Chính sách đối ngoại hiện tại của Trung Quốc có nguồn gốc từ các cuộc đối đầu với phương Tây trong quá khứ.
Năm 1839, nước Anh gây chiến với Trung Quốc vì bất bình trước việc các quan chức nhà Thanh đóng cửa đường dây buôn bán ma túy và tịch thu thuốc phiện của nước này, theo The national interest (NI-Mỹ).
Sau khi được thành lập, nhà Thanh đi theo đường lối hướng nội và tự cô lập, từ chối tiếp nhận các đại sứ phương Tây vì họ không muốn tuyên bố nhà Thanh là tối cao trên các nguyên thủ quốc gia của họ.
Người nước ngoài – kể cả thương nhân – cũng bị cấm nhập cảnh vào lãnh thổ Trung Quốc.
Chỉ có ngoại lệ là ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông ngày nay, tiếp giáp với Hồng Kông và Ma Cao. Người nước ngoài được phép giao dịch tại khu Thập Tam Hàng, thành phố Quảng Châu, với các khoản thanh toán hoàn toàn bằng bạc trắng.
Chính phủ Anh trao cho Công ty Đông Ấn Anh Quốc độc quyền thương mại với nhà Thanh và các tàu đóng tại Ấn Độ thuộc địa đã nhanh chóng mạnh tay đổi bạc lấy trà và đồ sứ. Nhưng Anh có nguồn cung bạc hạn chế.
Chiến tranh Nha phiến
Từ giữa những năm 1700, người Anh bắt đầu buôn bán thuốc phiện được trồng ở Ấn Độ để đổi lấy bạc trắng từ các thương nhân Trung Quốc. Thuốc phiện là bất hợp pháp ở Anh, nhưng đã được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc. Việc sử dụng thuốc phiện như một thú tiêu khiển là phi pháp và không phổ biến.
Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi khi người Anh bắt đầu vận chuyển tới Trung Quốc hàng tấn ma túy bằng cách kết hợp các kẽ hở thương mại và buôn lậu để né lệnh cấm.
Các quan chức nhà Thanh đã tiếp tay cho hoạt động này. Các tàu của Mỹ chở thuốc phiện trồng ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia thị trường béo bở này vào đầu những năm 1800. Tiêu thụ thuốc phiện ở Trung Quốc tăng vọt, lợi nhuận cũng vậy.
Hoàng đế Đạo Quang cảm thấy lo sợ trước tình cảnh có hàng triệu người nghiện ma túy – và dòng bạc trắng rời khỏi Trung Quốc và điều này khiến xung đột trở nên gay gắt. Năm 1839, khâm sai đại thần mới được bổ nhiệm Lâm Tắc Từ đã bắt đầu thực hiện luật cấm thuốc phiện trên khắp Trung Quốc.
Lâm đã bắt giữ 1.700 đối tượng buôn thuốc, thu giữ các thùng thuốc phiện tại các bến tàu và trên các tàu ngoài biển. Các thùng thuốc phiện này sau đó đều bị tiêu hủy. Tổng cộng đến 2,6 triệu pao (tương đương 1.300 tấn) thuốc phiện đã bị ném xuống biển. Vị đại quan này thậm chí còn làm một bài thơ để xin lỗi Hải Thần vì đã gây ô nhiễm môi trường biển.
Bị chọc giận, các thương nhân Anh đã ép chính phủ Anh hứa bồi thường cho số thuốc bị mất, nhưng kho bạc không đủ khả năng chi trả. Cuối cùng, chỉ có chiến tranh mới giải quyết được nợ nần.
Nhưng những phát súng đầu tiên nổ ra khi người Trung Quốc phản đối việc người Anh tấn công một trong những tàu buôn của chính họ.
Nhà Thanh cho biết họ sẽ cho phép tiếp tục buôn bán các mặt hàng không phải thuốc phiện. Lâm Tắc Từ thậm chí còn gửi một lá thư cho Nữ hoàng Victoria chỉ ra rằng vì nước Anh có lệnh cấm buôn bán thuốc phiện, nên họ cũng có lý khi thiết lập một lệnh cấm tương tự ở Trung Quốc.
Bức thư không bao giờ đến tay Nữ hoàng, nhưng đã xuất hiện trên tờ Sunday Times.
Thay vào đó, Hải quân Hoàng gia Anh đã phong tỏa khu vực quanh Vịnh Châu Giang để phản đối việc hạn chế tự do thương mại… ma túy. Hai chiếc tàu chở bông của Anh đã tìm cách trốn tránh cuộc phong tỏa vào tháng 11/1839. Khi Hải quân Hoàng gia Anh bắn phát súng cảnh cáo vào chiếc thứ hai, tàu Royal Saxon, người Trung Quốc đã cử một đội chiến xa và bè lửa để bảo vệ tàu hàng này.
Thuyền trưởng tàu HMS Volage, không muốn chịu đựng “sự hăm dọa” của Trung Quốc, đã nã đạn vào các tàu của Trung Quốc. Rồi tàu HMS Hyacinth tham gia. Một trong các tàu của nhà Thanh bị nổ và ba chiếc khác bị đánh chìm. Cuộc bắn trả của họ đã làm một thủy thủ Anh bị thương.
7 tháng sau, một lực lượng viễn chinh quy mô gồm 44 tàu của Anh đã tiến hành tấn công vào Quảng Châu. Người Anh có tàu hơi nước, pháo hạng nặng, tên lửa Congreve và bộ binh được trang bị súng trường có khả năng bắn tầm xa chính xác. Trong khi đó, quân đội nhà Thanh – “đội quân Bát Kỳ Mãn Châu” – vẫn chỉ sử dụng súng hỏa mai có độ chính xác dưới 50m và tốc độ bắn 1 vòng/phút.
Các tàu chiến cổ lỗ sĩ của nhà Thanh đã bị Hải quân Hoàng gia Anh tiêu diệt nhanh chóng. Các tàu của Anh đi ngược dòng sông Chu Giang và Dương Tử, chiếm Thượng Hải trên đường đi và bắt giữ các sà lan thu thuế, bóp nghẹt tài chính của triều đình nhà Thanh. Quân đội nhà Thanh hứng hết thất bại này đến thất bại khác.
Khi nhà Thanh yêu cầu chấm dứt chiến tranh vào năm 1842, người Anh có cơ hội đặt ra các điều khoản theo ý mình. Hiệp ước Nam Kinh quy định rằng Hồng Kông sẽ trở thành lãnh thổ của Anh, và Trung Quốc sẽ buộc phải thiết lập 5 cảng theo hiệp ước, ở đó các thương nhân Anh có thể giao dịch bất cứ thứ gì với bất kỳ ai theo ý muốn của họ. Một hiệp ước khác sau đó đã buộc người Trung Quốc phải chính thức công nhận người Anh là bình đẳng và cấp cho các thương nhân Anh quy chế ưu đãi.
Thêm chiến tranh, thêm thuốc phiện
Chủ nghĩa đế quốc đang trên đà phát triển vào giữa những năm 1800. Pháp cũng tham gia vào công việc kinh doanh tại các cảng theo hiệp ước vào năm 1843. Người Anh nhanh chóng muốn chiếm được nhiều hơn sự nhượng bộ từ Trung Quốc – thương mại không hạn chế tại bất kỳ cảng nào, mở các đại sứ quán nước ngoài ở Bắc Kinh và dỡ bỏ các lệnh cấm bán thuốc phiện ở Trung Quốc đại lục.
Một chiến thuật mà người Anh sử dụng để tăng cường ảnh hưởng của họ là đăng ký các tàu của thương nhân Trung Quốc mà họ có giao thiệp với tư cách là tàu của Anh.
Tháng 10/1856, nhà Thanh đã bắt giữ một con tàu từng là tàu hải tặc tên là Arrow cùng với thủy thủ đoàn người Trung Quốc và có đăng ký của Anh đã hết hạn. Thuyền trưởng tàu này nói với các nhà chức trách Anh rằng hải cảnh Trung Quốc đã hạ cờ của một tàu Anh.
Người Anh đã yêu cầu thống đốc Trung Quốc thả thủy thủ đoàn. Khi chỉ có 9 trong số 14 người được trao trả, quân Anh bắt đầu bắn phá các pháo đài của Trung Quốc xung quanh Quảng Châu và cuối cùng cho nổ tung các bức tường thành.
Những người theo chủ nghĩa Tự do của Anh, dưới thời William Gladstone, tỏ ra khó chịu trước sự leo thang nhanh chóng và lên tiếng trước quốc hội để phản đối việc bắt đầu một cuộc chiến tranh mới vì lợi ích của việc buôn bán thuốc phiện. Tuy nhiên, trong một cuộc bầu cử họ đã mất ghế về tay các đảng viên đảng Bảo thủ dưới thời Lãnh chúa Palmerston, người đã ủng hộ việc tiếp tục theo đuổi cuộc chiến.
Nhà Thanh không thể làm gì để chống trả vì lúc đó nước này bị cuốn vào cuộc khởi nghĩa nông dân Thái Bình Thiên Quốc. Nghĩa binh gần như chiếm được Bắc Kinh và kiểm soát phần lớn đất nước.
Một lần nữa, Hải quân Hoàng gia Anh đè bẹp quân đội nhà Thanh, đánh chìm 23 chiếc tàu trong trận giao tranh mở màn gần Hồng Kông và chiếm Quảng Châu. Trong ba năm tiếp theo, các tàu của Anh đã tiến lên thượng nguồn, đánh chiếm một số pháo đài của Trung Quốc thông qua sự kết hợp giữa các cuộc bắn phá của hải quân và tấn công đổ bộ.
Pháp tham gia vào cuộc chiến – với cái cớ là vụ hành quyết một nhà truyền giáo người Pháp đã bất chấp lệnh cấm người nước ngoài ở tỉnh Quảng Tây. Ngay cả Mỹ cũng tham chiến trong một thời gian ngắn sau khi quân đội nhà Thanh bất cẩn bắn trúng một tàu Mỹ.
Trong trận chiến sông Châu Giang, Hải quân Mỹ với một lực lượng gồm 3 tàu cùng 287 thủy thủ và lính thủy đánh bộ đã đột chiếm 4 pháo đài, thu được 176 khẩu pháo và bẻ gãy cuộc phản công của 3.000 bộ binh nhà Thanh. Mỹ vẫn chính thức giữ thái độ trung lập.
Khi các sứ thần nước ngoài đưa ra hiệp ước tiếp theo vào năm 1858, các điều khoản trong hiệp ước này thậm chí còn triệt thêm quyền lực của nhà Thanh. 10 thành phố nữa được chỉ định làm cảng theo hiệp ước, người nước ngoài được tự do vào ra sông Dương Tử và Trung Quốc đại lục, và Bắc Kinh sẽ mở đại sứ quán cho Anh, Pháp và Nga.
Hoàng đế Hàm Phong lúc đầu đồng ý với hiệp ước này, nhưng sau đó đổi ý, cử tướng Tăng Cách Lâm Thấm điều quân đến đồn trú Đại Cô Khẩu trên tuyến đường thủy dẫn đến Bắc Kinh. Quân đội nhà Thanh đã đẩy lùi nỗ lực của Anh nhằm chiếm pháo đài bằng đường biển vào tháng 6/1859, đánh chìm 4 tàu của Anh. Một năm sau, cuộc tấn công trên bộ của 11.000 quân Anh và 6.700 quân Pháp đã thành công.
Khi một phái đoàn ngoại giao của Anh đến để yêu cầu tuân thủ hiệp ước, triều đình nhà Thanh đã bắt sứ thần làm con tin, và tra tấn nhiều người trong phái đoàn đến chết. Cao ủy các vấn đề Trung Quốc của Anh, Lord Elgar, quyết định khẳng định quyền thống trị và đưa quân đội vào Bắc Kinh.
Với súng trường, quân đội Anh và Pháp đã bắn hạ 10.000 kỵ binh trong trận Bát Lý Kiều, khiến Bắc Kinh không còn khả năng phòng thủ. Hoàng đế Hàm Phong bỏ trốn. Để làm tổn thương “niềm tự hào cũng như cảm xúc của Hoàng đế” theo lời của Lord Elgar, quân đội Anh và Pháp đã cướp bóc và phá hủy Di hòa viên lịch sử.
Hiệp ước mới sửa đổi áp đặt lên nhà Thanh đã hợp pháp hóa cả Cơ đốc giáo và thuốc phiện, đồng thời thêm Thiên Tân – thành phố lớn gần Bắc Kinh – vào danh sách các cảng theo hiệp ước. Điều này cho phép các tàu của Anh vận chuyển những người lao động Trung Quốc có ký hợp đồng đến Mỹ, và phạt chính phủ nhà Thanh 8 triệu bạc trắng tiền bồi thường.
Người phương Tây xuất hiện dày đặc ở Trung Quốc đại lục dẫn đến cuộc nổi dậy của quần chúng chống phương Tây, phong trào Nghĩa Hòa Đoàn, vào năm 1899. Triều đình nhà Thanh, lúc bấy giờ do Từ Hi Thái hậu nắm quyền, lần đầu tiên cố gắng kiềm chế bạo lực trước khi dẫn Liên quân tám nước, bao gồm Mỹ, Nga, Đức, Áo, Ý, Pháp, Nhật và Anh, đến và dập tắt cuộc nổi loạn.
“Thế kỷ ô nhục”
Không thể không nhấn mạnh tác động của các cuộc Chiến tranh Nha phiến đối với Trung Quốc hiện đại. Trong nước, chúng đã dẫn đến sự sụp đổ của triều đại nhà Thanh, triều đại phong kiến kéo dài hàng thế kỷ, và chấm dứt hơn 2.000 năm phong kiến Trung Quốc. Chúng còn chỉ ra cho Trung Quốc thấy sự cần thiết phải hiện đại hóa và công nghiệp hóa.
Ngày nay, Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất được giảng dạy trong các trường học Trung Quốc như là sự khởi đầu của “Thế kỷ ô nhục” – sự kết thúc của “thế kỷ” đó vào năm 1949 với sự tái thống nhất Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông. Các trường học ở Trung Quốc dạy học sinh rằng đất nước của họ đã bị sỉ nhục bởi “những kẻ tham lam và công nghệ vượt trội của đế quốc phương Tây”.
Các cuộc Chiến tranh Nha phiến chỉ rõ rằng Trung Quốc đã tụt hậu rất nhiều so với phương Tây – không chỉ về mặt quân sự mà còn về mặt kinh tế và chính trị. Chính phủ Trung Quốc qua nhiều thời kỳ – ngay cả triều đại nhà Thanh vào giai đoạn cuối, bắt đầu “Phong trào tự cường” sau Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai – đều coi hiện đại hóa trở thành một mục tiêu rõ ràng, với lý do cần phải bắt kịp phương Tây.
Người Nhật, quan sát các sự kiện ở Trung Quốc, có cùng suy nghĩ nhưng đã hiện đại hóa nhanh chóng hơn so với Trung Quốc trong thời kỳ Minh Trị Duy tân.
Người dân Trung Quốc đại lục vẫn thường xuyên so Trung Quốc với các nước phương Tây. Các vấn đề kinh tế và chất lượng cuộc sống cho đến nay vẫn là mối quan tâm chính của họ. Nhưng truyền thông nhà nước cũng nêu ra sự ngang bằng quân sự như một mục tiêu.
Trong phần lớn lịch sử Trung Quốc, mối đe dọa chính của Trung Quốc đến từ các bộ lạc du mục cưỡi ngựa dọc theo đường biên giới dài phía bắc của nước này. Ngay cả trong Chiến tranh Lạnh, sự thù địch với Liên Xô đã khiến khu vực biên giới Trung Quốc-Mông Cổ trở thành một điểm nóng về an ninh. Nhưng các cuộc Chiến tranh Nha phiến – và thậm chí tệ hơn, cuộc tấn công của Nhật Bản năm 1937 – đã cho thấy Trung Quốc dễ bị tổn thương như thế nào trước sức mạnh hải quân dọc theo bờ biển Thái Bình Dương.
NI nói rằng, việc Trung Quốc hung hăng bành trướng hải quân ở Biển Đông, là hành động bị ảnh hưởng bởi quá khứ, muốn gia tăng sức ảnh hưởng ở Thái Bình Dương trong thế kỷ 21.
Lịch sử hình thành với cây thuốc phiện cũng khiến Trung Quốc áp dụng chính sách chống ma tuý đặc biệt khắc nghiệt với án tử hình được áp dụng ngay cả đối với những kẻ buôn lậu thuốc tầm trung.
Lịch sử quá khứ không phải lúc nào cũng quyết định những hành động trong tương lai.
Ngày nay, việc thúc đẩy các mối quan hệ tốt đẹp hơn, đòi hỏi thế giới phải hiểu chính sách đối ngoại hiện tại của Trung Quốc bắt nguồn từ các cuộc đối đầu với phương Tây trong quá khứ như thế nào.