Monday, November 18, 2024
Trang chủĐiểm tinLý do khiến Nga – Trung xích lại gần nhau hơn bao...

Lý do khiến Nga – Trung xích lại gần nhau hơn bao giờ hết

Sức ép của Mỹ và phương Tây không chỉ khiến Nga – Trung xích lại gần nhau mà còn khiến hai nước này ngày càng thực tế hơn trong mối quan hệ với nhau.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Những lằn ranh đỏ khác biệt của Nga và Mỹ

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Mỹ ở Geneva, Thụy Sĩ hồi giữa tháng 6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã vạch rõ những lằn ranh đỏ của mình. Về phía Nga, nước này kiên quyết phản đối Ukraine gia nhập NATO, việc triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung ở châu Âu, những nỗ lực của phương Tây nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Lukashenko ở Belarus và việc ủng hộ các lực lượng chống đối Nga về chính trị và tài chính. Mỹ cũng vạch rõ những lằn ranh đỏ của mình gồm phản đối Nga can thiệp bầu cử, tấn công mạng vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ…

Cuộc gặp này cũng góp phần vào việc cải thiện quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin. Ngay sau cuộc gặp ở Geneva, ông Biden đã ngắt lời một phóng viên CNN khi người này đặt câu hỏi mang tính tiêu cực về Tổng thống Putin. Trở về từ Geneva, Tổng thống Putin cũng đánh giá cao sự chuyên nghiệp trong quan hệ quốc tế của Tổng thống Biden.

Tuy nhiên, cuộc gặp này không thể tạo ra những thay đổi thực sự trong bản chất quan hệ Nga – Mỹ. Những lằn ranh đỏ của Nga đã được vạch rõ nhưng Mỹ dường như không sẵn sàng đáp ứng những điều kiện này. Đối với những lằn ranh đỏ mà Mỹ vạch ra, cũng không có dấu hiệu gì cho thấy Nga sẽ chấp nhận những điều đó. Nga đã nhiều lần khẳng định nước này không bao giờ can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ hay tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ.

Sau Hội nghị Thượng đỉnh Geneva, Tổng thống Putin đã khẳng định một lần nữa rằng, không có sức ép nào từ Mỹ và Liên minh châu Âu, thậm chí cả các lệnh trừng phạt, có thể khiến Nga từ bỏ những lằn ranh đỏ mà không có sự nhượng bộ từ hai bên.

Mặc dù “vấn đề Trung Quốc” không được thảo luận riêng trong cuộc gặp này nhưng chủ đề Trung Quốc và những mối quan hệ trong tam giác Mỹ – Nga – Trung vẫn âm thầm chi phối đến các vấn đề trong cuộc họp. Cả trước và sau Hội nghị Thượng đỉnh, có nhiều nhận định từ Mỹ và phương Tây lo ngại về việc Nga và Trung Quốc ngày càng xích lại gần nhau, đồng thời cho rằng Mỹ cần làm điều gì đó để đảm bảo Nga sẽ không rơi vào “vòng tay” Trung Quốc.

Quan điểm Trung Quốc là đối thủ lớn nhất của Mỹ bắt đầu được định hình dưới thời cựu Tổng thống Trump. Ông Trump muốn cải thiện quan hệ với Nga để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chính sách của Tổng thống Biden rõ ràng có nhiều điểm “kế thừa” từ những di sản trước đó của ông Trump. Trên thực tế, Tổng thống Biden đã dỡ bỏ những lệnh trừng phạt quan trọng với dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2. Dường như Mỹ và châu Âu bắt đầu nhận ra rằng, những lệnh trừng phạt không hiệu quả và phản tác dụng nhằm gây sức ép với Nga chỉ đẩy Moscow ra xa hơn và không còn lựa chọn nào khác ngoài xích lại gần Trung Quốc.

Tóm lại, cả Washington và Brussels đều thừa nhận rằng, việc tách Nga khỏi Trung Quốc là điều cần thiết. Mặc dù đây là một công việc vô cùng khó khăn nhưng các nước phương Tây có thể sẽ đưa cho Nga một số đề xuất để thuyết phục nước này rằng, về dài hạn, việc xây dựng một liên minh gần gũi với Trung Quốc sẽ không có lợi cho Moscow. Tuy nhiên, ngay cả khi các đề xuất được đưa ra, Nga cũng không dễ quyết định bởi có quá nhiều lằn ranh đỏ giữa Nga và phương Tây trong khi hai bên đều không sẵn sàng chấp nhận nhau.

Vì sao Nga – Trung xích lại gần nhau hơn bao giờ hết?

Rõ ràng, cần phải đánh giá sự hợp tác kinh tế giữa Nga và Trung Quốc ở một mức độ khác so với mối quan hệ của 2 nước về chính trị và quân sự. Mặc dù các nhà đầu tư Trung Quốc chủ động đầu tư vào một vài dự án quan trọng của Nga trong các lĩnh vực như năng lượng, cơ sở hạ tầng, ngân hàng, công nghệ cao, hàng không nhưng chúng đều không đủ lớn về quy mô. Trên thực tế, ở Nga, không có dự án lớn nào và cũng không có khoản đầu tư quan trọng nào từ Trung Quốc.

Hiện nay, Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào châu Phi, Mỹ Latin và một số quốc gia Đông Nam Á. Đây là một kế hoạch quan trọng với Trung Quốc. Về mặt chiến lược và kinh tế, những khoản đầu tư về kinh tế, hạ tầng, các ngành khoa học và công nghệ ở Nga hầu như đều không đáng kể với cả Nga và Trung Quốc.

Giới chức Nga và bản thân Tổng thống Putin hiểu rõ, một Trung Quốc đang trỗi dậy – “người khổng lồ” ở những biên giới của Nga không chỉ là đem tới thách thức mà còn cả cơ hội. Ngày nay, trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao, Bắc Kinh không chỉ theo kịp châu Âu và Mỹ mà còn vượt lên trước ở một số khía cạnh, chẳng hạn như công nghệ 5G, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học…

Sự mở rộng của Trung Quốc ở Trung Á qua sáng kiến “Vành đai và Con đường” cũng đem tới cho Nga thách thức và cơ hội riêng. Trung Á không còn là khu vực ảnh hưởng của riêng Nga nữa mà còn chịu ảnh hưởng từ Mỹ, phương Tây và Trung Quốc. Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, sự gia tăng ảnh hưởng của Taliban trong khu vực và những tham vọng địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ đều đang thay đổi khu vực này. Hợp tác với Trung Quốc, Nga sẽ không đơn độc trong việc đảm bảo an ninh khu vực, dù cho Mỹ tiếp tục tìm cách duy trì sự hiện diện và ảnh hưởng một cách trực tiếp hoặc thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay từ đầu, Nga và Trung Quốc có lẽ đã cân nhắc đến việc thúc đẩy sự hợp tác quân sự qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Cuối cùng, bằng cách hình thành liên minh nhằm chống lại Nga và Trung Quốc, Mỹ và châu Âu đang khiến Moscow không còn lựa chọn nào ngoài xích lại gần Bắc Kinh. Nga đã trở nên thực tế trong quan hệ với Trung Quốc. Ngăn cản các nước từng chịu ảnh hưởng của Nga khỏi tầm ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Trung Quốc có lẽ điều vô ích và thậm chí là một động thái chính trị thiếu khôn ngoan. Nga thiếu nguồn lực để đơn phương duy trì ảnh hưởng ở một khu vực rộng lớn như Trung Á. Chỉ trích công khai Trung Quốc sẽ khiến mối quan hệ với Bắc Kinh lao dốc và điều này không có lợi cho Moscow khi quan hệ giữa nước này và phương Tây đang ở mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Không thể ngăn cản sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, Nga chuyển sang tận dụng tối đa sự hiện của Bắc Kinh ở Trung Á.

Kích động sự đối đầu Nga – Trung là điều bất khả thi, ít nhất là chừng nào mà Mỹ vẫn gây sức ép với cả hai. Bắc Kinh và Moscow sẽ chia nhau sự ảnh hưởng ở Trung Á. Nga có lẽ sẽ ít lên tiếng về những kế hoạch kinh tế của Trung Quốc mà thay vào đó tập trung hơn vào việc tăng cường vai trò an ninh của mình.

Mặc dù từng duy trì ảnh hưởng ở Trung Á trong hàng thế kỷ nhưng chia nhau ảnh hưởng với Trung Quốc sẽ khiến Nga ít tổn thất hơn là đối đầu với Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới