Sau khi Trung Quốc ban hành một loạt quy định mới nhằm quản lý Internet và ngành giáo dục đào tạo, cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan đã ngay lập tức lao dốc trên thị trường chứng khoán ở trong và ngoài nước, hàng nghìn tỷ Nhân dân tệ (NDT) đã bốc hơi chỉ trong vòng hai ngày.
Tờ Tân Hoa Xã đã cấp tốc đăng một bài báo xoa dịu, nhưng các nhà phân tích vẫn không lạc quan mấy về triển vọng thị trường, bởi vì hành động trấn áp các công ty dựa trên những cân nhắc chính trị của Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư cảm thấy rủi ro.
Các kênh truyền thông ở đại lục vào ngày 29/7 đưa tin rằng, ba chỉ số chính của cổ phiếu loại A đã lao dốc không phanh, hơn 4 nghìn tỷ NDT đã bốc hơi chỉ trong hai ngày Thứ Hai (26/7) và Thứ Ba (27/7). Trong ba ngày giao dịch vừa qua, khoản mua ròng tích lũy của quỹ hướng Bắc đã vượt quá 21 tỷ NDT.
Theo dữ liệu của Bloomberg, kể từ thứ Năm tuần trước (22/7), chứng khoán ở Trung Quốc và Hồng Kông đã bốc hơi gần 1,5 nghìn tỷ USD.
Công ty chứng khoán HUAXI ở Trung Quốc đã phân tích làn sóng bán tháo này của thị trường chứng khoán và cho rằng, việc thực thi các chính sách điều tiết trong một số lĩnh vực có thể đã dẫn đến sự không chắc chắn trong hoạt động kinh doanh tại một số ngành của các công ty, gây ra lo lắng trên thị trường.
Gần đây, Bắc Kinh thường xuyên đưa ra những “quy định mới” nhắm vào các công ty Internet và ngành giáo dục đào tạo. Ví dụ, một văn bản vào ngày 24/7 đã cấm việc phê chuẩn các cơ sở đào tạo ngoài giờ cho học sinh trong giai đoạn giáo dục bắt buộc, tất cả các cơ sở đào tạo loại này đều không được tài trợ và niêm yết trên thị trường chứng khoán, các công ty niêm yết không được phép mua tài sản của các cơ sở đào tạo này bằng cách phát hành cổ phiếu hay trả tiền mặt. Chính quyền còn kiểm soát chặt chẽ các công ty Internet bằng những lý do như “chống độc quyền”, “an ninh mạng”, v.v. Alibaba, Tencent, Didi, Meituan và các công ty khác đều đã bị phạt hoặc kiểm duyệt nghiêm trọng trong những tháng gần đây.
Giá cổ phiếu của các công ty liên quan tại thị trường chứng khoán ở Trung Quốc, Hồng Kông và Hoa Kỳ đã giảm mạnh. Vào ngày 23/7 và 26/7, khi chứng khoán Hoa Kỳ hồi phục mạnh mẽ trở lại thì cổ phiếu của các công ty Trung Quốc lại trượt dốc, tổng giá trị thị trường trong hai ngày giao dịch đã tiêu mất 250 tỷ USD.
Vào khoảng 11 giờ đêm hôm thứ Tư (28/7), Tân Hoa Xã đã đăng bài nói về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, liệt kê một số dữ liệu như GDP, xuất nhập khẩu, sản xuất, và nói rằng “Các nguyên tắc cơ bản trong việc tiếp tục cải thiện nền kinh tế của Trung Quốc không có thay đổi, quyết tâm mở cửa với thế giới bên ngoài không có thay đổi, tiến độ cải cách sâu rộng và toàn diện của thị trường vốn sẽ không dừng lại”.
Bài báo cũng đặc biệt đề cập đến các chính sách điều tiết của chính quyền về nền tảng Internet và ngành giáo dục đào tạo, nói rằng “có một số nghi ngờ trên thị trường, và loại tâm lý này đã phản ánh trên thị trường chứng khoán”. Đồng thời bổ sung thêm rằng các chính sách điều tiết này “không nhằm hạn chế và trấn áp các ngành nghề liên quan, mà là có lợi cho sự phát triển lâu dài của kinh tế và xã hội”.
Vào ngày thứ hai sau khi bài báo trên được phát hành, cổ phiếu loại A và chứng khoán Hồng Kông đã tăng trở lại.
Hãng tin Bloomberg vào ngày 29/7 đã dẫn lại lời của Thomas Gatley, một nhà phân tích tại Gavekal Research, cho biết cường độ quản chế trấn áp và tâm lý thị trường có thể sẽ giảm trong tương lai gần, nhưng không có nghĩa là chính quyền sẽ dừng hành động kiểm soát toàn diện đối với các nền tảng Internet, bởi vì chính trị là cái nó cân nhắc đầu tiên.
Mark Po, một nhà phân tích của công ty China Galaxy International Financial Holdings Limited ở Hồng Kông, dự đoán rằng tâm lý thị trường sẽ không hoàn toàn lắng dịu trong thời gian ngắn do các chính sách liên quan chưa rõ ràng, đặc biệt là các chính sách nhắm vào các công ty Internet.
Eddie Chia, Giám đốc danh mục đầu tư của công ty China Life Franklin, nói rằng Trung Quốc có thể trấn an một số nhà đầu tư, nhưng Trung Quốc đã gửi đi một thông điệp rằng nó có thể trấn áp bất kỳ lĩnh vực nào mà nó coi là một mối đe dọa.
Margaret Yang, một chiến lược gia tại trang web tài chính DailyFX, cũng tin rằng mặc dù chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông hồi phục vào ngày 29, nhưng các nhà đầu tư đã nhận định rằng có những rủi ro trong quy định (của chính quyền Trung Quốc), rất nhiều nhà đầu tư bị lỗ có thể sẽ tận dụng cơ hội hồi phục này để bán tháo.
Ông Phùng Sùng Nghĩa, một phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney ở Úc, nói rằng báo cáo của Tân Hoa Xã chắc chắn là vì để xoa dịu quần chúng ở trong và ngoài nước.
Ông nói: “Thật khó để nói liệu họ có thể đạt được mục đích hay không, bởi vì hiện tại đang có một hiệu ứng gây cóng trong dư luận. Có vài công ty đã ngay lập tức mất đi 80% giá trị thị trường. Những người trong ngành đều biết con số này là như thế nào. Những số liệu họ công bố đối với những người trong ngành là không có tác dụng gì cả”.