Ngày 12/7 tới là vừa tròn 5 năm Tòa trọng tài Liên hợp quốc tại Lahaye xử vụ kiện của Philippines. Trong vụ kiện này Philippines đã thắng Trung Quốc. Cụ thể là yêu sách “đường lưỡi bò” ôm gần hết Biển Đông của Bắc Kinh đã bị Tòa bác bỏ.
Dư luận thế giới, nhất là các nước Đông Nam Á đang nóng lòng muốn biết Trung Quốc và Philippines sẽ “kỷ niệm” sự kiện này như thế nào? Và rằng, Tòa trọng tài quốc tế sẽ có động thái gì khi mấy năm qua công lý bị ném vào sọt rác; khi nhà cầm quyền Bắc Kinh coi phán quyết của Tòa không khác nào mớ giấy lộn?
Chắc chắn là Trung Nam Hải sẽ chẳng dại gì nhắc đến sự kiện này. Việc đánh bài lờ ít nhất là đem lại hiệu quả, rằng một quốc gia nào đó đụng đến siêu cường Trung Quốc chả khác nào “con kiến mà kiện củ khoai”. Tòa quốc tế không thấy có động thái gì “đôn đốc” thực hiện bản án. Bên thắng kiện là Manila thì sớm nắng chiều mưa, lúc đùng đoàng như sấm chớp, khi khác lại dịu giọng phải “khôn khéo trong ngoại giao”, nhất là khi Bắc Kinh chìa ra món viện trợ vaccine phòng Covid-19. Đặc biệt là, ông Tập Cận Bình đã dằn mặt ông Duterter “đừng làm thế” khi Tổng thống Philippines dám…nổi nóng (!).
Nhưng chính quyền Philippines thì không dễ để ông Tổng thống vít đầu vít cổ. Mới đây bỗng có một Hiệp hội của nước này đùng đùng kiến nghị phải đòi lại chiến thắng của mình 5 năm trước. Dịp này phải làm cho công dân hiểu sâu sắc hơn chủ quyền biển đảo của đất nước và kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền.
Hiệp hội đó có tên “Hiệp hội Công dân vì Sự sống và Luật pháp (CALL) về Biển”. Hôm 27/6 CALL đề xuất chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ việc giáo dục công dân về thắng lợi của Manila liên quan phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông năm 2016.
Ông Greg Atienza hiện là Giám đốc điều hành của Soul Philippines, liên minh CALL, đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Ủy ban Giáo dục Đại học Philippines đưa phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông năm 2016 vào chương trình giảng dạy bậc trung học và đại học.
Ông Atienza nói: “Đây là một cuộc chiến vô cùng phức tạp và lâu dài. Nếu như chúng ta không hiểu rõ quyền lợi của mình, thì đấu tranh để làm gì? Chương trình giáo dục của trong các nhà trường cần bao gồm các quyền này. Các nhà lập pháp cũng cần được khuyến nghị thông qua dự án luật nhằm toàn cầu hóa việc thăm dò và phát triển tại biển Tây Philippines” (phía đông Biển Đông-BDN).
Theo ông Atienza, lực lượng tuần duyên và hải quân Philippines cũng được lệnh hỗ trợ ngư dân nhằm tránh bị tàu Trung Quốc xua đuổi. Dự kiến vào ngày 12/7, khoảng 50 nhóm sẽ tập hợp trực tuyến để bắt đầu “chiến dịch giáo dục cho người dân” về ý nghĩa thắng lợi Phán quyết của Tòa trọng tài Liên hợp quốc và lập trường kiên định của Philippines, kiên quyết chống lại hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tới đây Philippines cần “hình thành liên minh với các đối tác quốc tế để thực thi phán quyết”.
Cần tuyên truyền sâu rộng để người dân luôn nhớ rằng: Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, đã bị Tòa Trọng tài Thường trực bác bỏ vào tháng 7/2016. Trong tuyên bố, Tòa cho biết “đường chín đoạn” của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc “không có quyền lịch sử” tại Biển Đông. Dẫu vậy, suốt 5 năm qua Bắc Kinh luôn phủ nhận và không tuân thủ phán quyết.
Về phía Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ông vẫn chập chờn trong thái độ đối với Bắc Kinh. Khi thì ông tuyên bố đanh thép sẽ “chiến” Trung Quốc đến cùng dẫu bản thân có phải chết, lúc khác ông lại ngọt nhạt khen nước này là người bạn tốt. Lúc tình hình phức tạp, ông “cấm” quan chức trong nội các bàn về tình hình Biển Đông (!).
Mới đây Ông Duterter đã chỉ trích phát ngôn của thượng nghị sĩ, đồng thời là võ sĩ quyền Anh lừng danh Manny Pacquiao là “nông cạn”, khi Pacquiao chỉ trích Duterte không cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Trong một cuộc phỏng vấn đêm muộn với kênh SMNI (Philippines) hôm 8/6, ông Duterte “nhắn nhủ” Pacquiao: Nên “biết mình biết ta” trước khi lên bàn cân xác định hạng cân để tham gia thi đấu.
Không hề ngần ngại, ông Pacquiao đã đáp trả lời nhắn nhủ của ông Duterte, rằng đất nước nên theo đuổi đối thoại về các tranh chấp trên Biển Đông, nhưng phải “mạnh mẽ trong việc bảo vệ các quyền chủ quyền”. Ông Pacquiao nói: “Tôi là một người Philippines nói lên những điều cần phải nói để bảo vệ những gì hợp pháp thuộc về chúng tôi đã được phán quyết”.
Đến lúc này, đã qua bốn tháng, hàng trăm tàu vỏ thép của Trung Quốc vẫn trơ lì neo đậu tại Đá Ba Đầu – vùng biển Philippines tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế. Ngoại trưởng và Bộ trưởng quốc phòng nước này đã mạnh mẽ công khai yêu cầu các tàu Trung Quốc cuốn xéo ngay lập tức. Thế nhưng, Tổng thống Duterter vẫn giữ thái độ im lặng.
Nhưng chắc chắn người dân Philippines không để ông Tổng thống Duterter im lặng mãi, nhất là khi Ngày kỷ niệm 5 năm chiến thắng tại Tòa án quốc tế của Manila đã đến gần.