Một vấn đề nóng trong thời gian qua là những tuyên bố Trung Quốc sẽ tấn quân sự Đài Loan nếu hòn đảo này cố tình “ly khai” đại lục và “theo đuôi” Mỹ. Cũng có một câu hỏi kế tiếp, nếu như Đại lục nổ súng thì Mỹ có sẵn sàng bênh vực đồng minh không?
Trả lời câu hỏi này, mới đây Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Mark Milley tuyên bố chắc chắn: Washington có khả năng bảo vệ Đài Loan, trong trường hợp vùng lãnh thổ này bị quân đội Trung Quốc tấn công.
Tại sao lại ngập ngừng “có khả năng” mà không nói “sẽ bảo vệ”?
Trước đó, khi thượng nghị sĩ Josh Hawley hỏi, Mỹ có thể ngăn chặn cuộc tấn công bất ngờ từ quân đội Trung Quốc nhắm vào Đài Loan hay không, khi vùng lãnh thổ này không đủ khả năng tự phòng thủ, tướng Milley nói: “Tôi có thể đảm bảo rằng chúng ta có khả năng như thế, nếu các quyết định chính trị được đưa ra theo Đạo luật quan hệ Đài Loan”. ( Ông Milley tuyên bố trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ thượng viện Mỹ ngày 10/6, theo hãng tin CNA).
BĐN có một giải thích nhỏ: Đạo luật quan hệ Đài Loan được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1979. Đạo luật này nhằm duy trì các mối quan hệ văn hóa, thương mại và những quan hệ không chính thức khác giữa Mỹ và Đài Loan, sau khi Mỹ chuyển công nhận ngoại giao từ Đài Bắc sang Bắc Kinh. Theo đạo luật này, Mỹ buộc phải cung cấp vũ khí mang tính phòng thủ cho Đài Loan. Tuy nhiên, có một điều lập lờ, không rõ Mỹ có xả thân bảo vệ Đài Loan.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Trung Quốc liên tục cho máy bay quân sự bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn cảnh báo “độc lập đồng nghĩa chiến tranh”. Lực lượng vũ trang nước này sẽ hành động kiên quyết để đối phó sự can thiệp từ bên ngoài.
Theo các nhà phân tích, hàng loạt hoạt động quân sự của Trung Quốc không chỉ nhắm tới Đài Loan mà còn gửi cả tín hiệu cảnh cáo tới Mỹ, cho nên điều lo ngại về khả năng Bắc Kinh chuẩn bị hành động quân sự với Đài Bắc không phải là không có cơ sở.
Các cuộc tập trận liên tiếp của Trung Quốc không chỉ nhằm phô diễn sức mạnh quân sự và kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu mà còn tính tới khả năng tác chiến thật sự trên thực tế. Đương nhiên, sau Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí là Đài Loan và một số quốc gia khác ở châu Âu, cho nên Bắc Kinh phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng về thế trận ngoại giao, phải tạo ra cơn cớ, trước khi quyết định chiến tranh.
Về phía Mỹ,Washington thừa nhận, việc Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan ở mức nào khi Trung Quốc tấn công Đài Bắc là vấn đề rất “nhạy cảm”. Bởi Mỹ từng có nhiều cam kết với Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan. Vấn đề quả là nan giải. Tuy nhiên, sức ép trong lòng nước Mỹ cũng rất lớn. Quốc hội Mỹ đã nhiều lần yêu cầu chính phủ tiếp tục chuyển giao vũ khí cho Đài Loan dựa trên “các mối đe dọa hiện thời và tiềm tàng từ Trung Quốc”.
Vậy là thái độ của Washington thừ thời cựu Tổng thống Donald Trump đến Tổng thống đương nhiệm Joe Bidden vẫn khá dè dặt. Điều này khiến cho cả Bắc Kinh và Đài Bắc đều phải kiên trì, “ngồi bắc ngó nam, ngồi đông ngó tây”, vì không dám rằng Washington sẽ phản ứng theo chiều hướng nào.
Nếu Mỹ chọn đứng ngoài khi Đài Loan bị tấn công, thì các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ phản ứng, thậm chí hủy bỏ những cam kết của Mỹ trong các hiệp ước đã ký. Vấn đề ở chỗ, không phải là chi phí thiệt hơn bao nhiêu mà là giá trị niềm tin và địa chính trị chiến lược. Mỹ tuyên bố sát cánh cùng Đài Loan, nhưng thừa khôn ngoan khi nói rằng: Sẽ không thể bảo vệ vùng lãnh thổ này bằng mọi giá!
Không hiểu cái “giá” ấy được Washington tính toán thế nào?
Cần nhắc lại một dự luật “ngăn chặn xâm lược Đài Loan”. Luật cho phép tổng thống Mỹ sử dụng quân sự để bảo vệ Đài Bắc trong ba trường hợp: một, Trung Quốc dùng vũ lực tấn công Đài Loan; hai, Trung Quốc có ý định tấn công các đảo do Đài Loan kiểm soát; ba, nếu tính mạng của nhân dân và binh sĩ Đài Loan bị Trung Quốc đe dọa.
Trong khi đó các nhà nghiên cứu quân sự ở Mỹ lại nói năng chừng mực. Rằng, Mỹ chỉ nên duy trì cán cân quân sự ở eo biển Đài Loan cân bằng. Cần trang bị cho Đài Loan tất cả vũ khí, trừ …hạt nhân.
Vậy là cả Trung Quốc và Mỹ đều ở thế kẹt. Đài Bắc thừa hiểu tình thế nhùng nhằng ấy và cứ đàng hoàng xây dựng “quốc gia không quốc gia” trên hòn đảo tươi đẹp của mình. Thế giới đa cực ngày nay đã khác xưa. Trung Quốc không dễ dàng nổ súng tấn công các nước khác để cướp đất, cướp biển như trước đây đã từng tấn công Việt Nam để chiếm quần đảo Hoàng Sa (1974) và một số đảo ở quần đảo Trường Sa (1988).