Wednesday, November 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiDự báo tương lai của TQ

Dự báo tương lai của TQ

Bản chất con người tương đối đồng nhất khiến những diễn tiến lịch sử dường như có tính quy luật lặp lại, dù sự việc có thay đổi về chủ thể không gian và thời gian.

Vừa qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra lời thách đố Phó Thủ tướng Nhật Bản “uống dòng nước bẩn nhiễm xạ” được xả thẳng ra biển, do trước đó Nhật Bản cho rằng nguồn nước được xử lý an toàn.

Một sự việc khác, phía Trung Quốc đã vẽ và cho công bố một bản đồ địa hình về quần đảo tranh chấp với Nhật là Senkaku hay còn gọi là Điếu Ngư, khiến phía Nhật sau đó phải lên tiếng phản đối.

Vài tháng trước, Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc có hiệu lực, cho phép cảnh sát biển được nổ súng vào tàu vi phạm ở vùng biển nước này khiến nhiều nước cùng lo ngại.

Bản chất của những sự việc đó là những xung động phát tác ra từ một quốc gia đang trỗi dậy.

Nhìn lại lịch sử thì thấy, với bản chất con người tương đối đồng nhất, đã tạo ra những xung lực tâm lý và đường lối quốc gia tương đối giống nhau. Từ đó, những diễn tiến lịch sử dường như có tính quy luật lặp lại, dù sự việc có thay đổi về chủ thể không gian và thời gian.

Trung Quốc hiện nay giống Nhật Bản hơn một trăm năm trước

Tìm hiểu thì thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc hiện nay có nhiều nét giống với sự trỗi dậy của Nhật Bản hơn một trăm năm trước.

Từ nửa sau thế kỷ 19, Nhật Bản đã bước vào con đường công nghiệp hóa với mục đích bắt kịp phương Tây. Sự trỗi dậy của Nhật Bản đã làm biến đổi trật tự khu vực xâm lấn vùng không gian ảnh hưởng của Trung Quốc.

Đầu tiên, Nhật Bản thâu tóm nước Lưu Cầu, đó là một số đảo nằm trải dài ở vị trí giữa khoảng cách từ Nhật Bản đến Đài Loan. Xưa kia vương quốc Lưu Cầu chịu sự ảnh hưởng của Trung Quốc, đến khi Nhật Bản lớn mạnh thì chịu thêm ảnh hưởng của nước này.

Năm 1878, khi đã lớn mạnh, Nhật buộc quốc vương nơi này cắt đứt mối quan hệ với Trung Quốc. Khi họ không chịu thì Nhật giáng Lưu Cầu từ một phiên trấn xuống thành đơn vị hành chính cấp tỉnh, hợp nhất vào cơ thể quốc gia và trở thành tỉnh Okinawa không tách rời ngày nay.

Điều này tương đối giống với trường hợp của Hong Kong bây giờ. Cũng như Lưu Cầu khi xưa, Hong Kong chịu ảnh hưởng từ cả Trung Quốc và phương Tây.

Là thuộc địa của Anh trong gần trăm năm, có hệ thống chính quyền đại nghị giống với Anh, năm 1997 Hong Kong được trả về cho Trung Quốc với hứa hẹn rằng sẽ cho giữ lại chế độ dân chủ.

Nhưng khi Trung Quốc lớn mạnh họ không muốn để Hong Kong ngả nghiêng về nhiều hướng nên đã giáng cấp từ một lãnh thổ khác về chế độ xuống thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh với thể chế tương tự như Trung Quốc đại lục.

Sau khi chiếm được Lưu Cầu thì Nhật Bản đã chiếm đến Đài Loan, điều này cũng giống như những tính toán của Trung Quốc hiện nay.

Năm 1895 Nhật Bản giành được chiến thắng trước Trung Quốc trong một trận hải chiến. Vì bị thua nên Trung Quốc đã phải nhượng Đài Loan cho Nhật.

Tình thế hiện nay, nhiều khả năng Trung Quốc cũng sẽ chỉ giành được Đài Loan sau một cuộc chiến hoặc một trận đánh.

Đài Loan hiện cũng đang dựa vào cộng đồng quốc tế để giữ cho sự độc lập nhưng với thế nước đang lên của Trung Quốc thì tình thế giằng co chưa biết thế nào.

Lý thuyết hòn tuyết lăn

Sau khi chiếm được Đài Loan thì Nhật Bản chưa dừng lại. Dường như sau mỗi lần giành thêm được lãnh thổ lại là động lực cho kế hoạch tiếp theo.

Giống như trạng thái vật lý của hòn tuyết lăn, mỗi lúc cuốn theo những vật thể khiến cho trọng lực lớn thêm lên càng đẩy hòn tuyết lao về phía trước.

Năm 1910, Nhật Bản sáp nhập Triều Tiên, bao gồm lãnh thổ hai nước Triều Tiên và Hàn Quốc ngày nay.

Đến năm 1931, Nhật chiếm Mãn Châu – vùng đất phía Bắc nơi phát tích của triều đình Mãn Thanh khi đó đang cai quản Trung Quốc.

Đến năm 1937, Nhật Bản tiến đánh cả Trung Quốc. Chính sách bành trướng lãnh thổ chỉ dừng lại sau khi gặp thất bại trong thế chiến thứ hai.

Đối với Trung Quốc hiện nay thì họ cũng đang giữ chặt Tây Tạng, Tân Cương rồi Hong Kong, tiếp đến là Đài Loan, sau đó là Biển Đông, mọi sự xem ra sẽ chưa thể dừng lại.

Bằng chứng từ lịch sử cho thấy nhiều siêu cường trỗi dậy đều chịu quy luật vật lý từ lý thuyết hòn tuyết lăn.

Nước Đức của Hitler là một ví dụ. Để đạt đến vị thế siêu cường, mặc dầu Đức đã đánh chiếm hàng loạt nước Tây Âu gồm Áo, Bỉ, Ba Lan nhưng vẫn không thể dừng lại để rồi mọi chuyện chỉ kết thúc với thế chiến thứ hai.

Xa hơn nữa về thời đại Napoleon, vị hoàng đế nước Pháp đã không thể dừng lại những cuộc chiến tranh xâm lấn liên miên ở Châu Âu. Sau mỗi chiến thắng, người Pháp lại thu về được những vùng đất mới với nhiều tài lực vật lực, tạo động lực cho những cuộc chiến kế tiếp.

Xưa hơn nữa, đế chế Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn đã xâm chiếm lãnh thổ trải dài qua cả hai lục địa Á, Âu. Những chiến thắng tại các vùng đất lại là nguồn lực cho những cuộc mở rộng bờ cõi tiếp theo, cho tới khi bão hòa khi không còn sự cân xứng giữa lãnh thổ chiếm được và năng lực quản lý nữa.

Đối với nước Mỹ thì quá trình lớn mạnh đạt đến vị thế siêu cường cũng là một tiến trình mở rộng lãnh thổ. Đầu tiên, tuyên ngôn độc lập nước Mỹ chỉ bao gồm hơn một chục bang liên kết lại với nhau ở một dải đất nằm ở mé phía Đông giáp Đại Tây Dương.

Thời gian sau đó, Chính phủ Mỹ đã mua vùng đất Louisiana của Pháp, mua vùng Alaska của Nga, xung đột với Mexico để sáp nhập vùng Texas, chiến tranh với Tây Ban Nha để có được Guam, cuối cùng mở rộng lãnh thổ ra gấp 3,4 lần như ngày nay.

Bản chất con người

Xuất phát từ những xung lực tâm lý nhận thức đã tạo ra những xung động xã hội và từ đó tạo thành đường lối phát triển quốc gia. Đó là động cơ bản chất đằng sau quy luật có tính lặp lại trong quan hệ giữa các nước khi có sự trỗi dậy của một siêu cường.

Trong tiến trình phát triển quốc gia, nếu vẫn những lãnh đạo quốc gia đó, vẫn với tâm lý nhận thức đó, vẫn với tầng lớp tinh hoa nắm quyền đất nước đó, vẫn những nguồn lực vật chất khí tài cùng tri thức chiến tranh đó, thì không tự dưng mà đường lối phát triển quốc gia lại thay đổi đi được.

Sau khi đã sáp nhập hoàn tất Hong Kong và Đài Loan, với khí thế và nguồn lực mới khi đó, có lý do gì để Trung Quốc dừng lại hòn tuyến lăn đã có kích thước trọng lực rất lớn?

Liệu Trung Quốc có thoát khỏi đường lối cổ điển về mở rộng lãnh thổ như sự trỗi dậy của các cường quốc trong quá khứ? Hay như chính những gì đang diễn ra cho thấy Trung Quốc đang không thể thoát khỏi?

Một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc hiện nay không thoát ra được quy luật có tính lặp lại, xuất phát từ bản chất con người. Đó là khi một quốc gia lớn mạnh thì họ đòi hỏi vị thế tôn trọng từ các nước láng giềng, tâm thế ngôn ngữ ứng xử của họ nói với các nước khác cũng thay đổi.

Thế kỷ trước, khi Nhật Bản trỗi dậy thành siêu cường, họ đã sử dụng những ngôn từ đầy miệt thị đối với một Trung Quốc đang đi xuống. Tác phẩm Thoát Á Luận của học giả Fukuzawa Yukichi toàn bộ là những lời chê bai miệt thị Trung Quốc.

Ngày nay thì vị thế hoán đổi, người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc đã thách đố Phó Thủ tướng Nhật Bản uống thử dòng nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý.

Từ thực tế đó, đối với một nước nằm trong vùng ảnh hưởng như Việt Nam, điều cần thiết là nhận ra được những quy luật vận động và thấu hiểu được những gì là thực tế đúng đắn.

Đứng trước một sự việc lãnh đạo các cường quốc sẽ nhìn nhận với một chiều kích nhận thức khác với các nước còn lại, họ sẽ thấy sự thể hợp lý đúng đắn theo một cách khác, tương xứng với sức mạnh của họ.

Sự vênh nhau ý niệm về lẽ công bằng và chân lý trong nhiều trường hợp đã là nguồn cơn khởi sự cho nhiều cuộc chiến tranh xung đột trong lịch sử.

Mặc dù hiện nay các quốc gia quan hệ với nhau theo luật pháp quốc tế, chịu sự ràng buộc nhất định, nhưng mặt khác cũng cần hiểu rằng, sự trỗi dậy của một siêu cường có khả năng viết lại các quy tắc luật chơi cũng là điều hiện thực.

Bởi vậy Việt Nam cần hết sức lưu ý để có được đường lối phát triển đúng đắn trong một môi trường quốc tế biến động.

RELATED ARTICLES

Tin mới