Những diễn biến đối ngoại gần đây cho thấy dường như Việt Nam đang ngày càng trở nên quan trọng, là viên đá đỉnh vòm trong quan hệ giữa các nước lớn.
L.S Ngô Ngọc Trai
Trung Quốc – một thách thức lớn với Mỹ
Theo dõi thông tin quốc tế thì thấy, mới đây lưỡng đảng Hoa Kỳ đã đệ trình một dự luật về cạnh tranh trong đó có những nội dung mang tính chất kiềm chế Trung Quốc. Cùng lúc đó, chính phủ Úc cũng đã quyết định hủy bỏ một vài dự án theo khuôn khổ hợp sáng kiến Vành đai và Con đường với Trung Quốc.
Ở một diễn biến khác, Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật đã cùng nhau họp bàn thống nhất về những thách thức đến từ Trung Quốc và vấn đề Đài Loan.
Qua những sự kiện đó, dường như một hệ thống do Mỹ dẫn đầu đang dần hình thành tạo thế bao vây đối với Trung Quốc.
Mặc dù vậy, thử nhìn lại và so sánh với sự trỗi dậy của một vài trường hợp trong quá khứ sẽ thấy Trung Quốc hiện nay sẽ là một thách thức lớn mà nước Mỹ sẽ khó vượt qua.
Điều đầu tiên cần nhận thấy là sự trỗi dậy của Trung Quốc hiện nay là một hành trình kiếm tìm lại vị thế đã mất trong quá khứ.
Đã có giai đoạn Trung Quốc đã là cường quốc hàng đầu thế giới với nhiều thành tựu phát minh và triết lý học thuật. Bản thân tên nước Trung Hoa cũng mang ý nghĩa là trung tâm của thế giới để các thuộc quốc phải triều cống.
Điều đó khác với quá trình vươn tới vị thế bá chủ của nước Anh ở thế kỷ 17,18 hay của Mỹ ở thế kỷ 19, 20.
Hai nước này khi tiến tới vị thế bá chủ thế giới khi đó thì mỗi bước tiến đều là một quá trình tiệm tiến học hỏi tìm tòi, đòi hỏi một khả năng hình dung tưởng tượng nhất định về vị thế của mình trong tương quan với thế giới.
Còn Trung Quốc đã từng là một cường quốc hàng đầu, việc tìm kiếm vị thế bá chủ không phải là một việc cần đến sự hình dung mà nó vốn rõ ràng từ lịch sử.
Nói cách khác, Trung Quốc là trường hợp rất rõ ràng về mục tiêu nếu so với các nước tiến tới vị thế bá chủ khác trong quá khứ. Bởi vậy họ có kinh nghiệm kiến thức trong việc chi phối các nước khác, họ có tâm thế nhận thức thuận lợi quen thuộc.
Những điều đó khiến cho Trung Quốc trở thành thách thức lớn đối với những nước như Mỹ khi muốn ngăn cản. Mặt khác, lãnh đạo nước Mỹ khi xưa đã phải thuyết phục người dân về vị thế cường quốc hàng đầu mà họ cần đảm đương, thuyết phục người dân rằng việc đó là có thể và nên làm.
Ngay cả khi tiềm lực kinh tế quốc phòng lớn mạnh nhưng người Mỹ vẫn duy trì chủ nghĩa biệt lập của mình để phát triển theo những đường lối quan niệm riêng biệt mà không muốn dính đến những chuyện ở châu Âu.
Chỉ ở những phút chót thì nước Mỹ mới tham gia vào hai cuộc thế chiến.
Còn lãnh đạo Trung Quốc hiện nay lại không phải mất công thuyết phục dân chúng về đường lối phát triển tìm kiếm vị thế cường quốc hàng đầu. Điều ấy dễ dàng đạt được sự đồng thuận trong các tầng lớp dân chúng thông qua chủ nghĩa dân tộc và ý thức thiên triều đã ăn sâu vào máu.
Như khi nước Đức và Nhật tìm kiếm vị thế bá chủ, họ đã phải mất công xây dựng nên những học thuyết bao biện cho việc làm của họ. Với người Đức thì là lý thuyết về không gian sinh tồn và dòng máu Aryan thuần chủng, còn người Nhật Bản là lý thuyết về Đại Đông Á.
Những điều đó nhằm giúp giới lãnh đạo đả thông nhận thức cho hệ thống trong nước, nhằm tạo sự ủng hộ cho đường lối chiến tranh.
Còn Trung Quốc hiện nay họ không phải xây dựng một lý thuyết nào để bao biện với dân chúng rằng mình cần trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Sách giáo khoa lịch sử đã làm thay việc đó.
Những chính sách hiện nay như “Giấc mộng Trung Hoa”, “Sáng kiến Vành đai và Con đường”, đó thuần chỉ là những chính sách ở dạng phương cách thực hiện nhằm đạt đến mục tiêu, chứ bản thân nó không nhằm mục đích lý giải vì sao phải có mục tiêu đó.
Đối với lãnh đạo các nước như Mỹ, Đức, Nhật việc tìm kiếm vị thế bá chủ có thể bị người dân đánh giá là lãnh đạo phiêu lưu có tham vọng lớn, từ đó mà họ phải thuyết phục dân chúng bầu phiếu hoặc che giấu cho tới khi nắm quyền mới công khai đường lối.
Còn đối với Trung Quốc thì việc tìm kiếm trở lại vị thế cường quốc hàng đầu lại là bổn phận của lãnh đạo chính trị mà nếu thiếu nó thì lại có thể bị đánh giá là không đủ năng lực phẩm chất để cầm quyền quốc gia.
Với những nguyên nhân như vậy, Trung Quốc hiện nay quả là một thách thức lớn mà Mỹ khó lòng vượt qua.
Vị thế Việt Nam
Mới đây thông tin báo chí cho biết Nhật Bản vừa trao tặng cho Việt Nam một tàu nghiên cứu đại dương trị giá hàng chục triệu USD. Cùng lúc đó, Mỹ chuẩn bị bàn giao tàu tuần duyên loại biên cho cảnh sát biển Việt Nam, loại tàu có lẽ là đã hết thời hạn biên chế của Mỹ nhưng vẫn còn sử dụng được.
Trước đó, năm 2020, Mỹ cũng bàn giao một tàu tuần duyên mới cho cảnh sát biển Việt Nam mục đích là để nâng cao năng lực thực thi pháp luật biển quốc tế.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng vừa có chuyến thăm Việt Nam và phía Việt Nam cũng bày tỏ thiện chí mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện với Trung Quốc.
Những diễn biến đó cho thấy dường như Việt Nam đang ngày càng trở nên quan trọng, là viên đá đỉnh vòm trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, là mối quan tâm lôi kéo của cả hai nước, nhất là khi Việt Nam vừa chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bắt đầu từ tháng 4/2021.
Đối với Trung Quốc thì Việt Nam quả là một chốt chặn quan trọng, do cùng mô hình hệ thống chính trị. Do vậy mà lãnh đạo Trung Quốc thường nhắc nhở hai nước có cùng chung vận mệnh.
Nhưng Việt Nam cũng lại là chướng ngại cho những tham vọng mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc, Biển Đông là một ví dụ, các vị trí gần sát với Việt Nam và các nước Đông Nam Á vậy mà Trung Quốc vẫn bảo là của mình dù họ ở tít tận phía trên.
Hong Kong vốn được cam kết cho giữ lại hệ thống chính quyền dân chủ nghị viện khi trả về cho Trung Quốc, từ đó biến Trung Quốc thành một quốc gia hai chế độ, một chế độ tập quyền ở Đại Lục và một chế độ dân chủ ở Hong Kong.
Nhưng khi tương quan tiềm lực kinh tế quốc phòng thay đổi, Trung Quốc lại áp dụng mô hình của mình cho Hong Kong.
Đài Loan vốn được nhiều nước coi như một quốc gia riêng biệt nhưng Trung Quốc lại muốn khống chế thu về.
Vậy thì sau đó người Trung Quốc sẽ nhìn tiếp đến ai?
Do những yếu tố lịch sử nghìn năm, Việt Nam có lý do để lo ngại trong dài hạn mà bởi vậy cần có chiến lược bảo vệ tổ quốc từ xa.
Đối với Mỹ thì có thể họ sẽ nhìn Việt Nam như một chốt chặn quan trọng trong khu vực, một đối tác đặc biệt kiểu như Liên Xô trong cuộc cạnh tranh giữa nước Đức phát xít và hệ thống Anh – Pháp – Mỹ trước đây.
Dù không thấy có điểm chung với Liên Xô nhưng với tính toán thực dụng Mỹ vẫn kết nối để ngăn chặn mối nguy trực diện trước mắt là nước Đức của Hitler.
Mỹ đã cung cấp nhiều khí tài và lương thực cho Liên Xô trong cuộc Thế chiến, bởi vậy trong quan hệ hiện nay, có thể Mỹ sẽ muốn Việt Nam trở thành một cường quốc hạng trung để trở thành một đối tác kiềm chế cường quốc hàng đầu là Trung Quốc.
Như vậy, Việt Nam đang trở thành quan trọng đối với cả Trung Quốc và Mỹ, nhưng đó cũng là một thách thức rất lớn, mà chỉ có thành tựu hòa bình và thịnh vượng của quốc gia trong 50 năm tới mới có thể khẳng định được đường hướng chính sách nào mới thực sự là đúng đắn.