Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVẫn là ông Duterte

Vẫn là ông Duterte

Cuối cùng, “hoàng hôn nhiệm kỳ” của ông Duterte cũng đã tới. Ngày 26 tháng 7 vừa qua, ông Duterte có bài diễn văn toàn quốc thường niên lần thứ 6, cũng là bài diễn văn cuối trước lúc mãn nhiệm. Người ta từng chờ đợi một cái gì mới hơn trong bài diễn văn đó về quan hệ của với Trung Quốc, về phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) thành lập theo Phụ lục 7 Công ước LHQ về Luật biển 1982 trong vụ kiện Trung Quốc… Nhưng hóa ra: Chẳng có gì mới. Ông Duterte vẫn là ông, trong câu chuyện này. Nghĩa là, dù tiền hậu bất nhất, cả trong lời nói và hành động, nhưng …sợ Trung Quốc đến run rẩy thì không hề thay đổi.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong diễn văn toàn quốc thường niên lần thứ 6, cũng là lần cuối của ông trên cương vị lãnh đạo

Sự run rẩy của ông Duterte khiến người dân Philippines, những ngày này, càng thêm nhớ người cựu tổng thống Benigno Aquino III, tiền nhiệm của ông Duterte Nhớ vì xót ông Benigno vừa từ trần ngày 24/6/2021. Nhớ vì ông Benigno là người có công lớn trong việc cải thiện đáng kể đời sống kinh tế của Philippines; và nhất là đây là người quyết tâm khởi kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế, sau khi Trung Quốc dùng thủ đoạn chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippine năm 2012.
Tiếc là khi Phán quyết của PCA tuyên (vào tháng 6/2016), thì ông Benigno đã kết thúc nhiệm kỳ, rời chiếc ghế tổng thống. Thế nên, vị tổng thống mạnh mẽ này chỉ có thể nhấm nháp thành công và thể hiện cảm xúc trước thắng lợi chung của đất nước – trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của chính mình – như một người dân, hay đúng hơn, như một cựu tổng thống.
Biết phán quyết của PCA chỉ bao hàm giải thích luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật biển, không có cơ chế thực thi. Biết với cơ chế đó, thế giới chẳng thế mang xe ủi mà ủi, mà xúc, san phẳng những gì Trung Quốc đã và đang  làm tại các đảo, đá cưỡng chiếm trái phép trên Biển Đông, biến chúng thành các cứ điểm quân sự, chuẩn bị vật chất cho tham vọng bành trướng…, nhưng dù sao, đó vẫn là thắng lợi. Mong manh, nhưng ông Benigno và không ít người vẫn hy vọng: Một quốc gia thực sự văn hóa và tự trọng, tự họ sẽ hành xử một cách biết điều.

“Niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Khác với người tiền nhiệm, mạnh mẽ và quyết đoán trong vấn đề Biển Đông, ngồi vào chiếc ghế tổng thống quyền lực, ông Duterte gần như “quên béng” phán quyết. Ông thực hiện những nước cờ ngoại giao mềm mại như bún, yểu điệu như thục nữ xứ Kinh thi. Thậm chí, có lúc ông còn định rời xa ông bạn đồng minh số một, là Mỹ, để ngả hẳn vào một Trung Quốc ngày càng hung dữ, vươn móng vuốt trên Biển Đông và ngang bướng chẳng thèm quan tâm đến dư luận, chẳng coi phán quyết là “cái đinh gì” với lý do, đó là một phiên tòa đơn phương của bên nguyên, đây không liên quan.

Với chính sách ngoại giao mềm, ông Duterte hy vọng, thay vì nắm đấm, Trung Quốc sẽ giang vòng tay âu yếm; Trung Quốc sẽ giao lại quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough; húc tàu nước nào thì húc, Trung Quốc sẽ trừ tàu của ngư dân Philippines; Trung Quốc sẽ không đe, không dọa, không nạt các hoạt động của lực lượng chấp pháp của Manila; Trung Quốc sẽ đổ tiền như đổ cát vào các dự án đầu tư hạ tầng của Philippines; Trung Quốc và Philippines sẽ “khai thác chung” trên Biển Đông, trong đó, trọng tâm là dầu khí; Trung Quốc sẽ…

Nhưng Maniala cuối cùng đã vỡ mộng. Tàu cá của ngư dân Philippines vẫn bị tàu Trung Quốc đâm chìm nghỉm, mặc kệ số phận hàng chục ngư dân có thể làm mồi cho cá mập. Tàu chiến Trung Quốc vẫn chĩa súng vào tàu Philippines. Thỏa thuận hợp tác khai thác chung trên Biển Đông nằm ì trên giấy. Hy vọng về tiền bạc đổ vào các dự án kinh tế cũng ngày một xa vời. Bãi cạn Scarborough, coi như thành của Trung Quốc…

Thực tế phũ phàng đó khiến ông Duterte từng có lúc bỗng mạnh mẽ tới mức nổi xung với Trung Quốc, mang câu chuyện phán quyết ra “báo cáo” trước diễn đàn quốc tế lớn nhất, là LHQ, khẳng định rằng: “ Phán quyết là một phần luật pháp quốc tế”. Thậm chí, có lúc, ông còn từng quả cảm nhắc đến nó khi cụng ly với ông Tập Cận Bình tại Trung Nam Hải trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2019…

Nhưng trước hết, cũng là sau hết, trước một Trung Quốc hung dữ như cọp, với ông Duterte vẫn là nỗi sợ. Nỗi sợ từng được ông, hoặc nói xa nói gần, hoặc nói thẳng tưng hơn một lần trước đây. Nỗi sợ đó khiến ông đâu thể “đấu tranh cho những gì xứng đáng cho người dân Philippines” như ông nói, cũng trong bài diễn văn cuối nhiệm kỳ này.

Và lần này, trong bài diễn văn cuối cùng ở vị trí tột đỉnh cuộc đời chính trị đã đạt được, chẳng có gì mới, vẫn là nỗi sợ Trung Quốc đã đep đẳng, ám ảnh ông suốt hơn 5 năm qua.

Chính thế, thay vì những lời hoa mỹ, thay vì những lời mạnh mẽ, ông thật thà nhắc lại điều ông đã từng nghĩ, và thật thà công khai trước người dân và thiên hạ: “Các bạn muốn chiến tranh với Trung Quốc không? Ừ, tôi sẽ nói các bạn nghe. Kể cả trên bờ biển hay hay bãi biển Palawan, trước khi các bạn cất cánh thì có lẽ tên lửa Trung Quốc đã ở đó chừng 5 hay 10 phút. Sẽ là một cuộc thảm sát, nếu chiến tranh lúc này”.

 Không muốn chiến tranh là một nhẽ. Làm mọi cách để bảo vệ hòa bình là một nhẽ. Đằng này, tất cả chỉ là nỗi sợ hãi của ông Duterte.

Thế nên, nói từ bình minh tới hoàng hôn nhiệm kỳ, chẳng nghi ngờ gì nữa, “ông Duterte vẫn là ông Duterte” là vậy.

RELATED ARTICLES

Tin mới