Monday, September 30, 2024
Trang chủBiển nóngCộng đồng quốc tế lên án Luật hải cảnh của TQ

Cộng đồng quốc tế lên án Luật hải cảnh của TQ

Ngày 22/01/2021, Bắc Kinh thông qua Luật hải cảnh mới, cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc nổ súng vào tàu nước ngoài đã gây sự phẫn nộ mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế. Chính phủ nhiều nước đã lên tiếng phản đối Luật hải cảnh của Trung Quốc; các chuyên gia, học giả quốc tế đã lên án mạnh mẽ việc làm này của Bắc Kinh, nhấn mạnh việc làm này của nhà cầm quyền Bắc Kinh có thể châm ngòi cho xung đột ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cố gắng làm giảm bớt tính nghiêm trọng của luật này khi nói rằng nó tương tự với các quốc gia khác, nhưng thực tế không phải như vậy, bởi nó báo hiệu rằng Bắc Kinh sẽ phớt lờ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) và phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài khi sử dụng vũ lực và ấn định quyền lực của lực lượng hải cảnh để họ sử dụng sức mạnh củng cố các yêu sách bất hợp pháp trên biển của mình. Do vậy, Luật hải cảnh mới của Trung Quốc đang gây ra mối lo ngại chung trong cộng đồng quốc tế.

1. Các nước trong khu vực Đông Nam Á đã từng là nạn nhân của lực lượng hải cảnh Trung Quốc nhận thức rõ ràng rằng Luật hải cảnh mới của Trung Quốc là nhằm vào Biển Đông, thể hiện thái độ hung hăng, trắng trợn với dã tâm nuốt chửng Biển Đông. Các nước này đã nhanh chóng lên tiếng bày tỏ sự lo ngại và phản đối việc Trung Quốc thông qua Luật hải cảnh mới.

Trong một tuyên bố hôm 27/01/2021, ông Teodoro Locsin – Ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh, mặc dù việc ban hành luật là đặc quyền của mỗi quốc gia, tuy nhiên căn cứ vào khu vực liên quan trong đó có Biển Đông, Luật hải cảnh mới của Trung Quốc là “mối đe dọa chiến tranh”. Sau khi cân nhắc, Philippines đã quyết định đưa ra phản đối ngoại giao đối với Luật hải cảnh mới của Trung Quốc thông qua việc gửi công hàm phản kháng tới Bắc Kinh. Một số thượng nghị sĩ Philippines cũng đã nêu quan ngại về Luật hải cảnh của Trung Quốc, cho rằng Philippines không thể bị đe dọa bởi luật pháp Trung Quốc,  yêu cầu lời giải thích từ Bắc Kinh.  Trên thực tế, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã nhiều lần chặn đường nhóm tàu tiếp vận dân sự Philippines di chuyển tới bãi Cỏ Mây trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Philippines; liên tục xua đuổi, uy hiếp tàu cá của Philippines ở khu vực bãi cạn Scarborough; thường xuyên xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Philippines, thậm chí vào sát lãnh hải của Philippines.

Việt Nam là nước đã nhiều lần bị hải cảnh Trung Quốc gây hấn  cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại đối với Luật hải cảnh mới của Trung Quốc. Ngày 29/01/2021, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là UNCLOS 1982 khi ban hành và triển khai văn bản pháp luật quốc gia liên quan đến biển; yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc bao trùm cả vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia. Thời gian qua, tàu hải cảnh Trung Quốc nhiều lần xâm phạm EEZ buộc Indonesia phải tăng cường tàu chiến cùng chiến đấu cơ ra Natuna và tăng cường tuần tra ở Biển Đông để ứng phó. Luật hải cảnh mới của Trung Quốc tạo thêm căn cứ để lực lượng hải cảnh nước này gây hấn, dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Natuna để thâu tóm tài nguyên dầu khí. Đầu tháng 2/2021, phát biểu trong phiên điều trần trước quốc hội Indonesia, Phó Đô đốc Aan Kurnia, người đứng đầu Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (MSA) cảnh báo về nguy cơ xảy ra xung đột khi Trung Quốc ngày càng hung hăng ở Biển Đông cũng như khi xem xét phản ứng từ các nước lớn có lợi ích trong khu vực.

2. Nhật Bản là nước phản ứng mạnh mẽ đối với Luật hải cảnh mới của Trung Quốc bởi lực lượng này thường xuyên xâm nhập vào vùng biển của Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi bày tỏ lo ngại về động thái mới của Bắc Kinh ngay sau khi Luật hải cảnh được ban hành.

Trong bối cảnh Luật mới cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ lực, bắn vào tàu nước ngoài, nhiều ý kiến trong nội bộ Nhật Bản cho rằng cần nghiên cứu để sửa đổi Luật An ninh lãnh hải nhằm tăng quyền hạn cho Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản và cho phép sự tham gia của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản, trong đó quy định tiêu chí được phép sử dụng vũ khí phải tương ứng với tiêu chí của thế giới hiện nay, nếu không sẽ khó có thể ngăn chặn được hành vi xâm lấn của phía Trung Quốc. Trong cuộc họp báo ngày 17/02/2021, Chỉ huy tuần duyên Nhật Takahiro Okushima cho biết không ngăn cấm việc tuần duyên Nhật sử dụng vũ khí.

Tại cuộc họp trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao nhóm “Bộ Tứ” (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn) hôm 18/02/2021 – cuộc họp đầu tiên của nhóm “Bộ Tứ” dưới thời Tổng thống Biden, Ngoại trưởng Nhật Motegi Toshimitsu đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về Luật hải cảnh của Trung Quốc cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng vào tàu nước ngoài trong cái gọi là vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này; đồng thời, nhấn mạnh rằng vai trò của “Bộ Tứ” ngày càng quan trọng trong bối cảnh trật tự quốc tế đang bị thách thức. Các Ngoại trưởng trong nhóm “Bộ Tứ” cùng phản đối “những ý đồ dùng vũ lực và đơn phương thay đổi hiện trạng” ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ J. Biden phản đối Luật hải cảnh mới của Trung Quốc thông qua phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 19/02. Theo đó, Washington nhấn mạnh 3 điểm quan trọng: (i) Luật hải cảnh mới của Trung Quốc cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng vào tàu nước ngoài hay phá hủy các cấu trúc kinh tế của các nước khác và sử dụng vũ lực để bảo vệ các yêu sách biển của Trung Quốc ở các khu vực tranh chấp, ngụ ý mạnh mẽ rằng luật này có thể được sử dụng để đe dọa các nước láng giềng trên biển, làm leo thang các tranh chấp biển; (ii) Mỹ tái khẳng định Tuyên bố ngày 13/7/2020 của mình về các yêu sách biển ở Biển Đông, trong đó bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này cho thấy phía Mỹ vẫn duy trì chính sách về Biển Đông của chính quyền tiền nhiệm; (iii) Khẳng định về các cam kết với Nhật Bản và Philippines với hàm ý nếu việc Trung Quốc thực thi Luật hải cảnh làm châm ngòi xung đột với Nhật Bản hoặc Philippines, thì Mỹ có thể sẽ áp dụng các cam kết trong hiệp ước phòng thủ song phương để can thiệp.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về Luật hải cảnh mới của Trung Quốc; đồng thời, tái khẳng định quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông thuộc một Hiệp ước an ninh, cam kết Mỹ và Nhật Bản sẽ bảo vệ lẫn nhau.

Một số nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh đã nhận được “quả đắng” khi đưa ra phép thử đối với chính quyền của Tổng thống Biden. Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ với lời lẽ cứng rắn nói trên đã cho thấy Washington không hề chùn bước trước sự hung hăng và ngạo mạn của Bắc Kinh.

3. Bên cạnh chính giới các nước lên tiếng, nhiều học giả cũng lên án Luật hải cảnh mới của Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực, vi phạm luật pháp quốc tế và làm gia tăng vòng xoáy căng thẳng ở Biển Đông; kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng lên tiếng phản đối hành động ngang ngược của Bắc Kinh.

Ông Jay Batongbacal – chuyên gia luật hàng hải của Philippines cho rằng các bên tranh chấp ở Biển Đông cần gửi thông điệp mạnh mẽ, phản đối các động thái mới nhất của Bắc Kinh đe dọa tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng trên Biển Đông. Ồng nhấn mạnh: “Bất kỳ hành động sử dụng vũ lực nào đều nên được coi là hành động thù địch hoặc hành động gây hấn. Đó phải là thông điệp rõ ràng của các quốc gia Đông Nam Á”.

Xung quanh việc Trung Quốc ban hành Luật hải cảnh mới, ý kiến chung của các học giả nổi lên một số điểm sau:

Một là, Luật hải cảnh mới đã biến lực lượng hải cảnh trở thành một công cụ hăm dọa của quân đội Trung Quốc, ép các nước láng giềng tuân thủ quy tắc do họ đặt ra nếu không muốn lĩnh hậu quả. Nói một cách khác, Trung Quốc dùng vũ lực để khẳng định là “ông chủ duy nhất” ở các vùng biển có tranh chấp, tạo mối nguy hiểm cho các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. “Hiện trạng mới” này sẽ ngấm ngầm được duy trì với Luật Hải cảnh mới. Một số ý kiến còn gọi Luật hải cảnh mới của Trung Quốc là “quả bom nổ chậm”.

Nhiều ý kiến cho rằng mục đích của Trung Quốc trong việc ban hành Luật hải cảnh mới chính là áp dụng chiến thuật “vùng xám”. Lực lượng hải cảnh của Trung Quốc là mũi giáo trong chiến lược bành trướng trên biển của Trung Quốc. Chừng nào mũi giáo đó được mài nhọn thì Trung Quốc sẽ dùng nó để đâm vào bất cứ nước nào liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Luật hải cảnh mới chính là công cụ để Bắc Kinh thực hiện mưu đồ khống chế, độc chiếm Biển Đông. Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales của Australia gọi dự luật này là “bình mới rượu cũ” để Trung Quốc tiếp tục yêu sách đòi chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông.

Hai là, Luật hải cảnh mới của Trung Quốc gây ra một số vấn đề, đi ngược lại các nghĩa vụ và quy phạm của luật quốc tế. Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc, UNCLOS 1982 và luật pháp quốc tế nói chung là không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế và sử dụng các vùng biển, đại dương một cách hòa bình. Tất cả các thành viên Liên hợp quốc phải tuân thủ nguyên tắc này và không sử dụng bất cứ biện pháp nào ngoài những biện pháp hợp pháp đã được nêu trong luật pháp quốc tế. Trung Quốc là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc càng phải có nghĩa vụ thực hiện các nguyên tắc này. Việc Bắc Kinh cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng vào tàu nước ngoài hoạt động trên biển là vi phạm trắng trợn các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Ba là, UNCLOS có các quy định rất rõ ràng liên quan đến vùng biển chồng lấn chưa được phân định như Điều 74(3) đối với vùng đặc quyền kinh tế và điều 83(3) đối với thềm lục địa, trong đó yêu cầu các quốc gia, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, phải nỗ lực hết sức mình để đạt được sự dàn xếp tạm thời có tính thực tiễn mà không làm phương hại hay cản trở việc đạt được thoả thuận phân định cuối cùng. Nói cách khác, “các dàn xếp tạm thời” là giải pháp tối ưu mà UNCLOS yêu cầu các quốc gia phải nỗ lực hết sức để đạt được trong khi chưa thống nhất về một thoả thuận phân định vùng biển chồng lấn.

Với việc cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng vào tàu nước ngoài, Luật hải cảnh mới của Trung Quốc chắc chắn sẽ làm leo thang căng thẳng và điều này sẽ gây nguy hiểm hoặc cản trở các biện pháp đang được thực hiện để duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông.

Bốn là, Luật hải cảnh mới của Trung Quốc cho phép lực lượng hải cảnh thực thi “tất cả các biện pháp cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí” phù hợp với cái gọi là “chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán”, ngầm ám chỉ yêu sách “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh tự vẽ ra một cách mơ hồ ở Biển Đông. Tuy nhiên, “chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán” của một quốc gia chỉ giới hạn trong lãnh thổ, hay vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia đó và không được vượt ra ngoài các ranh giới đã được quy định theo luật pháp quốc tế. Ở đây cần phải nhấn mạnh rằng, yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị Tòa Trọng tài bác bỏ năm 2016 vì trái với các quy định của UNCLOS 1982. Nói cách khác, bất cứ biện pháp nào mà Trung Quốc thực hiện nhằm thực thi luật pháp của nước này tại những vùng lãnh thổ mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền nhưng không được luật pháp quốc tế công nhận, đều là bất hợp pháp.

Năm là, việc Trung Quốc ban hành Luật hải cảnh mới cản trở các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc. Mục tiêu chính của tất cả các bên tham gia đàm phán là duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông. Bởi vậy, COC cần phải đóng một vai trò quan trọng, ít nhất là phải đảm bảo rằng các bên liên quan không được đe dọa sử dụng vũ lực với các bên khác khi giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Việc Trung Quốc cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng vào tàu nước ngoài tại những vùng biển mà họ đơn phương tuyên bố chủ quyền cho thấy Bắc Kinh không có thiện chí đàm phán COC. Một số ý kiến còn gọi Luật hải cảnh mới của Trung Quốc là “luật rừng” và cho rằng Trung Quốc ban hành Luật hải cảnh mới giữa lúc đàm phán COC bước vào giai đoạn quan trọng với những nội dung thực chất nhằm tạo sự đã rồi, buộc các nước trong khu vực phải chấp nhận, tuy nhiên việc làm này của Bắc Kinh càng làm cho các nước ASEAN thận trọng hơn, bởi lẽ không ai có thể chấp nhận được việc Trung Quốc đơn phương áp dụng “luật rừng” ở Biển Đông.

Sáu là, Luật hải cảnh của Trung Quốc không chỉ đe dọa hoạt động kinh tế trên biển của các nước láng giềng trong khu vực mà còn đe dọa tự do, an ninh, an toàn hàng hải trên tuyến đường biển quan trọng hàng đầu thế giới qua Biển Đông, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các nước ngoài khu vực. Chính vì vậy mà sau khi Trung Quốc ban hành Luật hải cảnh mới nhiều nước như Úc, Anh, Pháp… đã có những động thái tăng cường hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông để đáp trả hành động ngang ngược của Bắc Kinh. Úc tuyên bố tiếp tục tăng cường tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông; Pháp điều 2 tàu ngầm hạt nhân hoạt động ở Biển Đông; Anh tuyên bố sẽ đưa tàu sân bay đến hoạt động ở khu vực…
Sau khi Trung Quốc thông qua Luật hải cảnh, chỉ trong tháng 2/2021, Mỹ liên tiếp đưa tàu chiến, máy bay chiến lược đến hoạt động ở Biển Đông. Trong vòng 10 ngày, tàu chiến Mỹ đã 2 lần thực hiện chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông thách thức những yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc (một ở khu vực quần đảo Hoàng Sa hôm 05/02 và một ở khu vực quần đảo Trường Sa hôm 16/02); hải quân Mỹ đưa 2 nhóm tàu sân bay vào Biển Đông diễn tập quân sự. Với Luật hải cảnh mới của Trung Quốc, có thể quan hệ Mỹ-Trung càng trở nên xấu hơn, nguy cơ xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông sẽ gia tăng.

Nhiều nhà phân tích quốc tế nhận định Luật hải cảnh mới của Trung Quốc chính là nguyên nhân để Mỹ can dự ngày càng sâu thêm vào Biển Đông và đẩy các quốc gia ven Biển Đông ngả theo Mỹ. Khi nói đến Luật hải cảnh mới của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhấn mạnh: “chúng tôi (Mỹ) đã liên hệ chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của Mỹ và các quốc gia khác phải đối mặt với sức ép không thể chấp nhận được của Trung Quốc ở Biển Đông”. Luật hải cảnh của Trung Quốc khiến tình hình leo thang căng thẳng, thậm chí dẫn đến một cuộc xung đột trên Biển Đông, do đó các quốc gia ven Biển Đông và cộng đồng quốc tế cần tiếp tục phản ứng mạnh mẽ và cần gia tăng sự hợp tác nhằm ngăn chặn hành động hiếu chiến của Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới