Điện Kremlin ngày hôm nay đã cảnh báo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về “lằn ranh đỏ”, giữa lúc căng thẳng giữa Moscow và khối liên minh quân sự đang leo thang.
Phát ngôn viên dinh tổng thống Nga Dmitry Peskov ngày 17/6 cảnh báo rằng, việc NATO kết nạp Ukraine vào khối liên minh quân sự sẽ là “lằn ranh đỏ” với Nga. Ngoài ra, Moscow cũng bày tỏ quan ngại việc Kiev sẽ được cấp một bản kế hoạch hành động để có thể gia nhập NATO.
Ông Peskov đưa ra cảnh báo trên chỉ một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp thượng đỉnh Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Geneva, Thụy Sĩ. Ông Peskov nói rằng cuộc họp đã diễn ra trong bầu không khí nhìn chung là tích cực.
Hồi đầu tuần, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng ông mong muốn ông Biden trả lời rõ ràng là “có” hoặc “không” việc NATO có kế hoạch cho Kiev gia nhập liên minh quân sự. Ông Biden sau đó nhấn mạnh rằng Ukraine cần phải đảm bảo đủ các tiêu chuẩn NATO đặt ra trước khi nước này có thể gia nhập.
Ông Peskov cho hay, Nga đang theo dõi tình hình một cách chặt chẽ. “Đó là điều mà chúng tôi đang theo dõi sát sao và việc Ukraine gia nhập NATO thực sự là lằn ranh đỏ với Moscow. Tất nhiên, vấn đề này khiến chúng tôi quan ngại”, ông Peskov cho biết.
Trong một bài trả lời phỏng vấn hồi tuần trước trên truyền hình, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng việc Ukraine gia nhập NATO là “không thể chấp nhận được”.
Ông Putin cho rằng, việc Kiev gia nhập khối liên minh sẽ giúp tên lửa NATO chỉ mất khoảng 7 phút để tới được Moscow và các khu vực quan trọng ở Nga. Ông so sánh mối quan ngại này tương tự với việc tên lửa Nga đặt ở Mexico và Canada, cho phép các vũ khí này có thể bắn tới Mỹ trong thời gian ngắn hơn rất nhiều.
“Ít nhất 50% người dân Ukraine không muốn nước này gia nhập NATO và họ là những người thông minh. Họ hiểu và họ không muốn trở thành con bài mặc cả hay là bia đỡ đạn”, ông Putin nói.
Hồi cuối tuần qua, trước thềm cuộc gặp giữa ông Putin và ông Biden, Mỹ đã thông báo khoản hỗ trợ quân sự trị giá 150 triệu USD cho Ukraine nhằm giúp các lực lượng của Kiev “bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và cải thiện năng lực hợp tác với NATO”.