Đợt mưa lũ chưa từng ghi nhận trong vòng 1.000 năm qua ở Hà Nam, Trung Quốc được các chuyên gia khẳng định là không liên quan đến việc xây dựng đập.
Tính hết ngày 21/7, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã ghi nhận ít nhất 25 trường hợp tử vong vì mưa lũ lịch sử được cho là chưa từng chứng kiến trong 1.000 năm qua.
Lũ lụt nghiêm trọng được cho là do mưa lớn kéo dài và bão mạnh. Nhiều người đặt ra câu hỏi về mối tương quan giữa các đập giữ nước của Trung Quốc và tình trạng mưa lũ hiện nay.
Các chuyên gia nói trên tờ Thời báo Hoàn Cầu rằng, việc xây đập tích nước và lũ lụt ngày càng tồi tệ hơn xảy ra là “không có liên quan đến nhau”, đặc biệt trong trường hợp vừa xảy ra ở Hà Nam.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, các kênh truyền thông nước ngoài đang “phóng đại vấn đề” vì thực tế, việc xây dựng các đập và hồ chứa sẽ tăng cường khả năng phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai trong khu vực.
Giáo sư Fu Zhongfu về Bảo tồn nguồn nước và Kỹ thuật thủy điện tại Đại học Hehai, nói: “Không nên đổ lỗi cho những con đập trong các thảm họa thiên nhiên hiếm gặp.”
Theo giới chuyên gia, có nhiều nguyên nhân xảy ra lũ lụt, ví dụ như địa hình (Hà Nam là vùng thấp), và tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất các hệ thống thoát nước hiện nay ở Trung Quốc không được thiết kế cho những trận mưa như trút nước trong thời tiết khắc nghiệt.
Ma Jun, Giám đốc Viện Các vấn đề Công cộng và Môi trường ở Bắc Kinh, nói việc xây dựng các con đập sẽ có một số tác động đến sinh thái ở vùng ngập lũ, nhưng không liên quan trực tiếp đến lũ lụt.
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, trận mưa lũ “ngàn năm có một” xảy ra quá đột ngột nên các hệ thống hồ chứa và đập không kịp phản ứng. Ngoài ra, ông Fu nói đập còn có nhiều công dụng khác như tạo ra điện, thúc đẩy du lịch và thủy lợi.
Vụ con đập bị vỡ ở Lạc Dương ngày 21/7 có thể là đập cũ bằng đất, được xây từ những năm 1950-1970. Mặc dù được gia cố và bảo trì, con đập này bị vỡ do nước dâng cao vượt quá ngưỡng an toàn là điều khó tránh khỏi.
Con đập này là con đập thứ 3 ở tỉnh Hà Nam bị vỡ trong chưa đầy 48 giờ.
Tình trạng mưa lũ ở Trịnh Châu đã khiến Trung Quốc phải đặt tình trạng khẩn cấp. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mô tả tình hình “rất nghiêm trọng” với các biện pháp kiểm soát lũ lụt đang bước vào “giai đoạn trọng yếu”.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, tổng cộng 1,24 triệu người bị ảnh hưởng vì đợt mưa lũ lớn chưa từng thấy trong 60 năm qua tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Hơn 160.000 người phải sơ tán khi lực lượng cứu hộ, có cả quân đội, tiếp tục được điều động tới hỗ trợ cho Hà Nam.
Tại thành phố Trịnh Châu, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mưa lũ lần này ở tỉnh Hà Nam, các binh sĩ Trung Quốc đang nỗ lực cứu hộ người dân ở thành phố hơn 10 triệu dân, nơi đón nhận lượng mưa tương đương với lượng mưa trung bình cả năm chỉ trong 3 ngày gần đây.
Lượng mưa tại tỉnh Hà Nam trong đợt mưa lũ lần này được cho là lớn nhất trong 60 năm qua. Các phương tiện truyền thông địa phương thì mô tả đây là trận mưa lũ “ngàn năm có một”.
Giới chuyên gia Trung Quốc được cho đã dự báo đúng là sẽ có mưa lũ kinh hoàng nhưng lại đoán sai thời gian và địa điểm.
Bà Su Aifang, phó giám đốc cơ quan khí tượng của tỉnh Hà Nam, hôm 21/7 cho biết chính quyền tỉnh đã được cảnh báo về nguy cơ thời tiết khắc nghiệt từ hôm 15/7.
Các nhà dự báo đã dự đoán rằng trận mưa lớn nhất sẽ diễn ra ở thị trấn Tiêu Tác một ngày trước khi những trận mưa tồi tệ khác xảy ra. Các khu vực còn lại, trong đó có TP Trịnh Châu, được dự báo sẽ chứng kiến lượng mưa ít hơn.
Hôm 17/7, chính quyền địa phương cảnh báo rằng Tiêu Tác có thể hứng chịu lượng mưa lên tới 500 mm vào hôm 19/7, có nguy cơ gây ra lũ lụt “trăm năm có một” và phải sơ tán một số cư dân khỏi các khu vực trũng thấp.
Tuy nhiên, không phải Tiêu Tác mà là Trịnh Châu, thành phố 12 triệu dân, bất ngờ chứng kiến lượng mưa hơn 200 mm chỉ trong một giờ hôm 20/7, chậm hơn một ngày so với dự báo. Chính quyền thành phố phải ban bố cảnh báo đỏ, mức cảnh báo cao nhất nhưng khi đó hầu hết người dân đã trên đường đi làm.
Chiều cùng ngày, Trịnh Châu đã ghi nhận mưa nhiều hơn so với mức bình thường trong nửa năm, gây ngập đường phố và khiến hàng trăm hành khách bị mắc kẹt trên các chuyến tàu điện ngầm.
Trận lũ lụt khiến nguồn cung cấp điện và nước sinh hoạt từ quận này sang quận khác ở Trịnh Châu cũng bị hư hại.