Thursday, November 14, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ làm tình hình Biển Đông ngày càng xấu đi

TQ làm tình hình Biển Đông ngày càng xấu đi

Nhân dịp đánh dấu 5 năm kể từ khi Tòa trọng tài quốc tế ngày 12.7.2016 đưa ra phán quyết bác bỏ bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đối với Biển Đông, Thanh Niên đã phỏng vấn một số chuyên gia quốc tế để đánh giá về tình hình vùng biển này thời gian qua.

Trả lời phỏng vấn có các chuyên gia: ông Greg Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ); PGS-TS Richard Heydarian, chuyên gia phân tích chính trị và các vấn đề quốc tế của Philippines; TS Swee Lean Collin Koh, chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore.

Bắc Kinh tăng cường quân sự

Ông đánh giá như thế nào về tình hình Biển Đông trong 5 năm qua ?
Ông Greg Poling: Tình hình ở Biển Đông diễn biến xấu hơn đối với các bên tranh chấp ở Đông Nam Á. Từ sau năm 2016, Trung Quốc hoàn thành thêm nhiều cơ sở quân sự ở một số thực thể tại Biển Đông để tăng cường lực lượng và triển khai hàng trăm tàu dân quân ở quần đảo Trường Sa. Những điều đó đang khiến cuộc sống của ngư dân, các nhà khai thác dầu khí và thường dân trên khắp khu vực ngày càng khó khăn hơn.
PGS-TS Richard Heydarian: Hơn 1 năm qua, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều nước ở Đông Nam Á lẫn Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ… bị phân tâm. Trong bối cảnh như vậy, Trung Quốc đã lợi dụng tình hình nhằm củng cố vị thế kiểm soát nhiều hơn về mặt thực địa ở Biển Đông. Trung Quốc tăng cường lực lượng dân quân biển quấy rối Philippines, Việt Nam. Điển hình là vụ nhiều tàu dân binh biển của Trung Quốc hoạt động suốt nhiều tháng tại bãi Ba Đầu. Bắc Kinh đang bao vây, cưỡng ép các nước khác ra khỏi khu vực quần đảo Trường Sa.

TS Swee Lean Collin Koh: Chúng ta chưa thấy xung đột bùng phát ở Biển Đông. Nhưng tình hình đã trở nên căng thẳng hơn – với sự can dự của nhiều bên (đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ) và một loạt các vụ gây sức ép ở một số thực thể tại Biển Đông. Xung đột chưa nổ ra có thể do các bên liên quan nỗ lực giữ cho hành động của họ dưới ngưỡng sử dụng vũ trang và các cuộc đối thoại tiếp tục đang diễn ra, chẳng hạn như các cuộc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) đang diễn ra – dù đàm phán đã chậm lại kể từ khi Covid-19 bùng phát.

Trung Quốc có nhiều hoạt động gây quan ngại

Suốt 5 năm qua, Trung Quốc liên tục có nhiều hành vi gây quan ngại ở Biển Đông. Giữa năm 2019, Trung Quốc điều động tàu khảo sát Hải Dương 08 cùng lực lượng tàu yểm trợ xâm phạm vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Lực lượng hải cảnh Trung Quốc cũng thường xuyên quấy phá tàu cá của ngư dân Việt Nam. Trong đó, một vụ việc nghiêm trọng đã diễn ra vào ngày 2.4.2020 khi tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm 1 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đang hoạt động hợp pháp ở vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Được mệnh danh là “hung thần” trên Biển Đông, lực lượng hải cảnh Trung Quốc đầu năm nay được Quốc hội nước này thông qua luật mới cho phép sử dụng vũ khí nhằm vào tàu nước ngoài ở các vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Điều này gây nên quan ngại nghiêm trọng vì Trung Quốc có thể lợi dụng để tấn công tàu các nước.
Cũng trong 5 năm qua, Bắc Kinh đã quân sự hóa, triển khai nhiều hệ thống do thám, tên lửa đối không (như HQ-9) lẫn đối hải (YJ-12, YJ-62…) đến các thực thể ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp. Trong số này, sau đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, các bãi đá Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa cũng đã được Trung Quốc hoàn thiện các hạ tầng đường băng, nhà chứa máy bay. Kèm theo đó, Trung Quốc cũng thường xuyên điều các loại máy bay tiêm kích như J-10 và J-11, oanh tạc cơ H-6 đến các đảo và bãi đá vừa nêu.
Bắc Kinh cũng liên tục tổ chức nhiều cuộc tập trận ở Biển Đông trong những năm gần đây.

Ông nhận định thế nào về các động thái của Trung Quốc (ví dụ tăng cường thiết lập vùng xám, quân sự hóa…) ở Biển Đông?

Ông Greg Poling: Trung Quốc thực thi chiến lược vùng xám ở Biển Đông bằng cách điều động lực lượng hải cảnh và dân binh biển gây ra nguy cơ va chạm và đe dọa các tàu của Philippines, Malaysia và VN. Các nước trong khu vực ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư sẵn sàng vào dầu khí ngoài khơi vì những rủi ro. Ngư dân Philippines đang bị xua đuổi khỏi ngư trường. Không bao lâu nữa, Biển Đông sẽ quá nguy hiểm cho bất kỳ thường dân nào khác ngoài Trung Quốc hoạt động.
TS Swee Lean Collin Koh: Những năm qua, chúng ta có thể thấy rằng Trung Quốc đã tiến hành củng cố hơn nữa quyền kiểm soát và thống trị thực tế ở Biển Đông. Điển hình là các cuộc nâng cấp liên tục đối với khu vực mà họ kiểm soát – đặc biệt là các tiền đồn đảo nhân tạo, hoặc việc tăng cường khả năng quân sự và tuần duyên nói chung ở khu vực. Và như tôi đã đề cập, Trung Quốc tiếp tục sử dụng các hành vi cưỡng ép đối với các nước Đông Nam Á tại Biển Đông.
RELATED ARTICLES

Tin mới