“Hiện tượng bùng nổ năng lượng mặt trời của Việt Nam chứng minh rằng các quốc gia đang phát triển có thể nâng công suất năng lượng mặt trời ở mức đáng kể trong khoảng thời gian ngắn”, đại diện BloombergNEF chia sẻ.
Một buổi chiều, khi đang nhìn ánh mặt trời chiếu xuống trang trại 4ha dưa đỏ của mình, ông Nguyễn Tuấn đã nhận ra mình có thể tận dụng nguồn tài nguyên này nhiều hơn là việc chỉ để trồng cây. Người đàn ông 40 tuổi này quyết định lắp 40 tấm pin mặt trời tại trang trại cách trung tâm TP. HCM khoảng hơn 88 km của mình.
Nhờ các khoản hỗ trợ từ cơ chế ưu đãi, ông Tuấn không chỉ tiết kiệm được hóa đơn tiền điện, mà còn nhận được khoảng 2 triệu đồng (87 USD) mỗi tháng khi bán lượng điện dư thừa cho lưới điện quốc gia.
Đây chỉ là một trường hợp nhỏ trong vô số trường hợp thúc đẩy sự gia tăng đột biến lượng điện mặt trời tại Việt Nam, gấp 100 lần chỉ trong 2 năm qua.
Theo nhóm nghiên cứu năng lượng sạch BloombergNEF, Việt Nam hiện đứng thứ 7 trên thế giới về công suất điện mặt trời. Năm 2020, số lượng tấm pin mặt trời được lắp đặt tại Việt Nam đứng thứ 3 toàn cầu, chỉ theo sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Sự phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam phần lớn được thúc đẩy bởi các tổ chức quốc tế. Cụ thể, nhiều ngân hàng quốc tế đã hạn chế tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam phải chật vật để vay vốn cho các dự án nhà máy than mới.
Bên cạnh đó, giá giảm mạnh khiến các tấm pin mặt trời là giải pháp thay thế rẻ và tiện lợi trong hoạt động sản xuất điện.
Logan Knox, Giám đốc điều hành UPC Renewables tại Việt Nam cho biết: “Tôi chưa bao giờ chứng kiến sự bùng nổ về năng lượng mặt trời như thế này tại bất kỳ một quốc gia nào”. Giới chuyên gia nhận định, các nước đang phát triển cần áp dụng xu hướng chuyển đổi tương tự, khi toàn cầu đang hướng đến mục tiêu không phát thải ròng carbon (net-zero) vào năm 2050.
Caroline Chua, chuyên gia phân tích của BNEF cho hay: “Hiện tượng bùng nổ năng lượng mặt trời của Việt Nam chứng minh rằng các quốc gia đang phát triển có thể nâng công suất năng lượng mặt trời ở mức đáng kể trong khoảng thời gian ngắn”.
Trên thực tế, Việt Nam đã thành công quá nhanh chóng. Các cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã hết hiệu lực. Quyết định này sẽ giúp giảm lượng lắp đặt các tấm pin mặt trời vào năm 2021, nhưng theo dữ liệu của BNEF, tỷ lệ lắp đặt vẫn sẽ cao hơn rất nhiều so với hầu hết các năm gần đây.
Từ vài năm trước, khi tình trạng thiếu điện ngày càng trở nên trầm trọng, đe dọa đến tăng trưởng kinh tế quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã thúc đẩy chuyển hướng tập trung vào năng lượng mặt trời. Theo đó, nhu cầu điện tại nhà máy của các doanh nghiệp đa quốc gia, điển hình như Samsung hay nhiều nhà cung cấp cho Apple… tăng vọt.
Việc đáp ứng nhu cầu điện tại khu vực này cũng là một thách thức. Nguyên nhân là nhiều dự án điện than đã bị chậm tiến độ, khi cấp chính quyền lo ngại về ảnh hưởng môi trường, đồng thời phải đối mặt với khó khăn về tài chính do hàng loạt ngân hàng toàn cầu đã ngừng cho vay đối với các dự án nhiên liệu hóa thạch.
Ngay cả khi không có lộ trình rõ ràng về việc cắt giảm các dự án phát thải, một số nước đang phát triển có thể bị buộc phải chuyển đổi sang năng lượng xanh bởi áp lực lượng thị trường.
Bangladesh đang dừng tất cả các dự án nhà máy điện than mới, ngoại trừ 5 nhà máy hiện đang xây dựng và hoạt động. Năm ngoái, Philippines đã tuyên bố tất cả nhà máy điện than mới phải ngừng hoạt động.
Đáng chú ý, Việt Nam đang được đánh giá là hình mẫu cho các quốc gia khác trong việc chuyển đổi sang năng lượng xanh, đảm bảo việc tăng công suất phát điện. Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng tái tạo quá nhanh cũng gây ra nhiều vấn đề mới.
Lê Việt Phú, chuyên gia kinh tế môi trường tại Đại học Fulbright Việt Nam, khẳng định, hệ thống điện mặt trời cùng lưới điện “chằng chịt” của quốc giadẫn đến việc trong khi một số khu vực có quá nhiều điện năng, một số khác lại có nguy cơ bị mất điện trong hè này và cả những năm tới.
Trong một số trường hợp, doanh nghiệp nhà nước phải mua điện mặt trời với giá đắt hơn cả giá bán ra. Ngoài ra, giá các tấm pin mặt trời cũng không còn rẻ và ổn định như trước, do nhu cầu tăng vọt khiến giá nguyên liệu polysilicon tăng gấp 3 lần, tạo ra trở ngại cho việc tiêu thụ năng lượng mặt trời.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII của Việt Nam đã được đề xuất nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển của ngành điện hiện tại và trong tương lai. Viện Năng lượng tính toán, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 khoảng 128,3 tỷ USD, trong đó cho nguồn điện là 95,4 tỷ USD, cho lưới điện khoảng 32,9 tỷ USD.
Với ông Tuấn và trang trại của mình, việc lắp thêm các tấm pin mặt trời không chỉ mang lại lợi nhuận, mà còn nâng cao hiệu quả trong hoạt động tiếp thị. Mỗi tháng, ông Tuấn bán khoảng 6 tấn dưa. Trên mỗi quả dưa đều có nhãn dán với hình ảnh mặt trời chiếu xuống những ngọn đồi cùng biểu tượng nhà kính.
“Tôi có thể chứng minh cho khách hàng của mình rằng trang trại của chúng tôi là một trang trại sạch, sử dụng công nghệ trồng cây sạch và năng lượng sạch”, ông kết luận.