Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển nóngBiển Đông và chính trường Philippines 1 năm trước bầu cử

Biển Đông và chính trường Philippines 1 năm trước bầu cử

 Trong 5 năm cầm quyền, Tổng thống Philippines Duterte có một thái độ thất thường trên vấn đề Biển Đông cũng như trong quan hệ với Trung Quốc. Có lúc ông Duterte đã phát biểu rất mạnh mẽ, cứng rắn, kể cả đưa vấn đề Biển Đông và phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông ra cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Có lúc ông Duterte lại có những phát biểu rất vô trách nhiệm về Phán quyết, chẳng hạn như trong phát biểu hôm 05/5/2021, ông Duterte nói rằng Phán quyết chỉ là “tờ giấy lộn” đáng “vứt sọt rác”.

Phát biểu này gây sửng sốt bởi nó giống với cách tuyên truyền của Trung Quốc bấy lâu nay. Nhưng nếu nghiên cứu kỹ cách hành xử của Tổng thống Duterte trong suốt 5 năm qua, có thể thấy ông Duterte luôn sử dụng vấn đề Biển Đông và Phán quyết như một con bài chính trị trong quan hệ với Trung Quốc cũng như trong đấu tranh nội bộ với các đảng phái ở Philippines.

Ngay từ khi lên cầm quyền, ông Duterte đã thi hành một chính sách thân Bắc Kinh nhằm tranh thủ tài chính và hợp tác kinh tế phát triển đất nước. Để làm hài lòng giới lãnh đạo Bắc Kinh, ông Duterte đã không nhắc đến phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài trong một thời gian dài, đồng thời tỏ ý sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để khai thác dầu khí với Trung Quốc ở Biển Đông, thậm chí đã ký với Bắc Kinh “Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác dầu khí” với Trung Quốc.
Tuy nhiên sau hơn 2 năm ve vãn Bắc Kinh, ông Duterte không đạt được điều mong muốn mà chỉ toàn là những lời hứa hão huyền từ Bắc Kinh. Hợp tác dầu khí mà Trung Quốc muốn thúc đẩy với Philippines là dưới thức hình “cùng khai thác” (chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác) mà luật pháp Philippines không cho phép nên không thể đạt được tiến triển vẫn chỉ dừng lại ở Bản ghi nhớ. Ngược lại, Bắc Kinh không ngừng gia tăng các hoạt động gây hấn trên Biển Đông nhằm vào Manila khiến dư luận nội bộ Philippines hết sức bất bình và buộc ông Duterte phải lên tiếng khẳng định giá trị của Phán quyết.

Trong chuyến thăm Trung Quốc cuối tháng 8/2019, lần đầu tiên Tổng thống Duterte phải đề cập đến Phán quyết, tại cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tiếp đó, khi phát biểu trực tuyến tại cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 23/9/2020, ông Duterte tuyên bố rằng Phán quyết là “một phần của luật pháp quốc tế và vượt ngoài tầm của các chính phủ để có thể làm phai nhạt hay bỏ di’; khẳng định “kiên quyết phản đối những nỗ lực nhằm phá hoại phán quyết này”; đồng thời, hoan nghênh ngày càng nhiều nước ủng hộ phán quyết.

Phát biểu này của ông Duterte tại diễn đàn quốc tế quan trọng nhất rõ ràng đã bày tỏ quan điểm chính thức của Philippines về giá trị của Phán quyết. Thế nhưng với phát biểu mới nhất hôm 05/5, chính ông Duterte lại phủ nhận phát biểu của mình tại diễn đàn Liên hợp quốc khi nói Phán quyết chỉ là “mảnh giấy” để “vứt sọt rác” đã gây sốc và khiến Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo phải lên tiếng phản đối phát biểu của ông Duterte trong phát biểu ngày 09/5 vừa qua.
Phó Tổng thống Leni Robredo cho biết bà đã không muốn thảo luận các vấn đề chính trị vì để đảm bảo tính đoàn kết nội bộ trong việc ứng phó đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, sau phát ngôn đêm 05/5 của ông Duterte, buộc bà phải lên tiếng phản ứng vì tuyên bố của ông Duterte là sai trái và bà không thể bỏ qua những hành động “thân Trung Quốc” của vị tổng thống.

Mọi người đều rõ ông Duterte có quan điểm thân Trung Quốc bởi chính ông đã có nhiều phát biểu và việc làm để lấy lòng giới chức Bắc Kinh, kể cả tranh thủ Trung Quốc hỗ trợ chống đại dịch Covid-19. Gần đây nhất, hồi đầu tháng 3/2021, hãng thông tấn Philippines còn đưa tin Tổng thống Duterte có thể thăm Trung Quốc trước khi kết thúc nhiệm kỳ để cảm ơn Chủ tịch Tập Cận Bình đã hỗ trợ 600.000 liều vắc xin Covid-19.

Tuy nhiên, với phát biểu về Phán quyết đêm 05/5 thì nhiều nhà phân tích lại cho rằng không phải để lấy lòng Bắc Kinh mà là để tấn công phe đối lập trong cuộc đấu tranh nội bộ ở Philippines bởi lẽ Bắc Kinh hiểu quả rõ phát biểu về Phán quyết tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc là có giá trị cao nhất về mặt pháp lý.

Đánh giá về những động thái gần đây của ông Duterte, giới quan sát cho rằng trong bối cảnh chỉ còn 1 năm nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống mới ở Philippine, ông Duterte đang sử dụng vấn đề Biển Đông như một con bài chính trị để tấn công lại phe đối lập. Các nhà quan sát đồng thời chỉ ra nhiều dấu hiệu liên quan để chứng minh cho nhận định này:

Một là, hai ông Alberto Del Rosario – cựu Ngoại trưởng Philippines và ông Antonio Carpio – cựu Thẩm phán Tòa án tối cao của Philippines có thể xem là những nhân vật đại diện cho chính sách Biển Đông dưới thời chính quyền trước đây của cựu Tổng thống Aquino III và được xem là tác giả của vụ kiện Biển Đông mà Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Phụ lục VII UNCLOS 1982. Hiện nay, hai ông lại là hai nhân vật chủ xướng của liên minh 1 Sambayan (Một quốc gia) mới được thành lập với mục tiêu đoàn kết phe đối lập để chọn lựa ứng cử viên đối đầu với ứng cử viên được ông Duterte hậu thuẫn hoặc đi theo đường lối dân túy của ông Duterte trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022.
Gần đây, Tổng thống Duterte đưa ra nhiều phát biểu công kích nguyên Ngoại trưởng del Rosario và nguyên Thẩm phán tối cao Carpio. Thậm chí ông Duterte thách cựu thẩm phán Tòa án tối cao Antonio Carpio tranh luận trực tiếp về vấn đề Biển Đông. Ông Carpio đã nhanh chóng nhận lời thách đấu.

Hai là, Tổng thống Duterte đang muốn xới lại lập trường của chính quyền Aquino về vấn đề Biển Đông để tấn công vào phe đối lập của ông del Rosario và Carpio. Một mũi nhọn là ông Duterte nhắm vào là quyết định rút tàu Philippines khỏi bãi cạn Scarborough trong cuộc đối đầu với Trung Quốc năm 2012. Như đã được đề cập trong nhiều bài viết: trong vụ việc tranh chấp khu vực bãi cạn Scarborough năm 2012, chính quyền Manila lúc bấy giờ đã nghe theo lời khuyên của Washington (được Bắc Kinh đề nghị làm trung gian giúp hai bên cùng rút tàu ra khỏi khu vực để giải quyết vụ việc) rút tàu của Philippines ra khỏi khu vực bãi cạn Scarborough, nhưng sau đó Bắc Kinh đã không giữ lời hứa, không rút tàu mà kiểm soát luôn khu vực bãi cạn Scarborough từ đó đến nay.

Trong cuộc tranh luận, ông Duterte đã quy trách nhiệm trực tiếp cho hai ông del Rosario và Carpio chịu trách nhiệm trong quyết định rút tàu khi đó. Đáp lại, ông Carpio đã bác bỏ sự liên quan của mình đối với quyết định rút khỏi bãi cạn; cò ông del Rosario tố cáo đó là vì Trung Quốc không giữ lời và đây đúng là sự thật lịch sử.

Cùng với việc chỉ trích ông del Rosario và ông Carpio trong vụ việc để Trung Quốc kiểm soát bãi cạn Scarborough, chính quyền của Tổng thống Duterte triển khai tàu công vụ trở lại bãi cạn Scarborough tập trận. Theo một số nguồn tin, đầu tháng 5, tàu tuần duyên BRP Sindangan và tàu MCS 3005 của Cục Ngư nghiệp Philippines đã được triển khai trở lại bãi cạn Scarborough. Đồng thời, Manila kêu gọi ngư dân Philippines tiếp tục đánh bắt tại khu vực thuộc lãnh thổ và quyền tài phán của Philippines, bất chấp cái gọi là lệnh cấm đánh bắt mà Trung Quốc áp đặt kể từ ngày 1/5.

Các nhà quan sát cho rằng những động thái này của chính quyền Manila là nhằm thể hiện một hình ảnh kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đào của chính quyền Tổng thống Duterte đối lập với việc chính quyền của Tổng thống Aquino III trước đây cho rút tàu khỏi bãi cạn Scarborough trong mắt người dân.

Ba là, những động thái thể hiện phản ứng mạnh mẽ, thái độ kiên quyết hiếm thấy xung quanh vụ việc hàng trăm tàu dân quân biển Trung Quốc neo đậu ở bãi Ba Đầu trong cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa thời gian gần đây (trong đó, những hình ảnh, clip, các công hàm phản đối liên tục của Philippines được chuyển tải nhanh chóng đến công chúng Philippines qua các cơ quan truyền thông cũng không đi ra ngoài ý đồ này, bao gồm việc cử máy bay, tàu chiến ra giám sát hoạt động của tàu Trung Quốc ở bãi Ba Đầu).

Một số nhà quan sát chỉ ra một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng rất đáng lưu ý là liên minh 1 Sambayan do ông Alberto Del Rosario và ông Antonio Carpio khởi xướng được công bố ngày 18/3 thì hai ngày sau, ngày 20/3, nhóm đặc trách về Biển Đông của chính quyền Duterte bắt đầu đưa ra thông báo đầu tiên về sự hiện diện của tàu dân binh Trung Quốc ở bãi Ba Đầu, từ đó vấn đề Biển Đông một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của cả dư luận Philippines lẫn dư luận quốc tế.
Nhiều nhà phân tích cho rằng dường như Tổng thống Duterte đang chủ động “làm nóng” vấn đề Biển Đông thông qua vụ việc lên án tàu dân quân biển Trung Quốc tụ tập ở đá Ba Đầu để tạo lợi thế cho ứng cử viên thuộc phe phái của ông trong cuộc đua bầu cử Tổng thống vào năm tới. Ông Duterte muốn chứng minh với dân chúng rằng không phải là “một vị Tổng thống nhu nhược” trước những đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông như những ý kiến chỉ trích ông của phe đối lập thời gian qua; khẳng định trước dân chúng rằng chính sách gần gũi với Bắc Kinh của ông cũng là để giải quyết các khó khăn trong nước, và khi cần thiết ông sẵn sàng tỏ thái độ cứng rắn để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Bốn là, nhằm tấn công vào uy tín của hai ông del Rosario và Carpio đối với dân chúng, Tổng thống Duterte có vẻ như muốn giảm nhẹ tầm quan trọng của Phán quyết mà hai đối thủ của ông được cho là có công lớn. Phát biểu hôm 05/5 về Phán quyết là nằm trong tính toán này của ông Duterte.

Ngoài phát biểu tối 05/5, trong cuộc tranh luận với cựu Thẩm phán tối cao Carpio, Tổng thống Duterte còn đặt ra một số câu hỏi liên quan đến phán quyết như: Chính quyền Aquino làm gì sau chiến thắng ở Tòa Trọng tài? Và liệu chúng ta có thể thi hành Phán quyết hay không? Trên thực tế, khi Tòa Trọng tài Thường trực ra phán quyết ngày 12/7/2016 thì ông Duterte đã nhậm chức. Câu hỏi mà ông Duterte đưa ra nhằm thách thức ông del Rosario và ông Carpio, hai tác giả chính của vụ kiện, đồng thời có ý giải thích cho cách làm của chính quyền đương nhiệm của ông Duterte liên quan đến Phán quyết trong thời gian vừa qua.

Dẫu biết rằng tính cách của ông Duterte rất thất thường, hay nói cách khác là “sáng nắng, chiều mưa”. Tuy nhiên, việc ăn nói một cách bạt mạng liên quan đến đề chủ quyền biển đảo, một vấn hệ trọng của đất nước là điều khó chấp nhận được với một nguyên thủ quốc gia đương nhiệm. Rõ ràng là không gì có thể bào chữa cho cách phát biểu của ông Duterte. Sự lên tiếng của bà Phó Tổng thống Leni Robredo phê phán phát biểu đêm 05/5 của ông Duterte là một minh chứng cho sự bất bình trong nội bộ Philippines đối với chính quyền của ông Duterte trên vấn đề Biển Đông.

Một số nhà phân tích cho rằng phát biểu của ông Duterte hôm 05/5 có thể lại gây phản tác dụng, có lợi cho chính các đối thủ của ông trong cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 5/2022 vì nội bộ Philippines ngày càng xuất hiện nhiều ý kiến phê phán với cách ứng xử của ông Duterte trong quan hệ với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.

Năm là, mới đây nhất, chính quyền Manila chủ động quảng bá rộng rãi việc tàu công vụ Philippines đẩy lùi tàu dân binh Trung Quốc khỏi bãi cạn Sa Bin thuộc cụm Bình Nguyên, quần đảo Trường Sa. Ngày 4/5, Nhóm đặc trách Biển Đông của Philippines (NTF-WPS) đưa ra thông cáo vào ngày 27/4, tàu tuần duyên BRP Cabra cùng với các tàu của Cục Ngư nghiệp MCS 3002 và 3004 của Philippines khi đến bãi Sa Bin, nằm cách Palawan 130 hải lý và phía đông Bãi Cỏ Mây, để thi hành chức trách thực thi pháp luật và diễn tập trên biển thì đã phát hiện 7 tàu “dân quân biển của Trung Quốc” đang xếp sát nhau hoặc theo đội hình thẳng hàng cố định tại bãi Sa Bin. Các tàu này đã rời đi nơi khác sau khi bị tàu tuần duyên BRP Cabra yêu cầu.

Bãi Sa Bin không phải là vấn đề gì mới, Philippines đã từng tố cáo các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở khu vực này. Năm 2011, Philippines từng tố cáo Trung Quốc thả một ụ nổi và các phao định vị ở khu vực này. Năm 2012, Bộ Ngoại giao Philippines từng lên tiếng phản đối sự hiện diện của một tàu hải quân và hai tàu khác của Trung Quốc tại khu vực được đánh giá là có tiềm năng dầu khí này. Một số nhà quan sát cho rằng chính quyền của Tổng thống Duterte chủ động đưa thông tin làm nổi bật việc lực lượng công vụ Philippines thành công trong việc xua đuổi tàu dân binh Trung Quốc ở khu vực bãi Sa Bin nằm trong mục tiêu chứng minh cách hành xử hiệu quả của chính quyền Manila hiện nay.

Từ nay đến cuộc bầu cử Tổng thống Philippines còn đúng một năm. Cuộc đua giành vị trí Tổng thống Philippines sẽ là sàn đấu nóng bỏng giữa nhiều ứng cử viên, trong số đó có con gái của ông Duterte (bà này hiện là thị trưởng thành phố Davo Sara Duterte-Carpio); Thượng nghị sĩ đồng thời là võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp Manny Pacquiao và ứng cử viên khác đến từ liên minh chống Duterte mang tên 1 Sambayan.

Các nhà phân tích quốc tế dự báo chính sách đối ngoại, nhất là việc xử lý vấn đề Biển Đông trong quan hệ với Trung Quốc là “vấn đề nóng” trong cuộc bầu cử năm 2022. Trong 5 năm qua, thi hành chính sách thân Trung Quốc, ông Duterte luôn nhún nhường Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông. Đây chắc chắn sẽ là chủ đề được các ứng cử viên thuộc phe phái khác sử dụng để công kích chính quyền Duterte và ứng cử viên mà ông Duterte hậu thuẫn. Nhận thức rõ thách thức này, ông Duterte đã thể hiện thái độ mạnh mẽ trên vấn đề Biển Đông trong thời gian gần đây, dùng ngay chính vấn đề Biển Đông để tấn công các đối thủ nhằm giành thế chủ động trong cuộc đua bầu cử Tổng thống mới.

Có thể thấy từ đầu năm 2021, chính quyền của ông Duterte đã đưa ra những cuộc phản kích liên tiếp đối với Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông cả trên mặt trận ngoại giao, tuyên truyền dư luận và trên thực địa. Tuy nhiên, thái độ của Bắc Kinh vẫn khá kiềm chế là điều rất đáng chú ý. Cho đến nay, ngoài những phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chủ yếu là giải thích. Do vậy, một số chuyên gia đặt câu hỏi liệu chính quyền Bắc Kinh có nhận ra hay được chuyển thông điệp nào đó về thái độ của Manila hay không? Thậm chí có ý kiến còn đặt câu hỏi có hay không cú bắt tay ngầm nào đó giữa Bắc Kinh và Manila để chính quyền của ông Duterte thỏa sức trình diễn?

Nếu quả thật Bắc Kinh nắm được ý đồ của ông Duterte đang dùng vấn đề Biển Đông để tấn công đối thủ trong cuộc tranh cử Tổng thống sắp tới thì việc kiềm chế của Bắc Kinh trong thời gian qua là có chủ đích ngầm hỗ trợ cho ứng cử viên thân cận của ông Duterte trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines vào năm tới bởi họ không muốn một chính phủ ở Manila có thái độ mạnh mẽ, cương quyết và cứng rắn với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông như thời của cựu Tổng thống Benigno Aquino III trước đây.

Cuộc bầu cử Tổng thống Philippines đang đến gần và chắc chắn vấn đề Biển Đông sẽ tiếp tục nóng lên trên chính trường Philippines trong thời gian tới. Xử lý vấn đề Biển Đông và quan hệ Trung Quốc sẽ “có sức nặng” trong các cuộc tranh luận và chiến dịch tranh cử trong vòng 1 năm tới. Đây là lúc chính quyền của Tổng thống Duterte sẽ tiếp tục thể hiện thái độ kiên quyết về Biển Đông. Chúng ta cùng  quan sát, theo dõi.

RELATED ARTICLES

Tin mới