Chính quyền Biden coi Trung Quốc là thách thức địa-chiến lược lớn nhất thế kỷ và châu Á-Thái Bình Dương sẽ là nơi thử thách quan trọng nhất đối với Mỹ.
Nhìn từ chiến lược an ninh tạm thời
Ngày 3/3 vừa qua, nhà lãnh đạo Mỹ Joe Biden đã công bố “Chỉ dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời”, nhằm truyền tải tầm nhìn của ông về cách thức nước Mỹ can dự với thế giới nói chung và châu Á nói riêng, bao gồm cả quan điểm, định hướng, mục tiêu, nội dung và giải pháp chiến lược.
Tổng thống Biden cho biết, các bộ và cơ quan liên bang đã bắt đầu xây dựng Chiến lược An ninh Quốc gia theo chỉ dẫn của văn kiện tạm thời này, để không lãng phí thời gian, bảo đảm cho nước Mỹ nhanh chóng có mặt trên “sân khấu thế giới”, với tinh thần “nước Mỹ trở lại, ngoại giao trở lại, và các liên minh trở lại”.
Về quan điểm và đối tượng, theo ông Biden, nước Mỹ phải đương đầu với một thế giới mà chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy, nền dân chủ đang suy thoái, sự cạnh tranh ngày càng tăng với các nước lớn, và ở khu vực châu Á có Trung Quốc và Triều Tiên. Ông cũng thừa nhận cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang định hình lại mọi khía cạnh của đời sống xã hội, vừa là thách thức vừa cơ hội.
Khi nói về đồng minh và đối tác châu Á, ông Biden xác định “Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc…” là tài sản chiến lược lớn nhất của Mỹ. Mỹ sẽ củng cố quan hệ đối tác với Ấn Độ và hợp tác với New Zealand, Singapore và các quốc gia thành viên khác thuộc ASEAN nhằm thúc đẩy các mục tiêu chung.
Về nội dung chiến lược, Mỹ tiếp tục duy trì lợi thế cạnh tranh cả về quân sự và kinh tế. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thừa nhận: “Lợi thế cạnh tranh mà chúng ta có đã bị xói mòn. Nhưng chúng ta vẫn duy trì lợi thế đó và sẽ tăng cường nó trong tương lai bằng cách củng cố năng lực và các kế hoạch hành động… để có thể tạo ra những răn đe với Trung Quốc hoặc bất kỳ ai đó muốn đối đầu với Mỹ”.
Về giải pháp chiến lược, Mỹ cho rằng vì “các lợi ích quốc gia sống còn của mình, Mỹ cần tới sự liên kết với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Theo đó, Mỹ sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác với tất cả các quốc đảo Thái Bình Dương…
Những vấn đề mang tầm chiến lược
Nhấn để phóng to ảnh
Tổng thống Biden đã lên tiếng cứng rắn với Trung Quốc (Ảnh: Reuters).
Chính sách của chính quyền Biden với châu Á đã được thể hiện rõ trong một loạt cuộc gặp gỡ cấp cao và các chuyến thăm tới khu vực của giới chức Mỹ tới khu vực trong tháng 3 này.
Ngày 14/3, cuộc đối thoại “Bộ Tứ kim cương” – một liên minh không chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ với mục tiêu xây dựng một chiến lược “Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do”, nhằm đối phó với những hành động thái quá của Bắc Kinh trong khu vực cũng đã diễn ra, được đánh giá là phán ánh quan điểm kế thừa chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump của ông Biden.
Theo đó, nhóm Bộ Tứ đã tuyên bố sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế ở biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang tranh chấp lãnh thổ với các số nước láng giềng. Tuyên bố cũng khẳng định “cam kết của nhóm đối với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên”.
Ngày 17/3, chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đến Nhật Bản, Hàn Quốc là động thái thể hiện sự kết nối chặt chẽ trở lại với các đồng minh châu Á, qua đó chuẩn bị cho các cuộc đấu tranh với các đối thủ là sự mạnh lên của Trung Quốc và mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.
Tiếp đến trong 2 ngày 18-19/3, cuộc họp giữa 2 ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra tại Alaska (Mỹ), nhưng khi kết thúc đã không có thông cáo chung được đưa ra, ngoại trừ sự thống nhất hai bên về vấn đề khí hậu toàn cầu. Trung Quốc cho rằng: “Cuộc gặp mang tính thẳng thắn và có ích, giúp xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau”.
Về phần mình, Mỹ khẳng định Mỹ đã đạt được cả hai mục tiêu: (1) Chia sẻ những lo ngại của Mỹ, đồng minh và đối tác của nước này với những hành động của Trung Quốc; (2) Bày tỏ với Trung Quốc những chính sách ưu tiên và quan điểm của Mỹ đối với thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo đó, định hướng chiến lược trong quan hệ Mỹ-Trung sẽ là: “Cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể, và đối đầu khi bắt buộc”.
Ngày 19/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có chuyến thăm Ấn Độ, trong đó ông ca ngợi “sự tham gia ngày càng tăng của New Delhi với các đối tác cùng chí hướng, để thúc đẩy các mục tiêu chung”. Hai bên tái khẳng định cam kết thúc đẩy trật tự tự do và mở ở Ấn Độ-Thái Bình Dương và nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng sâu rộng và mạnh mẽ. New Delhi sẽ là một phần quan trọng trong chính sách châu Á của Mỹ.
Mới đây nhất, ngày 22/3, “nối gót” Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt lệnh trừng phạt với các quan chức và thực thể Trung Quốc về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương. Ngay sau đó, phía Trung Quốc cũng đã đáp trả bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt lên 10 cá nhân và 4 tổ chức của EU, khiến quan hệ hai bên trở nên căng thẳng, mở đầu cho thời kỳ đấu tranh chiến lược giữa phương Tây do Mỹ dẫn đầu với trung Quốc.
Trong cuộc họp báo ngày 25/3, Tổng thống Biden khẳng định, Mỹ sẽ cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc. Theo đó, Mỹ sẽ yêu cầu Bắc Kinh phải tuân thủ các quy tắc và luật lệ quốc tế, thực hiện cạnh tranh và thương mại công bằng. Mỹ cũng sẽ hợp tác với các nước đồng minh trong vấn đề Đài Loan, Hong Kong, Biển Đông, người Duy Ngô Nhĩ và vấn đề hạt nhân Triều tiên.
Như vậy, chính sách an ninh đối ngoại có tầm chiến lược của Tổng thống Biden đã hé lộ tương đối toàn diện bao gồm cả quan điểm, mục tiêu, nội dung và giải pháp, trong đó, nổi bật là đối tượng chiến lược. Theo đó, thách thức địa-chiến lược lớn nhất thế kỷ mà Washington phải đối phó là Trung Quốc và châu Á-Thái Bình Dương sẽ là nơi thử thách quan trọng nhất đối với Mỹ.