Chỉ sau 48 giờ, Ford đã nhận được hơn 44.500 đơn đặt hàng chiếc xe này – một kỳ tích.
Xe bán tải Ford F-150 kéo theo sau nhà di động.
THỊ TRƯỜNG MỞ VÀ MÀU MỠ
Một hình ảnh không quá xa lạ với người Mỹ hay những người biết về văn hóa Mỹ đó là những chuyến đi cắm trại ở nông thôn hoặc ở một vùng hẻo lánh – đồng hành cùng họ là những chiếc ô tô mang trên mình đủ các thứ đồ nghề để sinh hoạt một cách thoải mái nhất. Hình ảnh ấy thường gắn với những mẫu xe RV (Recreational Vehicle, còn gọi là xe dã ngoại), hoặc một chiếc SUV hay bán tải cơ bắp gắn phần rơ-móoc phía sau.
Có thể nói, người Mỹ ăn và ngủ cùng với những chiếc ô tô. Quốc gia chưa đầy 250 năm tuổi này đã và luôn là nơi thu hút rất mạnh các nhà sản xuất xe hơi trên toàn cầu.
Điều này hoàn toàn có thể chứng minh bằng con số đầy đủ trong một thập kỷ gần đây, khi lượng ô tô bán ra tại Mỹ luôn đạt con số trên 10 triệu chiếc, chiếm thứ 2 trên thế giới sau đất nước tỷ dân Trung Quốc. Con số ô tô bán ra tại Mỹ thường gấp hơn 3 lần quốc gia ở vị trí xếp sau.
So với thị trường có doanh số bán xe số 1 thế giới là Trung Quốc, Mỹ có xu hướng ổn định doanh số theo các năm. Thực tế, trong cả hai năm 2016 và 2017, doanh số ô tô tại Mỹ đều dao động quanh con số 17 triệu xe, cụ thể lần lượt là: 17.550.394 chiếc và 17.230.436 chiếc. Còn dưới đây là doanh số 3 năm tiếp theo ở Mỹ.
Vì vậy không có lý do gì VinFast, hãng xe thương hiệu Việt Nam muốn vươn tầm thế giới, lại không chọn Mỹ làm mảnh “đất lành chim đậu”.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành VinFast tại Mỹ, trả lời báo chí hồi đầu tháng 5 vừa qua rõ ràng về mục tiêu bơi ra biển lớn này của VinFast: “Chúng tôi sẽ đến Mỹ, Canada và châu Âu cùng lúc. Tại châu Âu, chúng tôi sẽ có mặt tại thị trường Đức, Pháp và Hà Lan”.
Trong bối cảnh xe điện ngày càng được ưa chuộng trên toàn cầu, được coi là xu thế không thể đảo ngược, VinFast cũng xác định tham gia thị trường Mỹ bằng xe điện.
Hiện thị trường ô tô chạy điện tại Mỹ chủ yếu nghiêng về phía Tesla, với những mẫu xe giá thành tương đối cao. Ngay cả mẫu xe dễ tiếp cận nhất của Tesla là Tesla Model 3 cũng có mức giá sàn 40.000 USD, cùng tầm giá với Lexus ES 2020 (39.900 USD), Audi A4 2020 (37.400 USD) hay BMW 3-series 2021 (39.677 USD).
Vì thế, mức giá cũng chính là một vấn đề quan trọng với VinFast trong cuộc cạnh tranh sắp tới. Bà Vân Anh cho biết thêm rằng VinFast sẽ cung cấp những mẫu xe điện rẻ hơn với những chiếc tại Mỹ, nhắm tới phân khúc SUV.
Chi tiết này, theo người viết, là vô cùng quan trọng, bởi điều đó phản ánh phần nào chiến lược và phương pháp cạnh tranh của hãng xe “made in Vietnam” đầu tiên vừa có thể tự sản xuất lại vừa có thể sống được trên thị trường. Trong đó, khoan bàn về vấn đề giá – nhà sản xuất cũng chưa công bố, về phân khúc (SUV), đây là một vấn đầy thú vị mà chúng ta có thể hiểu biết thêm thông qua câu chuyện của… Ford!
BÁN TẢI FORD F-150
Dòng xe bán tải Ford F-150 là một gợi ý tuyệt vời cho các hãng xe muốn vào Mỹ. Tại sao vậy?
Lý do vô cùng đơn giản: Đây là chiếc xe bán chạy nhất tại thị trường Mỹ, không phải bán chạy nhất chỉ ở phân khúc xe bán tải, không phải bán chạy nhất chỉ trong một năm nào đó, mà là bán chạy nhất trong tất cả các dòng xe bán ra tại thị trường Mỹ, trong suốt hơn 40 năm.
Giờ đến câu hỏi tiếp theo: Tại sao một chiếc xe bán tải lại có thể án ngữ vị trí tuyệt đối tới như vậy trong suốt một thời gian dài? Người Mỹ thiếu gì tiền, quá nhiều người giàu, vì sao lại là một chiếc SUV? Và đây là câu trả lời.
• Thứ nhất, đa số người Mỹ thích xe to
Quốc gia có diện tích lớn thứ 3 thế giới này, hiển nhiên, có đường xá rộng rãi. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa rằng khoảng cách giữa các bang với nhau cũng lớn theo.
Có một câu chuyện trên Quora (một diễn đàn hỏi-đáp phổ biến trên internet) thú vị như sau: Joseph Perez, sinh sống tại Mỹ, kể rằng anh ta vừa mới đi từ nhà người thân ở gần nhất, cách nơi ở của anh 1.696km bằng ô tô. Còn từ nơi ở của cháu gái thì cách anh 981km. Anh đi ô tô vì nếu di chuyển bằng tàu hỏa hay máy bay thì ngoài vấn đề chi phí, quãng đường di chuyển ra ga tàu hay sân bay cũng lên tới cả trăm cây số, chưa kể việc phải để xe lại trong suốt thời gian đi. Đó là một điều khá bất tiện với người dân có mức sống bình thường.
Chuyện của Joseph Perez là chuyện của đa số người dân Mỹ. Bởi phải di chuyển thường xuyên cùng với quãng đường di chuyển dài, người Mỹ có xu hướng lựa chọn những chiếc xe có không gian rộng rãi, thoải mái khi sử dụng, và đó là lúc những chiếc xe to phát huy tác dụng của mình.
• Thứ hai, người Mỹ sống cùng với chiếc xe
Bởi phải thường xuyên di chuyển, sử dụng nên chiếc xe mà người Mỹ mong muốn, ngoài thoải mái, cũng cần phải thuận tiện để sử dụng. Các bà mẹ, ông bố nội trợ, hoặc chí ít là những gia đình đã có con, thường có những mẫu xe mini-van gia đình, phục vụ đưa đón con cái, hoặc di chuyển với cả gia đình. Một chiếc xe Nhật khá phổ biến, bên cạnh Toyota Camry, chính là chiếc Honda Odyssey – mẫu xe gia đình 8 chỗ ngồi.
Phiên bản đầu tiên của chiếc Honda Odyssey (sản xuất trong giai đoạn 1994 – 1998) đã tới Mỹ. Trải qua hơn 20 năm phát triển và cải tiến, Honda Odyssey không còn ì ạch, “chạy bằng cơm” như trước nữa, mà giờ đây đã mạnh mẽ hơn và tích hợp nhiều tính năng điều khiển điện, giúp quá trình sử dụng thoải mái và dễ chịu hơn.
Nhưng đó vẫn chưa phải là vấn đề chính mà chúng ta đang nói tới. Điều quan trọng hơn với người Mỹ đó là tính thực dụng của mẫu xe.
Kiểu như Honda Odyssey là một mẫu xe gia đình, còn kiểu như Ford F-150 là mẫu xe dành cho người lao động.
Thực tế, tại các vùng ngoại ô của Mỹ, họ sử dụng xe bán tải rất nhiều bởi tính thực dụng cao. Với Ford F-150 thì đó là: thùng sau sức chứa lớn, sức tải khoẻ, có khả năng kéo theo hàng (có thể kéo theo cái nhà di động khi họ muốn đi du lịch chẳng hạn), có nhiều tính năng phù hợp với người lao động như nhiều ổ cắm điện (một số mẫu gần đây còn có thể trở thành máy phát điện cho cả ngôi nhà, bệ tỳ tay trước có thể mở thành một bàn làm việc lớn…)
Bên cạnh đó, chiếc xe cũng đã chứng minh được sự bền bỉ “nồi đồng cối đá” trong nhiều tình huống sử dụng cực đoan như lội bùn, băng rừng, vượt địa hình.
Mới đây, Ford ra mắt phiên bản thuần điện của mẫu xe Ford F-150 với tên gọi Ford F-150 Lightning. Cứ ngỡ rằng xe điện thì sẽ khiến người dùng có một chút e dè, nhưng thực tế cho thấy chiếc xe này đã thành công: chỉ sau 48 giờ, hãng đã nhận được hơn 44.500 đơn đặt hàng chiếc xe này – một kỳ tích!
Thứ ba, điều gì khiến người Mỹ thích xe điện Ford F-150 Lightning đến vậy?
Đó chính là ở việc Ford đã xây dựng một mẫu xe bán tải, dù chạy bằng điện nhưng vẫn bảo toàn được những khả năng vốn có của dòng xe này.
Với khối pin dung lượng cao, mẫu Ford F150 Lightning sản sinh công suất 563 mã lực với mô-men xoắn cực đại lên tới 1051Nm. Những con số này thậm chí còn lớn hơn cả ở phiên bản mạnh nhất chạy xăng: động cơ V6 3.5 lít tăng áp kép, công suất 450 mã lực và 691Nm mô-men xoắn. Công suất chiếc xe điện này đủ để tải tối đa 900kg ở thùng hàng, kéo tối đa 4,5 tấn; chỉ với một lần sạc, chiếc xe có khả năng di chuyển lên tới 483km.
Tức là Ford đã xây dựng được một chiếc xe điện mà ở đó khả năng của nó vẫn tương đương, thậm chí còn hơn bản chạy xăng với mức giá sàn thấp hơn.
Trong khi đó, những chiếc bán tải điện sắp ra mắt khác như Tesla Cybertruck, Rivian R1T hay GMC Hummer EV đều có mức giá sàn từ khoảng 70.000 USD trở lên.
Tất nhiên, với mức giá đó thì mỗi chiếc xe đều có cho mình những tính năng tương xứng, nhưng có lẽ dành cho những người có tiền và muốn trải nghiệm, không phải dành cho người lao động có mức sống bình thường.
Chính vì đã xây dựng nên một mẫu xe như thế, Ford đã cho người dùng cái họ muốn, cái họ cần và người dùng chỉ việc đón nhận lấy, móc hầu bao trả cho Ford.
TẠM KẾT
Chúng ta có thể tóm lại rằng với đa số người Mỹ, chiếc xe hình mẫu với họ phải thực dụng, sẵn sàng trở thành “cánh tay” đắc lực giúp họ hoàn thành công việc cũng như giúp cuộc sống thuận tiện hơn.
Ford đã một lần nữa chứng minh cho thế giới thấy khả năng của mình khi tạo ra chiếc xe mang tính cách mạng: một mẫu xe điện (công nghệ của tương lai) nhưng vẫn vô cùng thực dụng, dễ tiếp cận và đúng với mong đợi của người dùng truyền thống.
Một số thông tin thú vị và vô cùng… thực dụng trên một số mẫu xe tại Mỹ
1. Màn hình hiển thị trên kính lái Head Up Display (HUD)
Head Up Display (HUD) là một tính năng giúp hiển thị các thông số quan trọng khi vận hành, hiển thị lên thẳng kính và trong tầm mắt của người lái, giúp người lái tập trung hơn khi lái xe. Mẫu xe tiêu biểu trong phân khúc SUV cỡ trung trang bị tính năng này là Hyundai SantaFe.
2. Camera quan sát điểm mù
Một số xe hiện nay được trang bị camera quanh xe. Hyundai và KIA đã tận dụng camera này để hiển thị hình ảnh nằm tại góc chết, hay còn gọi là điểm mù, khi người lái bật xi nhan, giúp quan sát tốt hơn. Mẫu xe tiêu biểu trong phân khúc SUV cỡ trung trang bị tính năng này là KIA Sorento.
3. Bố trí không gian ngồi hàng ghế sau
Nhằm gia tăng khoảng để chân ở hàng ghế sau, phần sau của tựa lưng hàng ghế trước trên một số xe cỡ nhỏ, thậm chí là cỡ lớn (Full size), có một phần được khoét trước để chân người ngồi hàng ghế sau không chạm vào lưng ghế. Mẫu xe tiêu biểu trong phân khúc SUV cỡ trung có thiết kế này là Mercedes GLC.
4. Trang bị ghế đơn ở hàng ghế thứ 2
Để thêm thoải mái và tăng cảm giác sang trọng, một số mẫu xe có trang bị, hoặc có tùy chọn hàng ghế thứ 2 dạng ghế đơn. Mẫu xe tiêu biểu trong phân khúc SUV cỡ trung có tùy chọn này là Toyota Highlander.
5. Tập trung vào hàng ghế thứ 3
Hàng ghế thứ 3 nằm tại vị trí phía sau xe, việc ra và vào phụ thuộc vào hàng ghế thứ 2. Để thuận tiện hơn, các hãng đã không ngừng cải thiện cách người dùng có thể ra, vào hàng ghế này thoải mái nhất, bên cạnh đó là những tính năng giúp người ngồi hàng ghế thứ 3 thoải mái hơn.
Có thể kể tới Passenger Talk (khuếch đại âm thanh hàng ghế trước ra loa ở hàng ghế sau) hay Quiet Mode (ngắt tín hiệu tới loa hàng ghế sau và giới hạn âm lượng ở hàng ghế trước) thường thấy trên xe Hyundai hay KIA.