năm 2020, tàu hải cảnh Trung Quốc đã tăng cường hiện diện, theo dõi và tiếp cận các tàu cá Nhật Bản. Luật hải cảnh mới tạo ra một điều kiện thuận lợi cho sự hiện diện của tàu hải cảnh Trung Quốc (thường là 4 chiếc) quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư”, ông Iida nói. Trong khi đó, Nhật Bản triển khai 12 tàu tuần duyên để bảo vệ các đảo không người ở do Tokyo kiểm soát ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Bên cạnh đó, NIDS dự báo cuộc cạnh tranh quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương có thể sẽ tiếp tục gia tăng theo kiểu “Chiến tranh lạnh mới” giữa hai nước.

Báo cáo của NIDS nêu cụ thể cuộc tập trận của Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 2. Trong đó, một hạm đội của Hải quân Trung Quốc bao gồm một tàu khu trục và ba tàu khác đã di chuyển qua Biển Đông, eo biển Ba Sĩ đến Tây Thái Bình Dương, đến gần đảo Guam rồi sau đó quay trở lại Biển Đông.

Trong khi đó, Mỹ bất ngờ rút các máy bay ném bom B-52 khỏi Căn cứ Không quân Andersen ở đảo Guam vào năm 2020. Các chuyên gia NIDS đánh giá động thái này là phù hợp với Chiến lược Quốc phòng năm 2018, tức khiến hoạt động quân sự trở nên khó lường.

Bên cạnh đó, Mỹ đã triển khai các máy bay B-1B đến Tây Thái Bình Dương, vốn có thể được trang bị những tên lửa tầm xa mới nhất, để thay thế B-52. Việc triển khai này là một phần trong chiến lược kềm chế hải quân Trung Quốc, theo NIDS.

RELATED ARTICLES

Tin mới