Tới thời điểm này, có thể nói, Mỹ thực sự đã thể hiện là “kho vaccine của thế giới” – như người đứng đầu Nhà trắng, ông Biden đã nói. Sau khi đã đã đáp ứng đủ nhu cầu vaccine trong nước, Mỹ bắt đầu thể hiện vai trò là một cường quốc thật sự, viện trợ vaccine cho nhiều quốc gia.
Tổng thống Rodrigo Duterte tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ở Manila ngày 29.7
Việc viện trợ của Mỹ theo cơ chế Covax và cả viện trợ trực tiếp theo nghĩa như quà tặng chính phủ. Tới ngày 3/8, Nhà Trắng cho biết, đã công bố tặng và chuyển hơn 110 triệu liều tới hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Cảm ơn Mỹ – điều đó đã hẳn, đối với các quốc gia tiếp nhận món quà vaccine có thể coi là “quí hơn vàng” trong thời điểm dịch bệnh bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia, chưa kể tới việc vaccine Mỹ được thực tế kiểm nghiệm chất lượng đầu bảng trong số 6 loại vaccine được WHO phê duyệt khẩn cấp.
Trong số các quốc gia tiếp nhận vaccine viện trợ của Mỹ, Philippinnes đứng thứ hai, với 6.239.000 liều, chỉ sau Indonesia nhận tròn 8 triệu liều. Tuy thứ hai, nhưng ai cũng thấy, trong vụ quà cáp này, Philippinnes mới là quốc gia được Mỹ ưu ái nhất. Dân số Philippinnes là 108 triệu người, trong khi Indonesia, dân số tới 276 triệu, chưa kể, xét về mức độ, dịch Covid-19 tại quốc đảo này có phần còn khốc liệt hơn, vậy mà Philippines có quà nhiều hơn.
Mỹ thì luôn khẳng định: Viện trợ vaccine mà họ làm hoàn toàn vì lý do nhân đạo, chẳng hề kèm theo một điều kiện nào.
Đang lúc đói mà được biểu đồ ăn thì là quý; nghi nghi, ngờ ngờ có khi mang tội. Rất có thể, đa phần, món quà vaccine của Mỹ tặng là hoàn toàn vô tư, trong sáng. Tuy nhiên, với trường hợp Philippinnes, nhiều người không khỏi đặt một dấu hỏi: Tại sao thế nhỉ, nếu so với các quốc gia khác cùng khu vực, cùng hoàn cảnh – tức cùng đang bị dịch bệnh hoành hành? Việt Nam chẳng hạn. Kiểm soát tốt những làn sóng dịch đầu. Nhưng tới làn sóng dịch thứ 4, số ca bệnh lừ lừ tịnh tiến, tới hơn 174.000 người (tính tới ngày 4/8). Thế nhưng, trong đợt viện trợ này, Mỹ cũng chỉ quà cho Hà Nội 5 triệu liều.
Mà cũng đúng thôi, xét về quan hệ với Mỹ, Việt Nam sao có thể so được với Philippinnes. Trong khu vực Đông Nam Á, Philippinnes là quốc gia đồng minh có hiệp ước duy nhất với Mỹ. Sau khi Mỹ rút quân khỏi nước này năm 1992, hai nước có Hiệp định về Thỏa thuận lực lượng thăm viếng (VFA), theo đó, Mỹ có quyền gửi lực lượng quân sự tới Philippinnes thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ văn bản có tính pháp lý này.
Thỏa thuận đó, suy cho cùng, có lợi đâu chỉ cho Mỹ trong việc khai thác Philippinnes như một cơ sở nhiều mặt, nhất là quân sự để bảo đảm vị thế, sức mạnh và gia tăng ảnh hưởng trước một Trung Quốc ngày càng tỏ rõ tham vọng bá quyền, muốn soán ngôi Mỹ để lãnh đạo thế giới. Còn Philippinnes, họ làm thế nhằm có chỗ dựa để, nếu không tránh được hẳn, thì cũng là hạn chế sự hung hăng của Bắc Kinh diễn ra hàng ngày trên Biển Đông.
Tuy nhiên, dù thế, niềm tin chính trị mới là quan trọng, Và nó cần được thể hiện một cách cụ thể, trong những tình huống khó khăn nhất, như một sự thử thách.
Tìm nguyên nhân chuyện sứt mẻ, “Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong quan hệ giữa Manila và Washington thời gian gần đây, không thể không tính vụ bãi cạn Scarborough năm 2012. Trong vụ đó, Philippinnes sao lại không thể trách ông bạn đồng minh Mỹ đã “hứa cuội” khi nhắm mắt ngó lơ để Trung Quốc dùng thủ đoạn, lừa đảo chiếm gọn quyền kiểm soát bãi cạn này từ tay Philippinnes. Tiếp đó, thái độ trung dung, “lờ lờ nước hến” của Mỹ đối với phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) trong vụ Philippinnes kiện Trung Quốc cũng không thể làm Manila vừa lòng. Giá như Mỹ thể hiện thái độ quyết liệt hơn với Trung Quốc khi PCA ra phán quyết, biết đâu, ông Duterte lại đã chẳng không ứng xử một cách nhu nhược, từ đầu nhiệm kỳ tới tận những ngày cuối nhiệm kỳ này.
Tích tiểu thành đại các sự kiện gây mếch lòng, tới tháng 2 năm 2020, thêm một mối bất hòa được khơi mào, khi Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết trừng phạt các quan chức Philippinnes liên quan cuộc chiến chống ma túy đẫm máu của ông Duterte.
Nghĩ là không còn cớ nào thích hợp hơn, như lột xác thành một người cứng rắn, ông Duterte tuyên bố hủy bỏ VFA. Tới lúc này, lật lại câu chuyện, nhiều người mới ngã ngửa: hóa ra, việc tuyên bố hủy bỏ VFA của ông Duterte chẳng có gì khó hiểu, khi biết rằng, trước đó, ông đã thập thò ý định “thoát Mỹ, gần Trung”, với hy vọng, Bắc Kinh sẽ đổ tiền vào Philippines nhiều hơn Mỹ gấp bội; thái độ gay gắt, hủy bỏ VFA, tức đoạn tình với Mỹ, sẽ là món quà khiến Bắc Kinh đẹp lòng, từ đó nương nhẹ Manila
Nhưng thực tế đã khiến ông Duterte và Manila ngấm đòn. Ông Trump – khi đó là tổng thống, chẳng chút xót xa cho sự sứt mẻ với Philippines, đã cười khẩy mà rằng: Hủy hả? Vậy thì Mỹ càng đỡ tốn. Còn Bắc Kinh vẫn thế: Lá mặt lá trái và hứa hão, tử tế giả vờ. Trong thế kẹt, ông Duterte chơi nước đôi: hoãn việc hủy VFA 6 tháng. Rồi sau đó, cứ 6 tháng một, việc hoãn lại được gia hạn…
Gần 2 năm trôi qua, vài bận hoãn.
Tới nay thì mọi chuyện đã được vãn hồi. Cho dù đã có ý từ vài ngày trước trong cuộc gặp bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Lliyd Austin. Nhưng, chỉ sau khi nhận món quà 6.239.000 liều vaccine từ Mỹ, ông Duterte mới thật sự hể hả, nói thẳng tưng: “Việc tài trợ vaccine cho Philippines đã thuyết phục ông giữ VFA với Mỹ để …tỏ lòng biết ơn”.
Mang VFA như một món mồi nhắm vừa thơm, vừa béo để mặc cả một cái gì đó đáng kể. Tới nay, ai cũng thấy, ông Duterte đã đạt được rồi. Chỉ có điều, nó cho thấy thêm một khía cạnh về tính thực dụng của người đang ông quyền lực nhất Philippines sắp tới hồi mãn nhiệm.