Saturday, January 11, 2025
Trang chủQuân sựPakistan giúp TQ nghiên cứu máy bay trực thăng của Mỹ

Pakistan giúp TQ nghiên cứu máy bay trực thăng của Mỹ

Các quan chức Trung Quốc đã được Pakistan cho phép chụp ảnh và lấy mẫu vật của chiếc trực thăng tàng hình Black Hawk mà Mỹ sử dụng để tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden.

Mới đây, một mô hình máy bay trực thăng trưng bày tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Trực thăng Trung Quốc có trụ sở tại tỉnh Giang Tây, miền Đông Trung Quốc đã gây được sự chú ý lớn.

Theo tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times), mô hình này là một biến thể của trực thăng Z-20 do Trung Quốc chế tạo, đã được đưa ra giới thiệu nhân chuyến thăm của một quan chức cấp cao địa phương vào ngày 19/5.

Viện Nghiên cứu và Phát triển Trực thăng là một bộ phận của Tổng công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), một tập đoàn khổng lồ trong lĩnh vực hàng không vũ trụ của nước này.

Mô hình trực thăng trên gây xôn xao dư luận bởi theo nhận xét của nhiều chuyên gia quốc tế thì nó có những nét rất giống với chiếc máy bay trực thăng tàng hình Black Hawk của Quân đội Mỹ.

Lầu Năm góc đã sử dụng một phiên bản trực thăng Black Hawk trang bị các tính năng giảm phản xạ tín hiệu radar và tia hồng ngoại để tiếp cận khu nhà ở của trùm khủng bố Al Qaeda Osama Bin Laden ở Abottabad, Pakistan, vào ngày 2/5/2011.

Một trong những chiếc Black Hawk này đã bị rơi trong cuộc đột kích của các đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt Bin Laden. Quân đội Mỹ đã sử dụng thuốc nổ để phá hủy các mảnh vỡ của chiếc trực thăng bị rơi nhưng phần đuôi của nó thì vẫn còn nguyên vẹn.

Vào thời điểm đó, cuộc không kích đã gây náo động ở Pakistan khi Islamabad phản đối kịch liệt hành động vi phạm chủ quyền của Mỹ.

Ngay sau cuộc đột kích, nhiều nguồn tin tiết lộ Pakistan đã cho phép các chuyên gia Trung Quốc đến “kiểm tra” mảnh vỡ của chiếc Black Hawk tàng hình bị rơi. Thông tin cho thấy các quan chức Trung Quốc đã được phép chụp ảnh và lấy mẫu vật được sử dụng trên chiếc trực thăng tàng hình Black Hawk.

BÁU VẬT CỦA MỸ ĐƯỢC PAKISTAN DÂNG TẶNG TRUNG QUỐC

Máy bay tàng hình thường sử dụng nhiều phương pháp để giảm nguy cơ bị radar và cảm biến nhiệt hoặc hồng ngoại phát hiện như sửa đổi các bộ phận của khung máy bay để làm suy yếu tín hiệu phản xạ radar, chuyển hướng khí thải động cơ để giảm nhiệt và sử dụng vật liệu hấp thụ radar khi chế tạo.

Theo trang web quốc phòng The Drive (Mỹ), mẫu máy bay tàng hình Z-20 được Trung Quốc trưng bày có khung sườn hình thang tương tự như các nghiên cứu trước đó của Mỹ cho trực thăng Black Hawk.

The Drive khẳng định, Pakistan đã thu giữ phần đuôi của chiếc Black Hawk tàng hình bị rơi, thiết bị sử dụng rộng rãi vật liệu composite để giảm tiếng ồn, trọng lượng và phản xạ radar.

Pakistan đã phải trả lại các mảnh vỡ cho Mỹ sau 3 tuần bị gây sức ép ngoại giao. Tuy nhiên, chuyên gia Tyler Rogoway của The Drive cho rằng việc mất đi phần đuôi đã giúp Trung Quốc củng cố cơ sở kiến ​​thức về công nghệ tàng hình trong ít nhất một thập kỷ, đặc biệt là các ứng dụng trực thăng.

Cất cánh lần đầu tiên vào năm 2013, trực thăng Z-20 trong những năm gần đây đã nổi lên như là sự bổ sung quan trọng nhất cho khả năng hàng không cánh quạt của Trung Quốc.

Z-20 là dòng máy bay trực thăng hạng trung, được dùng cho một loạt các nhiệm vụ trong quân đội và hải quân Trung Quốc như vận chuyển binh lính và hàng hóa, sơ tán, chống tàu ngầm và chống hạm. Các biến thể hàng hải của Z-20 đã xuất hiện trong hai năm qua, một số trang bị cả tên lửa chống hạm cỡ nhỏ.

Osama Bin Laden là trùm khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới trong nhiều thập kỷ. Với Trung Quốc, chiến dịch ám sát Bin Laden rõ ràng là cơ hội ngàn vàng để Bắc Kinh chớp lấy để phá vỡ các rào cản kỹ thuật trong việc phát triển công nghệ quân sự dưới sự giúp đỡ từ Pakistan.

Ngay sau cuộc đột kích tiêu diệt Osama Bin Laden, Hạ nghị sĩ Mỹ Dana Rohrabacher đã viết một lá thư cho các đồng nghiệp của mình vào ngày 9/5/2011 cảnh báo về mối quan hệ chiến lược giữa Pakistan với Trung Quốc.

Nghị sĩ Rohrabacher đã cáo buộc Pakistan chuyển giao cho Trung Quốc một tên lửa hành trình Tomahawk mà Hải quân Mỹ bắn vào năm 1998 trong một cuộc tấn công vào các lán trại của Bin Laden ở Afghanistan. Ít nhất một trong số các tên lửa Tomahawk đã bị trục trặc trong quá trình bay.

Rohrabacher viết: “Năm 1998, các cơ quan quân sự và tình báo của Pakistan đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyển giao cho Trung Quốc một tên lửa hành trình Tomahawk chưa phát nổ do Taliban thu hồi mà trước đó Hải quân Mỹ đã sử dụng để tấn công nơi ẩn náu của Bin Laden ở Afghanistan”.

Trung Quốc sau đó đã giải mã công nghệ và mổ xẻ các thành phần để tìm ra điểm yếu và cách đánh bại khả năng của nó.

Mỹ từng phát động một cuộc tấn công Bin Laden vào năm 1998 nhằm trả đũa cho vụ đánh bom liều chết nhằm vào các đại sứ quán của họ ở Kenya và Tanzania.

Trớ trêu thay, chính thời điểm đó, các chuyên gia Mỹ đã bày tỏ lo ngại về việc Pakistan sẽ chuyển giao công nghệ Tomahawk cho Trung Quốc khi các quan chức Pakistan tuyên bố họ đang nghiên cứu dòng tên lửa này.

Năm 2020, cựu thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif tuyên bố Pakistan đã giải mã được tên lửa Tomahawk bị trục trặc. Cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Bin Laden năm 1998 xảy ra khi ông Sharif còn là thủ tướng.

RELATED ARTICLES

Tin mới