Trung Quốc đang có những đầu tư lớn và dài hạn vào lĩnh vực công nghệ không gian để phát triển vũ khí đe dọa vệ tinh của Mỹ.
Trong một hội nghị về an ninh mới đây, Giám đốc tình báo Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ là chuẩn đô đốc Michael Studeman cho biết Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển các loại vũ khí diệt vệ tinh để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách công nghệ không gian với Mỹ.
Tham vọng thống trị
Ông Studeman không nói rõ chi tiết cụ thể, nhưng cho biết vũ khí của Trung Quốc có khả năng gây lóa, nhiễu và tiêu diệt trực tiếp từ mặt đất lẫn từ trong không gian, theo Bloomberg.
Mỹ đầu tư 1,5 tỉ USD cho AI
Phát biểu tại hội nghị do Ủy ban An ninh quốc gia về trí tuệ nhân tạo tổ chức hồi đầu tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đã đặt mục tiêu chiếm ưu thế toàn cầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) vào năm 2030, theo tờ Nikkei Asia ngày 15.7. Bộ trưởng Austin thông báo Mỹ sẽ đầu tư gần 1,5 tỉ USD vào nghiên cứu và phát triển AI trong 5 năm tới nhằm chiến thắng cuộc chạy đua vũ khí AI với Trung Quốc. Nỗ lực không chỉ liên quan đến các nhà thầu quốc phòng lớn mà còn có sự tham gia của các trường đại học và doanh nghiệp nhỏ.
“Bắc Kinh đã nói về việc sử dụng AI cho nhiều nhiệm vụ như giám sát cho đến tấn công mạng hay vũ khí tự hành. Trong lĩnh vực AI, chúng tôi hiểu rằng Trung Quốc là một thách thức so kè. Chúng tôi sẽ cạnh tranh để chiến thắng nhưng sẽ làm điều đó theo cách đúng”, ông Austin nói. Hồi tháng 5, ông Austin phê chuẩn khái niệm Chỉ huy và kiểm soát toàn miền (JADC2), kết nối toàn bộ cảm biến của các quân chủng vào một mạng lưới duy nhất và sử dụng AI để tính toán kế hoạch hành động tối ưu. Lầu Năm Góc đang tìm cách hợp tác với hơn 30 nước để áp dụng mô hình này. Trong trường hợp xung đột nổ ra, việc kết hợp dữ liệu của một nước đồng minh sẽ giúp cải thiện độ chính xác của thông tin tình báo.
“Họ đang theo dõi và muốn cân bằng hoặc vượt qua năng lực không gian của chúng ta để có thể thống trị, đảm bảo họ có đủ năng lực cần thiết để đạt những mục đích nếu phải tham gia một cuộc chiến”, ông Studeman tuyên bố.
Theo báo cáo hằng năm của Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ (DNI), Trung Quốc đã triển khai các loại tên lửa chống vệ tinh từ mặt đất nhằm tiêu diệt các vệ tinh trong quỹ đạo trái đất tầm thấp (mức trần 2.000 km). Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã triển khai các hệ thống laser chống vệ tinh từ mặt đất có thể gây mù hoặc gây thiệt hại cho những cảm biến quang học trên các vệ tinh.
Sắp tới, quân đội Trung Quốc sẽ tiếp tục tích hợp các dịch vụ không gian như vệ tinh liên lạc, trinh sát, định vị… vào các hệ thống vũ khí và hệ thống chỉ huy – kiểm soát nhằm xóa bỏ lợi thế thông tin của quân đội Mỹ. Bên cạnh đó, Trung Quốc được cho là sẽ tích hợp hoạt động chống các hệ thống trong không gian vào những cuộc tập trận và phát triển thêm nhiều loại vũ khí chống vệ tinh mới, từ trên bộ lẫn trong không gian.
Cuộc chạy đua vũ khí
Nhận định của ông Studeman là đánh giá mới nhất của giới chức Mỹ về năng lực vũ khí không gian của Trung Quốc. Mối đe dọa của Trung Quốc và bước tiến của Nga trong lĩnh vực công nghệ vũ khí không gian chính là yếu tố dẫn đến việc Mỹ thành lập quân chủng thứ 6 của quân đội là quân chủng không gian hồi năm 2019. Nhiều nước khác như Anh, Pháp hay mới đây nhất là Đức cũng đã lập bộ chỉ huy không gian để đối phó với mối đe dọa trên chiến trường này.
Trong khi đó, quân đội Mỹ cũng đã phát triển các công nghệ không gian mới. Hồi tháng 3.2020, Lực lượng không gian Mỹ chính thức sở hữu hệ thống tấn công đầu tiên mang tên Hệ thống chống liên lạc (CCS) Block 10.2.
Theo trang The Drive, chức năng của hệ thống vũ khí trên bộ này được cho là gây nhiễu, gián đoạn việc truyền tín hiệu liên lạc từ các vệ tinh của đối phương. Khác với các loại vũ khí của Nga và Trung Quốc, hệ thống này giúp tránh gây phá hủy vệ tinh trong không gian, do đó sẽ không tạo ra các mảnh vỡ đe dọa hệ thống của quân đội Mỹ. Quân đội Mỹ đang phát triển các phiên bản nâng cấp và dự kiến triển khai 48 hệ thống vũ khí này trong 7 năm tới.