Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTại sao TQ ưu tiên vaccine cho “bộ tam”?

Tại sao TQ ưu tiên vaccine cho “bộ tam”?

Làn sóng dịch mới khiến nhiều quốc gia trên thế giới đang rơi vào thảm cảnh. Với những gì đang diễn ra, giới chuyên môn khẳng định, chỉ vaccine mới là giải pháp căn cơ cho phòng chống dịch. Tuy nhiên, khi nguồn vaccine quá ít so với nhu cầu, “ngoại giao vaccine” càng được Trung Quốc khai thác, tận dụng.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiêm ngừa vắc xin được Trung Quốc viện trợ, ngày 3-5.

Không phải nhân loại không nhận thấy và không hành động. Chính vì sớm nhận thấy vai trò cơ bản của vaccine trong việc cứu nhân loại sớm vượt qua thảm họa dịch tễ chưa từng thấy, COVAX facility đã ra đời từ sau làn sóng dịch thứ nhất. COVAX facility – đó là một cơ chế thiết lập nhằm đảm bảo các quốc gia được tiếp cận công bằng với vaccine -19. Trong cơ chế này Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với GAVI, UNICEF, CEPI, các nhà sản xuất vắc xin và các đối tác để đảm bảo các quốc gia đều được tiếp cận vắc xin một cách công bằng và hiệu quả. COVAX sẽ đảm bảo cho các quốc gia tham gia cơ chế này được tiếp cận vắc xin với mức độ bao phủ khoảng 20% dân số trong năm 2021.

Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra, mục tiêu trên vẻ như là một tham vọng thiếu tính thực tế. Nguồn nguyên liệu hiếm; những khó khăn về công nghệ, cả sản xuất và bảo quản; sự tái bùng phát dữ dội với các biến chủng virus mới khiến các quốc gia phát triển được vaccine tham gia chương trình COVAX hạn chế xuất khẩu để đáp ứng trước hết cho người dân trong nước…khiến nguồn cung vaccine đã khó lại càng khó. Tới thời điểm này, lượng vaccine tài trợ theo Chương trình chưa đến 1 liều/ 100 người trong dân số toàn cầu.

Cũng chính thế, “ngoại giao vaccine” nhằm có được lợi ích, cho dù bị coi là vô nhân đạo, vẫn được sử dụng. Biểu hiện rõ nhất là việc Trung Quốc viện trợ vaccine cho Pakistan, Philippines, Lào, Campuchia số lượng nhiều nhất trong số 13,4 triệu liều vaccine cho 45 quốc gia.

Pakistan thì dễ hiểu là “bạn tốt” của Trung Quốc, nên hai bên có quan hệ lâu dài cùng có lợi. Nhưng liên quan “bộ tam” Philippines, Campuchia, Lào thì phải đặt dấu hỏi. Và trả lời câu hỏi “tại sao” này, không thể không đặt nó trong quan hệ vấn đề Biển Đông.

Philippines là quốc gia trong tầm ưu tiên nhất của Trung Quốc. Tới nay, nước này đã tiếp nhận hơn 4 triệu liều vaccine -19, trong đó chủ yếu là của Sinovac ngay cả khi nó chưa được WHO đưa vào chương trình COVAX. Thậm chí, Bắc Kinh còn gần như có “động cơ không trong sáng” khi “biếu” thêm Manila 1000 liều và vụ việc khiến ông Duterte – người đã tiêm một mũi trong số thuốc biếu này  – bị eo xèo vì vi phạm quy định sử dụng vaccine, trong bối cảnh người dân đang vật lộn với đại dịch. Manila và Bắc Kinh từng mặn nồng, ấm áp, nhưng gần năm nay, câu chuyện bỗng có chiều hướng ngược lại với sự giận dữ của Manila về những hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông cùng sự thất hứa về những khoản viện trợ kinh tế. Một Philippines ngả về phía Mỹ trong lúc này, hẳn là điều Bắc Kinh không muốn chút nào. Có được Philippines  – quốc gia liên quan trực tiếp yêu sách Biển Đông, cũng là bên từng kiện và thắng kiện Trung Quốc tại Tòa trọng tài PCA năm 2016 – trong cuộc đấu Biển Đông, các đối thủ của Trung Quốc sẽ nhẹ đi đáng kể. Thế là, cùng với các biện pháp níu kéo khác, Bắc Kinh thò ra con bài vaccine nhằm kéo Manila trở lại.

Còn Campuchia và Lào, tuy không có yêu sách chủ quyền Biển Đông, nhưng Trung Quốc vẫn muốn “thêm người, thêm tiếng” để có lợi và rảnh tay đối phó với các nước khác, như Việt Nam. Tới nay, với các nước Asean, hai quốc gia này luôn là khó lường vì những toan tính “dân tộc chủ nghĩa” tới mức có khi vượt lên trên trách nhiệm cộng đồng. Điều đó càng trở nên rõ hơn mỗi khi họ được Trung Quốc hứa hẹn đáp ứng một lợi ích nào đó. Vì cái lắc đầu của hai quốc gia này, từng có hội nghị ngoại trưởng các nước Asean không ra được tuyên bố chung bởi “vướng” vấn đề Biển Đông.

Chính vì thế, ngay cả tốn thêm chút nữa để viện trợ vaccine cho “bộ tam” trên, Trung Quốc cũng chẳng nề hà.

RELATED ARTICLES

Tin mới