Không hài lòng với việc đòi chủ quyền với gần như toàn bộ các đá và bãi ở Biển Đông, Trung Quốc còn thực hiện một bước đi bất thường là đăng ký thương hiệu cho hàng trăm các thực thể nằm rải rác ở Biển Đông. Một điều tra của BenarNews cho biết như vậy.
Hành động này của Trung Quốc đã vấp phải những phản đối từ các quốc gia đòi chủ quyền khác ở Biển Đông. Đài Loan và Việt Nam đã bác bỏ tính chính danh của các thương hiệu này mà các chuyên gia mô tả là một nỗ lực của Trung Quốc (PRC) nhằm kiểm soát các công ty nội địa và nước ngoài trong việc sử dụng thương hiệu Biển Đông.
Không như phần lớn cách hành xử mang tính gây hấn của Trung Quốc, việc đăng ký thương hiệu hầu như không được chú ý tới khi chúng được bắt đầu bảy năm về trước. Nhưng giờ đây việc nghiên cứu các tài liệu của chính phủ Trung Quốc từ năm 2014 do BenarNews thực hiện đã cho thấy rằng thành phố Nam Sa, thành phố chịu trách nhiệm quản lý đối với các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, đã đăng ký hàng ngàn thương hiệu cho 286 đá, bãi đá, bãi cát và các thực thể đang tranh chấp khác cũng như toàn khu vực Biển Đông.
Mỗi một thương hiệu như vậy bao gồm tên thực thể được viết theo kiểu chữ Trung Quốc và được xếp loại theo một trong số 45 loại thương hiệu quốc tế vốn bao phủ tất cả các lĩnh vực từ nhạc cụ đến các dịch vụ pháp lý. Nhiều thương hiệu còn bao gồm cả phần dịch tiếng Anh của tên thực thể và logo minh hoạ cho thấy một cách nhìn nhiều màu sắc đối với thực thể như trong hình. Sự miêu tả các thực thể dường như đi trước chiến dịch bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo rộng lớn của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được bắt đầu vào năm 2014.
Các tên thương hiệu và logo của Đá Vành Khăn, Đá Chữ thập, Đá Subi và toàn bộ quần đảo Trường Sa. Hình thương hiệu do Văn phòng quản lý sự vụ Yongxing thuộc thành phố Tam Sa nắm giữ. Analysis by BenarNews
Tuyên bố chủ quyền
Julian Ku, một giáo sư thuộc trường đại học luật Maurice A. Deane thuộc đại học Hofstra, nói rằng các thương hiệu này có khả năng giúp Trung Quốc trong việc đưa ra các đơn kiện để kiểm soát cách thức mà các công ty Trung Quốc và nước ngoài sử dụng thương hiệu Biển Đông.
Giáo sư Julian Ku cho rằng đây là một dạng chiến tranh pháp lý – cách mà Trung Quốc sử dụng luật nội địa và quốc tế để thúc đẩy lập trường của nước này đối với các tranh chấp.
Trung Quốc hài lòng rằng nước này nắm chủ quyền với hàng trăm các thực thể khắp toàn bộ Biển Đông cũng như các quyền rộng lớn đối với vùng nước ở đó, một lập trường không được hậu thuẫn bởi luật quốc tế. Những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối từ các quốc gia láng giềng, mặc dù dường như các quốc gia đó bao gồm Việt Nam và Philippines cũng đã đăng ký những thương hiệu tương tự.
Trả lời một yêu cầu bình luận về thương hiệu của Trung Quốc, một giới chức tại Đại sứ quán Việt Nam ở Washington DC nói với BenarNews rằng: “bất cứ cách nào nhằm lan truyền các thông tin đi ngược lại luật quốc tế và sự thật lịch sử đều vô nghĩa và sai luật, cũng như sẽ không thể thay đổi được sự thật về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa”.
Việc sử dụng thương mại đối với các hình ảnh Biển Đông – cụ thể là các bản đồ – từ lâu đã là nguồn gốc của những căng thẳng giữa các nước đòi chủ quyền ở Biển Đông. Một ví dụ là việc hãng phim Dream Work vào năm 2019 đưa hình ảnh bản đồ có đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc vào phim Người Tuyết (Abominable) đã khiến giới chức Philippines, Việt Nam và Malaysia ra lệnh cấm chiếu bộ phim.
Vào tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng: “Các công ty hoạt động ở Việt Nam phải tuân thủ luật Việt Nam”, chỉ trích các hãng nước ngoài đã sử dụng bản đồ có đường lưỡi bò của Trung Quốc trong các sản phẩm của họ.
Từ những bình luận chính thức về vấn đề này, rõ ràng là Trung Quốc thấy giá trị cốt lõi trong việc khẳng định các quyền thương mại đối với các lãnh thổ tranh chấp. Báo Nhà nước Trung Quốc có tên China Industry and Commerce (Công nghiệp và Thương mại) trích lời giới chức thành phố Tam Sa vào năm 2016 rằng: “việc áp dụng các thương hiệu cho các tên ở các đảo và bãi đá thuộc thành phố Tam Sa theo Luật Thương hiệu của Trung Quốc là cách làm trực tiếp nhất trong tuyên bố chủ quyền”.
Thành phố Tam Sa còn đăng ký các thương hiệu này để “bảo vệ chủ sở hữu tên địa lý với mỗi đảo, bãi đá, bãi cát: và “ngăn chặn việc sử dụng thương hiệu trái phép”, theo báo China Industry and Commerce News, ý nói đến khi một thể nhân đăng ký chặn trước thương hiệu của một thể nhân khác, do đó lấy cắp được thương hiệu.
Đòi hỏi chủ quyền đối với tất cả những đá và bãi đá còn lại
281 thực thể được đăng ký thương hiệu bởi thành phố Tam Sa phần lớn khớp với danh sách 287 thực thể mà Trung Quốc đã đặt tên và đòi chủ quyền vào năm 1983, và sau đó mở rộng vào tháng tư năm 2020.
Ví dụ, thành phố Tam Sa đăng ký thương hiệu với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo mà Việt Nam và Đài Loan cũng đòi chủ quyền; Nhóm Trăng Khuyết và Nhóm An Vĩnh lập thành hai nhóm đảo của quần đảo Hoàng Sa; nhóm Đảo Qilian nhỏ là một phần thuộc nhóm An Vĩnh, Đảo Cây, một phần của nhóm đảo Qilian.
Thành phố Tam Sa cũng đã đăng ký hàng loạt các đá, bãi đá ở quần đảo Trường Sa bao gồm các thực thể đang được kiểm soát bởi các nước khác như đảo Ba Bình do Đài Loan kiểm soát, đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát và đảo Sinh Tồn do Việt Nam kiểm soát.
Thương hiệu và logo của đảo Ba Bình, Thị Tứ, Sinh Tồn. HÌnh của thành phố Tam Sa. Analysis: BenarNews
Câu hỏi cho tính pháp lý
Thông tin dữ liệu từ chính phủ Trung Quốc cho thấy thành phố Tam Sa đã dăng ký cho ít nhất 2.675 thương hiệu, và chỉ có một số nhỏ các đơn xin được nộp vào năm 2014. Phần lớn đơn đã được duyệt.
Trong 82 trường hợp, thành phố Tam Sa đã đăng ký thương hiệu cho một thực thể nhiều hơn một lần, đôi khi đăng ký các thương hiệu theo một trong số 45 loại thương hiệu quốc tế cho một thực thể. Thành phố cũng đăng ký thương hiệu cho bãi Scarborough dưới hai tên, nộp 45 đơn đăng ký thương hiệu cho Huangyan Island và 45 đơn cho Minzhu Reef.
Mặc dù Trung Quốc đăng ký các thương hiệu 7 năm trước, nhưng các thương hiệu này dường như không được sử dụng rộng rãi, trừ một ngoại lệ. Logo Tam Sa mà thành phố đăng ký có thể được thấy trên các tàu của thành phố, trang web của thành phố, và các bục được sử dụng bởi chính quyền thành phố. Tam Sa bao gồm quần đảo Tây Sa, Nam Sa, Đông Sa mà là các tên mà Trung Quốc đặt cho các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, bãi Scarborough và bãi Macclesfield.
Logo Tam Sa của thành phố được đăng ký thương hiệu trên hai tàu chở hàng cung cấp. Tam Sa 1 (trên) và Tam Sa 2 (dưới). Hình của chính quyền thành phố Tam Sa, Tân Hoa Xã, Văn phòng quản lý sự vụ Yongxing. Analysis: BenarNews
Giáo sư Julian Ku nói rằng ý nghĩa pháp lý của các thương hiệu này không rõ ràng hoàn toàn.
“Các thương hiệu là những bảo vệ pháp lý cho việc sử dụng tên hoặc logo cho mục đích thương mại”, điều này có nghĩa là “các thương hiệu sẽ nhìn chung sẽ không được hiểu là để củng cố đòi hỏi chủ quyền của một quốc gia theo luật quốc tế”.
Thêm nữa, ông cho rằng: “các thương hiệu được nhìn nhận trước tiên theo luật nội địa và bạn phải đăng ký một thương hiệu ở từng nước”, và “mỗi một nước có quyền từ chối đăng ký thương hiệu đó theo các lý do pháp lý nội địa của họ”
Giáo sư Julian Ku đặt câu hỏi liệu những vị trí địa lý có thậm chí có được đăng ký thương hiệu hay không.
“Có sự bảo vệ ở luật quốc tế và Mỹ cho các chỉ dẫn địa lý khi nó liên quan đến thực phẩm như Champagne nhưng đặt thương hiệu cho thực thể đất mà không có một sản phẩm cụ thể nào là hoàn toàn mới đối với tôi và tôi nghĩ nó còn không chắc chắn ở phần lớn các quốc gia”.
Bất chấp những hạn chế, các thương hiệu này có thể sẽ vẫn hữu dụng cho chính phủ Trung Quốc.
Ví dụ, các thương hiệu này có thể cho phép chính phủ Trung Quốc chặn việc sử dụng thương mại không được phép với việc đặt tên Biển Đông do các công ty Trung Quốc thực hiện.
Theo giáo sư Ku: “nếu bất cứ công ty nào tiếp thị một sản phẩm với một cái tên thực thể đất gắn liền với nó, theo lý thuyết, một nhà nắm thương hiệu của Trung Quốc có thể kiện”.
“Nhưng vì tôi nghĩ là khó có thể xảy ra chuyện các nước khác sẽ nhìn nhận các thương hiệu này của Trung Quốc, tôi không lo lắng”.
Ông cũng lưu ý là chính phủ Trung Quốc chỉ đăng ký thương hiệu cho các tên Trung Quốc đối với các thực thể và tên dịch tiếng Anh thay vì nhưng tên được nhìn nhận rộng rãi ở các ngôn ngữ khác. Điều này làm hạn chế thêm nữa ảnh hưởng quốc tế của các thương hiệu này.