Philippines đã đệ trình khoảng 100 công hàm phản đối các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông kể từ tháng trước, theo Inquirer.
Ivy Banzon-Abalos, phụ trách về truyền thông chiến lược của Bộ Ngoại giao Philippines, cho biết: “Chúng tôi đã nộp 99 công hàm phản đối (Trung Quốc), tính đến ngày 28/5/2021″.
Bộ Ngoại giao Philippines hôm 29/5 đã đệ trình công hàm ngoại giao thứ 100 phản đối “việc triển khai không ngừng, sự hiện diện kéo dài và các hoạt động bất hợp pháp” của các tàu Trung Quốc, đặc biệt ở ngoài khơi đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang bị Philippines chiếm giữ).
Philippines gửi các công hàm phản đối gần như hàng ngày kể từ tháng trước, sau vụ việc khi các tàu Trung Quốc được phát hiện đang neo đậu bất hợp pháp số lượng lớn ở khu vực đá Ba Đầu, nằm gần đảo Sinh Tồn Đông, thuộc cụm Sinh Tồn, trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào đầu tháng 3. Ít nhất 220 tàu Trung Quốc được báo cáo dàn hàng trong khu vực tại thời điểm đó.
Philippines cáo buộc số tàu cá này thực tế là dân quân biển Trung Quốc. Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc.
Truyền thông Philippines dẫn tin từ lực lượng đặc nhiệm nước này cho biết tổng cộng 287 tàu dân quân biển Trung Quốc được nhìn thấy ở nhiều địa điểm khác nhau gần Trường Sa, tính đến 9/5. Trong số này, 34 tàu Trung Quốc được cho là vẫn neo đậu ở đá Ba Đầu.
Bên cạnh công hàm, Philippines cũng có các động thái cứng rắn hơn để phản đối các hành động của Trung Quốc, như tuyên bố triển khai thêm tàu, máy bay để đối phó. Một nhà lập pháp nước này cũng đang kêu gọi chính phủ xây thêm các cơ sở hải quân trong khu vực.
Đối với các hoạt động ở Biển Đông, Việt Nam nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp và vô giá trị.
“Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế, tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình và đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC)”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhiều lần thông báo.