Đó là một buổi tối nóng bức ngột ngạt để có thể chơi bóng đá. Vì những hạn chế chống Covid-19, trận đấu được diễn ra tại một địa điểm trung lập, cách Thượng Hải gần ba giờ ô tô.
Một điều bất tiện khác là trận đấu bắt đầu vào lúc 6 giờ chiều ngày thứ Hai. Tuy nhiên, vài nghìn người hâm mộ vẫn thực hiện chuyến đi vào ngày 10 tháng 5 để đến xem đội bóng địa phương yêu quý của họ, Shenhua, đấu với một câu lạc bộ đến từ Hà Bắc, một tỉnh phía bắc Trung Quốc. A.G. Wan, một doanh nhân trung niên, cho biết: “Đó là một loại niềm tin đối với chúng tôi.
Những tiếng chửi thề “sha bi” vang lên bất cứ khi nào trọng tài bỏ qua những pha phạm lỗi trông rõ ràng đối với người hâm mộ. Tiếng la hò bùng lên khi một tiền vệ Shenhua ghi bàn gỡ hòa bằng một cú sút phạt hàng rào hoàn hảo ở phút cuối. Niềm đam mê của đám đông đã trở nên quen thuộc với người hâm mộ bóng đá ở bất cứ đâu. Nhưng bối cảnh mà nó được vẽ lên – một giải đấu bị bủa vây bởi những vấn đề tài chính và can thiệp chính trị – là một đặc sắc Trung Quốc không thể nhầm lẫn được.
Trung Quốc có thể giống như một người khổng lồ kinh tế. Các nhà lãnh đạo đặt ra các mục tiêu chót vót và đổ tiền vào các ngành được ưu tiên, một công thức hiệu quả khi được kết hợp với những người tài năng, có động lực. Bóng đá cho thấy một khía cạnh ít thành công hơn trong hệ thống của Trung Quốc: cách tiếp cận từ trên xuống vốn hiệu quả trong việc phát triển tàu cao tốc có thể thất bại trong các lĩnh vực khó lường hơn.
Chính phủ có tham vọng cao đối với bộ môn bóng đá, được gói gọn bởi ước mơ mà Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố là một ngày nào đó Trung Quốc sẽ vô địch World Cup. Ngày đó vẫn còn xa. Đội tuyển Trung Quốc chỉ xếp hạng 77 thế giới, sau cả một Curaçao nhỏ bé. Và các giải đấu quốc nội, một yếu tố nền tảng quan trọng, đang sa lầy trong sự tầm thường.
Để hiểu điều gì đã xảy ra, hãy xem Chinese Super League (CSL), giải đấu bóng đá chính của quốc gia này. Ba tháng sau khi giành được danh hiệu vô địch CSL đầu tiên, Jiangsu Suning đã giải thể vào tháng 2, vấp phải khó khăn do tăng trưởng chậm lại và môi trường chính trị bảo thủ hơn. Chủ sở hữu của CLB, Suning, một nhà bán lẻ đồ điện tử, đã cố gắng trả bớt các khoản nợ của mình, giống như nhiều công ty Trung Quốc đang khó khăn khác. Cách đây không lâu, một CLB vô địch sẽ thu hút nhiều người tìm mua, ngay cả với giá cao. Tuy nhiên, ngày nay rất ít ông trùm dám mua lại những chiếc cúp. Tổng cộng hơn 20 đội đã rời các giải đấu chuyên nghiệp của Trung Quốc trong hai năm qua.
Khía cạnh kinh tế của bóng đá ở Trung Quốc thật tồi tệ. Mức lương trung bình hàng năm cho các cầu thủ là 1,2 triệu đô la vào năm 2019 khiến CLS gần như tương đương với Ligue 1, giải đấu hàng đầu của Pháp. Tuy nhiên, doanh thu của bóng đá ở Trung Quốc đang ở mức thấp, với giá vé thường chỉ ở mức 50 nhân dân tệ (8 USD). Guangzhou Evergrande, một câu lạc bộ nổi tiếng về sự tiêu hoang của mình, chỉ thu về một phần ba trong tổng số 2,9 tỷ nhân dân tệ (450 triệu USD) mà họ đã chi vào năm 2019.
Hơn nữa, hầu hết tiền lương được chi cho một số cầu thủ cực kỳ đắt đỏ, thường được nhập khẩu từ nước ngoài, và đôi khi đã qua thời kỳ đỉnh cao. Carlos Tevez, một ngôi sao người Argentina hết thời, đã mô tả giai đoạn thi đấu cho Shenhua hồi năm 2017 như một “kỳ nghỉ trong bảy tháng”, mặc dù được cho là đã kiếm được 40 triệu đô la. Thời những năm 1990, các câu lạc bộ nước ngoài hiếm khi quan tâm đến các đối tác Trung Quốc, Joseph Lee, một nhà môi giới cầu thủ quyền lực cho biết. Giờ đây, ông nói, họ coi Trung Quốc là túi tiền “ngu ngốc”.
Tại sao các CLB lại đốt tiền với sự háo hức như vậy? Một phần là vì mục đích quảng bá thương hiệu. Xu Jiayin, tỷ phú đứng sau Evergrande, một nhà phát triển bất động sản, từng nói rằng việc sở hữu một câu lạc bộ bóng đá đảm bảo rằng công ty của ông được đưa tin trong chương trình thời sự buổi tối với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với các mẫu quảng cáo. Nhưng các ông trùm Trung Quốc không chỉ nhắm vào người tiêu dùng. Họ coi tình yêu của ông Tập đối với bóng đá như một cách để kết nối với ông. Sau khi ông lên nắm quyền vào năm 2012, tiền của Trung Quốc đã đổ vào các câu lạc bộ đầy sao ở châu Âu, từ Inter Milan đến Manchester City.
Năm qua đã cho thấy rõ rằng không những không đánh giá cao các khoản đầu tư của họ vào bóng đá, ông Tập và các cố vấn của ông còn xác định đây là một vấn đề cần tuýt còi. Các công ty bao gồm Fosun, Wanda, CEFC, Teda và Guangzhou R&F nằm trong số những công ty chi tiêu lớn và tất cả đều bị giám sát tài chính gắt gao. Có tin nói rằng một số doanh nhân đã trả lương quá mức cho các cầu thủ hoặc cho các câu lạc bộ để lách qua sự kiểm soát dòng vốn nghiêm ngặt của Trung Quốc (hàm ý là họ được các cầu thủ chia tiền lại quả vào các tài khoản ở nước ngoài).
Vì vậy, chính phủ đã đưa ra các quy định mới cứng rắn, một cuộc đàn áp song song với các nỗ lực của ông Tập nhằm khẳng định lại quyền kiểm soát đối với nền kinh tế nói chung. Về mặt chính trị, đã xuất hiện nỗ lực để kết nạp nhiều cầu thủ bóng đá hơn vào Đảng Cộng sản, tương tự việc các công ty tư nhân bị thúc ép thành lập các chi bộ đảng. Và Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc đã đặt giới hạn tiền lương ở mức 5 triệu nhân dân tệ cho các cầu thủ nội và 3 triệu euro cho các cầu thủ ngoại. Liên đoàn cũng ra lệnh cho các câu lạc bộ bỏ tên công ty khỏi tên CLB. Guangzhou Evergrande (Hằng Đại Quảng Châu) đã trở thành Guangzhou.
Ma Dexing, một nhà báo làm chuyên mục bóng đá, coi những hạn chế trên là bước đi tiến bộ. Ông nói: “Trong 30 năm qua, bóng đá chuyên nghiệp ở Trung Quốc đã rất hỗn loạn”. Nhưng ông Lee cho rằng những thay đổi này quá vội vàng. “Có vẻ như một nửa tòa nhà còn tốt và một nửa còn lại đã mục nát, nhưng họ đã phá bỏ tất cả,” ông nói.
Các quy tắc mới cũng thể hiện xu hướng muốn quản lý vi mô của các quan chức. Hồi năm 2017, để thúc đẩy bóng đá trẻ phát triển, liên đoàn yêu cầu các câu lạc bộ phải đưa vào sâu một cầu thủ dưới 23 tuổi trong mỗi trận đấu. Các HLV đã lách quy tắc đó, thay các cầu thủ trẻ ra chỉ ít phút sau khi bóng lăn. Vì vậy, các nhà quản lý bóng đá bắt buộc phải để họ chơi cả trận. “Câu chuyện mỗi năm đều kết thúc ở câu hỏi ‘Các quy tắc đã thay đổi như thế nào?’, Cameron Wilson, người sáng lập Wild East Football, một trang web chuyên về bóng đá Trung Quốc, thở dài.
Đối với đội tuyển quốc gia Trung Quốc, vấn đề cơ bản không nằm ở cấp độ các CLB chuyên nghiệp mà là ở cấp cơ sở. Ở các thành phố lớn, có rất ít không gian cho trẻ em chơi bóng. Một hệ thống giáo dục siêu cạnh tranh khiến trẻ em không có nhiều thời gian để vui chơi. Các quan chức đã hy vọng rằng các học viện bóng đá lấp lánh sẽ hữu ích. Trung tâm đào tạo bóng đá lớn nhất thế giới được Evergrande khai trương hồi năm 2012 với 50 sân đủ kích thước tiêu chuẩn. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có học viên nào trong số hàng nghìn học viên tốt nghiệp của trung tâm được vào đội tuyển quốc gia.
Liên đoàn bóng đá cũng đã cố gắng tìm những cầu thủ bộc lộ năng khiếu từ sớm, đưa họ vào các chương trình đào tạo tài năng — một cách tiếp cận phù hợp với môn bóng bàn và môn lặn nhưng không phù hợp với các môn thể thao đồng đội. “Bạn không cần một đội tuyển quốc gia U15. Bạn cần hàng nghìn cầu thủ dưới 15 tuổi chơi bóng,” theo lời Joan Oliver, cựu giám đốc của Barcelona, người hiện sở hữu Câu lạc bộ Bóng đá Học viện Công nghệ Bắc Kinh chơi ở giải hạng hai Trung Quốc.
Với việc các trận đấu vòng loại World Cup 2022 sắp diễn ra, chính phủ muốn đi đường tắt. Trong ba năm qua, Trung Quốc đã bắt đầu nhập tịch các cầu thủ nước ngoài. Hôm 10 tháng 5, Trung Quốc đã gọi 5 cầu thủ nước ngoài, trong đó có 3 tiền đạo gốc Brazil, vào đội hình của mình. Ông Tập đã kêu gọi sự tự cường lớn hơn trong hành trình tìm kiếm sức mạnh toàn cầu của Trung Quốc. Nhưng bóng đá là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng Trung Quốc vẫn cần nhập khẩu hàng nước ngoài.