Chi tiêu quốc phòng của Philippines hằng năm khoảng 4,3 tỷ USD trên GDP 370 tỷ USD (năm 2020). Khoản tiền này rõ ràng là ít, so với mục tiêu hiện đại hóa quân sự. Thế nên, việc Manila có thể xuống tiền cho một lô vũ khí mới khiến dư luận bất ngờ.
Tiêm kích F-16 Block 70/72
Thông tin được báo chí quốc tế đưa dồn dập, bắt đầu từ ngày 26/6 vừa qua. Nguồn tin được cung cấp bởi Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) nên khó có thể cho là tù mù. Theo DSCA, Mỹ có thể bán 10 máy bay tiêm kích F-16 Block 70/72 và các vũ khí liên quan cho Philippines. Tổng trị giá lô vũ khí này 2,43 tỷ USD. Bằng thương vụ này, Manila có thể đáp ứng yêu cầu của kế hoạch mua sắm máy bay chiến đấu đa nhiệm (MRF) vốn từ lâu đã được đặt ra.
Vấn đề đặt ra, quốc phòng đâu chỉ có máy bay, mà còn bao nhiêu thứ khác: tàu chiến, ra đa, tên lửa, súng bộ binh, pháo tự hành…Thế nên, xuống tới quá nửa ngân sách quốc phòng trong một năm, chủ yếu để mua 10 chiếc F-16 Block 70/72 tối tân, chẳng lẽ, những khí tài khác thì…dừng lại?
Rất có thể. Và trong thực tế, Manila từng đã phải tằn tiện như thế.
Từ năm 2005, việc hiện đại hóa lực lượng không quân từng được Philippines đặt ra khi những máy bay chiến đấu đương thời quá già cỗi. Hàng thì sẵn với nhiều chủng loại chiến đấu cơ của các cường quốc quân sự. Thèm lắm, nhưng Manila đã phải cố nhịn, khi nhìn vào túi tiền lép của mình. Họ buộc phải từ chối các loại máy bay quá đắt, cho dù chúng có tính năng hiện đại, hiệu suất chiến đấu cao, để chọn loại máy bay chiến đấu “tầm tầm” hạng nhẹ siêu âm KAI FA-50 Golden Eagle từ Hàn Quốc. Dựa một phần vào công nghệ của F-16, nhưng loại FA-50 tương đối rẻ tiền có thể “một công đôi việc”: vừa huấn luyện, vừa là phòng không và tấn công hiệu quả.
Trong thực tế, lô hàng xuất xứ Hàn quốc này chỉ mới đưa vào biên chế quân đội khoảng dăm bảy năm. So với vòng đời máy bay, chừng đó thời gian, chúng “vẫn bay tốt”.
Thời thế không thay đổi, thì cứ của để dành đó mà dùng cũng là tốt chán với một quốc gia đầu sóng ngọn gió trên Biển Đông như Philippines, hằng năm, riêng thiệt hại do bão gây ra cũng đã hàng tỷ USD, chưa kể hai năm nay, nước này bị đại dịch covid-19 tàn phá dữ dội, kinh tế cực kỳ khó khăn.
Nhưng sự đời không đơn giản. Trong thập kỷ qua, thế giới diễn ra bao nhiêu chấn động. Biển Đông trở thành một khu vực chẳng lúc nào bình yên, luôn giông bão trước sự can dự của không chỉ những bên liên quan trực tiếp, mà còn của nhiều cường quốc tứ hướng.
Đã thế, thật không may cho Philippines, cũng như Việt Nam, luôn bị Trung Quốc o ép, gây hấn vì cái “đường chín đoạn” ngang ngược Bắc Kinh đơn phương áp đặt. Gần 10 năm trôi qua, việc Trung Quốc dùng thủ đoạn chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scaborough/đảo Hoàng Nham nằm cách bờ tây đảo lớn của Philippines 230 km và cách Trung Quốc hơn 800 km về phía bắc, vẫn là quả đắng khó nuốt trôi với người Philippines. Vụ việc đó, cũng là nguồn cơn trực tiếp để Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài LHQ (PCA) năm 2013 và được tòa này xử thắng.
Nhưng trước một gã ương ngạnh như Trung Quốc, chuyện xử thắng hay thua của một tòa án nặng về giải thích luật như PCA, gần như không thay đổi được thực tế. Scaborough/đảo Hoàng Nham vẫn nằm trong kiểm soát của Trung Quốc. Các vụ gây hấn, quấy nhiễu của Trung Quốc trên Biển Đông vẫn thường xuyên diễn ra. Bắc Kinh không vì kết quả phiên tòa mà hiền lành, tử tế hơn, ngược lại, càng bộc lộ cuồng vọng. Vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines tại bãi Cỏ Rong tháng 6 năm 2019 vừa là thí dụ, vừa là bài học, không chóng thì chầy, cũng khiến các nhà lãnh đạo Philippines sáng mắt, kể cả ông Duterte vốn ve vãn, cầu thân ông Tập Cận Bình và Bắc Kinh trong 2/3 nhiệm kỳ tổng thống. Thân tới mức, nó khiến có lúc Manila định xa Washington, rồi sau đó hối hận, phải có những động thái níu lại.
Bài học đó là gì? Là trong câu chuyện bảo vệ lợi ích, chủ quyền biển đảo, chẳng thể tin, càng chẳng thể dựa vào ai, mà cơ bản, phải dựa vào chính mình. Bài học đó là: Cùng với đấu tranh về ngoại giao và dư luận, sức mạnh quốc phòng là thứ phải có. Khó khăn đến như Việt Nam mà còn cắn răng sắm đội tàu ngầm Kilo nữa là. Với đội tàu đó, nếu “có biến”, dẫu là ai thì cũng phải dè chừng. Đó là chưa kể, Việt Nam còn mua 2 tổ hợp K-300P Bastion-P thuộc loại tối tân từ Nga để phòng thủ bờ biển.
Thế nên, suy cho cùng, về thương vụ 10 máy bay tiêm kích F-16 Block 70/72 trị giá 2,3 tỷ USD, Manila hẳn tính chán, chứ không hề nông nổi đâu. Chỉ sợ liệu nó có hanh thông được hay không thôi.