Cho tới nay, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn tự thể hiện là một khối liên minh quân sự thiên về sức mạnh cơ bắp. Kể từ khi hình thành trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, dưới sự dẫn dắt của Mỹ, NATO hoặc một bộ phận chủ chốt của nó đã tham gia hàng loạt hoạt động quân sự trên toàn cầu, trong đó không ít lần phớt lờ vai trò của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
NATO muốn làm bá chủ công nghệ mới?
Tuy nhiên, tình thế hiện nay dường như đang thay đổi khi các “đối thủ” của NATO, đặc biệt là Nga và Trung Quốc vươn lên vị trí hàng đầu về tác chiến mạng và trí tuệ nhân tạo. Đây là lý do mà giới phân tích dự đoán chiến tranh công nghệ cao sẽ là chủ đề trọng tâm trong chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới.
Tờ Financial Times (FT) cho rằng 30 thành viên của liên minh xuyên Đại Tây Dương này cần phải đẩy nhanh tốc độ nếu muốn đuổi kịp đối thủ. Hiện NATO đang đề xuất thiết lập một trung tâm chuyển đổi công nghệ mới, phối hợp giữa các quân nhân và ngành công nghiệp để thúc đẩy các công ty khởi nghiệp quốc phòng kỹ thuật số.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mới đây đã thừa nhận những nỗ lực này là muộn màng: “Trong nhiều thập kỷ, các đồng minh của NATO đã dẫn đầu về công nghệ, nhưng điều đó không còn rõ ràng nữa”. Theo ông, “Chúng tôi thấy Trung Quốc đặc biệt đầu tư mạnh vào các công nghệ mới, mang tính đột phá như trí tuệ nhân tạo, hệ thống tự động điều khiển, dữ liệu lớn và họ triển khai chúng vào các hệ thống vũ khí tiên tiến mới, máy bay không người lái, tàu ngầm, máy bay, v.v.”.
Hồi đầu năm nay, Eric Schmidt, cựu Giám đốc điều hành của Google, hiện là Chủ tịch Tiểu ban An ninh Quốc gia của Mỹ về trí tuệ nhân tạo, đã cảnh báo rằng, Bắc Kinh đang có kế hoạch làm suy yếu các lực lượng quân sự thông thường bằng cách đi tắt đón đầu các công nghệ mới. Báo cáo của Tiểu ban được công bố hồi tháng 3, làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo cho các biện pháp do thám, chế áp điện tử và các cuộc tấn công hỏa lực phối hợp.
Hiện nay, một số thành viên chủ chốt của NATO đang đầu tư mạnh cho lĩnh vực này. Mỹ và Pháp đã công bố các chiến lược trí tuệ nhân tạo quân sự, trong khi Anh năm nay tuyên bố thành lập một trung tâm Trí tuệ nhân tạo quốc phòng. Lần đầu tiên, MI6- cơ quan tình báo nội địa nổi tiếng của Anh- đang tuyển dụng từ khu vực tư nhân một người đứng đầu “Chi nhánh Q”, phòng thí nghiệm kỹ thuật nổi tiếng trong các bộ phim James Bond- Điệp viên 007.
Tuy nhiên, giới phân tích Mỹ cho rằng NATO cần phải có một trung tâm chung mới có thể giúp các công ty công nghệ và lực lượng vũ trang thử nghiệm những ý tưởng mới. Lý do là các công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư phương Tây không phải lúc nào cũng có thời gian để giải quyết các thách thức quốc phòng khi các giải pháp “khó kiểm tra, thị trường bị phân tán và quá trình mua sắm diễn ra chậm chạp”.
NATO muốn “đánh hội đồng”?
Trên thực tế, Mỹ đã bắt đầu thuyết phục các đồng minh về việc sử dụng công nghệ mới. “Đối tác Trí tuệ nhân tạo cho Quốc phòng” của Lầu Năm Góc, bao gồm 13 quốc gia (trong đó có các thành viên của NATO là Canada, Đan Mạch, Estonia, Anh, Pháp và Na Uy) đã họp lần đầu tiên vào năm ngoái để thống nhất các tiêu chuẩn quân sự chung về Trí tuệ nhân tạo. Tiểu ban Quốc phòng An ninh Mỹ về Trí tuệ nhân tạo đã kêu gọi liên minh hợp tác chặt chẽ hơn với Nhóm Five Eyes gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand trong việc phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Chuyên gia công nghệ quân sự Ulrike Franke tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu cho rằng trung tâm công nghệ của NATO sẽ hiệu quả nhất nếu ưu tiên thiết kế các hệ thống nhằm phục vụ cho các hoạt động quân sự chung. Theo đó, NATO nên xem xét các lĩnh vực như chỉ huy và kiểm soát (C2) có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, điều này có thể cung cấp cho các thành viên một bức tranh tổng thể, thống nhất về chiến trường trên nhiều khu vực, sử dụng phân tích dữ liệu thông minh để sàng lọc thông tin.
Mặc dù vậy, giới phân tích cũng cảnh báo nguy cơ NATO phải dàn trải lực lượng quá mỏng nếu không xác định được lĩnh vực trọng yếu, từ máy bay không người lái cho đến điện toán lượng tử.
Liên quan tới vấn đề xác định đối thủ, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng quan hệ chính trị và quân sự ngày càng chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc đang gây ra “những nguy cơ mới” đối với liên minh quân sự này, đồng thời đe dọa hợp tác đa phương.
Trong bài trả lời phỏng vấn được nhật báo La Repubblica của Italy đăng tải ngày 8/6, ông Stoltenberg nhấn mạnh: “Trật tự dựa trên pháp luật, nền tảng của hợp tác đa phương, đang bị đe dọa. Gần đây, Nga và Trung Quốc đã và đang hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn, trên cả cấp độ chính trị và quân sự. Đây là một mức độ mới và là một thách thức nghiêm trọng đối với NATO. Những nguy cơ mới đang trỗi dậy”.
Tổng Thư ký NATO nhấn mạnh: “Moscow và Bắc Kinh đang phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn trong quan điểm về những nghị quyết được đưa ra tại các tổ chức đa phương như Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, cả hai nước này không chỉ tiến hành những hoạt động tập trận chung, cùng thử nghiệm các chuyến bay tầm xa trên các chiến đấu cơ và triển khai những hoạt động trên biển, mà còn tăng cường công tác trao đổi kinh nghiệm về các hệ thống vũ khí và kiểm soát mạng Internet”. Do đó, quan chức hàng đầu NATO khẳng định liên minh quân sự này “phải thích nghi với một môi trường an ninh toàn cầu ngày càng cạnh tranh quyết liệt”.
Trước đó, ngày 4/6, ông Jens Stoltenberg tuyên bố NATO không coi Trung Quốc là đối thủ, nhưng sẽ lần đầu tiên đưa quốc gia này vào Khái niệm Chiến lược mới của khối. Phát biểu trong một sự kiện trực tuyến do Viện Brookings tổ chức, Tổng Thư ký Stoltenberg nêu rõ: “Trung Quốc đang khẳng định mình trên vũ đài quốc tế. NATO không coi Trung Quốc là một đối thủ. Có nhiều cơ hội để phối hợp với Bắc Kinh trong các vấn đề như thương mại, biến đổi khí hậu và kiểm soát vũ khí. Trong khái niệm chiến lược hiện nay của NATO, chúng tôi không đề cập tới Trung Quốc bằng một từ đơn lẻ. Tôi có thể đảm bảo rằng trong Khái niệm Chiến lược mới, Trung Quốc sẽ được nhắc đến”.
Ông Stoltenberg cũng lưu ý rằng, thông cáo sau hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 14/6 tới sẽ bao gồm “nhiều nội dung” về Trung Quốc hơn bao giờ hết, trong đó có những quyết định cụ thể sẽ đề cập tới tiến bộ công nghệ của Bắc Kinh và cách thức để bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu của các nước thành viên NATO trước các mối đe dọa tiềm tàng trên không gian mạng.
Còn với Nga, ông Stoltenberg nêu rõ: “Hôm nay, tôi không thể khẳng định nội dung chính xác trong Khái niệm Chiến lược mới mà chúng tôi sẽ bắt đầu dự thảo sau hội nghị thượng đỉnh. Đó sẽ là một tiến trình mà tất cả các đồng minh sẽ tham gia vào, song tôi nghĩ rằng có một sự ủng hộ rộng rãi trong NATO đối với cái mà chúng tôi gọi là cách tiếp cận kép đối với Nga”.
Người đứng đầu NATO thừa nhận mối quan hệ giữa Brussels và Moscow đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, song cũng nhấn mạnh Nga là nước láng giềng với NATO, khối này cần phải thảo luận với Moscow về nhiều vấn đề, trong đó có kiểm soát vũ khí và cách quản lý các mối quan hệ.