Thiết bị điện tử cũ được tái chế là một ngành công nghiệp sinh lời khổng lồ nhưng cũng gây ra ô nhiễm môi trường trầm trọng từ những bãi rác thải điện tử.
Là một nhánh của ngành công nghiệp tái chế đồ cũ, các sản phẩm điện tử đã qua sử dụng bộc lộ tiềm năng to lớn.
Nhưng trong chuỗi ngành công nghiệp này, ai trở nên giàu có, ai trở nên điêu đứng? Khi các sản phẩm điện tử cuối cùng biến thành rác, chúng sẽ đi đâu?
Kinh doanh tái chế giá cao
Zhang Qi bước vào trung tâm mua sắm máy tính này với một chiếc máy tính xách tay chơi game có giá ban đầu là 8.900 NDT, anh chắc mẩm sẽ bán được với giá ít nhất là 6.000 NDT vì anh mới mua nó chưa đầy một năm.
Cửa hàng đầu tiên đưa ra giá tái chế khoảng 3.000 NDT, Zhang Qi không ngờ rằng giá máy tính lại giảm đến mức này. Anh ấy lang thang từ quán này sang quán khác và nhanh chóng nhận ra rằng không dễ dàng gì nếu chỉ hỏi giá ở đây.
Trong những năm gần đây, máy tính và điện thoại di động phiên bản mới được ra mắt ngày càng nhanh hơn. Một chiếc máy tính, đặc biệt là máy tính cũ, sẽ giảm giá theo thời gian. Zhang Qi hơi lo lắng, nếu để thêm thời gian nữa, anh ấy không biết nó sẽ giảm giá bao nhiêu.
3 giờ chiều, trong cửa hàng đã thưa thớt khách, nhưng vẫn không ai có thể cho Zhang Qi một cái giá anh mong muốn.
Trong cửa hàng thu mua đồ cũ ngoại tuyến, những sản phẩm mới 95 – 85% là sản phẩm đã qua sử dụng mà người mua có thể chấp nhận. Về cơ bản, những sản phẩm mới dưới 85% sẽ không được xem xét.
Ngoài ra, có sự khác biệt về mức độ duy trì giá trị của các thương hiệu khác nhau. Các sản phẩm của Apple có mức độ duy trì giá trị cao nhất, tiếp theo là Huawei. “OPPO và Vivo không tốt cho việc duy trì giá trị”, chủ một cửa hàng mua đồ cũ cho biết.
Tuy nhiên, giá cuối cùng của một sản phẩm điện tử đã qua sử dụng không do người mua đồ cũ quyết định.
Phóng viên Sina phát hiện ra rằng nếu khách hàng cá nhân quyết định muốn bán luôn trong ngày, những người buôn bán đồ tái chế sẽ liên hệ với một “người bí ẩn” qua điện thoại, và để họ kiểm tra sản phẩm và đánh giá giá cả.
“Các ông chủ thực sự đều ở trong văn phòng. Những thứ đồ tôi thu mua đều báo với ông chủ. Họ lấy đi 70% sản phẩm điện tử mà chúng tôi loại bỏ. Họ là gia đình và đồng minh của chúng tôi”.
Hầu hết các ông chủ đằng sau các cơ sở tái chế đều có cơ sở cố định ở Quảng Châu, Thâm Quyến. Dựa trên sự hiểu biết ngầm và tin tưởng, hai bên đã thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài và ổn định.
Đối với mức thu nhập, một người thu mua đồ điện tử Lin cũ chia sẻ, “Trung bình một thiết bị điện tử cũ, một số người có thể kiếm được 100 tệ và một số kiếm được nhiều hơn, 500 hoặc 800 tệ. Đây có nói là công việc nhàn hạ lương cao”.
Theo dự báo của iiMedia Consulting, số lượng người dùng kinh doanh đồ cũ trực tuyến ở Trung Quốc vượt quá 180 triệu người vào năm 2020. “Báo cáo quan sát người dùng trong nền kinh tế đã qua sử dụng” cũng cho thấy người dùng kênh mua bán đồ cũ trực tuyến hiện nay chủ yếu là những người trẻ tuổi từ 18 đến 34, 90% người dùng thực hiện giao dịch ít nhất một lần một tháng và 24% người dùng thực hiện các giao dịch đồ cũ trung bình mỗi quý.
Theo dữ liệu từ Viện nghiên cứu MobData, khối lượng giao dịch hàng năm của đồ cũ ở Trung Quốc là 742 tỉ NDT vào năm 2018, 964,6 tỉ NDT vào năm 2019 và 1.254 tỉ NDT vào năm 2020.
Nhu cầu thị trường tăng mạnh, các sàn thương mại điện tử đồ cũ mọc lên như nấm. Theo dữ liệu từ tìm kiếm doanh nghiệp, hiện có 42.000 doanh nghiệp liên quan đến “thương mại điện tử đã qua sử dụng” ở Trung Quốc.
Về các sản phẩm điện tử đã qua sử dụng, dữ liệu của CIC cho thấy khối lượng giao dịch hàng điện tử tiêu dùng đã qua sử dụng của Trung Quốc đạt 188,6 triệu chiếc vào năm 2020 và sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 23,7% trong 5 năm tới và dự kiến đạt 545,8 triệu đơn vị vào năm 2025.
Con đường lưu thông toàn cầu của rác thải điện tử
Trong chuỗi ngành công nghiệp tái chế điện thoại di động của Trung Quốc, phần thượng nguồn chủ yếu liên quan đến các nguồn sản phẩm, bao gồm người tiêu dùng cá nhân, nhà sản xuất điện thoại di động và nền tảng thương mại điện tử.
Đơn vị chính ở giữa chuỗi ngành là nền tảng giao dịch, bao gồm cả nền tảng giao dịch ngoại tuyến và các nền tảng thương mại trực tuyến. Ngành công nghiệp hạ nguồn của chuỗi liên quan đến các kênh phân phối điện thoại di động đã qua sử dụng; điểm đến cuối cùng của điện thoại di động đã qua sử dụng chủ yếu là bán lại và đổ vào môi trường.
Theo thông điệp tái chế của nền tảng giao dịch, việc tái chế và phân loại cụ thể các máy cũ được chia thành ba loại. “Loại đầu tiên có chất lượng cao và màu sắc đặc biệt mới, loại máy này được đặt trên nền tảng B2C (Business To Consumer) với lợi nhuận cao nhất; loại thứ hai chất lượng tương đối bình thường và màu sắc tương đối cũ, để người mua tự trả giá; loại thứ ba chất lượng cực kỳ kém, ví dụ như màn hình bị hỏng, nếu không sử dụng lại được thì giao trực tiếp cho cơ sở đủ điều kiện bảo vệ môi trường để tháo dỡ”.
Tuy nhiên, tỷ lệ tháo dỡ bảo vệ môi trường là rất nhỏ.
Theo thống kê của Viện nghiên cứu dữ liệu lớn Aihuishui, 5 thương hiệu điện thoại được tái chế nhiều nhất trong năm 2019 là Apple, Xiaomi, Huawei, Honor và Samsung.
Năm 2019, Tổ chức Lao động Quốc tế ILO cho biết nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm điện tử ngày càng tăng khiến rác thải điện tử cũng tăng theo.
Báo cáo “Giám sát chất thải điện tử toàn cầu năm 2020” do Liên hợp quốc công bố cho thấy tổng lượng chất thải điện tử trên toàn cầu trong năm 2019 đạt mức kỷ lục 53,6 triệu tấn.
Năm 2019, chỉ 17,4% rác thải điện tử được thu gom và tái chế. Điều này có nghĩa là vàng, bạc, đồng, bạch kim và các vật liệu có giá trị cao, có thể tái chế được hầu hết đều bị vứt bỏ hoặc đốt thay vì được thu gom để xử lý và tái sử dụng. Giá trị của những chất thải điện tử tái chế này có thể lên tới 57 tỉ USD, vượt quá GDP của nhiều quốc gia.
Các sản phẩm điện tử phế thải chứa một lượng lớn tài nguyên tái tạo như sắt, đồng, nhôm, nhựa và kim loại quý, nhưng nếu quy trình tái chế không đạt tiêu chuẩn, các chất độc hại trong sản phẩm sẽ gây ô nhiễm môi trường sinh thái.
Vào năm 2012, báo cáo “Tác động toàn cầu của chất thải điện tử: Giải quyết thách thức” do Cục An toàn lao động và Tổ chức Lao động Quốc tế phát hành đã đề cập rằng chất thải điện và điện tử là dòng chất thải gia tăng nhanh nhất. Xử lý chất thải điện tử theo hướng thân thiện với môi trường phức tạp và tốn kém, thiếu luật pháp hoặc các biện pháp bắt buộc.
Do đó, hầu hết chất thải điện tử được loại bỏ như một dòng chất thải chung và 80% chất thải điện tử được tái chế ở các nước phát triển cuối cùng lại được vận chuyển đến các nước đang phát triển (thường là bất hợp pháp) và được tái chế bởi hàng trăm nghìn lao động phi chính thức.
Nói chung, hàng điện tử đã qua sử dụng quy mô nhỏ thường được vận chuyển đến Tây Phi, trong khi quy mô lớn hơn và có tổ chức hệ thống được vận chuyển đến Đông Nam Á.
Theo Báo cáo năm 2012, Trung Quốc nhận nhiều rác thải điện tử nhất – khoảng 70% và có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, về mức độ lớn của các dòng chất thải điện tử xuyên biên giới này, không có số liệu chính xác. Ngoài ra, do sự giám sát tăng cường ở châu Á, nhiều rác thải điện tử sẽ được vận chuyển đến các nước Tây Phi trong tương lai.
Các điểm đến ở châu Á cho rác thải điện tử thường bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Malaysia, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam.
Thị trấn Guiyu, Quảng Đông từng là nơi tái chế rác thải điện tử lớn nhất thế giới. Thị trấn vô danh này khai thác tới 15 tấn vàng từ rác thải điện tử mỗi năm và được gọi là “thị trấn tháo dỡ rác thải điện tử đầu tiên”.
Việc tháo dỡ rác thải điện tử diễn ra nhanh chóng, và Guiyu đã sớm hình thành một chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh gồm tái chế, tháo dỡ, xử lý và bán hàng. Thống kê cho thấy khoảng 100.000 người đang tham gia vào các hoạt động tái chế rác thải điện tử, chiếm 80% dân số của thị trấn và ngành công nghiệp tháo dỡ từng chiếm 90% GDP của Guiyu.
Trong những năm gần đây, chính quyền địa phương nhận thấy rằng các hoạt động tái chế rác thái điện tử quy mô lớn đã gây ra thiệt hại lớn cho môi trường và bắt đầu siết chặt hơn các hoạt động này.
Quay trở lại con đường lưu thông, những thống kê và khảo sát thực địa cho thấy Tây Phi là con đường thương mại chính của rác thải điện tử vào lục địa châu Phi, trong khi Ghana và Nigeria là đầu mối nhập khẩu chính của nước này. Xét về tổng lượng rác thải điện tử nhập khẩu, Nigeria đứng thứ hai trong khu vực. Hầu hết tất cả các vật liệu được thu gom đều đi vào lĩnh vực tái chế không chính thức.
Vấn đề buôn bán rác thải điện tử của Ấn Độ cũng đang trở nên tồi tệ hơn. Theo dữ liệu vào năm 2019, nhu cầu về các sản phẩm điện tử của Ấn Độ đạt 400 tỉ USD vào năm 2020, điều này sẽ dẫn đến sự gia tăng rác thải điện tử. Một thống kê từ Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (PGSham) và công ty tư vấn cKinetics đã chỉ ra Ấn Độ sẽ có 520 tấn rác thải điện tử được sản xuất hàng năm.
Trong hai năm qua, việc xử lý và lưu thông rác thải điện tử vẫn là một vấn đề chưa được giải quyết trên toàn cầu.
Năm 2019, ILO tuyên bố tại cuộc họp rằng ở các nước đang phát triển, hầu hết công việc xử lý rác thải điện tử là phi chính thức, thường do người nhập cư, trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương thực hiện tại những môi trường làm việc không chính thức như nhà riêng của họ.
Môi trường độc hại cho sức khỏe, người lao động không được bảo vệ an toàn và thiếu quyền lợi. Bên cạnh đó, các phương pháp phân loại còn đơn giản, và không thể thực hiện tái chế có giá trị ở mức độ lớn nhất.
Kinh doanh đồ điện phế thải có tiềm năng rất lớn trong thời đại công nghệ và Internet, nhưng việc thúc đẩy quá trình tiêu chuẩn hóa của ngành là một nhiệm vụ khó khăn và vô cùng thách thức.
Với sự ra đời của kỷ nguyên 5G, số lượng rác thải điện tử sẽ còn tăng mạnh.
Giám đốc Nghiên cứu Canalys, Ben Stanton cho biết, “Điện thoại di động 5G đang có đà phát triển mạnh mẽ, chiếm 37% lượng xuất xưởng toàn cầu trong quý đầu tiên và dự kiến sẽ chiếm 43% (610 triệu chiếc) xuất xưởng trong cả năm nay. Nhiều nhà sản xuất đang cạnh tranh mạnh mẽ để biến điện thoại 5G trở thành điện thoại di động rẻ nhất. Đến cuối năm nay, 32% tổng số điện thoại di động 5G được xuất xưởng sẽ có giá thấp hơn hơn 300 USD”.
Vào tháng 7/2020, báo cáo “Giám sát chất thải điện tử toàn cầu 2020” do Liên hợp quốc công bố cho thấy từ năm 2014 đến năm 2019, lượng chất thải điện tử chính thức được thu gom và tái chế mỗi năm tăng 1,8 tấn, trong khi lượng rác thải điện tử chất thải phát sinh trong cùng kỳ tăng 9.2 tấn. Các phương pháp thu gom và tái chế hiện tại không thể theo kịp tốc độ rác thải điện tử trên toàn cầu.
Công nghệ tiếp tục phát triển, chủ nghĩa tiêu dùng tràn lan, và vòng đời của các sản phẩm điện tử không ngừng rút ngắn.
Sau khi máy móc và linh kiện cũ bị vứt bỏ, một lượng lớn rác thải điện tử không có nơi nào để đi, không ai quan tâm đến và cuối cùng chúng trở thành rác thải độc hại “không bao giờ biến mất”.