Phiên 19/7, có đến 14 cổ phiếu chứng khoán đóng cửa tại mức giá sàn như VCI, FTS, VDS, AGR, CTS, HCM, MBS,… Các mã còn lại cũng chứng kiến mức giảm cận sàn và chốt phiên chìm trong sắc đỏ rực lửa; không một mã nào giữ được sắc xanh.
Có một câu nói phổ biến trong giới đầu tư thời gian qua, đó là “đỉnh của dịch sẽ là đáy của thị trường”, và dường như những diễn biến ngày càng căng thẳng của làn sóng dịch bệnh Covid-19 đã được thị trường chứng khoán nhanh chóng phản ứng và thể hiện.
Phiên đầu tuần 19/7, áp lực bán tháo mạnh đã khiến các chỉ số chứng khoán đồng loạt chìm sâu trong sắc đỏ ngay từ khi mở cửa. VN-Index có thời điểm “rơi” đến 60 điểm và thủng đáy 1.240 điểm. Tuy nhiên, lực bắt đáy ngay sau đó đã kéo chỉ số tăng trở lại sau nhịp nhúng sâu và không chốt phiên tại mức thấp nhất. VN-Index đóng cửa ngày giao dịch 19/7 giảm 55,8 điểm (4,29%) xuống 1.243,51 điểm.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu “nóng” thời gian qua là cổ phiếu chứng khoán đã chứng kiến lượng cung dồn dập trong phiên hôm nay, từ đó khiến hàng loạt mã bị giảm hết biên độ và nằm sàn la liệt. 14 cổ phiếu đóng cửa tại mức giá sàn như VCI, FTS, VDS, AGR, CTS, HCM, MBS,… Các mã còn lại cũng chứng kiến mức giảm cận sàn và chốt phiên chìm trong sắc đỏ rực lửa; không một mã nào giữ được sắc xanh.
Nếu coi mức lãi suất tiết kiệm ngân hàng 6%/năm là một thước đo, thì mới chỉ qua 1 phiên giao dịch duy nhất nhưng đã có đến 30 mã cổ phiếu chứng khoán đã ghi nhận mức giảm lớn hơn mức lãi tiết kiệm trong từ 1 đến 2 năm trời. Tính riêng trong phiên 19/7, vốn hóa ngành chứng khoán đã bị thổi bay hàng nghìn tỷ đồng.
Dẫn đầu là Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS). Cổ phiếu này hôm nay ghi nhận mức giảm lên tới 10,9%, đưa thị giá chốt phiên xuống mức 11.500 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường bốc hơi hơn 177 tỷ đồng. Sau khi hàng loạt phiên đỏ lửa và thậm chí là lau sàn hôm 12/7, SBS đang trên đà hồi phục với 4 phiên gần nhất đóng cửa tại mức giá xanh; tuy nhiên đà giảm hôm nay đã khiến thị giá bị “đạp” trở lại.
Theo sau, APS, MBS, VIG, HBS, PSI đồng loạt nằm tại mức giá sàn với biên độ giảm đều trên ngưỡng 9%, đồng thời ghi nhận hiện tượng trắng bên mua khi đóng cửa giao dịch.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong ngành cũng không thể trụ vững trong ngày giao dịch đầy biến động này. VND ghi nhận phiên rực lửa với mức giảm 7,6%, đóng cửa tại giá 37.800 đồng/cổ phiếu, hơn 1.333 tỷ đồng vốn hóa “bốc hơi” ngay trong ngày.
Tương tự với SSI, mã này ghi nhận giảm 6,6% trong phiên hôm nay, tương ứng mức giảm tuyệt đối 3.500 đồng/cổ phiếu. Với xấp xỉ 655 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa SSI đã bị thổi bay gần 2.300 tỷ đồng. Ông lớn VCI thì lau sàn tại mức 48.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức giảm 6,9% về giá trị, gần 1.200 tỷ vốn hóa bị bốc hơi.
Điểm sáng duy nhất là việc dòng vốn ngoại hôm nay đã rót ròng vào hai mã cổ phiếu này. Cụ thể, SSI đã hút ròng hơn 7 tỷ đồng từ nhà đầu tư ngoại trong khi VCI được mua ròng với lực mạnh mẽ hơn là 25,7 tỷ đồng.
Mặt khác, cổ phiếu vốn hóa chục nghìn tỷ là HCM thì lại chứng kiến việc bị rút ròng hơn 29,3 tỷ đồng từ khối ngoại trong phiên hôm nay. Tuy vậy, thị giá HCM không có sự ngược chiều với hai ông lớn trên, đóng cửa đứng tại giá sàn 44.500 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm 6,9% (giảm 3.300 đồng/cổ phiếu), vốn hóa của HCM bốc hơi hơn 1.000 tỷ đồng.
Danh sách giảm sàn còn các cổ phiếu midcaps. FTS đã giảm 7% về giá trị, đóng cửa phiên 19/7 tại mức 31.350 đồng/cổ phiếu. Thị giá AGR cũng kịch biên độ 6,7% về mức 11.900 đồng/cổ phiếu, vốn hóa bốc hơi hơn 179 tỷ đồng. CTS đánh mất 1.400 đồng/cổ phiếu trong phiên hôm nay, chốt phiên mức sàn 19.300 đồng/cổ phiếu, vốn hóa theo đó rơi gần 150 tỷ đồng.
Ngoài chứng khoán, hai nhóm ngành tăng “nóng” nhất trong nửa đầu năm 2021 là ngân hàng, thép cũng chịu chung cảnh nằm sàn trong phiên 19/7. Dòng tiền bắt đáy là quá yếu ớt với áp lực xả của hàng loạt mã Bluechips trong các nhóm ngành.
CTG, VPB, TCB, VIB, MSB, LPB, TPB của nhóm cổ phiếu vua đứng tại giá sàn với đà giảm trong ngưỡng 7%, nhiều mã trống hoàn toàn bên mua. Nhóm thép thì có NKG, POM, TLH cũng bị thổi bay hàng nghìn tỷ đồng vốn hóa trong phiên hôm nay, đồng loạt đóng cửa tại mức giá sàn.
Chuyên gia nói về về nhóm “bank, chứng, thép” trong nửa cuối năm 2021?
Gần đây, ông Nguyễn Chí Trung – Phó Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán Khách hàng cá nhân – CTCP Chứng khoán SSI và bà Hoàng Việt Phương – Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI đã đưa ra một số góc nhìn về các cổ phiếu “bank, chứng, thép” trong giai đoạn còn lại của năm 2021.
Cụ thể, ông Trung cho rằng, cổ phiếu chứng khoán sẽ tiếp tục hưởng lợi từ thanh khoản tăng trưởng mạnh và mức giá giá trong nửa đầu năm giúp các mảng kinh doanh như môi giới, tự doanh tích cực. Tùy vào từng khẩu vị của nhà đầu tư, ngắn hạn thì có thể mua thấp bán cao rồi theo xu thế thị trường, nhưng khi thị trường hồi phục thì hoàn toàn có thể xem xét cổ phiếu nhóm chứng khoán.
Còn về ngành thép, là nhóm có chu kỳ, sau khoảng thời gian tăng trưởng tốt thì các năm sau đó thường giảm. KQKD nửa đầu năm ngành thép tốt trong bối cảnh giá thép tăng, giá cổ phiếu cũng đã đi theo kỳ vọng này. Đến hiện tại, mục tiêu lúc mua đã được đáp ứng, việc nhà đầu tư thực hiện chốt lời trong ngắn hạn là hoàn toàn bình thường trên TTCK.
Còn với ngân hàng, bà Phương nhận định giá cổ phiếu đã phán ánh dự báo về KQKD tăng trưởng trên 50-60%. Nếu nhìn nửa cuối năm 2021, bức tranh ngân hàng hơi khác đi một chút, không còn thấy các con số trong nửa đầu năm nữa thì giá cổ phiếu cũng dần được phản ánh.