Với lịch sử hình thành và phát triển gần 120 năm, Cầu Long Biên là nhân chứng lịch sử, gánh trên mình rất nhiều vai trò, là một di tích vô cùng ý nghĩa với người dân Thủ đô, một di tích cần được sống.
Cầu Long Biên năm 1950
Trao đổi về vấn đề này ông Phạm Quốc Quân, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng Hà Nội cần đầu tư phát triển hạ tầng kết nối giao thông, thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, với đề xuất xây dựng cầu đường sắt mới vượt sông Hồng thì cần phải trả lời được một số câu hỏi như sau:
Cầu Long Biên là di sản văn hóa, ghi lại nhiều dấu ấn đặc trưng của nhiều thời kỳ lịch sử Việt Nam từ thời chống Pháp, chống Mỹ…. Vậy khi đề xuất làm cầu đường sắt mới vượt sông Hồng thì bài toán ứng xử với di sản cầu Long Biên như thế nào? Sẽ sử dụng cầu vào việc gì?
Cầu Long Biên có tuổi đời gần 120 tuổi, với thiết kế rất đặc trưng đồng thời cũng là mắt xích quan trọng kết nối hệ thống giao thông vận tải đường sắt hiện nay. Cầu Long Biên chính là biểu tượng giao thương, đi lại suốt cả một thời kỳ dài. Vì thế, nhận định cầu Long Biên yếu, cần phải có cầu mới cũng có lý, tuy nhiên, cần phải có giải pháp bảo tồn thỏa đáng. Những áp lực giao thông hiện nay so với trước kia đã được giảm thiểu đi rất nhiều. Với các hoạt động đi lại đường bộ hiện nay đã có nhiều cầu vượt bắc qua sông Hồng, giúp giảm thiểu lượt phương tiện đi lại qua cầu Long Biên giữ được trọn vẹn vai trò, ý nghĩa lịch sử của cây cầu này.
Cầu Long Biên nếu cải tạo tốt vẫn có thể hoạt động tốt phục vụ nhu cầu vận tải bằng đường sắt. Bài toán ứng xử với di sản rất quan trọng bởi cầu Long Biên còn là dấu mộc lịch sử quan trọng. Nếu có một cây cầu song song cách vài chục mét thì liệu cây cầu này có bị dừng hoạt động không? Nếu như vậy cây cầu này chỉ để trưng bày thì khác gì một cây cầu chết.
Không chỉ ở yếu tố lịch sử, kiến trúc độc đáo cầu Long Biên còn là sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và Pháp, đó là những yếu tố làm nên giá trị của cây cầu này.
Ông Quân nhấn mạnh, Cầu Long Biên đang gánh trên mình rất nhiều vai trò, ở đây không đơn giản chỉ là một hiện vật mà nó là một di tích, và di tích phải được sống trong cộng đồng, đồng thời cộng đồng phải được hưởng lợi từ nó. Hơn nữa, cầu Long Biên là một thực thể sống không phải hiện vật chết, nếu tách cộng đồng ra khỏi di tích, dần dần sẽ làm mất đi vai trò của cây cầu…
Hiệu quả cảnh quan khi xây dựng một cây cầu vượt đường sắt mới song song chỉ cách vài chục mét với cây cầu cũ cũng là vấn đề lớn và băn khoăn. Cầu Long Biên sẽ thế nào khi hầu hết các cây cầu bắc qua sông Hồng hiện nay đều chú trọng tới yếu tố sử dụng thực tế mà không quan là yếu tố mỹ thuật? Nếu cầu mới hoành tráng, phô trương sẽ làm lu mờ di sản. Nhưng nếu xuề xòa, qua loa sẽ làm nhếch nhác, làm xấu hình ảnh Thủ đô”.
Về kinh phí đầu tư, nếu xây một cây cầu mới so với việc đầu tư, tu bổ, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của cây cầu cũ, thì các đơn vị cần phải tính toán cẩn trọng. Trong đó, việc bảo tồn và đầu tư phát triển mới luôn mâu thuẫn không dễ giải quyết. Đó là bài toán luôn được đặt ra thách thức trí thông minh trong cách ứng xử của những người làm quản lý. Nếu chỉ đặt ra tình huống lựa chọn phát triển là phải chấp nhận đánh đổi di sản, không còn cách nào khác” thì chưa ổn. Cứ phát triển là phải tổn hại di sản thì sẽ không còn gì để bảo vệ, bảo tồn nữa.
Còn nhớ bài học từ Hàn Quốc. Với chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế, chính quyền thành phố Seoul chủ trương lấp suối phát triển hạ tầng, sau đó dựng cao tốc trên không Cheonggyecheon vào những năm 1970, một biểu tượng đầy tự hào của người Hàn Quốc cho quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Thế nhưng, sau đó Hàn Quốc đã phải phục hồi lại suối Cheonggyecheon với tổng đầu tư lên đến 900 triệu USD, kinh phí gấp gần tới 3 lần san lấp để hồi sinh lại một dòng sông. Với bài toán bảo tồn cần phải rút kinh nghiệm từ các nước đi trước và không nên để mắc lại những sai lầm này”.