Wednesday, December 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếCần hợp tác quốc tế để ngăn chặn tàu cá TQ

Cần hợp tác quốc tế để ngăn chặn tàu cá TQ

Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về số vụ đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU). Với một đội tàu đánh cá lên đến khoảng 800.000 chiếc, Trung Quốc đã khai thác cạn kiệt nguồn đánh bắt cá nội địa của họ từ lâu. Theo báo cáo gần đây của Trung tâm Stimson, Trung Quốc thừa nhận họ đang có khoảng 2.600 tàu đánh cá nước sâu, nhiều gấp 3 lần so với số tàu cá nước sâu của Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Đài Loan (đây là những nơi được ghi nhận có đội tàu lớn hàng đầu) cộng lại. Đội tàu này chủ yếu được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ tài chính. Đội tàu có tốc độ và hoạt động ngày càng phát triển.

Khi bị truy bắt, các tàu Trung Quốc kết lại thành nhóm để gây khó khăn và thoát thân khỏi lực lượng chức năng nước sở tại

1. Mối nguy hiểm đến từ đội tàu cá Trung Quốc

Thông qua các khoản trợ cấp của nhà nước, Trung Quốc khuyến khích đội tàu của mình tăng cường đánh bắt ở Biển Đông và đi xa hơn nữa để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa của Trung Quốc và thị trường quốc tế. Thế nhưng trong khi các quốc gia nhỏ hơn buộc phải tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn quốc tế và luật biển thì Trung Quốc lại “đứng ngoài vòng pháp luật” do sức mạnh kinh tế của nước này. Năm 2010, Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai một hệ thống thực thi gián tiếp, thúc đẩy những thay đổi sâu rộng ở nhiều quốc gia về tội đánh bắt cá bất hợp pháp. Tuy nhiên, hệ thống đó chỉ được áp dụng với các quốc gia và nền kinh tế không thể thách thức châu Âu. Campuchia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Đài Loan đều đã nhận “thẻ vàng” hoặc “thẻ đỏ”. Trong khi đó, Trung Quốc thoát khỏi mọi sự chỉ trích bất chấp nước này thực hiện thường xuyên và rộng rãi hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp. Điều này càng làm tăng thêm sự bất bình đẳng giữa hoạt động của tàu cá Trung Quốc và tàu cá của các nước nhỏ trong khu vực.

Ưu thế và sự xuất hiện dày đặc của những đội tàu đánh cá của Trung Quốc trên toàn cầu đặt ra những câu hỏi lớn về việc Trung Quốc “tung” số tàu lớn như vậy nhằm mục đích gì và với mức chi phí như thế nào. Ngoài an ninh lương thực cho 1,4 tỷ dân Trung Quốc, sức mạnh địa chính trị là lý do rõ ràng đằng sau chiến lược này của Bắc Kinh. Sự nguy hiểm của đội tàu cá Trung Quốc ở Biển Đông thể hiện trên một số điểm sau:

Thứ nhất, sự trợ giúp của chính phủ Trung Quốc khiến các đội tàu cá Trung Quốc chiếm ưu thế tại các ngư trường trên Biển Đông. Theo đánh giá của các chuyên gia, Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD để hỗ trợ ngành đánh cá của mình. Bắc Kinh giúp trang trải chi phí trang bị động cơ mới, vỏ thép bền hơn cho tàu đánh cá, an ninh vũ trang và tàu y tế. Ông Daniel Pauly, nhà điều tra chính của “Dự án biển quanh ta” tại Viện Đại dương và Thủy sản thuộc Đại học British Columbia, cho rằng nguồn hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc không chỉ làm gia tăng căng thẳng địa chính trị (khi cho phép tàu thuyền đi vào các khu vực tranh chấp) mà “chúng cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc làm cạn kiệt nguồn cá vì chúng đảm bảo cho các tàu hoạt động không ngừng”. Ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS), cho rằng: “Nếu không có các chương trình hỗ trợ khổng lồ, hạm đội tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc sẽ chỉ bằng một phần nhỏ so với quy mô hiện tại và trên Biển Đông sẽ không có nhiều đội tàu như vậy hoạt động”. Quy mô và sự hung hăng của hạm đội tàu này giúp Trung Quốc nắm quyền kiểm soát.

Thứ hai, ngoài các khoản trợ cấp hỗ trợ đội tàu đánh cá xa bờ, Trung Quốc còn có chương trình khuyến khích (cấp xăng dầu, cho các tàu chấp pháp hộ tống để bảo vệ, thậm chí cấp tiền mặt…) tàu thuyền hoạt động ở các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông như một cách để khẳng định yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Các tàu thuyền này nhận được nhiều lợi ích như những lợi ích mà Bắc Kinh dành cho hạm đội biển sâu, cộng thêm các khoản thanh toán bằng tiền mặt vì các tàu cá này hoạt động trong khu vực đó không có lợi nhuận.

Cuối tháng 3 vừa qua, Philippines đã tố cáo hơn 200 tàu tụ tập dài ngày ở đá Ba Đầu trong cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa. Hình ảnh vệ tinh cho thấy các tàu cá Trung Quốc trong khu vực này dành phần lớn thời gian neo đậu gần nhau thành từng cụm và không thực sự có hoạt động đánh cá. Ông Gregory Poling (AMTI) đã vạch trần thủ đoạn của Bắc Kinh khi nhấn mạnh: “Lý do duy nhất mà các ngư dân Trung Quốc đi ra Trường Sa là vì họ được trả tiền để làm như vậy”.

Sự hiện diện của các tàu này đã đẩy nhanh sự suy giảm sản lượng cá quanh các cấu trúc ở Trường Sa, dẫn đến các cuộc đụng độ với tàu cá của các nước khác và tạo điều kiện cho Trung Quốc khống chế và chiếm các rạn san hô này để rồi bồi đắp, xây dựng thành các đảo nhân tạo và bố trí các cơ sở quân sự trên đó. Cách làm này đã từng được Bắc Kinh thực hiện đối với đá Vành Khăn năm 1995 và lặp lại ở bãi cạn Scarborough năm 2012. Rõ ràng, các khoản trợ cấp không chỉ giúp phát triển đội tàu cá Trung Quốc thành một lực lượng toàn cầu với quy mô và phạm vi chưa từng có mà còn khiến đội tàu cá này “thấm nhuần” tham vọng, động lực và sự táo bạo mà các nước khác trong khu vực không sẵn sàng hoặc không có khả năng thách thức.

Thứ ba, các đội tàu cá Trung Quốc được coi là lực lượng bán quân sự, sẵn sàng tham gia vào các hoạt động quân sự khi cần thiết. Trong các đội tàu cá của Trung Quốc có rất nhiều tàu của lực lượng dân quân biển núp dưới danh nghĩa tàu cá nhưng không thực hiện hoạt động đánh bắt nên Bắc Kinh có thể nhanh chóng chuyển hướng bất kỳ phần nào của đội tàu cá sang các hoạt động bán quân sự. Trên thực tế, mục tiêu hoạt động của nhiều tàu dân quân biển trong các đội tàu cá là hỗ trợ các hoạt động tình báo, giám sát, trinh sát và nhắm mục tiêu, quấy rối công khai các lực lượng hải quân của các quốc gia khác trên các vùng biển mà Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông. Dưới lớp vỏ bọc tàu cá, các lực lượng này tìm cách ngăn cản, quấy phá các hoạt động kinh tế biển của các nước láng giềng (bao gồm hoạt động nghề cá và hoạt động dầu khí), đồng thời thu thập thông tin tình báo trên biển; tham gia hỗ trợ các tàu khảo sát Trung Quốc tiến hành các hoạt động trái phép trong vùng biển của các nước láng giềng. Hơn 200 tàu Trung Quốc tụ tập tại khu vực bãi Ba Đầu hồi tháng 3/2021 đã bị phanh phui hầu hết là tàu dân quân biển. Giới phân tích nhận định, nếu hoạt động của số tàu cá này không bị lên án mạnh mẽ thì nhiều khả năng lại xảy ra các vụ việc thâu tóm như đã xảy ra ở bãi cạn Scarborough năm 2012.

2. Mỹ ra tay ngăn chặn nguy cơ tàu cá Trung Quốc.

Tháng 5/2020, Washington đã ban hành một lệnh hành pháp “Thúc đẩy năng lực cạnh tranh thủy sản của Mỹ và tăng trưởng kinh tế”, đưa ra một số chính sách tạo tiền đề cho cuộc đối đầu trực diện với Trung Quốc, nước được cho là tội phạm nghề cá số 1 thế giới. Tiếp theo đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra một tuyên bố báo chí về việc đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung Quốc đã đánh bắt 73.000 giờ dọc theo vùng đặc quyền kinh tế của Ecuador từ tháng 7 đến tháng 8/2020. Ông Pompeo chỉ ra việc Trung Quốc trợ cấp cho đội tàu đánh cá thương mại lớn nhất thế giới cũng như việc các hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp của Trung Quốc đã bị dư luận nhiều nơi chỉ đích danh, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối việc Trung Quốc coi thường pháp quyền và bảo vệ môi trường.

Tháng 9/2020, Lực lượng Tuần duyên Mỹ đã công bố báo cáo “Triển vọng chiến lược IUU”, gọi hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát là “mối đe dọa an ninh hàng hải toàn cầu hàng đầu”. Trong lời kêu gọi “Chống lại hành vi nhà nước mang tính trấn lột và vô trách nhiệm”, báo cáo của Tuần duyên Mỹ đã vạch trần mưu toan của Trung Quốc sử dụng các đội tàu cá như một công cụ để thực hiện tham vọng bá quyền, trong đó nêu rõ các hành vi vi phạm chủ quyền và luật pháp quốc tế, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh thực hiện trách nhiệm phù hợp.

Tháng 10/2020, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ tuyên bố Lực lượng Tuần duyên Mỹ sẽ triển khai các tàu phản ứng nhanh mới nhất ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để kiểm soát việc đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc. Tiếp đó, trung tuần tháng 11/2020, ông David Feith, Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách chính sách khu vực và an ninh cùng các vấn đề đa phương tại Vụ Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết Washington sẽ gia tăng số lượng thỏa thuận “cho phép nhân viên chấp pháp lên tàu” để hỗ trợ các nước chống lại hành vi gây hấn của Trung Quốc (thỏa thuận này cho phép nhà chức trách của một quốc gia được phép lên các tàu thực thi pháp luật hoặc máy bay của quốc gia khác khi đang tuần tra).

Cuối tháng 11/2020, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) ở khu vực châu Á, cho biết, USAID sẽ khởi động chương trình kéo dài 5 năm bắt đầu từ năm 2021 về quản lý nghề cá ven biển bền vững trị giá 15 triệu USD để “giải quyết một số nguyên nhân dẫn đến hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU) đang làm suy giảm nghề cá ven biển hiện nay”.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ còn cho biết Washington đang chi 200 triệu USD cho các chương trình dành cho các quốc đảo nhỏ nhằm chống lại “hành vi có vấn đề” của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương. Thông qua những chương trình này, Mỹ hỗ trợ tiền cho các quốc gia như Palau và Papua New Guinea để thúc đẩy phát triển và bảo vệ ngành đánh bắt cá của họ trước sự cạnh tranh không chính đáng từ Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Mỹ đã có các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo của Palau và Papua New Guinea về khả năng thiết lập sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia của họ.

Lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ cũng đã tăng cường sự hiện diện trong khu vực, kể cả ở Biển Đông. Washington cũng triển khai thêm tàu chiến phản ứng nhanh mới nhất đến Guam để giúp kiểm soát các hoạt động đánh bắt hải sản. Tàu tác chiến gần bờ của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đã được điều động thường trú tại Singapore từ cuối năm 2019 và đã từng tham gia hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. Đây sẽ là lực lượng chính đối đầu với tàu cá và tàu dân quân biển cũng như Hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng thể hiện một thái độ cứng rắn với các hoạt động của lực lượng bán dân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Washington lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc tàu dân quân biển núp dưới danh nghĩa tàu cá tụ tập với số lượng đông ở bãi Ba Đầu hồi tháng 3 vừa rồi và có nhiều động thái thể hiện quyết tâm không cho Bắc Kinh lặp lại những gì đã xảy ra ở khu vực bãi cạn Scarborough năm 2012. Washington cũng đã hỗ trợ các nước ven Biển Đông tăng cường năng lực của lực lượng tuần tra trên biển, đây là nỗ lực của Mỹ nhằm giúp các nước ven Biển Đông đối phó với nguy cơ từ các đội tàu cá Trung Quốc.

3. Các nước ven Biển Đông cần tăng cường hợp tác đối phó với nguy cơ từ các đội tàu cá Trung Quốc.

Khó khăn cho các nước ven Biển Đông là năng lực tuần tra, giám sát các vùng biển còn kém, trong khi đó tàu cá Trung Quốc tập trung đánh bắt cá ở những nước không có khả năng giám sát tốt vùng biển ven bờ. Mặt khác, ngoài việc đánh bắt thủy sản, các tàu cá của Trung Quốc còn được nhà cầm quyền Bắc Kinh sử dụng vào mục tiêu bành trướng lãnh thổ trên Biển Đông. Trung Quốc cổ vũ, khuyến khích tàu cá của họ đi sâu vào vùng biển các nước láng giềng ven Biển Đông nhằm biến những vùng biển không có tranh chấp của các nước này thành vùng biển có tranh chấp để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Trong bối cảnh đó, các nước ven Biển Đông cần thể hiện thái độ cứng rắn với hoạt động bất hợp pháp của tàu cá Trung Quốc, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để đối phó với nguy cơ của tàu cá Trung Quốc. Theo đó, cần tăng cường hợp tác với nhau trong khuôn khổ ASEAN và tăng cường hợp tác với các nước ngoài khu vực. Về cơ bản, các nước trong khu vực cần hoan nghênh động thái của Mỹ triển khai chiến lược kiểm soát tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp ở Biển Đông.
Một số nước ven Biển Đông đã rút ra được những bài học từ việc ứng phó với tàu cá Trung Quốc. Cuối năm 2019, nhiều tàu cá Trung Quốc dưới sự yểm trợ của tàu hải cảnh đã xâm phạm khu vực biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia. Jakarta đã kiên quyết huy động sức mạnh hải quân của mình để gây sức ép, buộc các tàu của Trung Quốc phải rời khỏi khu vực này. Đối với Malaysia, năm 2020, nhiều tàu Trung Quốc đã quấy phá hoạt động dầu khí của Malaysia ở khu vực Luconia. Một số nguồn tin cho biết Malaysia đã âm thầm nhờ tàu chiến Mỹ tới khu vực này để làm đối trọng, khiến đội tàu Trung Quốc phải rời đi.

Trong vụ việc hơn 200 tàu Trung Quốc tụ tập ở bãi Ba Đầu tháng 3 vừa rồi, Philippines đã lên tiếng mạnh mẽ tố cáo, vạch trần thủ đoạn của Trung Quốc và nhận được sự ủng hộ của Mỹ, Nhật, Anh, Canada… nên các tàu của Trung Quốc cũng phải rời khỏi bãi Ba Đầu.

Việt Nam là một trong những nước có tranh chấp lớn nhất với Trung Quốc trên Biển Đông. Thời gian qua, các đội tàu của Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, đe doạ và quấy nhiễu các tàu và hoạt động dầu khí của Việt Nam. Rút kinh nghiệm từ các nước ven Biển Đông nói trên trong việc ứng phó với các đội tàu của Trung Quốc, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường các hoạt động trên 3 phương diện: một là, cần có thái độ rõ ràng, dứt khoát và cứng rắn với các hoạt động của các tàu Trung Quốc, đồng thời tranh thủ nâng cao năng lực tuần tra, giám sát trên biển; hai là, cần công khai lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hoạt động phi pháp của các tàu Trung Quốc, vạch trần thủ đoạn của đội tàu cá của Bắc Kinh. Kinh nghiệm cho thấy nếu “im lặng”, Bắc Kinh sẽ lấn tới; ba là, tăng cường hợp tác quốc tế đối phó với các hoạt động của các đội tàu Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới