Quốc đảo nằm trên Thái Bình Dương đã đáp trả hành động được cho là “bắt nạt” của Trung Quốc bằng cách mời Mỹ tới thiết lập các cảng chiến lược và căn cứ, theo Asia Times.
Binh sĩ Mỹ trong một cuộc tập trận năm 2019 ở Palau
Quốc đảo nhỏ Palau đã gửi lời mời Lầu Năm Góc của Mỹ tới xây dựng các cảng, căn cứ và sân bay trên lãnh thổ của họ, sau khi Trung Quốc “bắt nạt” hòn đảo này bằng cách khiến nền kinh tế vốn đã dễ đổ vỡ của họ càng thêm bất ổn; theo Tổng thống Surangel Whipps.
“Việc Tổng thống Whipps đưa ra đánh giá thẳng thừng về sức ép của Trung Quốc – và mời Mỹ tới xây dựng căn cứ – là một động thái hiếm thấy đối với một nhà lãnh đạo ở Thái Bình Dương” – Giám đóc Viện An ninh Thái Bình Dương Australia, Meg Keen, nhận định với Asia Times và thêm rằng “có nguy cơ rất cao về sự đối đầu đang tiếp diễn” giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Các quốc đảo ở Thái Bình Dương có thể có ít dân số và lãnh thổ, nhưng nên được coi như “những nhà nước lớn ở đại dương” có quan hệ thân mật với các quốc đảo khác thuộc “lục địa Xanh”” – bà Keen nói – “Trung Quốc đang muốn đem càng nhiều các quốc gia ở Thái Bình Dương vào mạng lưới Vành đai và Con đường nhất có thể, để họ có quyền tiếp cận khắp Thái Bình Dương cho tới châu Mỹ và Nam Cực”.
Giới phân tích nói rằng, các quốc đảo Thái Bình Dương có thể bị Mỹ hoặc Trung Quốc tận dụng, trong trường hợp hành động quân sự bùng phát giữa hai bên.
Cho đến mãi 4 năm trước, Trung Quốc đã bắt đầu nhắm tới dân số chỉ 21.000 người của Palau, cho phép lượng du khách nước họ ồ ạt đổ tới các địa điểm du lịch nhiệt đới trên lãnh thổ rộng 180 dặm vuông của quốc đảo này – tức nhỏ hơn đảo Guam. Lượng du khách từ Đại lục đổ tới Palau đã đạt đỉnh là 87.000 trong năm 2015, chiếm khoảng 1/2 tổng lượng du khách đến; theo Cơ quan Di trú Palau và Tổ chức Du lịch Nam Thái Bình Dương.
Thế nhưng Palau lại không hủy quyết định công nhận ngoại giao với Đài Loan mà họ đưa ra vào năm 1999.
Chính quyền Bắc Kinh, tức giận trước điều này, đã hủy hết các gói du lịch sinh lợi tới Palau trong năm 2017. Ngành công nghiệp du lịch của Palau nhanh chóng chìm nghỉm.
“Đây chỉ là một ví dụ cho thấy nguồn tiền của Trung Quốc là một kiểu bẫy” – Tổng thống Whipps tháng trước nói – “Các bạn làm điều này vì tôi, vậy tôi muốn có thứ này, thứ này”.
Tổng thống Whipps còn nói rằng các quan chức Trung Quốc cũng bắt nạt ông.
“Tôi đã tham dự nhiều cuộc họp với họ, và điều đầu tiên mà họ nói với tôi trước đó, trong một cú điện thoại, là “Điều mà ông đang làm là phi pháp, công nhận Đài Loan là phi pháp. Ông cần phải dừng lại”. Đó là giọng điểu của họ. Chúng tôi không cần được chỉ dạy nên làm bạn với ai”.
Trong tháng 3 năm nay, ông Whipps nói với các phóng viên Đài Loan rằng cách ứng xử của Trung Quốc đối với Palau như kiểu “Nếu anh đang trong một một quan hệ – tôi sử dụng ví dụ này – anh không được đánh vợ mình để khiến họ yêu anh”.
Sinh trưởng ở Baltimore, Tổng thống Whipps đã từ bỏ quyền công dân Mỹ, trở thành một thượng nghị sĩ ở Palau và vào tháng 1/2021, trở thành Tổng thống của quốc đảo này.
Trong số 15 quốc gia khác công nhận Đài Loan, chỉ có một số quốc đảo trên Thái Bình Dương bao gồm quần đảo Marshall, Nauru và Tuvalu.
340 đảo của Palau nằm phía Bắc đường xích đạo, cách Philippines khoảng 600 dặm (900 km) về phía Đông.
Vào năm 2020, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Hải quân Mỹ lúc bấy giờ là Mark Esper, Kenneth Brainthwaite đã tới thăm Palau.
“Đề nghị của Palau đối với quân đội Mỹ rất đơn giản: xây dựng các cơ sở chung, sau đó đến và sử dụng chúng thường xuyên”, Tổng thống lúc bấy giờ của Palau, ông Tommy Remengesau, nói với ông Esper và Brainthwaite trong cuộc gặp giữa hai bên.
Quân đội Mỹ đã sử dụng lãnh thổ của Palau trong năm 2020 để huấn luyện 200 binh sĩ – cuộc huấn luyện đầu tiên của quân đội Mỹ tại hòn đảo này trong gần 40 năm. Cũng trong năm đó, “khoảng 100 lục quân và thủy thủ Mỹ thuộc nhóm tác chiến Koa Moana, thuộc Lực lượng Lính thủy đánh bộ Viễn chinh I, đã ở Palau”, tờ Stars and Stripes đưa tin.
Palau “ có thể là một quốc gia nhỏ, nhưng họ lại muốn vươn cao hơn sức nặng của mình xét về tỷ lệ tham gia trong quân đội Mỹ”, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á, Heino Klinck, nói, thêm rằng có ít nhất 6 binh sĩ Palau đã tử trận trong quân phục Mỹ ở Iraq và Afghanistan.
“Chúng tôi rất quan ngại về việc Trung Quốc tiếp tục chèn ép các quốc gia công nhận Đài Loan, để buộc họ thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc” – ông Klinck nói với tờ Military Times.
Vị trí địa lý của Palau nằm trên một tuyến đường liên kết giữa Hawaii và đảo Guam, khiến hòn đảo này rất quan trọng đối với lợi ích của nước Mỹ.
Vào năm 1986, Mỹ và Palau đã ký Hiệp ước Liên kết Tự do (COFA) cho phép Lầu Năm Góc chịu trách nhiệm về vấn đề phòng thủ của Palau. Mỹ và Palau cũng có đặc điểm chính trị khá tương đồng thời kỳ hậu Thế chiến II khi mà Washington quản lý một số đảo trên Thái Bình Dương, bao gồm cả Palau, cho đến khi nó độc lập vào năm 1994.
“Trung Quốc đang chịu bất lợi hơn do nước Mỹ đã dẫn trước 70 năm ở khu vực Thái Bình Dương kể từ sau Thế chiến II, và bởi sự ủng hộ mạnh mẽ của Palau đối với Mỹ, Đài Loan và các đồng minh phương Tây” – Asia Times dẫn lời một chuyên gia phân tích địa-chính trị ở Thái Lan, nhận định – “Nhưng ngược lại, trong 2 thập kỷ qua, Mỹ cũng để mất phần lớn “Chuỗi đảo Đầu tiên” vào tay Trung Quốc”.
Chuỗi đảo đầu tiên này bao gồm Đài Loan, Okinawa (Nhật Bản), Philippines và nhiều đảo khác gần với Trung Quốc, thuộc mặt trận đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngày nay nó cũng bao gồm cả khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông, nơi mà Bắc Kinh và Washington cạnh tranh ác liệt.
Palau nằm trong “Chuỗi đảo thứ hai” – gần hơn với Hawaii và lãnh thổ Mỹ – kết nối phía Nam Nhật Bản, đảo Guam, và các đảo nằm xa hơn về phía Nam, trong đó có Palau, dọc Tây Thái Bình Dương.
“Đối với Palau và các đảo quốc khác trên Thái Bình Dương, điều quan trọng với họ là kinh tế – đánh bắt cá, du lịch… – và các vấn đề an ninh, quân sự cũng là hướng đến phát triển kinh tế” – vị chuyên gia giấu tên cho hay – “Đối với Mỹ và Trung Quốc thì ngược lại, họ sẵn sàng sử dụng các biện pháp kinh tế – như việc Trung Quốc chặn du lịch – để đảm bảo sức mạnh quân sự của họ”.
Các đảo của Palau từng là nơi nhuốm máu trong Thế chiến II, khi 1.800 binh sĩ Mỹ tử trận và 8.000 binh sĩ bị thương trong Trận Peleliu, và cuộc tấn công nhằm vào nhiều cứ điểm của Nhật Bản trên khắp Thái Bình Dương.