Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông quan trọng với Ấn Độ

Biển Đông quan trọng với Ấn Độ

Không can dự trực tiếp chủ quyền, nhưng Biển Đông quan trọng với Ấn Độ. Ngoài việc là tuyến hàng hải quan trọng với quốc tế; là khu vực liên quan các đối tác kinh tế quan trọng, thái độ và hành động của Ấn Độ đối với vấn đề Biển Đông còn là thông điệp gửi tới Trung Quốc.

Tàu hộ vệ tên lửa INS Shivalik của Ấn Độ trong lần diễn tập với trực thăng hải quân Mỹ trên Ấn Độ Dương

Vấn đề Biển Đông chỉ có tính khu vực, là câu chuyện nội bộ giữa các bên liên quan. Các nước phương Tây hay bất cứ quốc gia nào bên ngoài, không có yêu sách chủ quyền đều chẳng nên và chẳng có bất cứ lý do gì để nhúng tay, nhúng chân vào làm cho Biển Đông nổi sóng- Đó là quan điểm kiên trì, nhất quán của Trung Quốc. Lâu nay, tại bất cứ diễn đàn nào có thể, Bắc Kinh đều nêu thông điệp trên như một sự răn đe, thách thức cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ cùng các “bộ tam”, “bộ tứ” đang ngày một triển khai nhiều hơn, quy mô hơn các động thái ngoại giao và thực địa để phản đối yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc  bao trùm tới gần 90% Biển Đông.

Trung Quốc ra rả thế, chứ hơn nữa, chẳng ai tin nổi thiện chí cùng sự nghiêm túc của họ trong giải quyết vấn đề Biển Đông. Khoanh, thu hẹp câu chuyện Biển Đông trong phạm vi khu vực, Trung Quốc muốn thông qua các đàm phán song phương với từng bên trong 5 nước 6 bên liên quan, gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan, Brunei, để dễ bề ve vãn, dụ dỗ hoặc đe dọa.

Rõ một điều, đấu tay đôi, cán cân nghiêng về Trung Quốc. Thậm chí, nếu chỉ đấu cơ bắp, 5 bên kia cộng lại, Trung Quốc cũng có thể nhấc bổng chỉ bằng một bên tay lực lưỡng. May mà còn có công pháp quốc tế giúp các bên là đối trọng trụ lại, trong đó, vụ thắng của Philippines khi kiện Trung Quốc là Tòa trọng tài LHQ (PCA) năm 2016 là thí dụ điển hình. Dù phủ nhận phán quyết của PCA, thâm tâm, Trung Quốc không thể không giữ gìn hơn hình ảnh một quốc gia tự xưng là  “trỗi dậy hòa bình” để tránh sự phê phán, xỉ vả của cộng đồng quốc tế.

Ấn Độ không quá xa Biển Đông, nhưng không có yêu sách chủ quyền trong khu vực này. Lâu nay vươn mình trở thành cường quốc, New Delhi cơ bản cũng chưa thật sự đặc biệt quan tâm tới Biển Đông bằng những động thái cụ thể, ngoài việc nhấn mạnh cần phải bảo đảm nơi này như một tuyến hàng hải tự do, trong đó, Ấn Độ đóng góp tới hơn 200 tỷ USD giá trị hàng hóa thương mại hằng năm.

Tuy nhiên, chính sự gia tăng sức mạnh gắn với những động thái ngày một hung hăng, ngang ngược hơn của Bắc Kinh khiến New Delhi phải thay đổi quan điểm. Sự thay đổi thể hiện rõ nhất trong việc điều chỉnh Chính sách “Hướng Đông” được công bố năm 1991, được theo đuổi liên tục trong hai thập niên, thành “Hành động ở phía Đông” vào tháng 9 năm 2014. Ai cũng thấy, sự điều chỉnh nhằm khẳng định sự chủ động và hành động có mục đích trong khu vực để thể hiện tham vọng của Ấn Độ như một cường quốc ở khu vực và thế giới.

Trung Quốc thì tức giận. Nhưng các nước ASEAN, nhất là các quốc gia có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông  hể hả ra mặt. Gần đây nhất, tại Hội nghị Cấp cao giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và Thủ tướng Ấn độ Narendra Modi, tháng 11/2020, ASEAN, đặc biệt là ông Nguyễn Xuân Phúc, khi đó là Thủ tướng Việt Nam, trong tư cách Chủ tịch ASEAN 2020, đã nhấn mạnh những là: Hợp tác giữa ASEAN và Ấn Độ được triển khai tích cực thông qua gần 30 cơ chế trên các lĩnh vực; hai bên đều có thị trường rộng lớn với tăng trưởng kinh tế năng động mở ra nhiều cơ hội giao thương và đầu tư…. Điều dư luận để ý nhất, là việc ông Thủ tướng Việt Nam kêu Ấn Độ tiếp tục tham gia đóng góp tích cực vào các nỗ lực thúc đẩy đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin ở khu vực thông qua các khuôn khổ do ASEAN chủ trì và dẫn dắt…

Một khi kêu gọi xây dựng lòng tin, hàm ý có những nhân tố tiêu cực đã và đang làm cho lòng tin khu vực bị xói mòn. Nhân tố đó còn là ai, ngoài Trung Quốc?

Trên thực địa, có thể thấy những động thái cụ thể của New Delhi trong việc hiện thực hóa điều chỉnh chính sách. Họ cùng “bộ tứ” (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ) và Pháp tập trận tại vịnh Bengal. Đặc biệt, hải quân Ấn Độ đã bí mật triển khai một tàu chiến tới Biển Đông sau vụ đụng độ với Trung Quốc ở biên giới đất liền khiến 20 binh sĩ nước này thiệt mạng hồi tháng 6 năm ngoái. Hai động thái đó, cùng một số động thái khác là gì, nếu không là nhằm là gửi thông điệp cảnh báo mạnh mẽ của New Delhi tới Bắc Kinh?

Tóm lại, có cơ sở để cho rằng, không chỉ với Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc, trong mắt New Delhi, Biển Đông đang ngày càng trở nên quan trọng với Ấn Độ. Và chính thế, có thể nhận định rằng: Cùng với tuyên bố, những động thái trên thực địa để thể hiện thông điệp cứng rắn tới Bắc Kinh sẽ được New Delhi triển khai nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới