Năm xưa Nguỵ Vũ Đại Đế là Tào Tháo ‘bảo vệ vua, lệnh chư hầu’. Ngày nay anh cả của thế giới là Mỹ cũng muốn ‘giữ quy tắc, lệnh phản tặc’ đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nếu chính quyền ông Tập không tuân thủ quy tắc, họ sẽ nhận trừng phạt tơi bời từ Hoa Kỳ và các đồng minh.
Khi Biden vừa lên nắm quyền, ĐCSTQ muốn nối lại liên lạc cấp cao với Mỹ càng sớm càng tốt. Vì để có thể gặp Blinken, ĐCSTQ thậm chí còn đồng ý đến Alaska. Về mặt ngoại giao, đây là sắp xếp có tính ‘sỉ nhục’ đối với ĐCSTQ. Nhưng gần đây gió đã đổi chiều, ĐCSTQ đang muốn tránh mặt anh cả Hoa Kỳ.
Tờ Financial Times của Anh đưa tin độc quyền rằng, lý do khiến Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman huỷ chuyến thăm Trung Quốc là vì ĐCSTQ từ chối để bà gặp Lạc Ngọc Thành – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách công việc thường nhật. ĐCSTQ chỉ đồng ý cho bà Sherman gặp Tạ Phong – Thứ trưởng phụ trách các vấn đề Hoa Kỳ.
Tạ Phong là nhân vật thứ năm trong số các Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, còn Lạc Ngọc Thành là nhân vật đứng thứ tư. Đây rõ ràng là sự sắp xếp mang tính hạ thấp, vậy nên Hoa Kỳ đã hủy chuyến thăm Thiên Tân – Trung Quốc của bà Sherman.
Theo RFI, từ đầu tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã ba lần yêu cầu đối thoại với Từ Kỳ Lượng – Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương, nhưng bị ĐCSTQ từ chối. Ngoài ra, Tướng Mark Milley – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ cũng không đối thoại được với người đồng cấp phía ĐCSTQ.
Ban đầu khi Biden nhậm chức, ĐCSTQ rất muốn đối thoại trực tiếp với quan chức cấp cao của Mỹ. Tại sao bây giờ có thái độ thay đổi như vậy?
Hoàn cảnh ở Đại lục: Ông Tập đang thiết lập sùng bái cá nhân
Học giả Đường Tĩnh Viễn trong Viễn kiến khoái bình (Nhìn xa bình nhanh) đăng ngày 17/7 cho rằng:
“Điều này thuyết minh hoàn cảnh chính trị của Tập Cận Bình đã có một số thay đổi.
Hiện nay ở Trung Quốc Đại lục thì tất cả các lĩnh vực đang được thắt chặt, để thiết lập sùng bái cá nhân, ví như cái gọi là ‘học tập tư tưởng Tập Cận Bình’ (1).
Ông Tập đã thay đổi chiến lược cơ bản nhất từ thời Đặng Tiểu Bình, đó chính là chuyển từ ‘lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm’ sang thành ‘lấy kiến lập trật tự thế giới mới làm trung tâm’. Tập Cận Bình muốn chứng minh ‘chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc thời đại mới’ ưu việt hơn chế độ tự do dân chủ. Dù có dùng ‘thất thương quyền‘ (2) cũng không tiếc”.
Tập Cận Bình muốn tỏ ra ‘mạnh mẽ’ để có thể tái đắc cử trong Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 20 diễn ra vào năm sau là 2022. Cho nên bất cứ hành vi nào được xem là nhún nhường, mềm yếu, ông Tập cũng đều không cho phép.
Nhưng Mỹ và các đồng minh đã có động thái bước vào ‘lằn ranh đỏ’, đồng thời liên kết chặt với quốc gia quan trọng nhất ở Tây Âu là Đức.
Động thái của Hoa Kỳ và các đồng minh
Ngày 15/7, một máy bay hành chính của quân đội Hoa Kỳ một lần nữa bay lượn trên bầu trời Đài Loan rồi hạ cánh ở sân bay Tùng Sơn – thủ đô Đài Bắc. Chiếc máy bay giao đến một gói hàng, ở lại sân bay 37 phút rồi trở về.
Hoa Kỳ đã một lần nữa bước vào lằn ranh đỏ của ĐCSTQ. Họ đang dò xét liệu ĐCSTQ có thể biến sợi dây màu đỏ thành dây chun màu đỏ có thể kéo giãn tuỳ ý hay không.
Ngày 16/7, CNN có một bài báo nói rằng Hoa Kỳ và các đồng minh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã triển khai một cuộc tập trận mang tên ‘Hành động sắt thép Thái Bình Dương năm 2021’.
Quân đội Mỹ đã gửi 25 chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor (được mệnh danh là Vua bầu trời) tinh nhuệ nhất tham gia cùng đồng minh. Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Hoa Kỳ là Kenneth Wilsbach nói rằng: “Chúng tôi chưa bao giờ triển khai nhiều máy bay chiến đấu F-22 Raptor như vậy đến Chiến khu Lực lượng Không quân Thái Bình Dương”.
Tại sao phía Mỹ lại cử 25 chiến đấu cơ F-22 Raptor?
Đường tiên sinh nhìn nhận ‘đây là một con số rất thú vị’. Ông nói:
“Theo đánh giá của quân đội Hoa Kỳ, khả năng chiến đấu thực tế của Chiến đấu cơ thế hệ 5 của Không quân ĐCSTQ chỉ tầm 20-24 chiếc. Cho nên phía Hoa Kỳ dùng 25 chiến đấu là F-22 Raptor hiện đại nhất để chứng minh cho ĐCSTQ thấy rằng: ‘Chúng tôi biết giới hạn của bạn, hơn nữa trong một thời gian ngắn chúng tôi có thể triển khai 25 chiến đấu cơ thế hệ 5, tức là nhiều hơn số máy bay trong kho của bạn. Thậm chí có thể đưa nhiều máy bay tàng hình hơn nữa vào chiến trường’.
Hiện nay trong thời kỳ hoà bình, quân đội Mỹ có thể sử dụng bao nhiêu máy bay chiến đấu F-22 Raptor? Khoảng 90 chiếc (gấp gần 5 lần so với ĐCSTQ)”.
Còn đồng minh của Hoa Kỳ ở Đông Bắc Á là Nhật Bản ngày 13/7 đã công bố Sách trắng Quốc phòng, chính phủ Nhật Bản đã tách riêng vấn đề Đài Loan – bước vào lằn ranh đỏ của ĐCSTQ. Đồng thời trên trang bìa là hình ảnh Nam Mộc Chính Thành – biểu tượng ‘tinh trung báo quốc’ của Nhật Bản.
Nhật Bản sử dụng Kanji Chính thể, nhưng họ đã làm video cuộc tập trận chung Nhật – Anh bằng chữ Hán Giản thể để… ĐCSTQ có thể xem.
Hội nghị Thượng đỉnh ngày 15/7 giữa Biden và Merkel một lần nữa chứng minh, Hoa Kỳ đang giải quyết những chia rẽ với đồng minh quan trọng nhất ở Tây Âu là Đức. Bởi Đức cùng Pháp là tâm điểm của sự chia rẽ Liên minh Mỹ – Âu.
Hoa Kỳ muốn ‘giữ quy tắc, lệnh phản tặc’
Kết nối những hành động gần đây của Hoa Kỳ và đồng minh, học giả Đường Tĩnh Viễn đã có một góc nhìn rất độc đáo:
“Chúng ta nói nhiều thông tin như vậy thực ra là muốn giải thích điều này: Hoa Kỳ và các đồng minh đang phát động cuộc tấn công khiến Tập Cận Bình phải co người phòng thủ.
Hoa Kỳ muốn chủ động tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ, nhưng phía ông Tập lại thường lấy những lý do để trốn tránh. Nói cách khác, phía Hoa Kỳ không chỉ muốn gặp trực tiếp để giảm bớt xung đột và chia rẽ, mà còn đưa ra một thông điệp: “giữ quy tắc, lệnh phản tặc”, giống như Tào Tháo năm xưa “bảo vệ vua, lệnh chư hầu”.
Bởi vì chúng ta đều biết rằng ĐCSTQ tuyên bố muốn lật đổ trật tự cũ để thiết lập trật tự mới, cho nên từ góc độ này mà nhìn, thì ĐCSTQ giống ‘phản tặc’ trong xã hội quốc tế. Vì vậy Hoa Kỳ đang tích cực yêu cầu thiết lập cuộc gặp cấp cao song phương Mỹ – Trung, chính là mang theo ‘lệnh’ mạnh mẽ.
Mà nội dung thực chất của ‘lệnh’ chính là Hoa Kỳ không ngừng bày tỏ rằng: ĐCSTQ phải tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên quy tắc, nếu không thì sẽ nhận phải sự trừng phạt đủ đau đớn từ Hoa Kỳ và các đồng minh”.